Menu ngang

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

NÓI ÍT - MỘT TÍNH CÁCH MẤY MẪU NGƯỜI

N M Đ

Trong đời sống cộng đồng - trừ những người nói nhiều do chức năng công việc - còn nói chung, mọi người thường thiện cảm với tuýp người nói ít. Chẳng thế mà, người đời đã khái quát hình tượng : Tạo hóa sinh ra con người có 2 tai, 2 mắt mà chỉ có 1 miệng - Điều đó như có ý nhắc nhở con người rằng: Trong giao tiếp với người khác - nhất là giữa đám đông - chủ yếu là nghe, quan sát, học hỏi; và hạn chế nói.
Biết bao câu danh ngôn khuyến cáo về việc nói nhiều: “ Bệnh tật vào từ miệng. Tai họa từ miệng mà ra”, “Hãy nghĩ kỹ về điều mình nói. Đừng nói hết mọi điều mình nghĩ”, “Lời chưa nói ra, ta là chủ nó. Lời nói ra rồi, nó là chủ ta”, “ Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” ( Một lời nói ra, cỗ xe bốn ngựa khó đuổi kịp ), " Phúc thủy nan thu " ( Cốc nước đã đổ xuống, khó thu lại được), “ Nếu anh có một người bạn ít nói, thì đó là một người bạn chân thành. Ngược lại, nếu anh có một kẻ thù ít nói, thì đó là kẻ thù nguy hiểm nhất”, “ Nên để người ta dành thời gian mà nghĩ, đừng bắt người ta phải nghe nhiều”, ..v..v…
Tựu trung lại, nói ít là một điều nên làm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở đời cùng một tính cách nói ít, nhưng lại có mấy mẫu người khác nhau. Và không phải người nào nói ít cũng đều là tốt.
1 - Có một số rất ít thuộc loại người uyên bác. Họ coi nói ( ngôn ngữ ) là phương tiện giao tiếp nhằm diễn đạt tư tưởng, trí tuệ, tình cảm. Nên khi họ nói, người nghe cảm thấy như đang đếm chữ. Những điều họ nói ra chính xác tựa như viết; chẳng bao giờ sai, thừa, thiếu.
2 - Có nhiều người nói ít hoặc nói ngắn gọn, vì trước khi nói, họ suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng: Mình là ai, nói cái gì, nói với ai, nói ở đâu, nói lúc nào, nói đến đâu, lập luận logic thế nào … và điều quan trọng nhất là nói để đạt mục đích gì. Có những vấn đề trong cuộc sống họ xét thấy nói cũng được mà không nói cũng được, thì dứt khoát là họ không nói.
3 - Có người từ khi sinh ra, tính cách vốn dĩ rất ít nói - thuộc diện trầm tĩnh, phản ứng chậm. Họ chỉ nói cái gì thật cần thiết vào thời điểm thích hợp và có liên quan trực tiếp đến bản thân.
4 - Có người do kiến thức, năng lực rất hạn chế - thực ra là trong tư duy của họ không có gì để trình bày. Hễ ai nói gì, vì không hiểu, nên bề ngoài họ tươi tỉnh gật gù, tỏ thái độ tán thưởng. Thường là, họ không có chính kiến trước mọi lập luận, phương án. Đến khi cuộc họp biểu quyết lựa chọn ra quyết nghị, thì dứt khoát là họ quan sát cả bốn phía và bao giờ cũng ngả theo số đông. Nói chung, họ thuộc mẫu người chẳng sắc nhưng cũng ít khi sai! Họ là người luôn biết cách hòa đồng với xung quanh. Vì vậy, họ luôn được đánh giá là: trầm tĩnh, điềm tĩnh, chững chạc, chín chắn, cẩn trọng và đặc biệt là rất khiêm tốn. Nhờ đó, họ thường được tín nhiệm, được cân nhắc trong công việc - dù xét ra năng suất, chất lượng, hiệu quả của họ thuộc loại bình bình, thường thường bậc trung.
Quả thật ở đời, nhìn bề ngoài, nhiều người nhầm lẫn tai hại: Một kẻ không biết gì để nói lại cứ tưởng đó một người thông thái im lặng.
Đôi điều lạm bàn tản mạn trên đây, chắc rằng không trùng với quan niệm của nhiều người khác. Âu đó cũng là bình thường. Trong cuộc sống, trên từng phương diện, muôn người muôn nẻo nghĩ!
Top of Form


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét