Menu ngang

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

TRƯỜNG SA - CHA ĐÃ ĐI & CON ĐANG ĐI

Từ ngày 10/5 đến nay, Thùy Vinh - con gái tôi công tác ở Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội - đang cùng đoàn cán bộ ra thăm Trường Sa. Dẫu con đã 37 tuổi, lại trong điều kiện rất an toàn, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng, nhất là những chuyến đi xa. Ắt hẳn cha mẹ nào cũng vậy. Ông mụ chúng tôi và hai cháu ngoại dõi theo hành trình trong mấy hôm nay của con gái. Tôi qua, cháu ngoại Thùy Anh hỏi, ông ơi, mẹ con bao giờ về? Mẹ con ra Trường Sa để làm gì hở ông?... Trả lời cháu, trong tôi hình dung lại cung đường trên biển tôi đã đi và hiện nay mẹ cháu đang đi. Thực ra chỉ có mấy ngày thôi, ấy vậy mà, thỉnh thoảng, khi có sóng từ trên con tầuu hoặc trên đảo, Thùy Vinh tranh thủ gọi điện về, chúng tôi mừng lắm. Tôi dặn Thùy Vinh, trên tay con thường xuyên phải có cuốn sổ để ghi chép. Nếu không mọi việc sẽ trôi tuột đi theo ngày tháng mà chẳng có kỷ niệm gì đọng lại. Ở đâu và bao giờ cũng vây : Đi, nghe, nhìn, hỏi, nghĩ, viết là yêu cầu bắt buộc của người làm báo.
Nhân chuyến con gái đang đi Trường Sa, tôi kể lại chuyện của 25 năm trước. Có thể, dẫu cách xa hàng ngàn cây số, Thùy Vinh sẽ đọc trên Facebook. Thời đại thông tin mạng xã hội thật tiện lợi vô cùng.
Dẫu đã qua 1/4 thế kỷ, với bao điều thay đổi trong cuộc sống, nhưng chắc rằng tâm trạng, cảm xúc của Cha và Con khi ra Trường Sa là giống nhau.

Giữa tháng 4 năm 1992, tôi tham gia Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do anh Lê Khả Phiêu dẫn đầu đi thăm Trường Sa. Đây là chuyến công tác đầu tiên của tôi trên cương vị Cục phó Cục Chính sách. ( Tháng 7/1992, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao tôi đảm nhiệm Quyền Cục trưởng Cục Chính sách. Sau đó đến tháng 12/1993, tôi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết đinh bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng ).
Đã thành thói quen, trước khi bắt đầu thực thi một nhiệm vụ, tôi có một phương pháp là dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu trước tình hình đặc điểm nơi sẽ tới, những việc phải làm và những điều cần chuẩn bị.
Trường Sa - đây là một quần đảo lớn, gồm trên 100 đảo, bãi đá ngầm, bãi san hô,…nằm rải rác trên một vùng biển rộng cách Cam Ranh- Khánh Hòa khoảng gần 500 cây số về hướng đông nam. Từ tây sang đông dài khoảng 650 km, từ bắc xuống nam khoảng 620 km. Tổng diện tích phần nổi của các đảo là 10 km2. Độ cao trung bình các đảo là 3- 5 m. Bao quanh các đảo là một vành đai san hô. Đây là một vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Do lịch sử để lại, quần đảo Trường Sa là một vùng chồng lấn của nhiều quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Bru-nei, Malaysia, Philippines. Mỗi nước tuyên bố chủ quyền một khu vực. Từ năm 1968, khi phát hiện dầu mỏ với một trữ lượng rất lớn, đồng thời nhận ra vị trí chiến lược có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, quân sự, dẫn đến tình hình tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa càng thêm căng thẳng, quyết liệt.
Việt Nam đã khẳng định chủ quyền ở Trường Sa từ rất sớm. Từ xa xưa ông cha chúng ta bằng những con thuyền nhỏ vượt trùng dương bão tố ra đây, đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Đầu thế kỷ thứ 17, nhà bác học Lê Quí Đôn (1726-1784) đã viết về Trường Sa và Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong cuốn Phủ biên tạp lục.
Từ ngày 14 tháng 4 năm 1975 đến 29 tháng 4 năm 1975, đồng thời với việc giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong đất liền, lực lượng vũ trang ta đã tấn công giải phóng từ tay quân ngụy Sài Gòn 6 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa . Bao gồm : giải phóng Song Tử Tây (ngày 14 ngày 4 tháng 4 năm 1975), Sơn Ca (25 tháng 4 năm 1975), Nam Yết, Sinh Tồn , An Bang (28 tháng 4 năm 1975), Trường Sa (29 tháng 4 năm 1975). Sau đó chúng ta đã chiếm giữ 21 đảo lớn nhỏ. Trong đó Trường Sa là đảo lớn nhất với chiều dài là 750 mét, chiều rộng là 400 mét, cao 2 mét, khi triều lên. Đến năm 1982, Nhà nước ta quyết định thành lập đơn vị hành chính huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh ( nay thuộc tỉnh Khánh Hòa ).
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là : Kiên quyết khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là nhiệm vụ lâu dài, toàn diện, phức tạp, đấu tranh trên nhiều lĩnh vực: pháp lý, ngoại giao, kinh tế, quân sự, nhằm giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế.
Hàng năm, Bộ Quốc phòng thường tổ chức các đoàn cán bộ ra thăm Trường Sa. Nhằm góp phần chăm sóc động viên cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị hải quân đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ nhiều năm, các ngành các cấp và các địa phương đã có phong trào “Cả nước hướng về Trường Sa thân yêu”. Phong trào đó có ý nghĩa rất lớn cả về tinh thần và vật chất, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.
Thành phần Đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị đi thăm và làm việc ở Trường Sa hồi đó còn có : Anh Nguyễn Xuân Hòe, Cục trưởng Cục Tổ chức; anh Trần Danh Bích, Cục phó Cục Cán bộ; anh Đào Ngô Minh, Cục phó Cục Tuyên huấn; anh Phan Khắc Hải, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; anh Nguyễn Ngọc Cầm, Phó Văn phòng Tổng cục Chính trị, cùng mấy anh cán bộ Văn phòng Tổng cục Chính trị. Cùng đi với Đoàn, có anh Nguyễn Văn Khoái, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân; anh Trần Văn Cảnh, Phó chỉ trưởng về chính trị Vùng 4 Hải quân; anh Bạ , Phó lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 146. Cùng đi với Đoàn, còn có Đoàn Văn công Quân khu 4 do anh Trúc Ẩm, Đoàn trưởng dẫn đầu ra biểu diễn cho bộ đội ở các đảo.
Mục đích chuyến đi là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, nắm tình hình đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi chức năng, các cơ quan có trách nhệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt. Ý kiến gì thuộc phạm vi quyền hạn của mình thì trực tiếp có ý kiến giải quyết tại chỗ. Những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của cấp trên thì tổng hợp nghiên cứu đề đạt.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 12 tháng 4 năm 1992, tầu Titan mang số hiệu HQ 957 kéo một hồi còi dài tạm biệt Quân cảng thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình ra Trường Sa. Kế hoạch đặt ra là, với tốc độ bình quân 10 hải lý /giờ, điểm đến đầu tiên của Đoàn chúng tôi là đảo Phúc Nguyên. Từ Phúc Nguyên lần lượt đi Quế Đường, Huyền Trân, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa. Tổng số là 7 đảo. Từ Trường Sa tầu sẽ trở về đất liền, cập quân cảng Cam Ranh vào ngày 22-4-1992.
Những nơi chúng tôi đặt chân đến, cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị canh giữ đảo tay bắt mặt mừng đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Chúng tôi gặp gỡ những người lính tóc đỏ quạch, da đen cháy, người chắc nịch rắn rỏi, với giọng nói, tiếng cười hồn nhiên sảng khoái. Anh em cho chúng tôi biết cụ thể về tình hình đơn vị, nhiệm vụ được giao, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo, chế độ tiêu chuẩn được hưởng, hoàn cảnh gia đình và  những đề đạt nguyện vọng. Những lời nói mộc mạc chân thành thẳng thắn được phát ra từ những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm sát cánh bên nhau, vượt qua mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh, kiên cường, kiên quyết, kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo bão tố. Dù đã ở Trường Sơn ngót 10 năm trong chiến tranh chống Mỹ nếm trải nhiều khó khăn gian khổ, nhưng khi ra đây tôi nhận thấy rằng, anh em hoạt động ở Trường Sa còn có những điều vất vả hơn.
13 giờ 45 phút ngày 19 tháng 4 năm 1992, Đoàn cán bộ làm việc với Ban chỉ huy đảo Trường Sa. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đơn vị và các cơ quan, anh Lê Khả Phiêu kết luận. Mở đầu, anh Phiêu nhận xét : Đơn vị có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, tạo được cơ sở vật chất nhất định, cơ sở hạ tầng,…từ đó tạo điều kiện để tiếp tục hoàn chỉnh thêm từng bước. Cán bộ, chiến sĩ có  trách nhiệm cao trong lao động, cường độ vất vả trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Đơn vị đã chủ động tích cực thực hiện các kế hoạch do trên xác định. Từng bước xây dựng được nền nếp trên nhiều mặt. Đã có nhiều cố gắng trong việc tăng gia góp phần cải thiện đời sống bộ đội. Có cố gắng trong việc bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tư tưởng bộ đội ổn định, thể hiện rõ trong việc quán triệt nhiệm vụ, xác định chủ quyền, xác định đối tượng tác chiến. Sinh hoạt Đảng, Đoàn được giữ vững. Làm tốt công tác phát triển đảng, chú ý đến chất lượng. Có phong trào thi đua sôi nổi. Biết khai thác các phương tiện công tác chính trị. Đoàn kết nội bộ và các đơn vị phối thuộc tốt. Tóm lại, đã tạo được sức mạnh để giữ vững chủ quyền, tạo được lực lượng chiến đấu tại chỗ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Bước đầu của tất cả các cấp. Với cả nước cũng là bước đầu. Yêu cầu nhận thức nhiệm vụ phải sâu hơn. Giữ vững độc lập chủ quyền ở Trường Sa có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang ở đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Phải giữ vững về quân sự để từ đó phát triển kinh tế. Kinh tế, quân sự, đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhau vì một mục tiêu chung là giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sứ mệnh lịch sử này, Tổ quốc và nhân dân giao phó lực lượng vũ trang chúng ta.

Khi về đến quân cảng Cam Ranh, 14 giờ ngày 21 tháng 4 năm  1992, Đoàn tổ chưc họp đánh giá tình hình chung ở những nơi đã đến thăm và rút kinh nghiệm cho chuyến đi thăm Trường Sa. Chuyến công tác Trường Sa đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Sau khi nghe phản ánh của đơn vị, kết hợp với việc thâm nhập trực tiếp nắm tình hình ở đảo, Đoàn đã có những ý kiến chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về công tác giáo dục chính trị lãnh đạo tư tưởng, về tổ chức cán bộ, về bảo đảm đời sống vật chất tinh thần, nghiên cứu tiếp tục hoàn chỉnh nội dung và phương thức thực hiện chế độ, chính sách đối với bộ đội Trường Sa. Nội dung chính sách đối với bộ đội Trường Sa qua nhiều lần bổ sung sửa đổi đã từng bước hoàn thiện theo hướng thực hiện chế độ luân lưu cán bộ, thời gian phục vụ có hạn định; thực hiện các chế độ ưu đãi về tiền lương,  phụ cấp, bảo hiểm xã hội,…Các chính sách đó có ý nghĩa tích cực bảo đảm công bằng, góp phần cùng với công tác tư tưởng và công tác tổ chức, động viên khuyến khích cán bộ yên tâm phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét