Menu ngang

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017


KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH 
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG

                                                    N M Đ

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng ( 02/5/1917 - 02/5/2017 ), Bộ Quốc phòng đã tiến hành Hội thảo khoa học & đã tổ chức Lễ Kỷ niệm rất trọng thể, sâu sắc, ý nghĩa ( Fb Hồ Thủy đã có bài dưa tin rất hay ). Báo QĐND đã có loạt bài của các tướng lĩnh thể hiện trên từng góc độ tiếp cận, phản ánh. Hàng ngày, tôi đã đọc thấy rằng bài viết nào cũng hay.
Với bút pháp chấm phá hoạt kê, tôi đã có các bài viết phác thảo vài nét chân dung của một số tướng lĩnh Quân đội ta. Nhưng với Đại tướng Văn Tiến Dũng tôi chưa có bài viết nào. Bởi lẽ, trong cuộc đời quân ngũ, tôi ít có dịp tiếp xúc với Ông. Khi Ông làm Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì tôi còn là cán bộ cấp rất thấp. Thi thoảng trong một số dịp kỷ niệm, tôi chỉ nhìn thấy Ông từ xa. Tới khi tôi được bổ nhiệm cương vị công tác cao hơn, thì Ông đã nghỉ công tác. Tôi thuộc câu nói người xưa dạy : “ Tri vi tri, bất tri vi bất tri, vị tri giã” ( Biết thì báo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là người có hiểu biết ).
Qua nghiên cứu các tài liệu nói về cuộc đời và sự nghiệp của Ông, mọi người đều nhận thấy: Đại tướng Văn Tiến Dũng là một người công sản kiên trung, một tướng lĩnh tài ba văn võ song toàn và là một con người đức độ nhân hậu.
Các tài liệu & các bài báo thì dài và rất phong phú. Theo cảm thụ của tôi, sự nghiệp của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong 3 thời kỳ có những cống hiến xuất sắc cho Đất nước, Quân đội : 
- Thời kỳ hoạt động Cách mạng bí mật trước năm 1945, bị địch bắt tù đày, rồi vượt ngục, bị thực dân Pháp tuyên án tử hình vắng mặt, vẫn tiếp tục hoạt động Cách mạng. 
- Thời kỳ làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 chiến đấu ở đồng bằng Bắc bộ. Thực tế cho thấy, trong chiến tranh đưa một Đại đội vào hoạt động sâu trong hậu địch đã là khó. Đằng này, Ông chỉ huy một Đại đoàn ( Sư đoàn ) hoạt động chiến đấu giữa một vùng đồng bằng, chắc chắn có muôn vàn gian khó hy sinh.
- Thời kỳ làm Tổng Tham mưu trưởng ( 1953 - 1979 ). Ông là người đảm trách cương vị Tổng Tham mưu trường lâu nhất của Quân đội ta ( 25 năm ). Trên cương vị này, khi ở Tổng Hành Dinh chỉ huy, chỉ đạo toàn diện công tác tham mưu đối với toàn quân trên toàn chiến trường rộng lớn ( miền Bắc, miền Nam, giúp bạn Lào và Campuchia ) với biết bao tâm trí. Khi thì Ông đi chỉ đạo trực tiếp các chiến trường hoặc đảm trách Tư lệnh các Chiến dịch lớn. Và cuối cùng Ông được Đảng, Nhà nước cử giữ trọng trách Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thu giang sơn về một mối. 
Ngày 14 - 2 - 1997, mấy cán bộ Cục Chính sách TCCT, gồm : Tôi - Cục trưởng, Đỗ Quang Bích - Cục phó, Đinh Công Cử - Trưởng phòng Nghiên cứu, Trần Văn Minh - Trợ lý, đến thăm Đại tướng Văn Tiến Dũng để báo cáo công tác và mời Ông dự lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Chính sách Quân đội ( 26/2/1947 – 26/2/1997 ) sẽ long trọng tổ chức vào sau đó mấy ngày tại Hội trường Bảo tang Hồ Chí Minh. 
Ông đón tiếp chúng tôi ở Phòng khách tại Nhà riêng, 26 Hoàng Diệu, Hà Nôi. Đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất, tôi được tiếp kiến Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ngày đó Ông vừa tròn 80 tuổi, sức còn khỏe, trí tuệ còn rất minh mẫn. Ông có ánh mắt, gương mặt đẹp nam tính, thân hình tầm thước, đậm chắc, da trắng hồng. Tiếp chúng tôi bằng ánh nhìn thân thiện, nụ cười lành hiền và giọng nói từ tốn đôn hậu. Quả thật, ngay từ những giây phút đầu tiên, Ông đã trao cho chúng tôi một sự gần gũi thân tình ấm áp. 
Sau khi nghe tôi báo cáo, Ông đã dành nhiều thời gian nói chuyện gần như tâm sự về vai trò công tác chính sách, về hồi ức và kỷ niệm của Ông khi làm Cục trưởng Chính trị Cục - thời kỳ đầu thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục ( tiền thân của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị ). Đồng thời, Ông có kể cho chúng tôi nghe về một số đoạn về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. 
Cuối cùng, trong không khí vui vẻ, tôi có nói với Ông : 
- Bây giờ đã tròn 80 tuổi mà bác đẹp thế này. Chắc hồi thanh niên, bác đẹp lắm ! 
Ông mỉm cười và nói rằng : 
- Kể cũng khổ cháu ạ. Hồi hoạt động bí mật, có thời kỳ bác đóng vai nhà sư ở chùa. Vậy mà có lúc, có người cứ tưởng bác là sư nữ. Có lần bác đi xe đạp trên đường, mặc áo nâu sòng, đầu đội nón quấn khăn chỉ để lộ ra khuôn mặt. Tại vì da bác trắng, có người tưởng là sư nữ, nên đã đem lời trêu chọc. Buồn cười lắm!
Tôi lại hỏi tiếp: 
- Cháu nghe có người nói, gốc tổ bác là người Nghệ An, phải không ạ? 
Đại tướng Văn Tiến Dũng nói : 
- Đúng đấy! Cụ tổ của bác là người Nghệ An. Nhà thờ tổ họ Văn ở huyện Quỳnh Lưu đấy. Như mấy cháu cầu thủ bóng đá Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, … là người họ Văn đó mà.
Mới đó đã tròn 20 năm. Đã 15 năm Ông về cõi vĩnh hằng. Hình ảnh kính quý của ông đọng mãi trong tâm trí chúng tôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét