Menu ngang

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

 

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày

Cách mạng Tháng Tám & Quốc khánh 2 / 9  

---------------------------------------

             

                 MÀU CỜ THU NĂM ẤY


 Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có những trang sử vàng vẻ vang. Sự kiện mùa Thu năm 1945 là một mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Mùa Thu ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Mùa Thu ấy, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

  Mùa Thu lịch sử năm 1945 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh liên tục, bền bỉ của toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

        Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là quyết sách chiến lược có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.

Sự kiện có ý nghĩa khẳng định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương tiến hành chuẩn  bị cho sự ra đời của nước Việt nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 25 - 8 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Ủy ban Dân tộc Giải phóng( UBDTGP ) từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 28/8/1945, UBDTGPVN cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Khi đã đánh đuổi được kẻ thù ngoại bang xâm lược, giành được chính quyền, thì việc cần kíp đầu tiên là tuyên bố khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là điều tất yếu.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nội dung cơ bản của Bản Tuyên ngôn độc lập là :

 - Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

 - Khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam;

- Khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân ta, quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được.

Với ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tuyên bố Độc lập, lập chính quyền mới, trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật kéo theo các lực lượng phản động người Việt. Sự kiện Bác Hồ và Trung ương Đảng nhanh chóng lựa chọn thời điểm ra Tuyên ngôn độc lập ngày 2 / 9 / 1945 có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm và Quốc khánh 2/9/1945 là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 / 9 / 1945 góp phần vào chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân đô hộ, áp bức, thống trị .

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám  đã để lại những bài học kinh nghiệm  có giá trị quý báu. Thiết nghĩ, chúng ta có thể vận dụng những bài học đó vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

-         Trước hết, đó là bài học về nắm bắt thời cơ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cơ hội và thách thức luôn đan xen nhau. Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi thách thức trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946. Vận dụng “Dĩ bất biến” là phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Vận dụng “Ứng vạn biến” là biết phân tích, dự đoán, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

-         Thứ hai là, thường xuyên củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy dân làm gốc, bằng sự tập hợp của các mặt trận, tổ chức, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp.

-         Thứ ba là, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, giải phóng mọi năng lực, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám  và Quốc khánh 2 / 9 / 1945. Thành công và bài học của sự kiện lịch sử 75 năm trước tiếp tục soi sáng con đường cách mạng. Màu cờ Thu năm ấy mãi mãi in đậm trong tâm khảm của mọi người Việt Nam chúng ta.

 

                                                                  N M Đ

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét