XƯNG HÔ - MỘT VÀI Ý NGHĨ VỤN
N M Đ
Trong quan hệ con người với nhau, điều đầu tiên là xưng hô. Được biết, người nước ngoài xưng hô với nhau đơn giản hơn ta. Dĩ nhiên, cùng một đại từ nhân xưng, nhưng ngữ điệu biểu cảm khác nhau - tùy thuộc mối quan hệ cụ thể. Người Việt ta xưa nay theo nếp “ gia đình chủ nghĩa”, hoặc “ gia đình hóa xã hội” trong xưng hô. Nhìn một cách tổng thể, xưng hô thế nào là biểu thị mối quan hệ và văn hóa ứng xử của mỗi con người.
Từ ngày còn nhỏ, tôi được các bậc bề trên bày dạy về cách xưng hô: Trong họ xem hàng, ngoài làng xem tuổi, ra xã hội xem chức. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy hoàn toàn đúng.
Tôi có người anh con bác ruột hơn tôi 17 tuổi. Ngay từ thuở bé, tôi đã được anh ấy gọi bằng chú - chú của các con anh. Kế đó, các em tôi đều xấp xỉ - thậm chí ít hơn - tuổi con anh, nhưng trong tiếp xúc, anh đều gọi họ bằng chú, bằng cô. Tương tự, tôi có một người chú họ hơn tôi 19 tuổi, là Giáo sư sáng danh, vào Đảng từ khi tôi chưa sinh. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, trong tiếp xúc ông đều thân mật gọi tôi bằng anh - anh của các con ông.
Khi còn đương chức, do tính chất công việc, tôi được tiếp xúc quan hệ với khá nhiều cán bộ cao cấp. Qua đó, tôi học được ở họ nhiều điều hay. Và có thể nói, cái “ găm “ vào đầu tôi đầu tiên và cũng khó dứt ra được là cách xưng hô của các cụ với cấp dưới. Khi tiếp xúc với cấp dưới, bất phân tuổi tác, cương vị, mối liên hệ,… các cụ không bao giờ gọi họ bằng “ thằng “, hoặc bằng “ hắn”. Các cụ dùng chung một đại từ : “ông” rất thân thiết, dung dị khi nói chuyện với công vụ, lái xe, thư ký, trợ lý,.. Tôi cho rằng, cách xưng hô như vậy là đúng trong mọi hoàn cảnh, đối tượng, thể hiện vừa nghiêm túc, vừa thân tình, bình đẳng. Người đối thoại cảm thấy được tôn trọng nhân cách.
Được biết, trước đây có lần Bác Hồ không bằng lòng với cách tuyên truyền ấu trĩ là gọi người đứng đầu phía đối phương bằng “ thằng nọ”, “ thằng kia”. Bác bảo, dù thế nào, họ cũng là những người đã có tuổi, không được gọi thế.
Khi Miền Nam mới giải phóng, tôi gặp nhiều người dân sống dưới chế độ cũ. Trong trao đổi chuyện trò, họ đều nghiêm túc gọi những người cầm quyền trước đây là: “ Cụ Ngô” “ Ông Thiệu”, “ Ông Kỳ”, hoặc “ Ông Minh Lớn”.
Vậy mà, trong mấy năm gần đây, xuất hiện khá nhiều một hiện tượng không mấy hay ho. Đó là trên các bàn nhậu, bên quán cóc ven đường, trên phương tiện giao thông, ngoài chợ búa,…Ở bất cứ đâu, trong câu chuyện về thế thái nhân tình - mà ai cũng có thể tham gia được - khi cao đàm khoát luận, nhiều người hứng chí công khai gọi bất cứ ai cũng là : “ Thằng” !
Đây là một hiện tượng xã hội đáng xem xét, cần có cách tiếp cận, nghiên cứu nghiêm túc.
Có thể, nhiều người do quá bức xúc, ức chế, bất bình - thậm chí là phẫn nộ trước các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu của một bộ phận không nhỏ có chức quyền trong bộ máy Nhà nước - mà người ta gọi như thế. Nhưng, trên thực tế cũng có một loại người chẳng đủ thông tin, thấy người ta gọi thì cũng chạy theo “mốt”. Không gọi thế, hóa ra mình thua kém người khác! Chắc có người cho rằng, gọi như thế mới “oách”, mới " oai ", là một cách để tự nâng mình lên!
Sự vật hiện tượng nào cũng có nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Câu hỏi đặt ra: Tại sao trước đây - kể cả thời kỳ đất nước khó khăn nhất - cũng không có hiện tượng này. Và ngay như bây giờ, không phải ai cũng “ bị” gọi như thế.
Nếu cho bõ tức, xả stress, thì cách gọi mọi cấp lãnh đạo bằng “thằng” cũng chẳng thu được kết quả gì. Miệng nói tai nghe, tạo nên một thói quen xấu trong từng con người và làm vẩn đục bầu không khí xã hội.
Thiết nghĩ, bất cứ ai tự xét thấy có tài năng thật sự, đem lại lợi ích cho Dân, cho Nước, thì xin mời đứng ra công khai hiến kế. Chửi đổng cho sướng miệng, ở chỗ nọ chỗ kia, phỏng có ích gì!
Xét đến cùng, ở bất cứ đâu, với bất cứ ai cũng vậy, tôn trọng người khác tức là tự tôn trọng chính mình. Sự tôn trọng người khác trong quan hệ, trước hết thể hiện qua cách xưng hô. Các cụ xưa dạy rằng: Danh có chính, ngôn mới thuận; ngôn có thuận, sự mới thành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét