NGUYỄN DU - THIÊN TÀI :
VẤN ĐỀ ĐÃ QUEN MÀ CÒN
LẠ
( Nhân dịp đón nhận danh hiệu Danh nhân
văn hóa Nguyễn Du được Unesco tôn xưng và kỷ niệm 2015)
Giáo sư Nguyễn Đình Chú
Đánh giá tài năng của con người trong
cuộc sống thì không gì cao bằng hai chữ thiên tài. Với văn chương, cũng đã có
các thuật ngữ như: văn hào, thi hào, đại văn hào, đại thi hào. Nhưng vẫn ít
nhiều sau hai chữ thiên tài.
Ở Việt Nam ta, trong bảng giá văn
chương, đó đây, thuật ngữ thiên tài đã được dành cho Nguyễn Trãi, Hồ Xuân
Hương… Nhưng nhiều hơn một ít vẫn là với Nguyễn Du. Cho nên nói đã quen là bởi thế.
Mà
còn lạ là bởi nói thiên tài nhưng hầu như chưa giới thuyết thiên tài là gì
trong khi thiên tài là một hiện tượng không kém phần bí ẩn. Nói Nguyễn Du thiên
tài nhưng biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào thì chưa rõ mặc dù đã nói
được không biết bao nhiêu điều về cái hay cái đẹp của Nguyễn Du, đặc biệt là
với Truyện Kiều. Trong khoa học, phải chăng có thể nói thành tựu như thế thì
chưa vượt hẳn trạng thái implicite (
chưa tường minh) để tiến tới trạng thái explicite
( tường minh), chưa thoát hẳn trạng thái miêu tả, liệt kê để đến trạng thái
phát hiện bản chất , phát hiện qui luật.
Bài viết này chưa chăc đã đưa đến kết
quả gì. Nhưng động cơ là muốn vươn tới sự tường minh để vấn đề đã quen được quen hơn, còn lạ sẽ bớt lạ bằng các thao tác sau đây:
1-
Chọn một cách
giới thuyết tối ưu dù là tương đối về khái niệm thiên tài nhằm tạo khái niệm
công cụ chủ lực cho việc giải mã vấn đề ở Nguyễn Du.
2-
Với khái niệm
công cụ chủ lực đó, một mặt dựa vào thành tựu phong phú của tiền nhân đối với
Nguyễn Du; mặt khác tìm cách dọn dường để đến được thiên tài
Nguyễn Du và từ đó mong chỉ ra được những
biểu hiện tinh túy nhất, đích đáng nhất, có ngầm so sánh với đại thi hào
văn hào khác của dân tộc khi nói Nguyễn Du - thiên tài.
Cuối cùng, vẫn xin coi đây là chuyện nêu
vấn đề và làm thử. Mong có được sự chỉ bảo, chung sức tiếp theo của các vị thức
giả, đặc biệt là các nhà Kiều học, Nguyễn Du học.
*
* *
Trong bảng giá về tài năng của con người với
cuộc sông, không có thuật ngữ nào cao giá bằng hai chữ thiên tài. Ngay đến hai
chữ vĩ đại phần nào vẫn dễ có hơn hai
chữ thiên tài. Bới vĩ đại trong nhiều trường hợp không phải là thiên tài. Thiên
tài vẫn hiếm vô cùng. Bởi không phải nước nào cũng có. Còn nhân tài thì dĩ
nhiên là đứng sau nhiều so với thiên tài. Trong tiếng Pháp từ génie đã được Tự điển Pháp Việt của Đào Duy Anh dịch
là thiên tài , kỳ tài, anh tài thì kỳ tài, anh tài vẫn sau thiên tài. Nếu dịch là thần đồng thì vẫn chưa bằng thiên tài. Trong bảng giá văn chương, cũng đã
có các thuật ngữ : nhân tài, thần đồng, văn hào, thi hào, đại văn hào, đại thi
hào. Nhưng vẫn sau thiên tài cả.
Với
các tác gia văn học Việt Nam, trong thực tế nghiên cứu đánh giá , đó đây,
hai chữ thiên tài cũng đã được dùng ở cấp độ tác gia là Nguyễn Trãi, Hồ Xuân
Hương, ở cấp độ tác phẩm là Số đỏ của
Vũ Trọng Phụng , Thi nhân Việt Nam của
Hoài Thanh. Riêng Nguyễn Du thì vừa ở cấp độ tác gia vừa ở cấp độ tác phẩm là
Truyện Kiều thì được dùng nhiều hơn. Nhưng với Xuân Diệu, Nguyễn Du cũng chỉ là
đại thi hào cùng Nguyễn Trãi và Hồ Xuân Hương. Điều đáng nói là những người mệnh
danh Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương là thiên tài, kể cả Số đỏ, Thi nhân Việt Nam là thiên tài,
thì đều chưa thấy đâu giới thuyết thiên tài là thế nào. Trần Đăng Khoa khi mệnh
danh Thi
nhân Việt Nam là thiên tài thì có nói” đây là người trời viết chứ không
phải người đời viết”. Cách giới thuyết này cũng chỉ là một cách nói hay từ định
nghĩa thông thường của các tự điển Hán Việt ví như với Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh : “ thiên tài là tài trời cho”. Ngày Đặng Thái Sơn được giải nhất quốc tế về Piano ở Ba Lan về
nước, không it báo chí đã coi đó là thiên tài với một lý lẽ đơn giản : Piano vốn là nhạc cụ của châu Âu.
Vậy mà một học sinh Việt Nam thuộc châu
Á sang châu Âu chiếm giải nhất quốc tế thì là thiên tài . Đặc biệt trên Truyền
hình Việt Nam, có vị Trưởng bộ môn Piano đã hào hứng nói: “Đặng Thái Sơn là thiên tài. Nhưng dưới
chế dộ ưu việt của chúng ta, rồi đây sẽ có
chục thiên tài như Đặng Thái Sơn”.. : Mác từng nói: “Chủ nghĩa xã hội không tạo ra được Raphael.
Nhưng nếu cuộc sống có mầm mống Raphael thì chủ nghĩa xã hội đảm bảo cho mầm
mống Raphael đó trở thành Raphael thực sự.”.Trong ý kiến của Mác, vế đầu là
đúng 100%. Còn vế sau thì tùy ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Quả thật, thiên tài vẫn là một hiện
tượng bí ẩn không dễ gì giải mã được mặc dù cũng đã có cách giới thuyết này nọ.
Ví như theo Phật giáo thì thiên tài là sản phẩm của luật luân hồi, kiếp trước truyền
lại cho kiếp sau và được các kiếp sau nâng cao mà có. Còn theo Gaethe thì chỉ
một số nước nào đó mới có thiên tài. Mà đất
nước có thiên tài lại phải có một người có khả năng thành thiên tài mới có
thiên tài, chứ không phải ai cũng có khả năng thành thiên tài. Đất nước đã
có người có khă năng thành thiên tài
nhưng với người này lại phải có một tình
huống nào đó mới trở thành thiên tài chứ
không phải lúc nào cũng thành thiên tài.( Theo Hồ Ngọc Đại).
*
* *
Với một quan niệm nghiêm ngăt như thế của
Gaethe về thiên tài, liệu có thể nói
Nguyễn Du của Việt Nam ta là thiên tài trong văn chương không? Ở đây, tôi xin
đi theo các vị đã mệnh danh Nguyễn Du là thiên tài mà cũng đã diễn giải được nhiều điều rất quí báu nhưng
ít nhiều vẫn đang ở trạng thái implicite , chưa thật tường minh, tự giác tới
mức cần có trước các vấn đề : Việt Nam
ta có đáng coi là một đất nước có thiên tài không? môi sinh của thiên tài
Nguyễn Du là gì? Thiên tài Nguyễn Dụ cụ thể là thế nào? Trước tình hình đó,
việc làm của tôi là cố gắng được chút nào hay chút ấy để có thêm tính tự giác ,
explicite, tường minh trước các vấn đề vừa nêu. Thiên tài, đúng là hiện tượng
còn bí ẩn. Nhưng một khi đã mệnh danh ai đó, hiện tượng nào đó là thiên tài thì
không thể không tường minh trước những câu hỏi đó? Theo tôi:
1). Nguyễn Du là thiên tài bởi Việt Nam ta cũng là
một đất nước có khả năng xuất hiện thiên tài, ở lãnh vực nào nữa thì xin để chư
vị thức giả xem xét, bàn luận thêm. Ở đây chỉ nói trong phạm vi nghệ thuật Việt
Nam với các loại hình cơ bản là kiến trúc , âm nhạc, hội họa và văn chương. Thì
đây không phải là sự thật sao. Đất nước luôn luôn bị ngoại xâm và nguy cơ ngoại
xâm, lại thêm thiên tai nặng nề thì lấy đâu ra điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển kiến trúc. Có được một cái chùa Một Cột bé tẹo và một số đền chùa, lăng tẩm
như thế thì đã sướng rồi, chứ lấy đâu ra
thành tựu kiến trúc đồ sộ như Kim tự tháp của Ai cập, Đế Thiên Đế Thích của Cămpuchia,
Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa, ngay cả tháp Luông của Lào…Chẳng đã có người
nói, về kiến trúc của Việt Nam xưa thì thành quả lớn nhất chính là những con đê
ngăn nước lũ. Về âm nhạc, quả có thành tựu dân ca phong phú tuyệt vời như thế nhưng đó là sáng tác tập thể, biết ai là tác
giả thiên tài trong dó. Mãi tới thời hiện đại mới có tân nhạc với nhiều tên
tuổi cũng sáng danh nhưng ai là thiên tài? Khó nói quá. Trịnh Công Sơn như có
người đã mệnh danh ư? Phải có thêm thời gian xem sao đã. Trước mắt thì không
đơn giản đâu. Còn hội họa thì cũng có tranh làng Hồ, tranh Hàng Trống này nọ,,,
nhưng cũng đến thời hiện đại mới có tên tuổi này khác nhưng đã có ai đáng gọi
là thiên tài một khi mà họa phẩm chưa thấy đâu được đấu giá khủng trên trường
quốc tế thì nói chi đến chuyện thiên tài. Trong khi đó với văn chương, chẳng
cần gì cả, chỉ cần đạo đức, tâm hồn, trí tuệ và tài năng, thì ông A ông B, kể
cả bà C bà D, hoặc là cứ bằng miệng mà phát ra và nhờ quần chúng truyền miệng để
rồi được hậu thế ghi chép lại cho như trường hợp Hồ Xuân Hương,Tú Xương, hoặc
chỉ với ít tờ giấy và cái bút cái nghiên mực là đã có tác phẩm trình làng và
lưu danh hậu thế miễn là có giá trị đích thực
ở mức này, mức khác. Không ai nói rằng nền văn học Việt Nam là một nền
văn học lớn. Nó vừa, nó nhỏ thôi, nhưng vẫn là một nền văn học đi bằng hai chân
rất vững chãi là văn học dân gian truyền miệng cùng văn học viết và đã kết tinh
theo qui luật “ quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Lịch sử văn học nghệ thuật của thế giới
chẳng đã có hai qui luật kết tinh: quí hồ
đa đồ sộ và quí hồ tinh bất quí hồ đa,
bình đẳng với nhau. Quả thật như thế, ở đất nước thời trung đại, văn chương vẫn là thành quả
rực rỡ hơn cả và kết tinh theo qui luật “ quí
hồ tinh bất quí hồ đa.”. Thiên tài văn chương của Nguyễn Du ắt hẳn đã được
gieo trồng từ truyền thông văn chương ưu việt nổi trội đó của đất nước. Không
có truyền thống văn chương ưu việt nổi trỗi đó thì có đâu thiên tài Nguyễn Du.
2) Vậy thì môi sinh của thiên tài Nguyễn
Du còn là gì nữa ngoài truyền thống văn chương? Như đã nói, thiên tài là hiện
tượng bí ẩn không dễ gì tạo ra nhưng với
những gì liên quan tới thiên tài thì lại là điều phải nói và có thể nói. Khoa
Kiều học nói riêng, Nguyễn Du học nói chung, từ lâu chẳng đã nói về môi sinh
của văn nghiệp Nguyễn Du là xã hội Việt Nam ta ở nửa sau thế ký 18 đầu thế kỷ
19 trên các phương diện chính trị, xã hội, tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ
thuật. Trong đó nổi lên là sự khủng hoảng triền miên không thể cứu vãn của chế
độ phong kiến dẫn đến sự khổ cực nặng nề của người dân mà từ đó là sự vùng lên của phong trào nông
dân khởi nghĩa , hào hùng là vậy, nhưng rút cục vẫn thất bại trước sự phục hồi chế độ phong kiến phản động
của triều Nguyễn . Cùng với sự khủng hoảng triền miên của chế độ phong kiến là
sự rãn vỡ của ý thức hệ phong kiến, lại thêm sự
xuất hiện của tầng lớp thị dân
kèm theo sự manh nha của tâm lý thị dân. Từ đó là sự trổi dậy của trào lưu tư
tưởng nhân đạo chủ nghĩa, bề thế, có nhiều yếu tố tiên bộ, hấp dẫn, nhưng bước
sang đầu thế kỷ 19 thì cũng tàn lụi dần một khi chế độ phong kiến kèm theo là ý
thức hệ phong kiến đã dược phục hồi. Những gì đã được nói như thế về môi sinh
của thiên tài Nguyễn Du hẳn là vẫn có nhiều người đồng tình. Nhưng tôi muốn ít
nhiều nghĩ khác, nghĩ thêm. Bởi thấy những gì được nói đó cơ bản vẫn thuộc hệ
qui chiếu theo giai cấp luận, không phải là không có ý nghĩa gì khi nhìn vào
giá trị phản ánh trong văn nghiệp của thiên tài Nguyễn Du nhưng nhìn chung thì lại
chưa đủ cơ sở để nhìn vào toàn bộ kho báu tinh thần của thiên tài Nguyễn Du… Phải có thêm hệ qui
chiếu theo dân tộc luận và cả Đông phương luận nữa mới đủ. “Nhà văn hóa tương lai” Nguyễn Ai Quốc chẳng
đã nói từ năm 1924 ở Mátcơva trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ: “ Điều chỉnh học thuyết Mác và củng cố nó
bằng Dân tộc học phương Đông( Hồ Chí Minh toàn tập. Tập I in lần 2. NXB Chính trị quốc gia, phần phụ
lục).(1). Dựa theo ý tưởng vô cùng lớn lao này tôi muốn mở rộng môi sinh liên
quan tới thiên tài Nguyễn Du, không chi thuộc giai đoạn nửa sau thế kỷ 18 đầu
thế kỷ19 mà là lịch sử Việt Nam suốt cả
thời trung đại cho đến thời Nguyễn Du. Trong đó có hai vấn đề cần được nhận thức
lại, nhận thức thêm sao cho thật tường minh và đúng như nó vốn có:
2.1. Thứ nhất, về chế độ chính
trị là phong kiến với biểu trưng là chủ nghĩa tôn quân mà theo quan điểm Mácxit
là lạc hậu, phản dân chủ, bảo thủ, phản
tiến hóa so với chế độ tư bản đại nghị, nhất là với chế độ xã hội chủ nghĩa
tiến lên cộng sản chủ nghĩa xóa bỏ giai cấp, “ các tận sở năng các tận sở nhu” mà
chưa thành hiện thực. Chẳng phải là từ khi Việt Nam ta tiến hành cuộc cách mạng
vô sản thì hai nhiệm vụ phản đế và phản phong tuy ở buổi đầu có sự khác nhau ít
nhiều giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với những người học trò của Người, nhưng thực
tế thì cũng đã thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam. Do đó mà sự lên
án và xóa bỏ chế độ phong kiến là điều
không thể khác. Tuy nhiện, sự nhận thức về chế độ phong kiến Việt Nam ở thời
trung đại không phải là không có chuyện đã được nói lại
ở mức này mức khác. Ví như với nhà Hồ, nhà Mạc, họ Trịnh, thì đã có sự phiên án
đáng kể . Nhờ thế mà hôm nay con cháu họ Hồ
đã có thể công khai tự hào họ
mình có năm đời vua . Giáo sư Phan Đăng Nhật đã ghi lại tên mình là Mạc Phan Đăng
Nhật mà họ Mạc đã mấy trăm năm phải đổi thành họ Phan để tránh sự truy đuổi của
nhà Lê. Ở Thanh Hóa, đền thờ chúa Trịnh Sâm được tái lập dưới một ngọn núi rất
đẹp và được xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa…Ngay với triều Nguyễn từng bị sử
học Mácxit kết tội gay gắt nhất thì gần đây cũng đã được giảm đẳng nhất định.
Nhưng ở đây điều tôi muốn nói lại và nói khác là với chế độ phóng kiến của thời
trung đại ở cấp độ tổng thể, nói chung. Tôi nói lại là dựa trên nguyên lý tối
thượng: khoa học là recherche ( tìm đi tìm lại) và cũng theo một qui luật của sự sống mà ai đó muốn
chối bỏ cũng không chối bỏ được. Ấy là: Không ai làm lại được lịch sử nhưng
nhận thức lại lịch sử thì luôn luôn vẫn diễn ra. Theo tôi, không chỉ sử gia mà hầu như mọi
người chúng ta thời nay khi nói về chế độ phong kiến Việt Nam xưa đều đã bỏ
quên một vế vô cùng quan trọng của nó là
đức trị. Nó là chế độ phong kiến nhưng là phong kiến đức trị vốn là sản phẩm của một số nước ở phương Đông trong đó có
Việt Nam ta. Phong kiến đức trị khác
nhiều so với phong kiến thuần túy. Nhưng nói đến truyền thống đức trị của phong kiến phương Đông thì đã
từng gặp ngay quan điểm cho rằng đức trị
là thua kém pháp trị của phương Tây. Trong
khi đức trị có cái hay của đức trị mà pháp trị không có, cũng như pháp
trị có cái hay của pháp trị mà đức trị không có. Mặc dù cả hai vẫn chưa
thể bằng phương án kết hợp đức trị với pháp trị trên cơ sở đức trị như Hồ Chí Minh
đã muốn mà chưa thực hiện được. Dĩ nhiên, dù là đức trị hay pháp trị thì
ở thời nào, chế độ nào cũng không tránh khỏi qui luật thiện ác tương tranh.
Dưới chế độ phong kiến đức trị, về
cái ác thì thôi miễn phải nói vì
đã rõ. Nhưng về cái thiện của nó thì quả là hậu thế đã lãng quên không ít. Đây là cả
một vấn đề học thuật có ý nghĩa vô cùng lớn. Tiếc là chưa thấy đâu đặt ra. Để
hiểu một chút về chế độ phong kiến đức
trị, xin nhắc lại đây mệnh đề của Mạnh Tử mà Việt Nam ta cũng đã dón nhận: “ Dân vi quí , xã tắc thứ chi, quân vi khinh”
( Dân là quí nhất, xã tăc - cơ đồ của
đất nước -_ là thứ hai, vua là nhẹ) và
chưa nói về thực tế, chỉ nói trên phương diện diễn ngôn thì có cách nói
nào tối ưu hơn thế không về quan điểm thân dân. Xã hội đức trị này đề cao Nhân
- Nghĩa - Lễ - Trí - Tin thì đứng đầu là Nhân. Đề cao Nhân - Trí - Dũng thì
đứng đầu vẫn là Nhân. Chúng ta nghĩ sao so với thời hiện đại trước sự thật này.Trong
thời đại phong kiến đức trị này cũng đã có một đời sống tâm linh rất đậm đặc mà
trong đó có mặt tích cực có mặt tiêu cực. Mặt tích cực thì đã hỗ trợ rất lớn
cho nền tảng đạo đức để đưa lại sự yên bình cho cuộc sống chứ không như thời
đại mà có lúc đã không may xơi phải chủ nghĩa vô thần mà đến nay vẫn còn di hại.
Có một sự thật nữa là chính ở thời phong kiến đức trị này, trên đất nước ta, nền giáo dục đã có được một triết
lý giáo dục đúng là triết lý nhất, không gì bằng là “ nhân bất học bất tri lý” (người không học thì không biết lẽ
phải),” ấu bất học, lão hà vi ”( Lúc
nhỏ không học, đến già biết gì mà làm),
“ học nhi bất yểm, giáo nhân bất quyện”(
học không biết chán, dạy không biết mỏi) và từ đó giáo dục thực sự đã là quốc
sách hàng đầu bởi lẽ về cơ bản giáo dục là con đường độc đạo dẫn đến chấp
chính, làm quan điều hành đất nước. Điều mà
hôm nay , đất nước đã có chủ
trương nhưng chưa làm nổi. Thời đại phong kiến đức trị này cũng là thời đại mà ý tưởng “ hiền tài là nguyên khí của quốc gia” không phải là chuyện nói cho
vui mà thực tiễn đã không ít là như thế. Ngày nay, cũng nói “ hiền tài là
nguyên khí của quốc gia” nhưng thực tế đang là thế nào , chúng ra đã rõ. Lại
nói thêm về ông vua của chế độ quân quyền phong kiến mà hậu thế từng cho đó là
người có quyền uy tối thượng, tuyệt đối.
Tốt thì dân được nhờ. Xấu thì dân phải chịu. Thua xa chế độ tổng thống có hiến
pháp, có nghị trường. Nhìn bề ngoài thì đúng là thế. Nhưng thực tế lại không phải
như thế. Bởi ở đây có một thuật ngữ là thiên
tử, vua là con trời mà người đời nay hoặc đã đặt ra ngoài bộ nhớ, hoặc cho
là siêu hình vô nghĩa, thậm chí còn cho đó là chuyện tạo thần quyền để tăng thêm quân quyền. Xin nói ngay hiểu như thế là hoàn toàn sai. Cần nhớ
rằng thuật ngữ thiên tử còn kèm theo đó là mệnh đề “ thế thiên hành đạo” ( thay trời thực hành đạo lý trong nhân dân). Quả đây là một biểu tượng siêu hình mà lý thuyết duy vật của phương Tây không hiểu nổi. Nó là sản phẩm của năng lực người mà muôn loài khác không có. Nó là siêu hình nhưng tác dụng thực tiễn của nó lại vô cùng
lớn. Vua là con trời thì có nghĩa vua chưa hẳn là người có quyền uy tối thượng. Vì trên vua còn có cha là ông
trời (thuộc thuyết thiên mệnh của Nho giáo). Ông trời là biểu tượng siêu hình
nhưng thực tế đã ngự trị trong tâm trí ông vua để theo dõi, kiểm tra, uốn nắn ,
đôn đốc không chỉ hành vi mà quan trọng
hơn là ý nghĩ riêng tư thầm lặng của ông
vua hướng theo sứ mệnh “thế thiên hành
đạo” với nhân quần. Xét về tác dụng thực tiễn, chắc gì nó đã kém thua chế độ
Tổng thống với hiến pháp. Không ít trường hợp cụ thể nó còn hơn. Để rõ vấn đề
hơn xin mời quí vị hãy đọc lại mấy câu thơ thực và luận trong bài thơ “ Dụ thần liêu”mà có người nói là của vua
Thành Thái, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn
nói là của vua Minh Mạng, để biết chút ít một ông con trời mà người thời
nay đã coi rẻ là thế nào : “… Nhất bôi mỹ tửu quần sinh huyết / Bản trản
hòa canh bách tính cao / Thiên lệ lạc
thời nhân lệ lạc / Cao thanh ca xứ khấp thanh cao” ( Chén rượu quí mà các người uống là máu của quần
sinh đấy / Nửa bát canh ngon mà các ngươi xơi là mỡ của trăm họ đây / Lúc trời
tuôn nước mắt ( mưa) cũng là lúc người tuôn nước mắt / Ở chốn kinh đô nơi cất
cao tiếng hát cũng là nơi cất cao tiếng khóc). Tiếng lòng trong lời thơ này là thực hay giả ?
Xin thưa : thực 100% đấy, Nó là sản phẩm của thời đại phong kiến đức trị của Việt Nam ta ở thời trung đại,
thuộc phía sáng bên cạnh phía tối là thế đấy.(2)
2.2. Thứ hai, về đời sống tinh thần
và văn hóa của đất nước nói chung: Thì tôi cũng vẫn muốn mở rộng ra cả thời
trung đại khi nghĩ đến thiên tài Nguyễn Du, chứ không dừng lại ở phạm vi nửa
sau thế kỷ 18 đầu thé kỷ 19 mặc dù đây là môi sinh trực tiếp của con người, của
cuộc đời và cũng là sự xuất hiện thiên tài Nguyễn Du Bởi
nếu chỉ ngừng ở giai đoạn đó thôi thì cũng chưa đủ cơ sở để cắt nghĩa
thiên tài Nguyễn Du. Mà mở rộng thì cũng
phải ít nhiều có cách nhin khác trước,
kể cả với hiện nay. Bởi ở đây quả có một sự thật rất lớn mà tiếc rằng giường
như đến nay chưa mấy ai nhận thấy. Ấy là từ ngày đất nước có cuộc
đụng độ Đông Tây thì trên phương diện tinh thần và văn hóa, Phương Tây đã nâng
đỡ phương Đông rất lớn nhưng đồng thời
nó cũng áp đảo phương Đông một cách
cũng rất lớn. (3) Sự áp đảo là nằm trong qui luật tương quan mạnh yếu.
Mạnh nên áp đảo được. Yếu nên bị áp đảo. Nhưng mạnh không phải cái gì cũng hay.
Vẫn có cái dở. Còn yếu không phải cái gì
cũng dở. Vẫn có cái hay. Có điều một khi đã có sự áp đảo thì cái dở của kể mạnh
cũng thắng thế. Còn cái hay của kẻ yếu cũng thất thế. Đúng vậy. Từ ngày có cuộc
đụng độ Đông Tây này, hầu hết các triết thuyết nhân sinh của phương Đông tồn
tại đã hàng mấy ngàn năm đều bị rơi vào địa vị bà con nghèo, thậm chí bị cho ra
rìa. Học thuyết âm dương của Kinh Dịch
chính là sự phát hiện qui luật bản chất nhất của sự sống nói chung là luật đối
trọng ( contre poids) thì bị cho là siêu hình vô nghĩa (4). Nho Phật Lão vốn là
một kho báu về triết thuyêt nhân sinh đều bị coi rẻ. Nhất là Nho giáo thì còn bị
dồi lên dồi xuống đến thảm hại. Oái oăm nhất là, không phải người phương Tây mà
chủ yếu lại bị người phương Đông dồi do choáng ngợp trước văn minh phương Tây.
Mà người dồi đâu phải do ít học. Ở Trung Hoa, trước kia Lỗ Tấn đã dồi. Sau này Quách Mạt Nhược còn dồi hăng hơn. Ở nước ta, học giả Trần
Trọng Kim là người cố bảo vệ lấy phần giá trị tích cực của Nho giáo thì bị cho là phục hồi văn hóa phong
kiến phản động để phục vụ chính sách văn hóa nô dịch của thực dân. “Ông già Bến
Ngự”( Phan Bội Châu) cũng cố thắp sáng
lại ngọn đèn Khổng học (Khổng học đăng) thì bị cho là “ lại
giống”. Rồi nữa , y học, võ thuật, thể thao, y phục, trò chơi…cho đến cả quan
niệm và phương pháp tiếp cận văn chương …đã tồn tại với phương Đông bao đời và
không ít cao diệu , hấp dẫn như thế mà đều bị xuống giá cả. Riêng Việt Nam ta,
lại có chuyện thay chữ viết Hán Nôm sang quốc ngữ Latinh hóa trong khi cả khu
vực không đâu có chuyện đó, thì cái được quả không nhỏ mà ai cũng đã thấy là nó
góp phần đắc lực vào công cuộc hiện đại hóa nền văn hóa văn học dân tộc. Nhưng
cái mất thì cũng không nhỏ chút nào, tiếc là chưa được nhiều người nhận ra là
việc thay chữ viết này đã tạo ra một sự gián cách lịch sử khá tai hại. Cố đạo
Puginier , người cố động chính quyền thực dân Pháp nhanh chóng thay chữ viết ở
Việt Nam chẳng đã nói: “thay chữ viết là thay cả một nền văn hóa”(5).
Toàn quyền Decoux năm 1943, cũng đã nhận tội:
“thay chữ viết làm cho con cháu
người Việt Nam không hiểu tổ tiên của họ”(6). Cả đến thời nay, trong khi
say sưa vận dụng các lý thuyết về giai cấp, về ý thức hệ,về hình thái xã hội,
về thượng tầng kiến trúc, về chủ nghĩa vô thần, một cách không tỉnh táo, cũng
đã gây ra nhiều tốn thất trong đó có sự
hiểu sai, thậm chí là ít nhiều còn phũ phàng với kho báu tinh thần và văn hóa
của truyền thống dân tộc. Trong hoàn cảnh văn hóa lịch sử đó, hiện tượng “ dĩ
Âu vi trung” đã diễn ra trong đời sống Việt Nam ở nhiều lãnh vực là một điều cần
được thức tỉnh nhưng chưa thấy thức tỉnh gì đáng kể. Nguyễn Du đã phải chung số phận đó. Có vị nghiên cứu về
triết lý trong Truyện Kiều khi đụng đến thuyết tài mệnh tương đố thì chẳng
đã cho đó là triết lý duy tâm tiêu cực của
Nho giáo mà Nguyễn Du đã xơi phải. Có vị khi đụng thuyết nhân quả của đạo Phật
thì cho rằng Nguyễn Du nói vậy mà không phải vậy, “Thúy Kiều hiếu trọng tình thâm” nếu theo luật nhân quả thì kiếp sau
mới được hưỏng hạnh phúc chứ đâu kiếp này đã được tái hợp. Còn bọn Ưng Khuyển
ác ôn kia nếu bị trừng phạt thì cũng sang kiếp sau chứ đã bị ở kiếp này. Đụng
đến câu Kiều ” Tu là cõi phúc tình là
giây oan” thì cũng cho rằng Nguyễn Du tuy chịu ảnh hưởng Phật giáo nhưng nhờ cảm quan hiện thực mà đã
thể hiện ngược lại trong tác phẩm : tu là buồn thỉu buồn thiu, tình mới là cõi
phúc, Trong khi vấn đề Phật giáo với Nguyễn Du
nói chung, Truyện Kiều nói riêng là vấn đề không đơn giản chút nào. Hãy
đọc Thả một bè lau của Nhất Hạnh (7) để thấy mối quan hệ giữa Phật
giáo với Truyện Kiều là thế nào từ góc nhìn của một vị thiền sư học giả. Riêng
tôi vẫn muốn nói rằng, nếu Việt Nam ta
không có Phật giáo đã được Việt Nam hóa như thế thì dễ thường cũng không có
thiên tài Nguyễn Du… Hẳn là có vị lại còn nhớ chuyện nhà Kiều học sáng danh
thời nay là Lê Đình Kỵ có lần đã bị ăn đòn khá đau về tội phủ nhận tính giai
cấp trong nghiên cứu văn học vì ông chủ trương nghiên cứu nàng Kiều khồng cần
xét là thuộc giai cấp nào mà chỉ cần biết đó là một phụ nữ . Nhưng công trình
sáng giá của ông Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du thì lại
đã không tránh khỏi tình trạng “dĩ Âu vi
trung” khá điển hình bởi đã dùng các lý thuyết về trường phái văn học, về chủ
nghĩa hiện thực vốn là sản phẩm tổng kết từ thực tiễn văn học châu Âu để giải
mã Truyện Kiều.( 8).
Đúng là phải thoát ra khỏi sự áp đảo
của phương Tây đối với tinh thần và văn hóa phương Đông , cùng là tình trạng “ dĩ Âu vi trung” để từ đó mà phục nguyên lại được chừng nào
hay chừng ấy kho báu tinh thần và văn hóa Việt Nam thời trung đại nhằm tạo điều
kiện cho việc lý giải thiên tài Nguyễn Du đã đành mà còn có ý nghĩa lớn hơn nữa
là tạo điều kiện cho việc xây dựng “ một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tộc” mà đất nước đang đeo đuổi nhưng xem ra còn không ít lúng túng.
Những gì vừa nói trên đây là cần nhưng
chưa đủ để tìm lại kho báu tinh thần và văn hóa của đất nước ở thời trung đại. Phải
có thêm những thao tác khoa học sau đây nữa:
-
Phải bỏ qua tình trạng nhân danh khoa học mà bảo thứ này là mê tin, thứ kia
là dị đoan một cách dễ dại, xô bồ để tìm hiểu lại kho báu tinh thấn trong đời
sống tín ngưỡng dân gian thời trung đại trong đó có đạo mẫu mà có người đã cho
đó là đặc sản Việt Nam (9).
-
Hãy giã từ tình trạng tiếp nhận lý thuyết duy tâm duy vật vốn là của châu Âu một cách không tỉnh táo để
rồi coi thường, rẻ rúng, thậm chí phủ nhận những triết lý trong kho báu tinh thần vô cùng
phong phú và huyền diệu của phương Đông trong đó có Việt Nam ta. Mặt khác cũng
phải tỉnh táo để nhìn lại thực chất giá trị của một số triết lý của phương Tây
mà mình từng cho là thiên kinh địa nghĩa là gì.
- Cố
gắng tìm hiểu những gì thuộc Dân tộc học phương Đông mà “
nhà văn hóa tương lai”Nguyễn Ái Quốc đã đề xuất. Cụ thể là hãy tìm hiểu để nhận
rõ chính xác bản chất,vai trò và vị trí của văn hóa Phật giáo trong nền văn hóa
Việt Nam xưa kể cả nay là thế nào (10). Cần thấy nếu văn hóa dân gian là cỗi
nguồn của văn hóa dân tộc thì chính văn hóa Phật giáo, chứ không phải văn hóa
Nho giao, là cỗi nguồn của văn hóa bác học Việt Nam. Phật giáo một khi trở thành quốc giáo thì đã không biến mình
thành độc đạo độc trị mà biết tạo hợp
lực là Tam giáo đồng nguyên nhưng mình vẫn có vai trò chủ lực. Nhờ đó mà có được
những giá trị tinh thần tinh diệu, siêu đẳng nhất trong lịch sử tư tưởng Việt
Nam. Có thể đồng ý với quan điểm cho rằng Việt Nam ta có lịch sử tư tưởng mà
không có lịch sử triết học. Nhưng vẫn phải trả lời câu hỏi: sao các tác phẩm
như Khóa hư lục của Trần Thái Tông, triết
thuyết Cư trần lạc đạo của Phật hoàng
Trần Nhân Tông ( 11) lại không đáng xem
là triết học ? Đúng là phải khám phá sâu sắc hơn nữa về kho báu tinh thần và
văn hóa thời đại Lý Trần bởi đó là giai đoạn sáng chói nhất về tinh thần , tư
tưởng Việt Nam. Còn Phật giáo một khi đã nhường địa vị quốc giáo cho Nho giáo
thì về phần hồn trong cuộc sống của đất nước, văn hóa Phật giáo vẫn là chủ lực.
Thời Lê Trịnh vẫn là thời xây dựng nhiều chùa chiền nhất trong đó có vai trò
của giới cầm quyền(12). Đâu chỉ nhân đân
đau khổ mà tìm đến cữa Phật . Vua chúa,
tầng lớp quí tộc vẫn đến chùa để được
thêm phần hồn đấy chứ. Tôi nói lại là nếu
không có Phật giáo thì chắc gì đã có
kiệt tác thiên tài Truyện Kiều mà hồn vía, cốt lõi của nó chính là tiếng kêu:“ Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc
mệnh cũng là lời chung”. Nho giáo lấy đâu ra cơ sở cho tiêng kêu đó một khi
Nho giáo còn bị quở trách về thái độ đối với phụ nữ.. Chưa nói là trên phương
diện tư duy thì tư duy thiên về trực giác, tâm thức , kể cả vô thức của Phật
giáo so với tư duy thiên về lý tính và ít nhiều cũng cứng nhắc của Nho giáo thì
cuộc giao duyên với văn chương, nhất là với thơ ca, phần tương thích của Phật
giáo nổi hơn cũng là điều dễ chấp nhận (13). Riêng với Nho giáo thì quả có phức
tạp hơn mà muốn nhận chân về nó thì phải
trả lời đúng lại câu hỏi: Nho giáo là gì ? Là học thuyết chính trị - đạo đức hay học thuyết đạo đức- chính trị ? Chỉ đảo vị trí trước sau của hai từ đạo đức và chính trị một chút như thế nhưng thực tế đã có hai hướng nhận diện Nho giáo rất
khác nhau. Thêm nữa, cũng phải thấy Nho giáo đã đến Việt Nam ta theo hai qui
luật chứ không một qui luật. Một qui luật là nó đến theo con đường xâm lược của nhà Hán
và các thế lực phong kiến phương Bắc tiếp sau mà dĩ nhiên là phản dân tộc nhưng nó cũng
đã phải cút theo một khi lũ xâm lược
phải cút. Một qui luật nữa là thuộc tự
thân của văn hóa trong đó có sự lan tỏa, hỗ trợ của một nền văn hóa lớn đối với
các nền văn hóa thấp bé trước hết là trong
phạm vi khu vực. Với qui luật này thì một khi văn hóa xâm lược đã cút theo kẻ
xâm lược nhưng riêng nó thì vẫn ở lại và góp phần tích cực xây dựng phát triển văn hóa nơi nó
du nhập mà với nó, văn hóa bản địa đã có
sự tiếp và biến, vừa đón nhận vừa tìm cách ly khai. Ai đó nói “Nho giáo là phản
động, dân tộc ta tồn tại được là nhờ chống được Nho giáo”là chỉ nhìn vào một
qui luật thứ nhất, không thấy qui luật thứ hai. Phải nói rằng, về mặt xây dựng
nhân cách theo mẫu hình chính nhân quân tử , chứ không phải ngụy quân tử, chỉ
nói riêng ở Việt Nam ta thời trung đại thì chưa có học thuyết nào theo kịp và
không ai có thể phủ nhận.(14) mặc dù quân tử đến đâu thì vẫn không ôm hết cuộc
sống. Chất đạo lý đậm đà trong văn chương trung đại Việt Nam vốn có sự hỗ trợ
không nhỏ của Nho giáo, dĩ nhiên là chân Nho chứ không phải ngụy Nho. Thơ chữ
Hán cũng như Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn
Du cũng nằm trong cái chung đó.
- Vẫn có thể vận dụng lý thuyết về thượng tầng kiến trúc của chủ
nghĩa Mác nhưng phải tránh tình trạng đập nhập thành một cục để rồi phủ nhận, lên
án một chiều như từng có với thượng tầng kiến trúc phong kiến mà phải thấy ở
đây có hai phạm trù: thượng tầng kiến trúc phong kiến gắn với quyền lợi của
giai cấp phong kiến thống trị mà nhiều mặt đáng lên án, xóa bỏ và thường tầng
kiến trúc của nhân dân, đất nước trong
thời đại phong kiến thì chính đó là kho báu về tinh thần và văn hóa của dân
tộc. Chưa kể,, với thượng tầng kiến trúc
phong kiến mà theo đức trị thì
cũng không ít sự tốt đẹp.
-
Cuối cùng, khi nói đên kho báu tinh thần và văn hóa của bất cứ thời đại
nào thì phải xét xem kho báu tinh thần và văn hóa đó có sản sinh được cho đất nước , xứ sở những
con người vĩ đại không. Chịu khó theo dõi chương trình Danh nhân đất Việt của Truyền hình Việt Nam thì dễ dàng tháy tương
quan giữa thời trung đại phong kiến đức
trị này với hậu thế là thế nào đã quá rõ. Cho đến nay, Việt Nam ta mới có
ba nhà văn hóa được Unesco công nhận danh hiệu danh nhân văn hóa để được kỷ
niệm trên toàn thế giới là Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và Nguyễn Du thì hai là
thuộc trung đại. Đó cũng là một thực tế để chúng ta suy nghĩ. Chưa kể là rồi
đây nếu Phật hoàng Trần Nhân Tông , Minh quân Lê Thánh Tông, nhà ái quốc vĩ đại
Phan Bội Châu cũng có danh hiệu đó bởi
rất xứng đáng thì cũng đều thuộc thời trung cận đại cả. .
3). Thiên tài Nguyễn Du cụ thể là
gì? Quả là tôi đã phải tìm đường và dọn đường để đến
với thiên tài Nguyễn Du bằng những thao tác vừa đã quen vừa chưa quen với bạn
đọc nào đó là như thế. Và cuối cùng thì phải
chỉ ra được những gì là tinh hoa nhất, cao diệu nhất, đích đáng nhất, là vô
tiền khoáng hậu để kết luận Nguyễn Du, đặc biệt với Truyện Kiều là thiên tài.
Thì như tôi đã thưa ngay từ đầu là trong khi những nhà Nguyễn Du học, Kiều học
dù nói hay không nói Nguyễn Du là thiên tài thì cũng đã có không biết bao nhiêu
là sự khám phá có giá trị về cái hay, cái đẹp, cái phi thường của Nguyến Du, chỉ có điều là ít nhiều còn thiếu
độ tường minh (implicite). Còn tôi là muốn nâng cấp thành tựu khám phá đã có lên
trạng thái tường minh( explicite) được chút nào hay chút ấy. Cho nên công việc
của tôi ở đây thực chất là tham khảo, thừa hưởng những gì đã có để chọn lọc và
có nâng cao nhất định, nhằm nêu lên những gì mà Nguyễn Du xứng đáng là thiên
tài theo yêu cầu tường minh hơn. Tất nhiên khi nói về thiên tài Nguyễn Du mà
chủ yếu là với Truyện Kiều thì đã đụng phải vấn đề tiền thân của nó là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài
Nhân vốn là một vấn đề không đơn giản chút nào trong nhận thức của
người Việt Nam và cả người Trung Hoa. Ở đây, chỉ xin nói gọn đôi điều như sau: nó
là hiện tượng thuộc một qui luật đặc thù của văn học trung đại không chỉ ở Việt
Nam mà cả ở phương Đông trung đại và châu Âu thời Phục hưng. Ở đây, từ tiền văn
phẩm đến hậu văn phẩm vẫn có một khoảng cách lớn dành cho sự sáng tạo kể cả
sáng tạo thiên tài mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là một chứng cứ hiển nhiên và
hiếm có.
3.1. Thiên tài của Nguyễn Du thể hiện
trước hết ở chỗ đã đi đúng qui luật bản chất nhất, gốc rễ nhất của mọi giá trị
văn chương chân chính nhất lớn lao nhất của nhân loại cổ kim đông Tây là dựa
trên tình thương con người. Đi thanh minh, đâu chỉ một Thúy Kiều. Còn Thúy Vân,
Vương Quan. Còn là “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Thế mà đi qua “ sè sè
nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” chẳng ai thấy gì cả
và không thấy thì cũng chẳng sao. Nhưng Thúy Kiều thì thấy. Thấy một “nấm mồ
vô chủ ai người viếng thăm”.
Thấy một kiếp người “ Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi / Hãi thay
chết xuống làm ma không chồng”. Thấy
cả cái “ phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”trong muôn đời,
muôn nơi , muôn thuở để rồi “ đầm đầm
châu sa”. Tôi muốn xin quí vị đại thức giả nào chỉ cho tôi biết trong văn
chương nhân loại có chỗ nào có được một
năng lực người, một năng lực tình cảm để có được tình thương con người bao
la, bát ngát, mênh mông, thăm thẳm như
Thúy Kiều mà cũng là Nguyễn Du thế không.
Tôi nói tiếng kêu “ Đau đớn thay phận đàn
bà / Lời rằng bạc mệnh
cũng là lời chung” là tiêng kêu cho
muôn đời muôn nơi muôn thuở là do thấy ở người đàn bà có hai con người: con
người xã hội và con người thiên chức. Về con người xã hội thì đã, đang và sẽ
giải quyết tốt đẹp, thậm chí có người đã
dự báo đến một thời gian không xa, một khi mọi hoạt động kỹ thuật đã được tự
động hóa thì địa vị xã hội của phụ nữ sẽ lấn át nam giới. Nhưng về thiên chức
là chuyện hành kình hàng tháng, chuyện mang nặng đẻ đau, cho dù y học về sản
khoa hiện đại đã và sẽ có những bước tiến phi thường nhưng liệu có thay hết độ nặng nề của thiên chức đàn bà đó không.
Truyện Kiều là câu chuyện về một người con gái tài sắc vẹn toàn mà phải rơi vào
chốn lầu xanh. Sau này, Tố Hữu cũng có
bài thơ Tiếng hát sông Hương viết về cuộc đời kỹ nữ trên sông Hương. Nhiều năm, trong các
kỳ thi tuyển sinh đại học ngành văn đã
yêu cầu thí sinh bình giảng bài thơ này thì nhiều
thí sinh đã cho Tiếng hát sông
Hương hay hơn, lớn hơn Truyện Kiều. Một
số thầy giáo chấm bài cho là nói bậy nhưng lại không dám gạch. Mà đúng thế đọc
lại Tiếng hát sông Hương với những
câu: “ Răng không cô gái trên sông/ Ngày
mai cô sẽ từ trong ra ngoài/ Thơm như
hương nhụy hoa nhài/ Trong như nước suối ban mai giữa dòng” rồi đọc lại mấy
câu Kiều: “Khi sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường / Người
sao dày gió dạn sương / Thân sao bướm chán ong chường bấy thân…” thì sẽ thấy
mức độ nhập vai vào thân phận người kỹ nữ ở hai tác giả này chênh nhau đến đâu
mặc dù Tiếng hát sông Hương không
phải không có giá trị . Chưa nói là đã có nhà nghiên cứu văn học vào loại có
tên tuổi đến nói với giáo viên văn tỉnh
Hà Đông cũ là Sống như anh của Trần
Đình Vân ghi chuyện Nguyễn Văn Trổi hay hơn
Truyện Kiều để giáo viên thắc mắc viết thư xin Viện trưởng Đặng Thai Mai giải
thích cho ý kiến đó thì Viện trưởng học giả đã nổi cáu mà hỏi tay nào ăn nói
bừa bãi như thế. Phương pháp xã hội học dung tuc, chính trị hóa trong nhận thức
văn học vô duyên là thế. Điều đó dĩ nhiên đã cản trở để đến với Nguyễn Du, với
Truyện Kiều và văn học nói chung. Đến với Truyện Kiều, không ai không nói đến
giá trị nhân đạo của nó. Nhưng nội hàm của khái niệm nhân đạo là gì?. Thì hầu
hết vẫn chỉ tiếp cận bằng đạo đức học để từ đó
rút ra những giá trị đạo đức của tác phẩm ví như tinh thương người, lòng
cảm thương cho những kiếp người đau khổ, khát vọng tự do và công lý, đề cao
những phẩm hạnh của con người, đặc biệt
ở Thúy Kiều là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Những khám phá đó không
phải không giá trị. Nhưng như thế vẫn chưa nói hết những gía trị người mà thiên tài Nguyễn Du đã
thăng hoa trong kiệt tác của mình. Đúng là phải có thêm phương pháp tiếp cận
triết học để thấy cho hết giá trị nhân
bản là gồm tất cả những gì làm nên giá
trị người trong đó có giá trị đạo đức đã đành nhưng còn những giá trị nằm
ngoài đạo đức. Với cách tiếp cận triết học này, sẽ thấy rõ trong lịch sử văn
chương Việt Nam ta, từ cổ chí kim, không
một hình tượng phụ nữ nào mà ở đó lại có mật độ hội tụ nhiều giá trị người được thăng hoa như ở nàng
Kiều của Nguyễn Du. Năm 1962, một bà cụ già người làng Tiên Điền quê Nguyễn Du,
hơn tám mươi tuổi, không biết chữ, nhưng thuộc lòng cả Truyện Kiều đã nói với
tôi: . “Con Kiều đẹp nhất nước Nam. Bầy
tui thương nhất con Kiều” Tôi hỏi cụ : sao lại nói “ con Kiều đẹp nhất nước
Nam” mà không ai khác. Bà trả lời: “Bầy tui nỏ biết chi mô, chỉ thấy rứa thì nói
rứa”. Đúng là một hiện tượng trực cảm văn chương vô giá. Câu nói của bà cụ già
Tiên Đièn đã nằm chắc trong bộ nhớ của tôi để
hơn bốn mươi năm sau, nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du, tôi đã coi đó như một
đề văn mà tôi phải làm để xin độc giả chấm cho (15). Quả là thế, Kiều đẹp tuyệt
vời từ cơ thể sinh hoc (nudité) đến nhan
sắc, đến tình yêu, đến khi mất tình yêu,
đến khi phải làm đĩ, đến khi là vị chánh án xử tội kẻ có tội ác với mình, đến khi
gặp lại chàng Kim nghĩa là có lại hạnh phúc
sau đau thương tan nát. Nhiều người đã rất ca ngợi tấm lòng nhân đạo lớn
lao của Nguyễn Du nhưng vẫn cho rằng
triết lý về con người thì Nguyễn Du không có gì đáng giá, phải đứng sau
Shakespiare. Ở Nguyễn Du vẫn là thuyết “
tài mệnh tương đố” của Nho giáo,
thuyết “ Tu là cõi phúc tình là giây oan”
của Phật giáo. Ngay cả tư tưởng “ nhân
định thắng thiên” thì sách Tả truyện
của Trung Hoa cũng đã nói từ thuở nào. Trong khi Shaespiare thì có luận đề “ To be or not to be”nổi tiêng bao đời nay khắp thế giới. Tôi cũng từng
nghĩ như thế nhưng đến nay lại muốn nghĩ khác, coi đây không phải là sự hơn
thua mà là khác biệt giữa hai khu vực
văn hóa trong đó có hai truyền thống tư duy, hai truyền thống triết học khác
nhau. Phương Đông thì tư duy chủ toàn, cầu tính( esprit sphèrique, globale),
thiên về hỗn hợp (syncrétique) và hướng
nội. Phương Tây thì tư duy chủ biệt, tuyến tinh( esprit linéaire), thiên về phân
tách(analytique) và hướng ngoại. Do đó
mà có hai trạng thái triết lý nhân sinh khác nhau như thế. Khó nói bên nào hơn
bên nào. Nguyễn Du đã thăng hoa những giá trị người với mật độ cao như thế ở hình tượng Thúy Kiều hay nói
như Mộng Liên Đường: “ Nguyễn Du có con
mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời”như thế sao lại không là triết lý, triết học
của trực cảm thiên tài. Gần đây, chẳng
đã chớm có quan điểm cho rằng về triết học, chính phương Đông cao hơn phương Tây.
Chúng ta nghĩ sao về quan điểm mới lạ nay? Bước đầu , tôi muốn tin như thế để
hiểu thêm thiên tài Nguyễn Du..
3.2. Từ gốc rễ bền chặt cao độ của tình
cảm và tư tương nhân đạo nhân bản
như thế, thiên tài Nguyễn Du đã tỏa sáng
phi thường cũng theo đúng qui luật
nghiêm ngặt nhất của văn chương. Theo
tôi :
3.2.1. Thứ nhất là thiên tài về
ngôn ngũ vốn là yếu tố đầu tiên khi nói đến tài năng văn chương. Ở đây là trong
thơ ca tiếng Việt và thuộc thể loại truyên thơ. Ngôn ngữ của Truyện Kiều đã kết
tinh dựa trên sự hợp lưu của hai luồng ngôn ngữ dân gian và bác học, đời thường
và cổ điển của văn chương Việt Nam trung đại. Nó vừa mang dấu ấn thời đại, vừa là đỉnh cao
của muôn đời ở tính chất tập đại thành của nó. Câu nói của chủ bút Nam Phong
: “Truyện
Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” là hoàn toàn chân lý, mặc dù có lúc đã bị hiểu lầm mà phủ
nhận. Cần thấy rằng một dân tộc, một quốc gia là gồm có: lãnh thổ, giống nòi, chính thể, lịch
sử, văn hóa, phong tục, tập quán và ngôn ngữ. Nếu không may bị ngoại xâm chiếm
đóng thì mất gì cũng có thể lấy lại được. Chứ mất đến ngôn ngữ, tiếng nói, thì
sẽ là mất vĩnh viễn. Nghĩ như vậy, sẽ thấy Nguyễn Du thiên tài với Truyện Kiều, là một nhà ái
quốc vĩ đại, Chế Lan Viên chẳng đã viết: “ Nguyễn
Du viết Kiều, đất nước hóa thành thơ ”.
3.2.2. Thứ hai là thiên tài trong
việc tạo ra một thế giới nhân vật sống động, mỗi nhân vật là một cá tính nghệ
thuật, không ai giống ai. Thành tựu nghệ thuật đó là sản phẩm của quan niệm nghệ
thuật của Nguyễn Du về con người không chỉ đơn tuyến mà đa tuyến và còn là sản
phẩm nghệ thuật của Nguyễn Du từng được
mệnh danh là thánh thiên tử về mặt tâm lý trong văn chương. Truyện Kiều
thuộc thể loại truyện kể của dòng truyện nôm đương thời nhưng theo Nguyễn Đình Thi thì Truyện Kiều đã là một
tiểu thuyết hiện đại, hoặc như Phan Ngoc
thì đã coi Truyện Kiều là một tiểu thuyết tâm lý vô địch của thế giới, nghe có
vẻ cực đoan nhưng không phải không có căn cứ nhất định của vị học giả này trong
công trình Phong cách Truyện Kiều.Với
Nguyễn Du, tâm lý nhân vật đã được miêu tả ở độ tinh diệu trong sự chi phối của
hoàn cảnh, khác nhiều so với loại nhân vật thường được mệnh danh là hình tượng
khái niệm, nhất thành bất biến về tính cách trong truyện thơ nôm. Gắn bó trong
tình yêu đến như Kim – Kiều bằng những lời thơ không đâu hơn được nữa: “ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, “ Nát thân bồ liệu đền nghì trúc mai””. Nhưng
sau mười lăm năm lưu lác, Kiều gặp lại
chàng Kim thì Nguyễn Du lại viết: “ Nọ
chàng Kim đó là người ngày xưa”. Nọ chứ không phải đây. “ Chàng Kim đó” chứ không phải “ chàng Kim này”, “ là người
ngày xưa” chứ không phải “là người hôm
nay”. Cái gì cũng xa lơ xa lắc vời vợi như thế. Bởi hoàn cảnh khách quan đã
gây nên như thế. Tính hiện đại của tiểu thuyết ở Truyện Kiều mà Nguyễn Đình Thi
nói là bởi vậy.
3.2.3. Thứ ba là thiên tài ở việc tạo ra trong tác
phẩm một thế giới thứ hai, tức là thiên nhiên mà cho đến nay, trong phạm vi văn
chương Việt Nam, dù cũng có những thành tựu sáng giá với Nguyễn Trãi, Nguyễn
Khuyến, Tản Đà… nhưng xem ra vẫn không ai ngang tầm Nguyễn Du trong Truyện Kiều
với đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, với không biết bao nhiêu là ánh trăng tương
thích với bao nhiêu cảnh ngộ của nhân vật trung tâm Thúy Kiều. Có được thành
tựu nghệ thuật siêu đẳng này, rõ ràng Nguyễn Du cũng như các tác giả có nhắc
tên đó đã gắn hồn thơ, tài thơ của mình một cách máu thịt với một triết lý nhân sinh vĩ đại của phương Đông là
thuyết tam tài: Thiên- Địa- Nhân,“thiên
nhân hợp nhất”,“ thiên nhân nhất thể”,“thiên nhân tương dự”. Triết thuyết
này không chỉ chi phối văn chương mà cả với nghệ thuật của phương Đông nói
chung. Cứ nhìn vào vị trí xây dựng các chùa chiền ở nước ta mà so sánh với vị trí xây dựng của các nhà
thờ Thiên chúa giáo ở châu Âu , ngay cả ở Việt Nam ta thì rõ. Một bên thì tựa mình vào rừng núi,
hang động của thiên nhiên hùng vĩ, rặt tiêng chim kêu vượn hót.. Một bền thì
sừng sững , nằm ngay giữa đô thành rộn rịp nếu không thì cũng là nơi đông đúc
người qua kẻ lại. Đúng là thiên tài văn chương của Nguyễn Du đã hút nhụy từ
triết học phương Đông quan niệm con người với thiên nhiên là một khác phương
Tây coi con người là trung tâm của vũ trụ, từ đó mà lịch sử đã có hai hướng đi
khác nhau. Các chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục chẳng đã nói: phương Đông là văn
minh tịnh, thiên về tinh thần. Phương Tây là văn minh động, thiên về vật chất .
Ở phuong Tây hiện đã có xu hướng muốn tìm về phương Đông, dĩ nhiên là phương
Đông cổ trung đại từng có những triết thuyết như thế..
· 3.2.4.
Thứ tư là thiên tài bởi với văn chương Việt Nam, kể cả văn chương thế
giới, nếu tôi không lầm thì không đâu tác phẩm lại có sức sống phi thường như
Truyện Kiều của Nguyễn Du, mặc dù theo học giả Đặng Thai Mai thì còn Mục ca của La Mã cổ đại. Bảng giá văn
chương vốn có nhiều đẳng cấp. Có loại bảng giá thuộc một giai tầng , một thời đại , một chính thể nên
một khi chính thể ấy thời đại ấy qua đi thì loại bảng giá văn chương đó ít nhiều cũng qua đi. Xem bảng giá của văn học Nga sau ngày
chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì rõ là thế. Nhưng vẫn có loại bảng giá thì bất chấp giai tầng xã hội, thể
chế chính trị, thời đại nào cũng vậy, vẫn sừng sững với thời gian. Cũng ở Nga,
Puskin, Lep Tolstôi, Dotstoiepski… là thế. Bảng giá văn chương Việt Nam cũng không
nằm ngoài qui luạt lạnh lùng đó. Với văn học Việt Nam thời trung đại, bảng giá
văn chương nhìn chung đã ổn định mặc dù hậu thế chưa khám phá hết kho báu của
nó. Tuy thế, vẫn có đẳng cấp nhất định trong bảng giá đã định hình đó mà vị
quán quân tuyệt đối không ai khác là Nguyễn Du.
Cách đây ba năm, Trung tâm kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh Truyện Kiều với 5
kỷ lục :
a. Một tác phẩm mà cứ trích ra mấy câu này mấy câu
nọ là thành một bài thơ riêng.
b. Một tác phẩm dược dịch ra một tiếng nước ngoài
( tiếng Pháp) nhiều lần nhất ( 10 lần, có chỗ nói 12 lần).
c. Một
tác phẩm mà có thể đọc xuôi và đọc ngược được.
d. Một
tác phẩm đã được nối điêu nhiều nhất. Có tác phẩm nối điêu đến ba ngàn câu.
đ. Một tác phẩm mà tự nó đã tạo ra một hiện
tượng văn hóa về nó với nhiều hình thức bền vững: bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều,
vịnh Kiều, chèo Kiều, tuồng Kiều, cải lương Kiều, kịch Kiều, phim Kiều. nhạc
Kiều. khoa học Kiều
Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị thêm một
ký lục nữa với Truyện Kiều là một tác phẩm đã ngốn giấy mực của đất nước nhiều
nhất và nhiều hơn bất kể lúc nào trong những năm đầu của thế kỷ 21 này. Đúng là
thế. Chưa bao giờ việc tìm in lại các bản Kiều cổ, việc tìm lại các bản Kiều
nôm lại rôm rả, đầy đủ, nhiều như thế.
Ông Nguyễn Khắc Bảo vốn là giáo viên dạy toán
PTCS sau ngày nghi hưu đã sưu tầm được 60 bản Kiều nôm. Sự tái xuất văn bản Kiều nôm
và quốc ngữ phong phú như thế đã kéo theo việc khảo dị văn bản cũng trở nên sôi
động hơn bao giờ hết. Cũng chưa bao giờ
xuất hiện thêm nhiều nhà Kiều học từ nhiều nghề nghiệp như thời gian này mà
phần lớn lại không phải người chuyên nghề nghiên cứu văn chương. Ông Nguyễn Đan
Quế, cũng là một giáo viên Toán PTTH sau ngày nghỉ hưu, chỉ trên dưới mười năm
cho ra mắt độc giả 16 cuốn sách về Truyện Kiều. Có vị giáo viên văn PTCS ở Thái
Bình chơi sách tích lũy được khoảng 250
sách Kiều và nghiên cứu Kiều. Nhà giáo văn học Lê Xuân Lýt vừa quá cố, chỉ máy
năm cũng đã ra mắt bạn đọc hai công trình về Truyện Kiều hơn ba ngàn trang. Việc
giải mã , bình phẩm Truyện Kiều cũng có thêm
cách tiếp cận mới dù chưa có công trình nào sáng giá bằng giai đoạn
trước. Trên thế giới, với quãng thời gian đầu thế kỷ 21 này, có tác
phẩm nào như thế không nhỉ?(16).
*
* *
Bạn đọc kính mến !
Tôi
cũng lại tôn vinh Nguyễn Du là thiên tài
mà rồi cố gắng dọn đường để đến với
thiên tài Nguyễn Du và cuối cùng thì thấy thiên tài Nguyễn Du là thế đó. Không
biết có được chấp nhận không? Mong được quí vị chỉ bảo thêm cho. Xin cảm ơn
trước.
Hà Nội, Yên Hòa thư trai, những ngày oi bức
( cuối tháng 5 đầu tháng 6 / 2015 )
N Đ C
Chú thích.
1. Trích theo Trần Quốc Vượng: Đôi lời về văn hóa dòng họ ở Việt Nam. Sách Văn
hóa cấc dòng họ ở Nghệ An( Kỷ yếu
hội thảo khoa học). NXB Nghệ An 1997., tang 73.
2. Xem Nguyễn Đình Chú: Đạo đức muôn đời vẫn là cỗi rễ của văn chương chân chính . Tạp
chí lý luận phê bình của Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung
ương số 10/ 2014. Tạp chí KHXH và NV Nghệ An số 1+ 2/2015.
3. Xem Nguyễn Đình
Chú: Sự áp đảo của phương Tây đối với
phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thàn. Tạp chí Đông Nam Á số 3(20)
1995. Giáo trình Văn hóa học đại cương và cơ sở Văn hóa Việt Nam. ĐHQG Hà Nội.
NXB Khoa học xã hội .1996
4. Xem Nguyễn Đình Chú: Thêm một công trình Dịch hoc. Lời giới thiệu sách Kinh Dịch diễn giải ( Đạo lý sự tồn tại
và phát triển) Trần Trọng Sâm. NXB Văn học 2010
5.
Xem Nguyễn
Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục lại
việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông.Hán Nôm học trong nhà trường, NXB
Khoa học xã hội.2008. Vietstudies 8/9/2010
6. Theo bài Đạo
Việt Nam dưới nhãn quan Trương Tửu http//vn myblog yahoo com/kinhphuctu
7. Xem Nhất Hạnh :
Thả một bè lau(Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán) Lá Bối năm 2000.
8. Xem Nguyễn Đình Chú: Đọc Truyện Kiều và chủ nghĩa
hiện thực của Nguyễn Du của Lê Đình Kỵ. Văn nghệ số 443 ngày 7/4/1972. Nguyễn Đình Chú tuyển tập.NXB Giáo dục
2012.
9. Xem Nguyễn Đình Chú: Vị trí của văn hóa Phật giáo trong nền văn hóa Việt Nam ( nhìn về dĩ
vãng).Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Phật
giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình
phát huy văn hóa dân tộc. Hạ Long 8-9/11/2013. In lại trong Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của
Liên hiệp quốc.NXB ĐHQG TP Hồ Chí Minh 2014.Tạp chí KHXH và NV Nghệ An số
4/2014
10. Xem Nguyễn Đình
Chú: Cuộc sống hiện đại và Triết thuyết
Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Kỷ yếu hội thảo khoa học về
Phật giáo Nam bộ.Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 10 tháng 3/2014.
12. Xem Danh bạ
những ngôi chùa Việt Nam. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Hà Nội
2011.
13, Xem Nguyễn Công
Lý: Văn
học Phật giáo thời Lý Trần: Diện mạo và
đặc điểm. Luận án tiến sĩ bảo về năm 2000 tại ĐHSP Hà Nôi. Đã in và tái
bản.
14.Xem Nguyễn Đình Chú: Để hiểu đúng giá trị
đạo luân thường của Nho giáo. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Luân thường Nho giáo dưới góc nhìn xuyên văn
hóa. ĐHQG TP Hồ Chí Minh- ĐHKHXH và NV.2013. In lại trên Tạp chí KHXH và NV
Nghệ An số 4/ 2014
15. Xem Nguyễn
Đình Chú: Gặp lại con Kiều đẹp nhất nước
Nam. Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn Ngghệ An Số 4.
2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét