Hôm nay, 25/8/2016, kỉ niệm Sinh nhật lần thứ 105 của Đại tướng, tôi đăng lại bài này
BA LẦN ĐƯỢC TIẾP KIẾN
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Có thể nói, thế hệ chúng tôi và cả lớp trước nữa, ai được gặp các lãnh tụ, các vị lãnh đạo cao cấp là một dịp may mắn, phấn khởi. Khoảnh khắc đó được coi là một kỷ niệm đẹp. Đặc biệt, người nào trong cuộc đời được gặp Bác Hồ thì quả thật là một niềm tự hào, vinh hạnh lớn. Và, cũng có thể nói, sau Bác Hồ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó dường như là một lẽ tự nhiên xuất phát từ tình cảm tự nguyện của mỗi con người, với một niềm tin lớn lao, ở một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước - cái thời mà mỗi suy tư trăn trở của lãnh tụ và các vị lãnh đạo trong sự nghiệp cách mạng đều phù hợp với niềm mong mỏi bình dị và sâu sắc của mỗi người dân.
Trong cuộc đời quân ngũ của mình, trừ những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, còn lại thời kỳ công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng, làm anh lính mà tên gọi chung là trợ lý, rồi bền chí phấn đấu trong công tác được bổ nhiệm đến chức Phó phòng, Trưởng phòng, thuộc diện “đầu binh cuối cán” ở cơ quan cấp chiến lược, nhiều lần tôi được gặp, thực ra là chỉ được nhìn thấy (mục sở thị) các bậc lãnh đạo trong các buổi lễ lớn và được nghe các “cụ” giảng giải từ xa với một sự trọng vọng, ngưỡng mộ. Mãi tới sau này, từ năm 1992 trở đi, trên các cương vị, nhiệm vụ và tính chất công tác cao hơn, tôi mới có dịp được gặp gỡ, tiếp kiến, thậm chí là được tiếp chuyện thân mật, cởi mở với một số cán bộ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trong đó, một số lần, tôi may mắn được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của nước ta và được biết, cách đây không lâu, Ông đã được Hội đồng khoa học có tên tuổi của một nước ở phương Tây bình chọn là một trong mười danh tướng kiệt xuất trong mọi thời đại của thế giới.
Tôi xin kể đôi điều về ba lần ấn tượng nhất trong số lần tôi được tiếp kiến Ông.
Lần thứ nhất :
Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội ( 26/2/1947 – 26/2/1997), lãnh đạo Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị đã cử mấy cán bộ đến thăm, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đại tướng, đồng thời kính mời ông dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội sẽ được long trọng tổ chức vào ngày 26 tháng 2 năm 1997, tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch đã hợp đồng trước với Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Đại tướng, chiều ngày 13 tháng 2 năm 1997, trong tiết trời nắng ấm, mấy anh em chúng tôi gồm: tôi - Đại tá, Cục trưởng; anh Đỗ Quang Bích - Đại tá, Cục phó; anh Đinh Công Cử - Đại tá, Trưởng phòng và anh Trần Văn Minh - Trung tá, Trợ lý Phòng Nghiên cứu Tổng hợp Cục Chính sách (hiện nay anh Minh là Đại tá, Tiến sĩ, Cục trưởng Cục Chính sách - TCCT), đến nhà Đại tướng tại 30 phố Hoàng Diệu - Hà Nội. Tôi quen biết anh Huyên từ trước. Chúng tôi cùng quê Nghệ An. Anh Huyên ở huyện Diễn Châu, cách quê tôi ở huyện Nghi Lộc chừng 20 cây số. Trước 3 giờ chiều, theo hướng dẫn của anh Huyên, chúng tôi đã ngồi chờ sẵn tại phòng tiếp khách. Đây là một căn phòng ở tầng một, rộng vừa phải, sạch sẽ, bày biện đơn sơ ngăn nắp, xung quanh treo mấy bức tranh. Ở sát tường là một tủ sách lớn, trong đó có rất nhiều sách, tạp chí. Giữa phòng là một bộ sa - lông mây. Tôi được biết, tại nhà riêng của Đại tướng có hai phòng tiếp khách. Phòng lớn hơn ở nhà bên cạnh là để tiếp các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế đến thăm với số lượng nhiều người, được bài trí tương đối trang trọng, có phần mang tính lễ nghi, đối ngoại. Còn phòng nhỏ là tiếp các đoàn có số lượng ít, thân tình. Anh Huyên nói với chúng tôi rằng, hôm nay, Đại tướng mới tiếp khách quốc tế ở phòng khách lớn.
Đúng 3 giờ, trong bộ com-lê màu sáng, Đại tướng từ trong nhà đi ra. Ngày đó, mặc dù đã 86 tuổi nhưng nhìn Ông còn khỏe mạnh. Đại tướng có gương mặt đẹp, nhân từ và sắc sảo, ánh mắt tinh anh, tóc bạc trắng như cước, da dẻ hồng hào, bước đi vững chãi. Ông nở nụ cười đôn hậu, thân mật niềm nở bắt tay và hỏi han từng người.
Anh Huyên giới thiệu tôi với Đại tướng. Ông bắt tay và hỏi tôi với chất giọng Quảng Bình trầm ấm:
- Đồng chí Cục trưởng quê Nghệ An à, ở huyện nào?
- Dạ thưa, cháu ở huyện Nghi Lộc ạ .Tôi trả lời.
Ông cười:
- À, Nghi Lộc, “cà có cuống, cà có đuôi”, phải không?
(Sự thể là, tiếng người Nghi Lộc quê tôi phát âm “cà” và “cá” na ná như nhau, cho nên khi nghe có người vờ như không hiểu, phải hỏi lại là loại cà có cuống hay loại cà có đuôi. Câu hỏi đó lâu nay vẫn được lưu truyền trong mọi người chỉ để đùa vui).
Tôi thưa:
- Dạ, phải ạ !
Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Một bậc khai quốc công thần, vị tướng bậc nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, tiếp chúng tôi một cách thân tình, dung dị. Thật sự, chúng tôi coi đây là một vinh hạnh, mừng và xúc động lắm. Vừa bắt tay ông, tôi vừa giới thiệu từng thành viên trong đoàn đến thăm.
Sau khi đã yên vị, Đại tướng đi thẳng vào việc:
- Ta bắt đầu nhé. Tôi đã nghe anh Huyên báo cáo, hôm nay các đồng chí Cục Chính sách đến thăm, báo cáo tình hình công tác chính sách và cho biết việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngành chính sách quân đội. Chính sách là một mặt công tác rất quan trọng. Cả trong và ngoài quân đội đều vậy. Nào, bây giờ đồng chí Cục trưởng trình bày đi.
Tôi cầm quyển sổ đứng dậy báo cáo. Đại tướng vẫy tay:
- Thôi, chỉ mấy người thôi, đồng chí cứ ngồi báo cáo cũng được, rồi chúng ta còn trao đổi nữa.
Nghe Đại tướng nói vậy, tôi xin phép được ngồi.
Vậy là, cùng ngồi với ông trên chiếc đi - văng, tôi mở sổ công tác, theo phần đã chuẩn bị sẵn, lần lượt báo cáo một cách từ tốn, rành rọt về quá trình hình thành, phát triển công tác chính sách và cơ quan chính sách trong quân đội; về tính chất, yêu cầu nhiệm vụ và những kết quả đạt được của công tác chính sách trong chiến tranh, sau chiến tranh và trong tình hình hiện nay. Cuối cùng là tôi báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội.
Thời gian tôi báo cáo khoảng 25 phút. Vừa báo cáo, tôi vừa ngước nhìn sang ông. Ông chăm chú nghe, dõi theo từng nội dung. Thỉnh thoảng, tôi thấy ông gật đầu, rồi gõ ngón tay trỏ xuống bàn như thể biểu dương, khích lệ, tán đồng. Điều đó truyền cho tôi cảm hứng phấn chấn, thêm tự tin trong khi báo cáo.
Tôi vừa dứt lời, Đại tướng hỏi:
- Thế nào, các đồng chí khác có thêm ý kiến gì không?
Anh Bích, anh Cử và anh Minh đều nói:
- Dạ thưa, nhất trí với báo cáo của Cục trưởng.
Sau khi nghe xong, Đại tướng biểu dương nội dung báo cáo của Cục Chính sách đầy đủ, ngắn gọn, súc tích, vừa có tính khái quát, lại vừa có số liệu minh chứng cụ thể. Ông cho rằng, với nội dung báo cáo như vậy, chứng tỏ việc chuẩn bị của Cục khá công phu, nghiêm túc, có chất lượng, các đồng chí lãnh đạo Cục đã nắm chắc nội dung, làm chủ tình hình.
Tiếp đó, Đại tướng dành nhiều thời gian nói chuyện với anh em chúng tôi. Ông nói về tính tất yếu khách quan, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ông cho rằng, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946 và trước đó nữa, kể từ khi Nam Bộ kháng chiến, cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975, rồi tiếp đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, ròng rã hơn 30 năm chiến tranh. Trước họa xâm lăng, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau lên đường chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu sinh tử, vô cùng cam go ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh, hơn một triệu cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, hàng chục vạn người đã bỏ lại một phần xương máu trên các chiến trường. Ở hậu phương lớn Miền Bắc, trong điều kiện vừa sản xuất vừa đánh trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Đế quốc Mỹ, công tác chính sách chăm sóc gia đình có người đi chiến đấu rất được coi trọng và thu được nhiều kết quả, góp phần cổ vũ tiền tuyến, ổn định hậu phương. Ông khen công tác khen thưởng đã triển khai tích cực, kịp thời, góp phần động viên phong trào thi đua lập công, tri ân những người có thành tích xuất sắc và những gia đình có công với cách mạng,..v.v.. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu rất cao, chứng tỏ công tác chính sách hết sức lớn, rất quan trọng.
Đại tướng đã nhận xét đánh giá về kết quả công tác chính sách, cả trong chiến tranh và giải quyết hậu quả chính sách sau chiến tranh. Ông khẳng định, công tác chính sách đã hình thành, phát triển cùng với quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Suốt mấy chục năm qua, trong chiến công chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, công tác chính sách đã góp phần rất xứng đáng. Đặc biệt là, trong năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày Hội quốc phòng toàn dân, Cục Chính sách đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trình lên Đảng, Nhà nước ban hành danh hiệu vinh dự Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng kèm theo chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các mẹ. Đây là một chính sách có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, sâu sắc, được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội trong cả nước hoan nghênh, hướng ứng.
Kết thúc cuộc trao đổi, Đại tướng nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác chính sách trong thời kỳ mới và trách nhiệm của Cục Chính sách - cơ quan đầu ngành về công tác chính sách trong quân đội. Ông cho rằng, trong tình hình mới, công tác chính sách cần tập trung nghiên cứu và chỉ đạo tổ chức thực hiện trên hai vấn đề lớn. Một là, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách đã ban hành; tập trung sức giải quyết nhanh gọn, chu đáo những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh - đây là vấn đề có nhiều khó khăn, phức tạp, rất bức thiết, đồng thời có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị ban hành nội dung chính sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, từng bước hiện đại, trong điều kiện cả nước hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi tâm đắc, coi đó là những lời huấn thị của người anh Cả của Quân đội ta, có ý nghĩa chính trị lớn cả trước mắt và lâu dài đối với nhiệm vụ chính trị của Cục Chính sách nói riêng và ngành chính sách trong quân đội nói chung; đồng thời là những lời chỉ bảo ân tình, sâu sắc của bậc ông cha đối với các thế hệ con cháu.
Lần thứ hai :
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày Hội quốc phòng toàn dân, ngày 19-12-2002, Đoàn cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 do anh Nguyễn Hữu Hạ, Thiếu tướng, Hiệu trưởng và tôi, Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng về Chính trị, dẫn đầu về Hà Nội thăm, chúc mừng Đại tướng. Thành viên của Đoàn gồm có anh Nguyễn Tiến Ngùng, Đại tá, Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, các khoa giáo viên và các đơn vị quản lý học viên, khoảng hơn 30 người.
Hôm đó là một ngày đẹp, nắng vàng, trời xanh, gió heo may thổi nhẹ, chúng tôi xuất phát từ Sơn Tây lúc một giờ chiều, trên chặng đường gần một tiếng đồng hồ thì đến nhà Đại tướng.
Khi cả Đoàn đã ngồi vào phòng khách lớn, tôi và anh Hạ sang nhà bên đón Đại tướng. Ông mặc bộ lễ phục mùa đông màu trắng. So với 5 năm trước, sức khỏe Ông có phần sút hơn, bước đi đã chậm. Gánh nặng thời gian đè lên mọi cuộc đời. Tôi dứng nghiêm chào Ông theo đúng Điều lệnh Quân đội. Anh Huyên giới thiệu tôi, Ông mỉm cười, gật đầu và khẽ nói, tôi biết rồi.
Sau khi mọi người đã yên vị ở phòng khách, trong không khí xúc động và đầm ấm, thay mặt Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng phấn khởi của cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 được đến thăm, chúc mừng Đại tướng; đồng thời báo cáo tóm tắt với Đại tướng về thành tích của Trường trong những năm qua; bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đại tướng và các đồng chí lãnh đạo khác đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường Sĩ quan Lục quân 1 trong suốt chiều dài truyền thống, cả trong thời kỳ chiến tranh và hiện nay.
Kết thúc phần báo cáo, thay mặt Nhà trường, tôi đã kính tặng Đại tướng bức ảnh Bác Hồ trao lá cờ thêu sáu chữ vàng “ Trung với nước, hiếu với dân” cho học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng Khóa 1 và lẵng hoa tươi thắm.
Trước mấy chục con người cùng mặc lễ phục trắng, trong không khí ấm cúng mà trang nghiêm, với nhận thức và tình cảm kính mến sâu nặng, tôi đã trân trọng nói lên những lời chúc mừng chân thành, sâu lắng. Tôi nói với giọng xúc động mà rành rõ về một điều thiêng liêng rằng, năm tháng sẽ qua đi, những tên đất, tên người vĩ đại sẽ mãi mãi trường tồn. Cùng với Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa oanh liệt,… chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử huy hoàng chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trên thế giới, Việt Nam là tấm gương lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biện Phủ đã trở thành biểu tượng của Việt Nam.
Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ toàn Trường, tôi kính chúc Đại tướng, bằng tài năng, đức độ, trí tuệ, nhân cách và vị thế của mình, tiếp tục có nhiều cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đặc biệt là, xin thành kính chúc mừng Đại tướng đã bước qua tuổi Đại thọ 90, tiếp tục phấn đấu tiến tới và vượt qua mốc Hồng thọ, Tiên thọ tuổi 100. Nghe xong, Đại tướng cười hiền, nói rất cám ơn về lời chúc của đồng chí Bí thư Đảng ủy Nhà trường.
Sau phần chúc mừng, Đại tướng đã nói chuyện thân mật với Đoàn cán bộ Nhà trường. Đại tướng nhắc về lịch sử của Trường: Trường Sĩ quan Lục quân 1 mà tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật, được thành lập từ ngày 15/4/1945 theo Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ và Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, đổi tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Được mang tên danh tướng kiệt xuất bậc nhất của dân tộc ta là niềm vinh dự, tự hào của mọi thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân. Đây là nhà trường đầu tiên của quân đội và cũng là nhà trường đầu tiên của chế độ ta. Sự ra đời của Nhà trường đánh dấu một bước chuyển biến mới của cách mạng, kịp đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ quân sự, chính trị làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang nhân dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trải qua gần 60 năm, Nhà trường đã đào tạo hàng chục vạn cán bộ làm nòng cốt cho đội ngũ sĩ quan chỉ huy - tham mưu của Quân đội, góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc...
Đại tướng biểu dương về thành tích đạt được và sự trưởng thành mọi mặt của Trường Sĩ quan Lục quân 1 trong nhiều năm qua, mong Nhà trường tiếp tục phấn đấu giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng trong giai đoạn mới.
Sau khi nhận định, phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhiệm vụ của Quân đội, Đại tướng đã ân cần căn dặn: Trong tình hình hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác giáo dục đào tạo cán bộ của Trường Sĩ quan Lục quân càng phải được nâng cao. Đặc biệt là, phải kết hợp giữa đào tạo nâng cao trình độ kỹ - chiến thuật quân sự với giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, để học viên tốt nghiệp ra trường đủ sức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cơ sở và sẵn sàng chiến đấu cao. Trong đào tạo, Nhà trường phải coi trọng huấn luyện thực hành sát với thực tế chiến đấu và xây dựng đơn vị, nhất là phải tiếp cận với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới. Sĩ quan ra trường phải biết sử dụng vi tính, có kiến thức khoa học công nghệ, khoa học quân sự, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đoàn cán bộ chúng tôi vô cùng cảm kích về sự thông tuệ và những lới dạy bảo ân tình của Đại tướng. Cuối buổi tiếp, Đại tướng đã chụp ảnh chung với toàn đoàn. Mọi người lưu luyến chia tay Đại tướng, cầu mong Ông trường thọ.
Lần thứ ba:
Tháng 12-2004, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động bổ nhiệm tôi từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 về giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật về Chính trị (sau này là Chính ủy TCKT) thay anh Hoàng Anh Tuấn. Sau đó, tháng 6 - 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động bổ nhiệm anh Trương Quang Khánh từ Quân khu 1 về giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật thay anh Đỗ Đức Pháp. Như vậy, chúng tôi là cặp chủ trì lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật trong quãng thời gian ngót 3 năm, 2005 - 2007. Quãng thời gian đó để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục cũng như trong đời sống sinh hoạt, trong tình cảm riêng, giữa tôi và anh Khánh có sự đồng cảm trên nhiều phương diện. Bởi thế, giữa chúng tôi luôn tạo được tiếng nói chung, nhất quán, đồng thuận trong nhận định đánh giá tình hình cũng như trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Kỹ thuật.
Đầu tháng 2 năm 2006, anh Trương Quang Khánh và tôi được Nhà nước thăng quân hàm Trung tướng, cũng là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Bính Tuất. Nhân dịp ấy, tôi và anh Khánh bàn với nhau thay mặt lãnh đạo chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật đến thăm, chúc tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân và Đại tướng Lê Đức Anh.
Đã có hẹn trước, Đại tướng tiếp chúng tôi ở phòng khách lớn, dẫu chỉ có ba người. Sau phần chào hỏi trang trọng mà thân mật, anh Trương Quang Khánh báo cáo tóm tắt với Đại tướng về tình hình tổ chức, biên chế và kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục Kỹ thuật trong thời gian qua. Trong mọi hoàn cảnh, Tổng cục Kỹ thuật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạo bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và các nhiệm vụ khác của quân đội. Đồng thời, anh Khánh đã báo cáo một số chủ trương kế hoạch công tác trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật, đồng thời thay mặt ngành kỹ thuật toàn quân, anh Khánh đã nói lời cám ơn sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng đối với quá trình phát triển và những thành quả đạt được trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày thành lập Tổng cục Kỹ thuật. Tiếp lời anh Khánh, nhân dịp bước sang năm mới, thay mặt Đảng ủy - Thủ trưởng cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tổng cục, tôi kính chúc Đại tướng luôn luôn mạnh khỏe, trường thọ, tiếp tục dành cho Tổng cục Kỹ thuật sự quan tâm, theo dõi.
Được biết, hồi đó Ông mới điều trị ở bệnh viện về, sức khỏe không thật tốt, chúng tôi cố tình nói ngắn nhưng đủ ý.
Sau khi chúng tôi dừng lời, Đại tướng đã dành phần lớn thời gian còn lại nói chuyện với chúng tôi. Với giọng trầm ấm, đầy tâm huyết, Ông nói rằng: Vũ khí, trang bị kỹ thuật là nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước. Bất cứ ở đâu và thời nào cũng vậy, có quân đội là phải có vũ khí, trang bị kỹ thuật. Có vũ khí, trang bị kỹ thuật thì tất yếu phải có công tác bảo đảm kỹ thuật. Khoa học công nghệ càng phát triển, thì vũ khí và trang bị kỹ thuật của quân đội càng hiện đại. Và vũ khí, trang bị kỹ thuật càng hiện đại, đòi hỏi công tác bảo đảm kỹ thuật càng tinh vi, càng hiện đại.
Dừng lại vài phút, nhấp một ngụm nước, nhìn chúng tôi với nụ cười đôn hậu, Ông tiếp tục trao đổi. Ông khẳng định rằng, sự phát triển của công tác kỹ thuật luôn luôn gắn liền với sự phát triển trưởng thành của quân đội.Trong kháng chiến chống Pháp, vũ khí trang bị của quân đội tuy còn ít và đơn sơ nhưng công tác bảo đảm kỹ thuật cũng đã từng bước hình thành và đi vào hoạt động. Ngành quân giới, ngành quân khí, ngành xe máy quân sự đã ra đời từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, được sự chi viện của các nước anh em, vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đội ta đã có sự phát triển, từng bước hiện đại, cả về số lượng và chất lượng. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ cuối, do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, vũ khí trang bị kỹ thuật đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, qui mô, chủng loại và phức tạp về kỹ thuật; theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, ngày 10/9/1974, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Kỹ thuật. Đây là một bước phát triển mới quan trọng trong việc chỉ đạo tập trung thống nhất công tác kỹ thuật. Ngay từ khi mới thành lập, Tổng cục Kỹ thuật đã chủ động bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho chiến trường Miền Nam, góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta - giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước…
Tiếp đó, Đại tướng đã biểu dương thành tích của Tổng cục Kỹ thuật trong mấy năm qua. Đại tướng căn dặn: Trong điều kiện sự phát triển của khoa học - công nghệ nói chung và sự phát triển của vũ khí trang bị, của khoa học kỹ thuật quân sự nói riêng, Tổng cục Kỹ thuật phải không ngừng phấn đấu làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng cũng như vai trò chỉ đạo toàn quân về công tác bảo đảm kỹ thuật. Ông nhắc, Tổng cục cần chú ý bằng nhiều biện pháp, không để xẩy ra cháy nổ; phải thường xuyên bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với con người và vũ khí, trạng bị kỹ thuật. Cần làm cho mọi người trong Tổng cục Kỹ thuật và ngành kỹ thuật toàn quân luôn chú trọng công tác nghiên cứu, học tập để không ngừng tiến bộ.
Cuối cùng, nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, Đại tướng chúc toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Tổng cục mạnh khỏe, chúc Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục về trí tuệ và sự sáng suốt của Đại tướng. Không thể tin nổi, ngày đó Ông đã ngót trăm tuổi, so với mấy năm trước, sức khỏe đã yếu nhiều hơn rồi, việc đi lại đã có dấu hiệu khó khăn, tiếng nói đã chậm hơn, vậy mà Ông vẫn còn thông tuệ, mẫn tiệp đến như vậy!
* * *
Ngoài trăm tuổi trong cõi nhân sinh đã là hiếm, trong hàng lãnh tụ, danh nhân, tướng lĩnh, thì xưa nay quả là cực kỳ quí hiếm. Một cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi động - đặc biệt là trong nhiều năm chiến tranh cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao đảm nhiệm trọng trách Tổng Tư lệnh Quân đội - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người đặc biệt của lịch sử thời hiện đại.
Viết về Đại tướng đã có biết bao sách báo, phim ảnh. Về lâu dài, chắc sẽ còn rất nhiều giấy mực viết về Ông trên từng bình diện và góc độ đề cập.
Với tôi, tôi chỉ xin ghi chép lại đôi điều tại ba lần vinh hạnh được tiếp kiến Ông - một vị tướng lừng danh thế giới. Tôi coi đây là những kỷ niệm đẹp của đời mình./.
Mỹ Đình, ngày 11 tháng 11 - 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét