Menu ngang

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

BÀI ĐĂNG BÁO
Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng số Tháng 9/2019 đăng bài viết của tôi nhân Kỷ niệm 89 năm Xô viết Nghệ Tĩnh.

QUÊ TÔI TRONG “ NĂM CỘNG SẢN “

Nguyễn Mạnh Đẩu

Quê tôi ở làng Đại Xá, xã Thượng Xá ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ). Sinh thời, cha tôi kể, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra, thì ông còn ít tuổi chưa tham gia. Nhưng ông biết: Hồi ấy, ở làng quê tôi phong trào rầm rộ lắm. Khí thế cách mạng thâm nhập, thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân.

Đại Xá là một làng nhỏ chỉ với mấy trăm hộ dân nghèo mà đã có Chi bộ Cộng sản với các đảng viên: Lê Văn Kiêng (Sâm ), Lê Văn Toán ( Tời ) và Nguyễn Văn Oanh tôi gọi bằng chú họ. Quần chúng trung kiên của phong trào thì nhiều - phần đông là trai tráng lực điền. Bác Nguyễn Văn Nuôi ( Tần ) sinh năm 1909 - anh ruột cha tôi - tuy chưa Đảng viên nhưng là quần chúng trung kiên chí cốt của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, bác Nuôi ( Tần ) đã cùng mấy thanh niên dũng cảm hăng hái tham gia rải truyền đơn, biểu tình, trấn áp bọn phản cách mạng trong vùng. Bác thường giấu truyền đơn trong gáng hàng mang đến rải ở các chợ trong huyện Nghi Lộc : chợ Sơn, chợ Quán, chợ Đình, chợ Cầu. Và bác đã tham gia biểu tình, cùng nhân dân vây đánh đồn Pháp ở núi Cồn Thông.


Từ thuở bé, tôi đã được cha tôi và các cụ trong làng tôi kể lại rằng : Năm Cộng sản (xưa nay người dân lớn tuổi quê tôi vẫn quen cách gọi như vậy), Đảng phát động quần chúng biểu tình vây đánh đồn Cồn Thông của Pháp. Lực lượng của địch khoảng một trung đội, đóng trên một quả đồi thoai thoải ở cuối xã tôi. Lực lượng quần chúng tấn công thì rất đông nhưng chỉ có giáo mác, gậy gộc. Thậm chí, có người khi nghe hô hào, hăng hái chạy theo phong trào mà trong tay không có gì . Ban đầu quân Pháp trong đồn hoang mang, giao động, co cụm lại, chưa kịp phản ứng. Nhưng sau khi phát hiện thực lực của quần chúng, thì chúng đã nã súng dữ dội và phản kích trở lại. Lực lượng tấn công của ta bị thương vong nhiều, phải rút lui. Khi rút lui, có ông Phạm Văn Mô bị thương nặng, cố lết đến cánh đồng Chùa của làng tôi cách đồn khoảng 2 cây số thì hy sinh. ( Năm 1956, sau khi giải phóng miền Bắc, UBND xã Nghi Hợp đã tổ chức cất bốc hài cốt của ông Phạm Văn Mô đưa vào an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã. Hồi đó, tuy còn rất bé nhưng tôi đã theo bạn bè đến xem người lớn làm việc này ).

Khi cách mạng thoái trào, thực dân Pháp và tay sai ráo riết khủng bố, lùng bắt các chiến sĩ Cộng sản và những quần chúng trung kiên. Ông bà nội tôi đã phải bố trí cho bác Nguyễn Văn Nuôi trốn lên miền ngược hơn một năm. Các đảng viên của Chi bộ làng Đại Xá : Lê Văn Sâm ( Kiêng ), Lê Văn Toán ( Tời ) và Nguyễn Văn Oanh đều lần lượt bị địch bắt đưa đi giam tại nhà tù Lao Bảo rồi Kon Tum. Nghe nói, với ông Nguyễn Văn Oanh là người cao to, quắc thước, lại có học nên khi bắt được, kẻ địch tuyên truyền đã bắt được lãnh tụ Cộng sản. Mãn hạn tù, ông Lê Văn Sâm ( Kiêng ), Lê Văn Toán ( Tời ) tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Ông Lê Văn Sâm ( Kiêng ) hoạt động ở vùng Quảng Ngãi cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 tập kết ra Bắc. Ông Lê Văn Toán ( Tời ) quay về hoạt động ở Nghệ An cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, và đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông Nguyễn Văn Oanh do bị tra tấn dã man đã hy sinh trong nhà tù đế quốc Pháp. Mãi đến nay con cháu dù rất cố gắng mà vẫn chưa biết được mộ phần.

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ( 1930 - 1931 ), là một cuộc tập dượt ( diễn tập ) của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là bài học lịch sử, tạo tiền đề cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong tiềm thức tình cảm của người dân làng Đại Xá quê tôi, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bồi đắp niềm tự hào truyền thống quê hương. Cao trào Xô Viết đã khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc của quần chúng nhân dân, làm cơ sở cho tinh thần chiến đấu hy sinh của nhiều thế hệ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét