Menu ngang

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

            ÔNG THANH THẢN VỀ CÕI VĨNH HẰNG
              ( Viết nhân Giỗ 100 ngày ông Nguyễn Đăng Cẩn, 2 - 8 - 2015)

                                                                                           N M Đ



         Vẫn biết rằng, sẽ đến một ngày, gia đình, bà con họ hàng, thân hữu gần xa phải đón nhận một cái tin đau buồn đến thắt lòng là ông đã ra đi -  đi về cõi vĩnh hằng.
         Vẫn biết “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật muôn đời không thể khác được, nhưng mọi người vẫn muốn từ “bệnh” đến “tử” đối với ông được kéo dài thêm hơn nữa.
         Cuối cùng thì điều lo lắng nhất của gia đình, người thân, họ hàng về ông đã xẩy ra.  6 giờ 30 sáng ngày 25/4/ 2015, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp trong tiếng nghẹn ngào đứt quãng, điện báo hung tin cho tôi :“ Anh ơi! Bố em vừa mất lúc 6 giờ 15 sáng nay…”. Dẫu biết rằng, hơn một năm nay, ông bị lâm trọng bệnh khó qua khỏi, nhưng khi nghe tin, tôi vẫn bàng hoàng xúc động!
Mấy tháng trước, khi còn điều trị ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một hôm sức khỏe ông suy sụp cạn kiệt, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp gọi cho tôi trong tiếng nấc nghẹn thảng thốt : “ Anh ơi! Bố em nguy kịch lắm rồi, chắc khó qua khỏi… Với tình cảm, sự hiểu biết về ông của anh, gia đình tin tưởng đề nghị anh soạn thảo Điếu văn… Và, khi ông qua đời, Lễ tang sẽ tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, đề nghị anh với tư cách là Trưởng ban Liên lạc đồng hương huyện Nghi Lộc đọc Lời điếu”. Tôi xúc động trả lời : “ Tôi chia sẻ và nhất trí với chú. Đề nghị chú chuyển sớm cho tôi bản lý lịch của ông”. Tiếp đó, tôi vào bệnh viện thăm ông. Nhìn ông nằm trên giường thân hình gầy xọp, mắt trũng sâu nhắm nghiền, đang thở dốc, chúng tôi lo lắng vô cùng.
Tôi quan niệm: Điếu văn là bản tuyên dương công trạng, đạo đức, tài năng trong toàn bộ cuộc đời của người đã khuất. Đồng thời, qua đó, bày tỏ tình cảm của gia đình và mọi người thân đối với họ. Đọc kỹ bản lý lịch của ông Nguyễn Đăng Cẩn, cầm bút soạn thảo Điếu văn, tôi rưng rưng nghĩ về ông. Tâm trí tôi hiện  lên chân dung sự nghiệp, nhân cách, công đức, tư đức của một con người rất đáng tôn kính.  
Ông hơn tôi mười bốn tuổi, hơn hẳn một thế hệ, là bậc chú. Cùng quê huyện Nghi Lộc, từ xã tôi lên xã ông chừng bốn cây số. Tôi gặp ông lần đầu tiên cách đây tròn 15 năm. Đó là một trưa Hè trời chang chang nắng, gió Lào hầm hập thổi. Những hàng cây phi lao, những lũy tre làng Đông Chử chao mình xào xạc trong cái khô khốc bỏng rát của nắng, của gió. Ông tiếp tôi trên chiếc chõng tre bóng láng kê trước hiên nhà với ấm nước chè xanh đậm chát, ngát hương. Ngày đó, ông còn khỏe, dáng người cao rắn rỏi, da dẻ hồng hào, hai vành tai to, cặp mắt đen luôn nhìn thẳng, tiếng nói khúc chiết, đĩnh đạc, vang ấm, đậm chất giọng miền Trung và âm sắc ngôn từ Nghi Lộc. Những năm sau này, tôi còn gặp ông nhiều lần trên các công trình do Tổng công ty 36 thi công: Khi thì khởi công đập thủy điện Khe Bố ở miền tây Nghệ An; khi thì khánh thành Tượng đài Liệt sĩ ở Gio Linh ( Quảng Trị ) và nhiều nơi khác nữa. Ở các buổi Lễ khởi công hay khánh thành các công trình xây dựng rất hoành tráng của Tổng công ty 36, sự hiện diện của ông chan hòa trong sự đón chào trân trọng của mọi người từ các vị quan khách, tướng lĩnh, đến bộ đội, công nhân, nhân dân địa phương. Ngày 29 tháng 10 năm Quý Tỵ (2013), tôi gặp ông trong Lễ khánh thành Tháp chuông và Lầu bia tại nhà thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí - đó là hai công trình do các con trai ông cung tiến. Hôm đó, Hội đồng gia tộc đại tôn và đông đảo bà con các chi phái dòng họ Nguyễn Đình chúng tôi về dự Lễ đều dành cho ông tình cảm kính quí, thân tình.
Còn nhớ lần ông ốm nặng điều trị tại Trung tâm công nghệ cao Viện Quân y 108, tôi cùng các ông: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Kế Bằng  vào thăm. Dẫu đang mệt lắm, ông vẫn gắng gượng nói lời cám ơn bà con đồng hương đến thăm. Khi mọi người ân cần hỏi thăm, trong hơi thở nông, ông nở nụ cười hiền hậu với tiếng nói đứt đoạn: “ Không sao đâu các ông ạ… Con người ta khi đã qua 70 tuổi là có thể “đi” được rồi… Chưa đi chẳng qua là do nấn ná, lừng khừng hoặc đùn đẩy nhau mà thôi.. Tôi năm nay vừa chẵn 80, nếu có ra đi, không có gì là lạ…”. Vậy đấy! Đến cả lúc lâm trọng bệnh, thập tử nhất sinh, ông vẫn trong tâm thế tỉnh táo, chủ động, lạc quan nhìn nhận mọi sự việc một cách bình thản mà đượm chất trào lộng. Nhớ lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm ông tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - hôm đó có ông Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và tôi cùng dự - dẫu bệnh tình nặng, sức rất yếu, vậy mà ông vẫn tỉnh táo, minh mẫn nói lời cám ơn Chủ tịch nước đã bớt chút thời gian đến thăm mình.
Sinh ra trong một gia đình nông dân gia giáo, căn cơ, nền nếp; lớn lên ở một miền quê nghèo khó, có truyền thống hiếu học, cương cường và yêu nước; đến tuổi trưởng thành, người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết Nguyễn Đăng Cẩn được đắm mình trong không khí sục sôi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Như bao học sinh nông thôn cùng trang lứa, anh đã ngày đêm hăm hở tham gia mọi phong trào rầm rộ của quê hương.
Đầu năm 1952, đang học ở trường huyện Nghi Lộc, nhận thấy gia cảnh quá khó khăn vất vả, anh Nguyễn Đăng Cẩn đã tự nguyện thôi học về nhà tham gia việc đồng áng, đỡ đần cha mẹ. Là người có học, lại hăng hái nhiệt tình, nhiều năm liền anh Nguyễn Đăng Cẩn được lãnh đạo và nhân dân địa phương tin tưởng giao cho đảm trách cương vị: Trưởng thôn kiêm Bí thư xã đoàn. Chính trên cương vị đó, trong Cải cách ruộng đất, chứng kiến cảnh tượng nhiều gia đình bị qui sai vong gia bại sản; bằng nhãn quan chính trị, trách nhiệm và tấm lòng nhân nghĩa của mình, người Trưởng thôn 21 tuổi Nguyễn Đăng Cẩn đã kiên trì thuyết phục, kiên quyết đấu tranh, dũng cảm sẵn sàng đối phó với sự qui chụp cực đoan tả khuynh của mấy “ông đội” (nhất đội, nhì trời), nên đã cứu giúp được nhiều gia đình thoát nạn hiểm nguy. Xưa có câu: “ Dù xây chín bậc phù đồ / Không bằng làm phúc cứu cho một người” (Nói nôm na là cứu một mạng người hơn xây một tòa tháp chín tầng). Cứu một mạng người đã là quí, mà ông còn cứu được nhiều người thoát nạn. Việc làm của ông là một nghĩa cử cao đẹp, hữu ích, rất đáng trân trọng. Theo tôi, sự kiện đó, đến nay sau nửa thế kỷ nhìn lại, càng khâm phục việc làm cao quí của ông Nguyễn Đăng Cẩn - người thanh niên đã có tầm nhìn vượt thời gian. Thử hỏi, thuở đó, trước bối cảnh như vậy, mấy người làm được như ông! Trưởng thôn trẻ tuổi Nguyễn Đăng Cẩn làm được điều đó đâu phải do học được ở một trường lớp, sách vở  nào - Đó chính là hành động bắt nguồn từ sự rung động của trái tim nhân hậu, sự mách bảo của lòng nhân ái.
Tôi được biết, vào năm 1970 có một trường hợp: Kế toán trưởng Hợp tác xã nông nghiệp Nghi Công có dấu hiệu tham ô lớn. Lãnh đạo huyện đã cử 20 đoàn với đủ thành phần lần lượt đến kiểm tra và đã kết luận, chuẩn bị khởi tố. Nghi can đã chấp nhận tội. Thế nhưng đến đoàn thứ 21 với sự tham gia ông Nguyễn Đăng Cẩn thay mặt Phòng Nông nghiệp huyện. Khi trực tiếp tiếp xúc với nghi can, ông Cẩn cặn kẽ hỏi, thì được trả lời: “ Ông tính, trong năm 1968, cùng lúc tôi nhận giấy báo tử hai người con trai hy sinh ở chiến trường Miền Nam. Nỗi đau đột ngột dữ dội đến cùng cực, tâm trí quay cuồng hoảng loạn, không thể nhớ nổi điều gì. Vì vậy, mọi kết luận của các đoàn kiểm tra, tôi đành chấp nhận cho xong chuyện”. Nghe xong, ông Cẩn đề nghị kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ sổ sách. Thấy vậy, có anh cán bộ công an cùng tham gia Đoàn nói với ông Cẩn: “Thật lạ cho bác. Các đoàn trước đã kết luận và đương sự cũng đã nhận tội. Vậy bác đòi làm lại để làm gì ?”. Ông Cẩn nói: “ Dâm có tang, gian có tích. Không thể dựa vào mấy lời khai trong lúc người ta đang đau khổ để luận tội được. Mọi người thử đặt mình vào hoàn cảnh đó xem sao?”. May có ông Đờn quê ở Nghi Xuân đại diện Ngân hàng trong Đoàn kiểm tra nhận lời đối chiếu lại sổ sách của Ngân hàng. Cuối cùng kết quả kiểm tra kết luận: Ông kế toán trưởng không có dấu hiệu tham ô.
Ông là người thông minh, hiểu biết sâu sắc. Dù không danh hiệu, bằng cấp, chức tước to tát trong xã hội; cũng không có những sự tích phi thường, những điều kỳ diệu trong cuộc đời, ông là một cán bộ bình dị như hàng triệu người Việt Nam cùng thế hệ. Nhưng, bằng sự tiếp thụ văn hóa từ truyền thống quê hương, nền nếp  gia phong, gia giáo của gia đình và sự trải nghiệm, tôi luyện, hun đúc trong trường đời qua các thời kỳ lịch sử, đã hình thành nên ở ông một nếp nghĩ, một lẽ sống thật cao quí. Trong đời sống, ông là người không cả tin mù quáng trước mọi vấn đề. Sự nhận thức của ông bắt nguồn từ việc tìm hiểu kỹ càng, chắc chắn của chính mình. Ông đại nghi trước khi đại ngộ - Nghĩa là, ông đặt ra hàng loạt câu hỏi trước các sự kiện hiện tượng, phải có sự lý giải đầy sức thuyết phục, thì mới đi đến sự khẳng định trong nhận thức. Ở ông Nguyễn Đăng Cẩn do hoàn cảnh lịch sử không có điều kiện học tập nhiều tại trường. Nhưng trải qua thực tiễn hoạt động phong phú, sôi động trong trường đời, đã đào luyện cho ông một nhân cách đẹp và một sự hiểu biết phong phú, sâu sắc. Trên cơ sở đó, ông đã có nhiều cống hiến trên các cương vị:  giáo viên phổ thông, rồi Chánh văn phòng Ủy ban huyện và nhiều năm là cán bộ nông nghiệp huyện Nghi Lộc.
Ông là người khảng khái, cương nghị. Đó là đặc trưng căn bản, nổi trội trong tính cách thường trực hiện hữu ở ông. Bất kỳ ai tiếp xúc với ông, dù chỉ một  lần, đều có thể nhận ra điều đó. Trong mọi cuộc tranh luận, ông không bao giờ phân biệt đẳng cấp, mà chỉ xoay quanh trục vấn đề: thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu. Trong cuộc sống, trước các mâu thuẫn va đập, diễn biến phức tạp, ông luôn có chính kiến rõ ràng, đàng hoàng, câu trả lời đĩnh đạc dứt khoát, không bao giờ vòng vo, lập lờ, nước đôi. Cùng với tính cách khảng khái, cương trực, ông còn có tài ứng biến khái quát nhanh về mọi vấn đề. Ý thức khái quát thường trực trong ông đã giúp ông vượt lên trên hiện thực bề bộn, làm chủ được tình cảnh - cả bề mặt xã hội và bề sâu con người. Sự khảng khái, cương nghị, thẳng thắn của ông đã truyền sang các con trai - đặc biệt con trai cả Nguyễn Đăng Giáp là người mang gien trội của ông.
Gia đình là đơn vị cơ bản, là nền tảng xã hội, là cái nôi ươm mọi con người và từ đó mở rộng ra quê hương, đất nước. Xuất thân trong một gia đình nông dân nho giáo, ông Nguyễn Đăng Cẩn luôn thể hiện cốt cách gia giáo, hành xử theo chính danh. Ông là người con tận lòng hiếu thảo với cha mẹ trong mọi hoàn cảnh; là người chồng sắt son tình nghĩa suốt cuộc đời đắng chát, ngọt bùi; là người cha nhân từ, tình cảm mà nghiêm khắc nuôi dưỡng, giáo dục tám người con trai trong những năm tháng bộn bề gian khó. May mắn hạnh phúc đời ông là có bà Nguyễn Thị Sinh - người vợ thông minh, hiền thục, tần tảo, đảm đang; người phụ nữ chịu thương chịu khó và có trái tim nhân hậu. Thật là: Phúc đức tại mẫu.
          
          Gốc rễ bền sinh cành rợp bóng, nguồn rộng sâu tạo dòng chảy không ngừng.Phải  khẳng định rằng, công đức lớn nhất của ông bà cống hiến cho đất nước, cho xã hội là đã sinh thành dưỡng dục nên những người con thành đạt. Trong đó, có người thứ ba đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, còn lại bảy người là các sĩ quan QĐNDVN đồng thời là các doanh nhân xuất sắc rên thương trường không ít cam go - mà tiêu biểu nhất là người con cả: Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp. Trên vùng đất Nghi Lộc và cũng có thể nói trong một không gian rộng lớn hơn, hiếm có một gia đình được như thế. Cổ nhân có câu :“Hậu phúc khán tử tôn”, có nghĩa là nhìn vào sự phương trưởng của con cháu, thì biết được phúc đức về sau của một con người. Rõ ràng, gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn là một gia đình đại phúc. Điều đó ứng với lời tiên đoán cũng là lời nguyện ước của Cố nội ông là Cụ Nguyễn Đăng Thanh thuở xưa khi dựng nhà thờ họ Nguyễn Đăng đã  khắc lên hoành phi treo chính giữa nhà: “ Phúc Lai Thành”.
Có người nói rằng: Trên thực tế, nói chung là, có tập thể Anh hùng rồi mới có cá nhân Anh hùng. Nhưng ở đây thì ngược lại: Có Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp rồi mới có Tổng công ty 36 Anh hùng. Điều đó là hoàn toàn đúng. Và tôi xin được nói thêm: Có người cha với cốt cách trung kiên mẫu mực Nguyễn Đăng Cẩn mới có người con Anh hùng  Nguyễn Đăng Giáp. Đó là kết quả tất yếu bắt nguồn từ công sinh thành cùng với công dưỡng dục. Theo luật nhân quả, có người cha như thế ắt sẽ có những người con như thế.
Trong sự sống của loài người có ba điều bất hủ: Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Tôi cho rằng, điều đó không chỉ dành cho các bậc danh nhân mà có thể áp dụng cho mọi người theo những cấp độ khác nhau. Trong cuộc đời mình, ông Nguyễn Đăng Cẩn đã làm được nhiều điều nhân đức, có công tích trên các cương vị và ông cũng đã lập ngôn. Cuốn hồi ký Cuộc đời và nhân chứng của ông với ngồn ngộn sự kiện nhân chứng, chan chứa biết bao tình sâu, nghĩa nặng, nỗi niềm thẳm sâu được chắt ra từ trái tim, khối óc của ông, kết tinh thành những lời tâm tình nhắn nhủ sâu sắc của ông đối với con cháu. Đó đích thực là một trong những điều lập ngôn quí báu của ông Nguyễn Đăng Cẩn để lại cho đời.
           Suốt cuộc đời, ông Nguyễn Đăng Cẩn là một người thông minh, luôn luôn độc lập trong suy nghĩ, sáng tạo quyết đoán trong hành động. Trên mọi cương vị, ông đều để lại dấu ấn là một đảng viên kiên trung, một cán bộ mẫu mực. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều giữ vững bản lĩnh, niềm tin, kiên định mục tiêu lý tưởng đã chọn. Trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, mọi người đều cảm nhận từ ông toát lên trọn vẹn những nét đặc trưng trong cốt cách trung tín, khảng khái, cương nghị, sâu nặng nghĩa tình.

        Theo quan niệm từ ngàn xưa của người Việt : “ Cái quan định luận”, nghĩa là khi quan tài đã đậy nắp, thì sự đánh giá của người đời đối với người đã khuất mới thật sự đầy đủ, chính xác. Qui mô hoành tráng, chan chứa tình người, sự chu toàn, trang trọng trong tất cả các khâu, sự tề tựu đến kính viếng, truy điệu, đưa tang ở Hà Nội và ở Nghệ An của hàng nghìn người đủ mọi thành phần từ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp, nhà trường,…cùng đông đảo bà con họ hàng nội ngoại, thân bằng cố quyến, bạn hữu gần xa tự nguyện nườm nượp đến dự Lễ tang. Tất cả điều đó, như một thước đo, đã nói lên vị thế, uy tín của ông Nguyễn Đăng Cẩn và tầm ảnh hưởng của các con ông. Chứng kiến từ đầu đến cuối Lễ tang ở cả hai nơi ( Hà Nội, Nghệ An ), tôi thực sự cảm kích. Dù có tính trước, nhưng thật sự chẳng ai lường hết được qui mô bề thế của Lễ tang và tình cảm của mọi người dành cho ông và gia đình. Lễ tang ông có hàng nghìn vòng hoa và bức trướng kính viếng.
Với cương vị Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương huyện Nghi Lộc ở Hà Nội, tôi được phân công đọc Điếu văn trong Lễ truy điệu ông tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Tôi coi đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự mà mọi người ủy thác. Trước đó, tôi dự định sẽ mặc bộ comple màu đen thật lịch sự. Nhưng nhiều người đề nghị tôi mang lễ phục cấp Tướng. Trong không khí trang nghiêm, thành kính tiến hành Lễ tang  người Cha của: một Liệt sĩ, một Đại tá AHLĐ, cùng 6 Sĩ quan QĐNDVN. Đến dự Lễ tang còn có lãnh đạo nhiều bộ ngành, rất nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đông đảo quân nhân  cùng gia đình, họ hàng thân hữu - Do đó, việc người đọc Điếu văn mặc Lễ phục cũng là phải đạo, hợp lý, hợp tình.
Đúng 5 giờ chiều ngày 27 / 4 / 2015, xe chở linh cựu ông bắt đầu lăn bánh rời khỏi Nhà tang lễ số 5 Trần Nhân Tông. Xe dẫn đường mang Biển số 80 B. Đoàn xe gần trăm chiếc nối tiếp nhau đưa tiễn ông về an nghỉ cùng Tổ tiên ở quê nhà làng Đông Chử ( Nghi Lộc, Nghệ An ). Đoàn xe tang dài hàng cây số, đi trong đêm, tuyệt đối an toàn trên chặng đường tròn 300 cây số. Trên đường đều dừng lại thắp hương khi đến địa đầu các tỉnh và khi qua các cây cầu lớn. Đến hơn 11 giờ đêm, linh cựu ông về đến nhà trong sự chờ đón thịnh tình, đầy cảm xúc tôn nghiêm của đông đảo lãnh đạo địa phương và bà con họ hàng. Từ 6 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 ngày 28  / 4 / 2015, Lễ viếng và Lễ truy điệu ông đã tiến hành tại gia đình ông với hàng trăm đoàn đến dự. 13 giờ di quan. 14 giờ 15 phút hạ huyệt. Tôi được biết, các bước triển khai đều do người con trai cả Nguyễn Đăng Giáp điều hành căn chỉnh theo từng thời khắc tín ngưỡng tâm linh.
Giữa một chiều Hè nắng vàng, trời xanh, gió nồm nam thổi nhẹ, trong cái  nóng oi nồng, cả đoàn người lòng trĩu buồn, lặng lẽ nối tiếp nhau kính cẩn tiễn biệt ông trong niềm tiếc thương vô hạn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Thi hài ông đặt vào quan tài bằng gỗ ngọc am quí hiếm để trong quách bằng đá xanh được thiết kế và thi công rất bề thế công phu. Lăng mộ ông đặt cạnh Nghĩa trang dòng họ Nguyễn Đăng. Cách đó không xa là Đền thiêng Diên Cờ -  công trình tráng lệ nguy nga do các con trai ông tái thiết theo ý tưởng chỉ đạo của ông. Đây là nơi thờ phụng thần Cao Sơn, Cao Các, bảy vị nhân thần cùng hai danh tướng: Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo và Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Đền Diên Cờ là Di tích Lịch sử Văn hóa - một địa chỉ du lịch tâm linh văn hóa của khách thập phương.
Tôi cho rằng, từ xưa đến nay, không tính Quốc tang, Lễ tang ông Nguyễn Đăng Cẩn là trường hợp hiếm có. Có người nói, đây là Lễ  “Hồng tang” . Điều đó không sai, khi xét về qui mô, cấp độ, tấm lòng của mọi người đưa tiễn và từ đây mở ra một chu trình mới cho hậu thế.

 82 năm đi qua cõi trần biết bao thăng trầm, vinh quang cùng gian khó, ông Nguyễn Đăng Cẩn đã để lại cho đời dấu ấn vàng son vô giá, hy hữu: Những người con thành đạt, hiển vinh ; những người cháu phương trưởng; là công trình Nhà thờ Nguyễn Đăng tộc đường tôn nghiêm và công trình Đền Diên Cờ lộng lẫy, lừng lững trên quê hương, song hành cùng thời gian. Hơn thế, đó là tấm lòng nhân đức, chan chứa nghĩa tình của ông tỏa bóng vào hậu thế, vào mọi người gần xa.
 Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng. Nhưng hình ảnh kính quí của ông còn đọng mãi trong lòng mọi người ./.

                                                        Mỹ Đình, ngày trọng Hạ năm ẤT Mùi
                                                                               N M Đ

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét