Menu ngang

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

 

          “ THAO THỨC CHONG ĐÈN ” 

          ( THAY LỜI GIỚI THIỆU )

                                            

                                                    Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

 

Ngẫu nhiên tôi được tiếp cận bản thảo Trước dèn của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu vào đúng dịp giới văn chương cả nước kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020). Theo dòng chảy thời gian, câu thơ “Cảo thơm lần giở trước đèn…” trong kiệt tác Truyên Kiều đã trở thành hình tượng biểu trưng cho bao lớp người thao thức đọc sách ngẫm suy về thế thái nhân tình. Một vị tướng người xứ Nghệ, trưởng thành từ chú lính trẻ măng chưa đủ tuổi tòng quân, lăn lộn qua nhiều chiến trường ác liệt, thương tích đầy mình, đảm đương nhiều cương vị, mà lúc rời binh nghiệp lại thao thức trước đèn, tiếp biến và luận bàn về văn chương… thì quả thực là quý. Sau phút ngỡ ngàng, tĩnh tâm lại, tôi hiểu sâu thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt, càng háo hức chong đèn đọc liền một mạch thâu đêm bản thảo cuốn Trước đèn của ông.

Khoảng chục năm gần đây, phần nào giới văn chương và bạn đọc đã biết về tác giả Nguyễn Manh Đẩu. Khi chiến tranh đã lùi vào quá vãng, ông cũng như nhiều vị tướng lĩnh, cựu chiến binh đều có nhu cầu tự thân viết hồi ức về các trận đánh hay những đau thương mất mát của dân tộc trong khói lửa chiến tranh tàn khốc. Và… đặc biệt tận thẳm sâu trong tâm thức họ là hồi ức về những đồng đội đã từng cùng nhau “ Súng bên súng, đầu gối bên đầu / Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ ” (Thơ Chính Hữu). Tôi có cơ may đọc khá nhiều tác phẩm của Nguyễn Mạnh Đẩu, nếu gom lại cỡ vài ngàn trang sách, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về tình người, tính chân thực và trí nhớ phi thường của tác giả là những cuốn: Những nẻo đường thời gian (NXB Quân đội nhân dân - 2010), Những kỷ niệm đời tôi (NXB Quân đội nhân dân - 2013), Suy ngẫm Luận bàn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014). Ngoài ra, còn có hai tập thơ với nhiều bài khá đặc sắc cả tứ lẫn lời : Một Chữ Tình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006), Chuyến tàu đời ( NXB Quân đội nhân dân, 2017 ). Về tính chân thực của hồi ức đã được nhiều vị tướng lĩnh ghi nhận như một lời bảo lãnh. Nguyên Tổng Bí thư BCHTƯĐ, Thượng tướng Lê Khả Phiêu viết: “ Cuốn Hồi ký Những nẻo đường thời gian do chính tác giả thể hiện, nên các câu chuyện được tái hiện sinh động, chân thực và có chiều sâu, có nhiều tư liệu quý, rất nên đọc và nghiên cứu ”. Giáo sư văn học, NGND Nguyễn Đình Chú có nhận xét lý thú về cái sự giàu có trong con người và tác phẩm của Nguyễn Mạnh Đẩu: “ Không phải giàu ngọc ngà, châu báu. Mà đây là giàu quan hệ, giàu kỷ niệm, giàu trải nghiệm, giàu tình nghĩa để rồi được hồi ức, được ngẫm suy, được bình luận, được giải bày sẻ chia, được nâng niu trên từng trang viết. Đọc xong Những kỷ niệm đời tôi của Nguyễn Mạnh Đẩu, cảm nghĩ bật dậy trong tôi là vậy. Và tôi như được uống một cốc nước mát giữa những ngày nóng nực, oi bức - cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng ”. Ở một khía cạnh khác rất đời, rất người, tiến sĩ văn học Mai Hồng Hải khi đọc thơ của Nguyễn Mạnh Đẩu đã phải thốt lên: “ Một chữ tình trong thơ anh là sự đa cảm của tâm hồn thi nhân giao hòa với cảnh vật, là tình yêu chân thành sâu sắc tới mức cảm động của một đồng đội đối với những đồng đội của mình, là tình yêu quê hương, đất nước. Và, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất mà tập thơ để lại trong lòng người đọc là sự thi vị của một tình yêu đôi lứa nồng nàn, chân thành mà mãnh liệt, đắm say ”.

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ thật khó có thể kể ra hết những lời nhận xét tốt đẹp về giá trị văn chương, lịch sử mà các nhà lãnh đạo, nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình văn học đã dành cho các tác phẩm nói trên của Nguyễn Mạnh Đẩu. Tôi không mảy may hoài nghi về tính chân thực, khách quan của những lời thẩm bình ấy. Bởi, với vốn sống phong phú, trí nhớ tuyệt vời và tấm lòng nhân hậu đầy ắp tình người của ông đã làm nên giá trị đích thực cho những trang văn hay những vần thơ ông viết. Dẫu thế, tôi vẫn ngỡ ngàng khi đọc hết bản thảo cuốn Trước Đèn - một tập phê bình - tiểu luận bao chứa nhiều lĩnh vực học thuật đòi hỏi kiến thức sâu rộng, thâm viễn của người viết. Những bài thẩm bình thơ, hồi ký, tiểu thuyết về chiến tranh của các cựu chiến binh vốn là sở trường của một vị võ tướng có văn, nhưng với bản tính khiêm nhường thận trọng ông luôn đọc rất kỹ, khi cần tham khảo thêm tư liệu để có những đánh gia chân xác, tìm ra cái được và chưa được của tác phẩm.

Hãy xem ông viết về cuốn hồi ký Trung đoàn - Một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn: “ Tôi đã được đọc nhiều tập hồi ký rất bổ ích, có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít hồi ký mà người viết đã vấp phải một trong hai trường hợp cực đoan, phiến diện: Hoặc là, quá nhấn mạnh cái tôi, lấy cái tôi làm trung tâm, thậm chí có người thiếu trung thực khi phản ánh các sự kiện - và điều này là không thể chấp nhận. Hoặc là, không hề thấy bóng dáng của con người tác giả trong từng trang viết, hồi ký như là bản chép lại lịch sử của một đơn vị cụ thể mà tác giả chỉ là một nhân chứng nhạt nhòa. Với tôi, tôi quan niệm hồi ký phải được thể hiện một cách trung thực, không được hư cấu, trong đó tác giả vừa là người dẫn chuyện, vừa là nhân vật chính. Là người dẫn chuyện, tác giả tự đặt mình trong dòng chảy chung, lấy đơn vị làm cái phông chung, phản ánh khá đầy đủ, chân thực, sinh động về các hoạt động, các chiến công của đơn vị, về thành tích của bạn bè, đồng đội. Đồng thời, là nhân vật chính, tác giả phải thể hiện được phần đóng góp xứng đáng của mình trong từng thời kỳ, từng sự kiện, từng trận đánh. Không nói về bản thân tác giả thì không phải là hồi ký! Theo tôi, anh Hồ Hữu Lạn đã tránh được cả hai loại trường hợp kể trên.”.

 Với cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, bằng tư cách người đọc có nghề, ông viết : “ Theo tôi, nguồn cảm hứng để Hồ Sỹ Hậu viết cuốn tiểu thuyết này, là phán ánh một thời kỳ lịch sử bi tráng của bộ đội Đường ống xăng dầu trên Tuyến vận tải chiến lược 559. Tinh thần cơ bản của Tiểu thuyết là sự trân trọng chiến công của đồng đội - Đặc biệt, nhằm tri ân những người đã anh dũng hy sinh trong mọi cảnh huống ở chiến trường. Máu đào của họ đã viết nên truyền thống oanh liệt của Bộ đội Đường ống xăng dầu, góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng cuối cùng của toàn dân tộc. Những nhân vật, không gian, sự kiện trong tiểu thuyết đã lùi xa mấy chục năm rồi, nhưng được giũ bụi thời gian, thông qua những dòng hồi ức, những trang viết thấm đẫm tình đồng đội, đầy tính nhân văn của Hồ Sỹ Hậu làm sống lại sự kiện và các mối quan hệ. Tiểu thuyết đã hiện lên trong tâm trí của người đọc, đem đến cho họ một nhận thức mới, một cách nghĩ mới đúng hơn.

 Toàn bộ tiểu thuyết được kết cấu xâu chuỗi, logic. Các trường đoạn trong các chương được khai triển đan xen nhau, vận hành theo qui luật tuyến tính, đồng thời có sử dụng thủ pháp đồng hiện. Nhờ đó làm cho người đọc vừa dễ tiếp nhận thông tin,vừa có sự hấp dẫn nhất định. Khi xây dựng nhân vật, Hồ Sỹ Hậu có chú ý đến thể hiện sự nhất quán về hoàn cảnh xuất xứ, tính cách, tâm lý và năng lực của từng con người cụ thể. Bên cạnh sự ngợi ca chiến công, thành tích của các cá nhân, tập thể,  phản ảnh sự đa dạng cuộc sống của  những cán binh ở chiến trường, trên những mức độ nhất định, Hồ Sỹ Hậu đã phản ánh những điều bất cập, những hạn chế, ấu trĩ của một số người trong một thời - Âu đó cũng là tất yếu, là sản phẩm của lịch sử. Và nữa, có đôi chỗ nó như là phản ánh một sự ẩn ức có phần nhức nhối - Điều đó là cần thiết ”.

Điều làm tôi ngỡ ngàng thán phục ở chỗ Nguyễn Mạnh Đẩu còn an nhiên tự tại, luận bàn về những cống hiến khoa học của triết gia Trần Đức Thảo, truyện hiện sinh gây nhiều tranh luận của Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc phẩm thấm đẫm hồn quê xứ Nghệ của Nhạc sĩ An Thuyên và nhiều tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, bút ký của các tác giả đã thành danh trên văn đàn nước nhà.

Những bài viết của ông về lĩnh vực học thuật nào cũng chặt chẽ, khúc triết, lời văn trong sáng, tinh tế dù rất khiêm nhường vẫn giàu sức thuyết phục. Tôi thật sự xúc động, trân trọng những lời Nguyễn Mạnh Đẩu viết để tưởng nhớ Nhạc sĩ An Thuyên lúc ông vừa qua đời: “ Nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi, nhưng đâu đây vẫn ngân nga " Dòng sông thi ca " của anh - người Nhạc sĩ của " thôn ca " như lúc sinh thời anh vẫn muốn mọi người gọi mình như thế. Ngoài đời có rất nhiều người chưa một lần gặp anh, nhưng sự ra đi của một Con Người như Nhạc sĩ An Thuyên đối với họ là một nỗi đau buồn, mất mát lớn trong trái tim. Những ai đã từng như anh bước ra từ một mái quê nghèo, cùng tắm trên một dòng sông, cùng " Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng / Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu..."; cùng muốn mãi được " Neo đậu bến quê " đều có chung cảm thụ. Bởi thế, mọi người luôn trân trọng những tác phẩm để đời của Nhạc sĩ An Thuyên ”.

Đọc cuốn Trước Đèn có lúc tôi tự hỏi: Bí quyết nào khiến một cậu học trò chưa học hết Cấp 3, giấu cha đi lính, lăn lộn nhiều năm qua các chiến trường ác liệt nhất thời chống Mỹ, dù sau này được cử đi đào tạo có hai bằng đại học nhưng lại bị ngập trong cả núi công việc ở cương vị quản lý cấp cao của quân đội (Cục trưởng Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, rồi Bí thư  Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Chính trị Trường sĩ quan Lục quân 1 và trước lúc nghỉ hưu là Trung tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng…) thời giờ đâu để ông tự học, tích lũy cả một khối kiến thức lớn mới có thể viết cuốn sách phê bình, tiểu luận có giá trị, bao chứa nhiều lĩnh vực như vây? Có lẽ ngoài năng lực thiên bẩm, nghị lực tự học phi thường, nếp sống thanh sạch, khoa học… còn nhờ vào truyền thống hiếu học, phát cả văn lẫn võ của mảnh đất Thượng Xá ( Nghi Lộc, Nghệ An ). Chính nơi ấy đã sản sinh ra Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí làm đại thần của bốn triều vua đầu tiên thời Lê sơ (Thái tổ, Thái tông, Nhân tông, Thánh tông) lẫy lừng trong sử sách cùng các hậu duệ của Ngài, mà Nguyễn Mạnh Đẩu là cháu đời thứ 18 …

Nhiều năm qua, cùng với đội ngũ cầm bút chuyên nghiệp, những cán bộ thuộc các lĩnh vực đã viết, xuất bản được rất nhiều cuốn sách hay, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm đời sống văn chương xã hội. Văn là người. Khi đọc các tác phẩm của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu với nhiều thể loại khác nhau, tôi thấy xuyên suốt hòa quyện ở ông là: lòng yêu nước, sự lãng mạn, hào hoa, nhân văn, thẫm đẫm trên từng trang viết. Từ ông, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng một mẫu người trong xã hội chúng ta : vừa có công tích trong sự nghiệp, vừa có năng khiếu văn chương. Theo tôi, có thể coi đây là một trong những nét đẹp của  truyền thống văn hóa người Việt !

 

                                                      Hà Nội, đêm 4 / 7 / 2020

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét