Menu ngang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020


    TỔNG THAM MƯU PHÓ TRẦN SÂM - 
KIẾN TRÚC SƯ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG


                                                     
Đầu năm 1953, tròn 35 tuổi, đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4, ông Trần Sâm được điều động về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông kiêm chức Trưởng ban Quân lực Mặt trận, thuộc cơ quan tham mưu Sở Chỉ huy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng Tư lệnh quân đội kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch.
Sau khi giải phóng miền Bắc, Cục trưởng Cục Quân lực Trần Sâm được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng xây dựng Đề án xây dựng lực lượng quân đội trong thời bình ( 1955 - 1960 ). Tháng 5 năm 1957, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiêm Tổng cục Hậu cần.
Sau 3 năm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đầu năm 1960, ông Trần Sâm được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN. Trên cương vị này, ông được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật của các binh chủng, quân chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở miền Bắc. Đồng thời, tham gia chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm quân số, vũ khí và trang bi kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của chiến trường miền Nam, chiến trường Lào.
Mùa hè năm 1960, ông Trần Sâm tham gia Đoàn cán bộ cấp cao của quân đội ta do Đại tướng Võ nguyên Giáp dẫn đầu sang nghiên cứu chiến lược tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô. Thành viên trong đoàn gồm các ông : Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Nguyễn Đôn, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Quyết, Cao Văn Khánh, Trần Độ, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Thanh ( Thanh Quảng ). Nội dung học tập khá toàn diện cả về binh khí kỹ thuật, hình thức tác chiến hợp đồng quân binh chủng, chiến dịch, chiến lược và lịch sử chiến tranh. Các nội dung đó lấy từ Chương trình chính khóa 2 năm của Học viện Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô rút gọn lại thành 6 tháng.
Đầu năm 1961, Bộ Tổng Tham mưu gấp rút xây dựng kế hoạch phòng thủ miền Bắc, kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội; đồng thời chỉ đạo chi viện cho cách mạng miền Nam phát động chiến tranh theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Thời gian này, Bộ Quốc phòng đã chú trọng kế hoạch kết hợp kinh tế với quốc phòng và chuẩn bị kế hoạch động viên nhân tài vật lực cho thời chiến. Vụ Quốc phòng ( Vụ 1 ) thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được thành lập. Tổng Tham mưu phó Trần Sâm được cử kiêm chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Ngày 25 tháng 2 năm 1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự trong 5 năm ( 1961 - 1965 ). Nghị quyết xác định : Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miến Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, lấy xây dựng Lục quân làm chủ yếu, đồng thời tăng cường xây dựng thêm cơ sở và lực lượng cho quân chủng Hải quân và quân chủng Phòng không - Không quân, kiện toàn các binh chủng, bảo đảm các cơ sở hậu cần kỹ thuật, xây dựng lực lượng hậu bị mạnh mẽ, tổ chức dân quân rộng rãi vững chắc.
Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất phương hướng tổ chức các lực lượng bộ đội thường trực gọn, mạnh, cơ động nhanh. Cụ thể là: Cải tiến biên chế các đơn vị bộ binh có hỏa lực và sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến ở chiến trường rừng núi và sông ngòi. Chuyển Lữ đoàn 305 bộ binh thành Lữ đoàn dù 305. Lữ đoàn 338 làm nhiệm vụ xây dựng một số Tiểu đoàn chiến đấu và làm nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Tăng cường pháo binh các cấp theo yêu cầu pháo của cấp Sư đoàn, Lữ đoàn và Trung đoàn độc lập, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong chiến đấu phòng ngự. Pháo binh cấp Quân khu có khả năng tăng cường cho 1, 2 Sư đoàn ttrong chiến đấu tấn công, hoặc làm nhiệm vụ cụm pháo Quân khu trong chiến đấu phòng ngự. Pháo binh của Bộ có khả năng tăng cường cho 1, 2 Quân khu ở hướng chính, cho khoảng 2 Sư đoàn cơ động và sẵn sàng một đội dự bị mạnh. Phát triển thêm một bước Bội đội xe tăng nhằm bảo đảm yêu cầu ở Bộ và Quân khu có lực lượng đột kích, tăng cường khả năng hoàn thành niệm vụ tác chiến ở hướng chính. Bảo đảm huấn luyện hợp đồng chiến đấu có xe tăng cho một số Sư đoàn, Lữ đoàn bộ binh. Chuẩn bị cơ sở cho việc phát triển Binh chủng xe tăng. Phát triển lực lượng Công binh đáp ứng yêu cầu bảo đảm vượt sông bằng cầu phao cho xe pháo và vượt sông đổ bộ cho bộ binh, khả năng làm đường quân sự, làm trận địa, đặt phá các chướng ngại vật. Từng bước phát triển lực lượng Phòng không, Hải quân đủ mạnh, sẵn sàng chiến đấu với máy bay và tàu chiến của địch. Về cải tiến và dự trữ trang bị, Bộ Tổng Tham mưu chủ trương bổ sung đủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho tất cả các đơn vị được tổ chức biên chế trong kế hoạch thời chiến.
Theo phương hướng tổ chức lực lượng nói trên, ngày 17 tháng 4 năm 1961, ông Trần Sâm thay mặt Bộ Tổng Tham mưu trình và được Quân ủy Trung ương thông qua Đề án kế hoạch bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang từ năm 1961 đến năm 1965. Theo đó, việc cải tiến trang bị và bổ sung trang bị hàng năm cho các binh chủng thuộc khối Lục quân, Hải quân và Phòng không - Không quân sẽ tiến hành từng bước có trọng điểm. Về tổ chức, quân đội hình thành ba loại biên chế : đủ quân, thiếu biên chế và biên chế khung. Cách tổ chức đó, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện chính quy sẵn sàng chiến đấu, vửa bảo đảm sẵn sàng khôi phục và mở rộng lực lượng trong giai đoạn đầu chiến tranh.
Đến năm 1962, lực lượng dân quân và hậu bị ở miền Bắc đã phát triển rộng khắp, tổ chức biên chế dựa trên cơ sở sản xuất và được huấn luyện theo quy định từng thời gian. Việc huấn luyện quân sự ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp bước đầu được triển khai.
Sau hơn 2 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng, ông Trần Sâm được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần; được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần. Thời gian này, được sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, ngành hậu cần quân đội đã tạo ra lượng dự trữ về vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn. Trong đó, có hàng vạn tấn vũ khí đạn dược các loại, trên 7.000 xe vận tải, tăng thêm cơ số dự trữ xăng dầu, thuốc quân y, lương thực thực phẩm. Hệ thống kho tàng các loại được xây dựng tại các căn cứ.
Tháng 8 năm 1963, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết giao cho Tổng cục Hậu cần phụ trách Đoàn 559, đảm nhiệm việc tổ chức vận chuyển vũ khí, lương thực, quân số cho chiến trường miền Nam. Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng, tuyến vận tải Trường Sơn bắt đầu triển khai mở đường vận chuyển bằng cơ giới trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Từ phương thức vận tải thô sơ kết hợp với cơ giới nhỏ, đến năm 1965 Đoàn 559 được tăng cường lực lượng lấy phương tiện vận chuyển bằng xe cơ giới làm chính. Từ vận chuyển bí mật làm chủ yếu, trên tuyến vận tải 559 bắt đầu hình thành phương thức vận tải bằng lực lượng binh chủng hợp thành, lấy lực lượng vận chuyển ô tô làm trung tâm. Thời gian này, Đoàn 559 được tổ chức lực lượng tương đương cấp Quân khu, trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Cuối năm 1965, ông Trần Sâm thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm chức Phó Tổng Tham mưu trưởng với nhiệm vụ tiếp tục giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật, công tác động viên lực lượng, công tác đối ngoại, phụ trách nội bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; chỉ đạo công tác nghiên cứu kỹ thuật quân sự; trực tiếp phụ trách Cục Quân lực, Cục Đối ngoại. Cục Quản lý giáo dục và Phòng Chính trị ( nay là Cục Chính trị BTTM ), … Công việc nhiều, nhiệm vụ nào cũng cần thiết, cấp bách.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ được phân công, có thời gian ông Trần Sâm trực chỉ huy tác chiến ở Sở Chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo một số đơn vị chiến đấu. Nhiều lần trong nhiều năm, ông thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòngg tham gia Đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi ký kết Hiệp định viện trợ kinh tế, quân sự với các nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em - Đó là nguồn viện trợ to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng thiết yếu, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.
Suốt thời gian dài trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông Trần Sâm là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn toàn diện, năng lực chỉ huy tham mưu giỏi, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ở ông, toát lên nhân cách trong sáng, phẩm chất đạo đức mô phạm. Ông có thân hình cao to, gương mặt quắc thước phương phi, hàng lông mày rậm, mắt sắc sảo, cương nghị. Trong lãnh đạo, chỉ huy và xử lý công việc, ông luôn giữ vững tính nguyên tắc. Trong đời sống sinh hoạt, ông là người đức độ, một vị tướng hiền, sống tình cảm, tác phong giản dị, khiêm tốn, dân chủ, sâu sát, lối sống thanh liêm. Ông là người ham nghiên cứu, học hỏi, thích thể thao. Là người đảm trách công tác tổ chức lực lượng quân đội, ông luôn nghiên cứu nắm vững chức năng nhiệm vụ của các loại hình tổ chức trong quân đội và tính năng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế. Ông luôn  được mọi người tin tưởng, quý trọng.
Ông Trần Sâm được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1959, thăng quân hàm Trung tướng năm 1974 và thăng quân hàm Thượng tướng năm 1986. Phản ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông Trần Sâm, vừa qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa hoàn thành bộ phim nhựa mang tựa đề KIẾN TRÚC SƯ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét