Không nên lạm dụng Bác Hồ để làm những việc trái với sự mong muốn của Bác
Một mô hình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa
"Tình cảm của đồng bào với Bác là sâu đậm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với nhu cầu xây tượng đài, xây quảng trường, ít nhất tại thời điểm này. Chắc rằng, gần 70.000 hộ nghèo, 30.000 hộ cận nghèo, nhất là hơn 31.000 hộ đói ăn chưa có nhu cầu như vậy"
Đó là những dòng chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên báo Tuổi trẻ và Đời sống sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Sơn La báo cáo "sự kiện" chi 1.400 tỉ để xây dựng tượng đài Bác Hồ. Một Thế Giới xin trích dẫn cùng bạn đọc:
- Rất vui lại được cùng ông trò chuyện về một vấn đề đang rất nóng sốt trên các kênh truyền thông. Đó là việc tỉnh Sơn La dự kiến dựng tượng đài Bác Hồ với sốtiền 1.400 tỷ đồng...
Trước hết cũng cần phải rõ ràng và minh bạch. Số tiền 1.400 tỷ đồng là dự kiến cho một quần thể xây dựng của thành phố Sơn La, trong đó có tượng Bác Hồ. Đó là lời giải thích của một cán bộ tỉnh với giới báo chí. Trong quần thể các công trình xây dựng ấy, có nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, gắn với một lễ đài, bao gồm tượng đài Bác, quảng trường, đền thờ Bác, bảo tàng tổng hợp, khu nhà điều hành đón tiếp, khu đô thị (ở và dịch vụ), hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các công trình công cộng khác. Trong đó có cả bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
- Riêng xây dựng tượng đài Bác Hồ chỉ có khoảng 200 tỷ đồng...
- Đúng vậy. Còn 1.200 tỷ đồng là các công trình khác. Nhưng khi công bố trên báo chí, người ta lại gộp cả 1.400 tỷ đồng vào việc xây dựng tượng Bác Hồ thì thật tệ hại. Đừng núp bóng Bác, lạm dụng Bác để làm những việc trái với ý nguyện của Bác. 1.400 tỷ đồng là số tiền rất lớn. Trong khi đó, Sơn La lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Theo ký giả Nguyễn Đức Lam, toàn tỉnh Sơn La có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 trên 62 huyện nghèo nhất cả nước; hơn 30.000 hộ cận nghèo, 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói. Còn về thu-chi ngân sách, Sơn La là một tỉnh không “dư dả” gì, chỉ tạm “đủ ăn”, chưa nói đến đầu tư để “thoát nghèo”. Tỉnh đang gặp hàng loạt vấn đề, như thiếu cầu đường, việc làm, nước sạch, thiếu các cơ sở phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, bệnh viện. Trước vô vàn vấn đề như vậy, điều quan trọng nhất có lẽ là chọn ưu tiên. Tại sao lại chọn việc xây quảng trường thành phố với quần thể tượng đài? Việc thiếu các công trình này tác động đến địa phương như thế nào? Liệu thiếu công trình này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đa số người dân không? Bao nhiêu người hoặc nhóm người chịu ảnh hưởng? Nếu chỉ tác động đến một số ít người thì cần cân nhắc vì sao đáng ưu tiên? Nếu không xây quảng trường và quần thể tượng đài sẽ dẫn đến hậu quả gì, có trầm trọng không?
Quan trọng nhất là đặt trong mối tương quan với các vấn đề khác, việc xây quảng trường và quần thể tượng đài có đáng ưu tiên hơn không, hay là có chuyện cần hơn? Cũng theo ký giả Nguyễn Đức Nam, tình cảm của đồng bào với Chủ tịch Hồ Chí Minh là sâu đậm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với nhu cầu xây tượng đài, xây quảng trường, ít nhất tại thời điểm này. Chắc rằng, gần 70.000 hộ nghèo, 30.000 hộ cận nghèo, nhất là hơn 31.000 hộ đói ăn chưa có nhu cầu như vậy. Như ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói: “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân”.
Toàn bộ cánh đồng này nằm trong dự án xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác. |
Khu phố kéo dài gần 1km đường Điện Biên, trung tâm thành phố Sơn La được dự kiến di dời để phục vụ cho việc thi công xây dựng tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác. |
- Quả đúng là như vậy...
Chúng ta đang học tập tấm gương đạo đức của Bác. Nhưng thực tiễn, nhiều nơi làm ngược lời dạy của Bác. Dân nghèo, nên Bác sống rất đạm bạc, tằn tiện. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Tiếp khách quốc tế, Bác vẫn mang trang phục của một người nông dân nghèo. Bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Một đồng chí cán bộ tỉnh ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng trách Dân không chu toàn với Bác...”. Bác cười điềm đạm: “Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”. Một người suốt đời chỉ sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, về việc riêng, Bác cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm. Trong một ít chữ phong phanh ấy. Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, dặn đừng tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Sinh thời, Bác đâu muốn có tượng đài. Bác chỉ cho phép dựng tượng Bác ở duy nhất một địa điểm. Đó là Cô Tô. Một hòn đảo nhỏ trên vịnh Bắc Bộ. Ở đó thời ấy có rất nhiều Hoa kiều sinh sống. Và như thế, bức tượng của Bác đã thành cột mốc chủ quyền cho một phần lãnh thổ của chúng ta trên Biển Đông, vấn đề Biển Đông, giờ đang là một nguy cơ rất đáng quan ngại đã được Bác chỉ ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Còn những nơi khác, Bác đâu muốn để tượng đài. Ý tưởng đó của Bác đã được nhà thơ Tố Hữu, một người rất gần gũi với Bác ghi lại như là một lời di chúc của Bác ở ngoài bản Di chúc: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...”. Tượng đài là tư duy của người phương Tây, gần đây mới du nhập sang ta. Trong tiềm thức người Việt, không có tượng đài. Yêu ai, kính trọng ai, người ta lập đền, lập miếu để thờ. Với người Việt, phải vô hình mới linh thiêng. Còn đã hiện ra thành hình hài, thành gương mặt của đá thì không còn linh thiêng nữa. Vả lại, tượng đài là nghệ thuật không gian. Nhiều bức tượng rất đẹp, giành được giải cao, nhưng khi dựng ở ngoài trời lại rất xấu, vì không có không gian phối cảnh, nghĩa là không có bầu khí quyển để “nuôi” bức tượng sống. Ấy là chưa kể người ta còn lấn chiếm xung quanh. Rồi mưa nắng đều dữ dội. Khí hậu lại khắc nghiệt. Chẳng có tượng nào chịu nổi trước sự tàn phá của thiên nhiên, nhất là ở những vùng núi cao như Sơn La, nơi hàng năm phải chịu đựng bao nhiêu trận lũ ống, lũ quét.
- Tôi đồng ý với ông. Khí hậu nước ta không phù hợp với những công trình nghệ thuật ngoài trời. Yêu ai, thờ ai, dân cứ phải thắp hương. Người ta thường thắp hương ở đền, chùa, miếu mạo. Chẳng ai thắp hương ở ngoài trời, nhất là nắng nôi mưa gió thế này. Ấy là chưa kể chim chóc còn phóng uế. Làm sao tượng còn thiêng được...
- Điều quan trọng, là chúng ta cứ làm ngược với ý nguyện của Bác. Sinh thời, Bác hay đến thăm người nghèo, dành tiền lương của mình mua quà tặng người nghèo. Tố Hữu cũng đã viết: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Bác thương nhất là trẻ em, người già, phụ nữ và những người bất hạnh. Bác bảo: “Cả đời, tôi chỉ có một ham muốn. Ham muốn tột bậc, là ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Ai cũng được học hành...”. Vậy thì, bây giờ, thực hiện theo ước nguyện của Bác, ta hãy dùng toàn bộ số tiền 1.400 tỷ ấy xây bệnh viện, trường học, nhà ở cho dân, đầu tư cho dân làm ăn để thoát nghèo. Và ở mỗi công trình ấy, hãy khắc ghi một dòng chữ trân trọng và tôn kính: Quà của Bác Hồ tặng đồng bào các dân tộc vùng cao. Như thế, đẹp biết bao nhiêu. Lại đúng là Bác đã về. Còn bức tượng Bác, bức tượng đẹp nhất, linh thiêng nhất, người dân sẽ tạc trong lòng mình. Bức tượng ấy, không phải bằng gỗ đá, không phải bằng sắt thép xi măng nên gió mưa và thời gian khắc nghiệt không thể hủy hoại được. Tượng đài ấy mới vĩnh cửu, và sẽ bền vững đến muôn đời...
- Xin cảm ơn ông!
Thu Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét