Menu ngang

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

NHỚ LẠI VÀI MẨU KỈ NIỆM VỚI MỸ

                                                                   N M Đ
Sau khi hai Nhà nước bình thường hóa quan hệ, Hội Cựu Chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) đã tổ chức nhiều đoàn sang thăm nước ta. Nhằm khai thác thêm các kênh thông tin góp phần giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh chống Mỹ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã giao cho tôi với cương vị Cục trưởng Cục Chính sách nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc với các đoàn Đại biểu Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) để tiếp nhận các tài liệu, hiện vật có liên quan đến bộ đội ta hy sinh mà các cựu chiến binh Mỹ tham chiến Việt Nam nắm được.
Trong các lần tiếp xúc với phía Mỹ (VVA), cùng với việc trao đổi cung cấp thông tin, có lúc giữa hai bên cũng tranh luận với nhau trên một số điểm trong cách nhìn nhận các vấn đề thuộc về quan điểm, nhận thức. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Tôi nhớ, ngày 18 tháng 5 năm 1994, lần tiếp xúc làm việc đầu tiên giữa Cục Chính sách với Đoàn VVA tại nhà khách Bộ Quốc phòng, 33- Phạm Ngũ Lão- Hà Nội. Phía VVA có ông Jimbradi trưởng đoàn và 14 thành viên khác. Về phía ta, cùng phối hợp với Cục Chính sách, còn có anh Vũ Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của Việt Nam, cán bộ Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng và cán bộ một số cơ quan khác có liên quan.
Bước vào buổi tiếp xúc, sau lời chào mừng có tính chất xã giao của cả hai bên, ông Jimbradi trưởng đoàn VVA của Mỹ trịnh trọng tuyên bố:
- Thưa ông Nguyễn Mạnh Đẩu, Cục trưởng Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng Việt Nam! Trong chiến tranh, chúng ta là kẻ thù của nhau. Còn bây giờ, khi hai bên đã bình thường hóa quan hệ, mong các ông đừng coi chúng tôi là kẻ thù nữa. Trước đây, khi là người lính trên chiến trường, tôi nghĩ, chúng ta chỉ là tay sai làm bia đỡ đạn của các thế lực chính trị từ hai phía.
Tôi đứng dậy nghiêm giọng trả lời:
- Thưa ông Jimbradi ! Thưa các ông trong đoàn! Từ ngàn xưa, bao đời nay, dân tộc chúng tôi không bao giờ tự nhận mình là kẻ thù của ai cả. Một thế lực nào đó, khi họ xâm lược, can thiệp và reo rắc đau thương lên đất nước Việt Nam, thì họ là kẻ thù của chúng tôi. Nhưng khi họ đã thất bại, đầu hàng, không còn là mối nguy hại trực tiếp đến chúng tôi nữa, thì nhân dân chúng tôi không còn coi họ là kẻ thù nữa. Lịch sử của dân tộc chúng tôi đã chứng minh điều đó.
Ông nói đúng. Quân nhân Mỹ trong chiến tranh là vật hy sinh cho bộ máy chiến tranh xâm lược. Còn chúng tôi, người lính đi chiến đấu là tự nguyện. Mục tiêu chiến đấu rất rõ ràng là chống xâm lược, giải phóng quê hương đất nước, giành và giữ độc lập cho Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Họ không phải là tay sai của bất cứ thế lực chính trị nào cả.
Tôi vừa dứt lời, Jimbradi nói:
- Thưa ông Nguyễn Mạnh Đẩu, chúng ta không luận bàn về nguyên nhân, tiến trình và kết cục của chiến tranh nữa. Giờ đây hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Chúng ta hãy cùng nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Tôi trả lời:
- Chiến tranh kết thúc, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hướng tới tương lai là nhu cầu tất yếu, khách quan. Nhưng cũng phải hiểu đúng vấn đề khép lại quá khứ. Với dân tộc Việt Nam chúng tôi, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, có một quá khứ hào hùng luôn luôn tỏa sáng. Quá khứ đó được đắp bồi bằng xương máu, công tích qua bao thế hệ người Việt Nam. Đó là truyền thống oanh liệt, niềm tự hào, là bài học vô giá, là điểm tựa muôn đời cho con cháu, bây giờ và mai sau. Với ý nghĩa đó, chúng tôi không bao giờ khép lại quá khứ. Nhưng đó là chuyện đại sự. Còn bây giờ, gặp nhau ở đây, trên cương vị mới, trong khung cảnh khác, chúng ta cần trao đổi cung cấp thông tin cho nhau từ hai phía để tìm hài cốt đã mất trong chiến tranh của đồng đội các ông, đồng đội chúng tôi. Tôi cho rằng, đây không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề nhân đạo, nhân văn.
Tôi nói xong, cả hai bên chuyển sang bàn bạc, trao đổi các vấn đề cụ thể.
Trong nhiều lần tiếp xúc, phía Mỹ (VVA) đã cung cấp cho Cục Chính sách một khối lượng lớn hồ sơ mà họ nắm được có liên quan đến sự hy sinh của bộ đội ta trong chiến tranh trên các chiến trường. Cục Chính sách đã triển khai khai nghiên cứu khai thác và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác tìm kiếm cất bốc qui tập mộ liệt sĩ.

Nhận lời mời của Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Jones (trong quân đội Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng là Thứ trưởng); chấp hành Chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Đoàn công tác nghiên cứu hồ sơ liên quan đến việc tìm kiếm chiến sĩ ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh đã sang làm việc tại Mỹ từ ngày 20 tháng 8 năm 1999 đến ngày 29 tháng 8 năm 1999. Đoàn có các thành viên: Tôi; Huỳnh Trọng Tuấn, Thiếu tá, cán bộ Cục Bảo vệ An ninh- Tổng cục Chính trị; Nguyễn Thế Công, Trung tá, Trưởng phòng, Cục A35 - Bộ Công an ( sau này anh Công là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục A35 - Bộ Công an ); Vũ Việt Dũng, cán bộ Vụ Châu Mỹ - Bộ Ngoại giao. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định tôi làm Đoàn trưởng.
Từ khi bình thường quan hệ giữa hai nước đến lúc đó, Bộ Quốc phòng nước ta đã cử hai đoàn sang Mỹ công tác: Đoàn của Trung tướng Trần Hanh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Đại tá Vũ Tần, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng. Như vậy, chúng tôi là đoàn thứ ba.
Chiều 18 tháng 8 năm 1999, chúng tôi gặp Trung tá Miller, Tùy viên Quân sự Mỹ thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ở 33A Phạm Ngũ Lão- Hà Nội để xác định chương trình nội dung công tác ở Mỹ.
11giờ 45 phút ngày 20 tháng 8 năm 1999, Đoàn rời Hà Nội đi Mỹ. Sau các chặng dừng ở Băng Cốc - Thái Lan; Tokyo-Nhật Bản; Chicago-Mỹ, 21 giờ ngày 21 tháng 8 năm 1999, Đoàn tới sân bay Washington / Reagan. Ra đón chúng tôi có anh Đỗ Văn Nghị, Trung tá, Phó phòng tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ ( sau này anh Nghị là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 25, TC2 ). Tôi đã quen biết anh Nghị từ năm 1993, khi tôi sang công tác ở Ấn Độ. Anh Nghị giới thiệu với tôi, phía Mỹ ra đón có ông DesTas đại diện cho Văn phòng người Mỹ mất tích (DPMO) và Huy Tuấn, Đại úy, là Việt kiều phục vụ trong quân đội Mỹ. Chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Embassy Suite. 
Khi vừa đặt chân tới khách sạn, ông DesTas thông báo với tôi:
- Đề nghị bổ sung vào chương trình là bố trí 9 giờ sáng 22 tháng 8, việc đầu tiên là Đoàn sẽ đến viếng Bia Tưởng niệm ghi tên những quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam; việc này phía Mỹ đã thông báo cho các hãng thông tin của Mỹ và quốc tế sẽ tiến hành ghi hình, viết bài để đưa tin. 
Tôi nghĩ rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị, lại nằm ngoài kế hoạch đã thống nhất giữa hai bên từ Hà Nội. Vì vậy, tôi nói rằng:
- Trong thời gian công tác tại Mỹ, chúng tôi nhất định sẽ đến tham quan Bia Tưởng niệm. Nhưng căn cứ vào mục đích chuyến công tác, thì đó không phải là việc đầu tiên sang Mỹ.
Sau một lúc ý kiến qua lại, phía Mỹ chấp thuận.
Mặc dù trải qua một chặng hành trình dài khá mệt mỏi, được bố trí nghỉ trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi, rất yên tĩnh, nhưng đêm đầu tiên ở nước Mỹ, tôi khó ngủ, lòng ngổn ngang nhiều cảm xúc. Vì trách nhiệm với công việc, trước anh linh của những đồng đội đã khuất, chúng tôi được cử đến tận nơi đây, một thời là trung tâm phát động cuộc chiến tranh xâm lược; sẽ tiếp xúc làm việc với những tổ chức, những con người vốn là đối địch trong chiến tranh, để tìm hiểu thông tin về các trường hợp cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh trong các nhà tù, trong các trận chiến đấu trên chiến trường.
6 giờ sáng ngày 22 tháng 8 năm 1999, tôi bách bộ ra ngoài khách sạn. Ban mai trời dịu mát, nhìn ra xung quanh tôi thấy những đường phố thoáng rộng, những hàng cây cao to và những thảm cỏ bao quanh những tòa nhà đồ sộ, chọc trời. Nhìn chếch sang phía bên kia, một tòa nhà sừng sững, đó Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ - trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh. Chính từ nơi đây, suốt mấy chục năm trời, các chiến lược gia quân sự Mỹ đã hoạch định và chỉ đạo cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân dân ta trên cả hai miền Nam Bắc. 
Chiều ngày 22 tháng 8 năm 1999, theo thông lệ ngoại giao, ông Robert Jones, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đặc trách người Mỹ mất tích trong chiến tranh (DPMO) đã tổ chức mời cơm Đoàn. Cùng dự còn có Đại sứ Lê Văn Bàng và Đại tá Võ Đình Quang, Trưởng phòng tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ.
Trong suốt thời gian Đoàn chúng tôi công tác ở Wasington, các anh ở Phòng Tùy viên quân sự Việt Nam đều tham gia các hoạt động và tạo điều kiện giúp đỡ. Phía Mỹ bố trí hai người thạo tiếng Việt thường xuyên đi cùng để tiện việc trao đổi đó là DesTas chuyên viên cao cấp của Văn phòng tìm kiếm người Mỹ mất tích và Huy Tuấn, Đại úy, Việt kiều trong quân đội Mỹ. DesTas từng ở Việt Nam lâu, có vợ tên là Nguyệt, quê ở Bến Tre. Huy Tuấn quê ở Huế, di tản theo gia đình sang định cư ở Mỹ sau tháng 4 năm 1975.
Sáng 23 tháng 8 năm 1999, chúng tôi vào Bộ Quốc phòng Mỹ. Để đảm bảo an ninh, mọi người ra vào ở đây đều phải qua kiểm tra rất kỹ trên nhiều đoạn. Trước khi vào đây, chúng tôi đã chuẩn bị máy ảnh, camêra, máy ghi âm để ghi lại các thông tin trong buổi làm việc. Nhưng đều phải bỏ lại ở ngoài, mỗi người chỉ được cầm theo một quyển sổ tay.
Tại Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Mỹ (DPMO), chúng tôi đã nghe thuyết trình về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong các cuộc chiến tranh. Sau đó, gặp và làm việc với ông Robert Jones, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Robert Jones nói rằng, trên cương vị đương nhiệm, ông sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc cung cấp thông tin và cung cấp trang, thiết bị tìm kiếm chiến sĩ ta mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Tham gia buổi làm việc cùng chúng tôi có anh Đỗ Văn Nghị, Trung tá, Phó phòng Tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ. 
Chiều ngày 23 tháng 8 năm 1999, Đoàn làm việc với Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Mỹ (NA RA). Trung tâm này ở trên một khu đồi, được bao quanh những cánh rừng cây cối rậm rạp, cách Lầu Năm Góc khá xa. Đường tốt xe chạy nhanh cũng mất vài tiếng đồng hồ. Khi đến, ông Thống đốc Trung tâm J.Carlin đã tiếp và thông báo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và những vấn đề mà Trung tâm có thể cung cấp cho phía Việt Nam trong khai thác hồ sơ lưu trữ. Ngày 24, 25 và sáng 27 tháng 8 năm 1999, Đoàn nghiên cứu hồ sơ tại Trung tâm lưu trữ hồ sơ NARA.
Hồ sơ về chiến tranh ở Việt Nam được lưu trữ ở Trung tâm NARA dưới nhiều dạng : Dạng nguyên bản như nhật ký tác chiến, hồ sơ tù binh chết ở bệnh viện,…Dạng phim ảnh tư liệu chiến trường; dạng đưa vào phần mềm vi tính,…Tất cả hồ sơ mà Đoàn đã tiếp xúc đều bằng tiếng Anh. Số lượng hồ sơ ở NARA là rất lớn, bao gồm:
Dạng nhật ký chiến trường, báo cáo tổng kết, bài học kinh nghiệm sau từng trận đánh, ghi lại đầy đủ chi tiết hoạt động của quân đội Mỹ từ cấp tiểu đoàn trở lên tới Bộ Chỉ huy (MACV). Với tổng số khoảng 32 triệu đến 40 triệu trang. Các thông tin liên quan đến bộ đội ta hy sinh trong chiến tranh nằm rải rác trong các loại hồ sơ với tỷ lệ không nhiều lai không có tên tuổi cụ thể. Đây thuộc loại tài liệu tác chiến. Đoàn đã sao chụp một tài liệu về trận ABia Tây Thừa Thiên trong hai ngày 21 và 22 tháng 5 năm 1969 để làm ví dụ cụ thể và hiểu rõ cách truy cập hồ sơ tài liệu ở dạng này.
Dạng hồ sơ nguyên bản về báo cáo tử vong các trường hợp tù binh (cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt) ở các bệnh viện quân đội Mỹ (chủ yếu là Tổng y viện Cộng hòa cũ). Hồ sơ ở dạng này có danh sách tên tuổi cụ thể cán bộ, chiến sĩ ta bị chết bao gồm các thông tin về: tên, tuổi, quê quán, ngày vào viện, ngày chết, nguyên nhân chết. Một số danh sách có đề cập đơn vị Mỹ, ngụy bắt, cấp bậc hoặc chức vụ của bộ đội ta và đặc biệt có một số đề cập tới vị trí chôn cất như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa,…Đoàn đã sao chụp được 578 trang để tiếp tục nghiên cứu sử dụng.
Hồ sơ ở dạng phim tư liệu, ảnh chụp đề cập tới hoạt động của bộ đội ta ở chiến trường; ảnh chụp hoạt động ở các trại tù binh chiến tranh của Mỹ, ngụy.
Những trang hồ sơ tài liệu, những thước phim tư liệu của Trung tâm NARA đã đưa chúng tôi trở về những hình ảnh chiến đấu trên chiến trường Miền Nam; đồng thời cho chúng tôi hiểu thêm qui mô, tính chất quyết liệt của cuộc chiến và những hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh quyết liệt lâu dài.
Đoàn đã nhận và chuyển về Văn phòng DPMO 10 hộp thư mục hồ sơ để thông qua con đường ngoại giao chuyển về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sau. Số hồ sơ sao chụp được 578 trang, Đoàn mang trực tiếp về Việt Nam.
Chiều ngày 25 tháng 8 năm 1999, Đoàn nghe Bà tiến sĩ Susan Mather đại diện cho Bộ Cựu binh Mỹ giới thiệu về chất độc màu da cam. Cùng dự có Đại tá Võ Đình Quang, Trưởng phòng Tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ. Buổi làm việc xoay quanh chủ đề những căn bệnh do tác hại của Điôxin gây ra đối với binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi nghe tôi nêu lên mấy câu hỏi: Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sử dụng chất độc Điôsin từ bao giờ? Số lượng bao nhiêu? Khi dùng chất độc này, người Mỹ đã lường đến tính chất cực kỳ nguy hiểm của nó? Quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm độc Điôsin khoảng bao nhiêu người, thường bị những căn bệnh gì? Chính sách của Chính phủ Mỹ đối với những quân nhân Mỹ bị nhiễm chất độc?,…Bà Sunan Mather đã thông báo với chúng tôi: Từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã dùng chất độc hủy diệt cây cỏ ở chiến trường Việt Nam. Sau khi tham gia chiến tranh Việt Nam, nhiều quân nhân Mỹ đã nhiễm chất độc Điôxin, gây ra nhiều căn bệnh như chứng phát ban Clo, bệnh hodgkins (một dạng ung thư hạch ác tính), đau tủy, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đường hô hấp, đái tháo đường,…Thời kỳ đầu, Bộ Cựu Chiến binh Mỹ kiện các nhà sản xuất hóa chất. Sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua Luật trợ cấp cho những người tham gia chiến tranh Việt Nam bị bệnh do nhiễm chất độc Điôxin. Đã tiến hành tổ chức khám cho 300.000 người, thì có đến 10% quân nhân bị nhiễm, trong đó có 7.000 nữ quân nhân bị các bệnh về sinh đẻ (sảy thai, đẻ non, chết lưu), 800 quái thai. Mức trợ cấp cho mỗi người tùy theo mức độ ảnh hưởng, cao nhất là 25.000 USD/năm.
Nghe xong, tôi nói với bà Sunan Mather và những người Mỹ có mặt hôm đó rằng: Trước khi sang Mỹ, tôi đã nghiên cứu tìm hiểu về tình hình và hậu quả về chất độc Điôsin do Mỹ gây ra đối với Việt Nam. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động và sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, những loại vũ khí tối tân có sức công phá và sát thương lớn, gây đau thương tang tóc cho hàng triệu con người. Đồng thời, Mỹ còn sử dụng nhiều loại chất độc hóa học hủy diệt môi trường sinh thái làm cho hàng triệu héc ta rừng bị tàn lụi khó phục hồi, nhiều vùng đất đai bị nhiễm độc. Trong mười năm (1961 – 1971), Mỹ đã rải xuống Việt Nam 72 triệu lít chất độc hóa học gồm 15 loại khác nhau, trong đó có 42 triệu lít chất độc màu da cam chứa khoảng 170 kg Điôsin, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái và con người. Đến tháng 9 năm 1999, ước tính ở Việt Nam có khoảng 4 vạn người tham gia chiến tranh bị nhiễm độc, gây ra các bệnh tất rất nặng nề cho bản thân. Và hơn thế, còn gây biến đổi gien di truyền qua con cái. Ước tính trong cả nước có khoảng 76.000 cháu sinh ra bị ảnh hưởng do chất độc da cam. Đến thời điểm đó, qua báo cáo chưa đầy đủ của 21 tỉnh đã có 16.445 người tham gia chiến tranh sinh ra 20.766 trẻ dị tật, dị dạng (trong đó có 3.562 cháu bị liệt hoàn toàn; 4.579 cháu bị tâm thần; 5.549 cháu bị dị dạng; 1.185 cháu bị mù, và cac dạng khác). Đây là nỗi đau nhức nhối lâu dài. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có chính sách đối với binh lính Mỹ và các nước chư hầu tham gia chiến tranh Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam do chính Mỹ gây ra, nhưng chưa có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam là người Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì công lý và lương tâm còn tiếp diễn.
Ngày 26 tháng 8 năm 1999, Đoàn làm tại Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và Viện Lưu trữ hồ sơ Hải quân Mỹ. Tại Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến, Đoàn đã xem xét cách thức lưu trữ và số lượng hồ sơ ; đã nhận 42 đĩa mềm vi tính sao chụp 65.000 trang tài liệu về hoạt động của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam. Đây là dạng hồ sơ tác chiến, không có chi tiết cụ thể về bộ đội ta mất tích trong chiến tranh.
Tại Viện lưu trữ hồ sơ Hải quân, Đoàn đã xem kho lưu trữ, nói chung cũng là dạng hồ sơ tác chiến, nhật ký tác chiến, điện báo cáo giữa các đơn vị Hải quân Mỹ, Ngụy. Đoàn không sao chụp hồ sơ vì xét thấy rất ít giá trị đối với mục đích của chuyến công tác.
Ngày 27 tháng 8 năm 1999, Đoàn tới thăm và làm việc với Trung tâm nhận dạng gien ADN của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông James Canik, Giám đốc, tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Ông nói với tôi rằng, 30 năm trước, ông là phi công lái may bay trực thăng cấp cứu thương binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Đoàn đã tham quan quá trình kỹ thuật nhận dạng AND. Trong quân đội Mỹ, việc nhận dạng người chết đã được quan tâm từ rất sớm, ngay trong thời kỳ nội chiến ở Mỹ, năm 1868. Hiện, Trung tâm có trách nhiệm giám sát kiểm tra tất cả mọi trường hợp chết trong quân đội Mỹ (số lượng ước tính có 3.500 quân nhân chết/năm). Trung tâm lưu mẫu máu, tóc, vân tay, răng của mọi quân nhân trong quân đội Mỹ, kết hợp với thẻ môn bài của từng người, nên việc nhận dạng người chết rất hữu hiệu. Trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, số quân nhân Mỹ bị chết khoảng 15.000, trong đó nhận dạng bằng vân tay được 13%, răng được 18%, 63% cả răng và vân tay, còn 6% là không xác định được, phải dùng đến mẫu máu.
Ông James Canik, Giám đốc Trung tâm nhận dạng gien AND gợi ý sẵn sàng giúp đỡ đào tạo về mặt kỹ thuật cho ta, nếu có yêu cầu.

Trong mấy ngày công tác ở Oa-sinh-tơn, nhận lời mời của phía Mỹ, đoàn chúng tôi đã đến thăm Bia Tưởng niệm ghi tên 58.317 quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Đó là mấy bức tường bằng đá đen khá dài trong Công viên Oa-sinh-tơn rộng lớn. Hàng ngày nhiều người Mỹ đến đây tưởng niệm những người ra đi không trở về. Những hàng tên nối dài như một bức thông điệp cho hậu thế với lời nhắn nhủ đừng bao giờ lặp lại việc này. Khi cùng xem với những người Mỹ cùng đi, tôi quay sang hỏi ông DesTas: “ Này ông, tại sao bức tường làm bằng đá cẩm thạch màu đen và lại thấp thế”. DesTas trả lời với tôi: “Ông Đẩu ơi, sở dĩ chúng tôi làm như thế là xuất phát từ ý tưởng: màu đen là màu tang để tưởng nhớ những người chết trận. Tường được làm thấp thôi, vì thực ra, có vẻ vang gì đâu mà phải cao”.
Đọc những dòng tên lính Mỹ tử trận ở Việt Nam nối tiếp nhau phủ kín các bức tường vừa rộng vừa dài, từ người đầu tiên chết năm 1958 đến người sau cùng chết năm 1975. Tôi nghĩ rằng, tất cả họ cũng đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam do Mỹ gây ra. Đau thương tang tóc đã ập đến ngần ấy gia đình Mỹ có con em sang tham chiến tại Việt Nam. Hơn thế, hội chứng Việt Nam sẽ còn kéo dài trong lòng xã hội Mỹ. Lịch sử các cuộc chiến tranh bao giờ cũng để lại hậu quả nặng nề về mọi mặt. Trong đó sự hy sinh, mất mát của người lính và gia đình họ là to lớn nhất, không có gì bù đắp được. Chiến tranh thế giới lần thứ hai làm mất tích hơn 40.000 lính Mỹ. Chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) để lại gần 8.000 lính Mỹ mất tích. Mãi đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là hậu quả do cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra. Theo thông báo của phía Mỹ, số lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là 1.774 người. Sau chiến tranh, chính quyền Mỹ phải đương đầu với sức ép rất lớn từ nhiều phía của nhân dân Mỹ. Công luận Mỹ cho rằng, chính quyền Mỹ đã mắc sai lầm to lớn khi đem quân xâm lược Việt Nam.
Trong một thời gian dài, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, thiện chí và thực hiện những cam kết trong Hiệp định Pa ri về Việt Nam, chúng ta hoặc đã nỗ lực đơn phương tìm kiếm, hoặc đã phối hợp với phía Mỹ tìm kiếm thu hồi và trao trả cho Mỹ nhiều đợt, với hàng trăm bộ hài cốt quân nhân Mỹ.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn để lại những hậu quả to lớn, phức tạp, khó khăn về giải quyết chính sách. Bằng nhiều cách, nhiều kênh thông tin, chúng ta phải tận dụng khai thác, xác minh kết luận các trường hợp quân nhân ta mất tích trong chiến tranh. Đây là chuyến đi đầu tiên sang Mỹ để tìm hiểu nghiên cứu hồ sơ chiến tranh mà phía Mỹ quản lý được. Đoàn chúng tôi đã thu được một số kết quả góp phần nhỏ vào việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh.
Cuối năm 1999, là thành viên tham gia đoàn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam, Phó Trợ lý Bộ trưởng Robert Jones gặp lại khi tôi tham gia đoàn Bộ Quốc phòng ta tiếp đón tại 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Thấy tôi mang quân hàm Thiếu tướng, Robert Jones đến chào và nói : “ Tôi chúc mừng ông Nguyễn Mạnh Đẩu! Nhờ chuyến sang thăm Mỹ mấy tháng trước mà nay ông được thăng cấp Tướng “. Nghe xong, tôi mỉm cười và nói : “ Cám ơn ông Robert Jones đã chúc mừng tôi lên quân hàm. Nhưng tôi phải nói lại: Việc tôi lên quân hàm là do nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố tôi đã tham gia đánh Mỹ hồi chiến tranh”. Robert Jones xiết chặt tay tôi mà chẳng nói thêm gì ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét