Menu ngang

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

LÃNG ĐÃNG XỨ NGƯỜI



Tùy bút                    LÃNG ĐÃNG XỨ NGƯỜI
                                   
                       
                                                                          Nguyễn Mạnh Đẩu

                               Bảy ngày lãng đãng xứ người
                         Ngó nghiêng suy ngẫm đôi lời lược ghi 

Một buổi sáng trung tuần tháng 8 năm 2012, nhân lúc thong thả, mình sang chơi nhà anh Nguyễn Hữu Hòe, chị Đặng Thị Bích, tình cờ gặp anh Đặng Hữu Hồng. Được biết, các anh đang chuẩn bị tổ chức Đoàn mấy gia đình cựu cán bộ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đi tour du lịch: Hồng Kông, Ma Cao, Thâm Quyến, Quảng Châu.
Anh Hòe, anh Hồng có nhã ý rủ vợ chồng mình cùng tham gia. Nghe các anh nói, mình nhận thấy chuyến đi thật sự hấp dẫn, bởi 3 lẽ :  Điểm tham quan tour du lịch gồm các địa danh nổi tiếng. Phần đông thành phần trong đoàn du lịch đều là chỗ quen biết, thân thiết. Mức chi phí chấp nhận được. Vì vậy, mình vui vẻ nhận lời ngay, mặc dù chưa kịp trao đổi với bà Liễu nhà mình. Tin là sẽ đồng tình. Đoàn du lịch do Công ty Metco Travel tổ chức khá chuyên nghiệp. Mọi thủ tục chuẩn bị cho chuyến đi diễn ra suôn sẻ, chóng vánh. Theo kế hoạch, ngày 17 tháng 9 năm 2012, Đoàn xuất phát.
Trước đây, mình đã có 2 lần đi Trung Quốc, đều là các chuyến công vụ.
 Lần thứ nhất, với tư cách là thành viên của Đoàn Tổng cục Chính trị QĐNDVN trong chuyến thăm, làm việc với Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, vào giữa tháng 6 năm 1997. Lần đó, Đoàn đã đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Quảng Châu.
Lần thứ hai, mình là Trưởng đoàn đại biểu Trường Sĩ quan Lục quân 1 sang thăm, làm việc vào cuối tháng 7 năm 2001. Đoàn đã làm việc với một vài cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tham quan một số danh lam ở Bắc Kinh, Thượng Hải. Hôm ở Bắc Kinh, khi cùng Đoàn lên xem Vạn lý Trường thành, đọc lại câu “Bất đáo Trường thành phi hảo hán” của Mao Trạch Đông, mình nói vui với mấy anh cùng đi: “Trong trường hợp nhị đáo Trường thành có được coi là nhị hảo hán không nhỉ?”. Mọi người cùng cười.  
          Kế đó, Đoàn lên Quế Lâm thăm, trao đổi kinh nghiệm giáo dục - đào tạo với Học viện Quân sự Quế Lâm và tham quan một số thắng cảnh như: Tượng Tị Sơn, Lô Địch Nham… Nội dung trọng tâm trong chuyến đi đó là, thay mặt lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường, Đoàn đến cám ơn lãnh đạo chính quyền địa phương Quế Lâm về sự giúp đỡ đối với Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam suốt mấy năm liền trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bữa đó, khi thay mặt Đoàn ghi lưu bút vào Sổ Truyền thống của Quế Lâm, mình đã viết sai một từ. Điều này không phải ai cũng phát hiện ra, nhưng nghĩ lại, mình cứ áy náy mãi. Mình đã viết: “…Chúng tôi xin thay mặt các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam chân thành cám ơn lãnh đạo chính quyền và đồng bào Quế Lâm đã giúp đỡ nhiệt thành, hiệu quả đối với Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam trong những năm tháng gian khổ, khó khăn thời kháng chiến chống Pháp…”. Đáng ra ở đây, phải dùng từ nhân dân, chứ không phải là từ đồng bào. Vì “đồng bào” là biến thể gọi trệch của từ “đồng bao” trong truyền thuyết lịch sử 100 trứng của người Việt chúng ta. Đem áp dụng từ đồng bào với dân tộc khác là không đúng.
Xưa nay, du lịch nhằm đạt được 4 mục đích: Tham quan, tìm hiểu, giải trí dưỡng sức và kết nối tâm giao. Cố nhiên, không phải lần du lịch nào cũng đạt được cả 4 mục đích đó. Chuyến đi du lịch lần này, điều thật sự gây sự hiếu kỳ hấp dẫn đối với mình là được đến Hồng Kông và Ma Cao -  hai nơi này mới trở về Trung Hoa đại lục hơn chục năm nay, sau thời gian 100 năm là thuộc địa của Anh ( đối với Hồng Kông) và mấy trăm năm là thuộc địa của Bồ Đào Nha (đối với Ma Cao). Và hiện nay cả hai nơi đó đang thực hiện một mô hình hy hữu trên thế giới:  “Một quốc gia, hai chế độ”. Tiếp đến, sẽ tham quan thành phố Thâm Quyến - đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách mở cửa, với hơn 30 năm phát triển tốc độ cao. Điểm cuối cùng là trở lại thành phố Quảng Châu, sau lần thăm cách đây chẵn 15 năm (1997-2012).
Đọc một số tài liệu, mình được biết, “Một quốc gia, hai chế độ” là ý tưởng được Đặng Tiểu Bình - lãnh tụ tối cao của CHND Trung Hoa đề xuất trong quá trình tái thống nhất Trung Quốc vào đầu thập niên 1980. Ông Đặng mong muốn một Trung Quốc duy nhất, nhưng các thành phần lãnh thổ độc lập Hồng Kông, Ma Cao vẫn  duy trì hệ thống kinh tế - chính trị của CNTB, trong khi Trung Hoa đại lục vẫn là chế độ CNXH. Từ năm 1984, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Margaet Thatcher, Đặng Tiểu Bình đề nghị các nguyên tắc đó sẽ thực hiện cho Hồng Kông vào năm 1997, khi thời hạn thuê của nước Anh hết hiệu lực. Nguyên tắc tương tự cũng sẽ áp dụng đối với Ma Cao trong cuộc hội đàm Trung Quốc - Bồ Đào Nha.
Thành phần tham gia Đoàn du lịch có các cặp vợ chồng: Anh Nguyễn Đình Hậu, chị Bùi Thị Khanh; anh Lâm Văn Thàn, chị Nguyễn Thị Tuyết; anh Nguyễn Hữu Hòe, chị Đặng Thị Bích; anh Nguyễn Công Hòe, chị Dương Thị Thanh Hảo; anh Phạm Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Thanh Vân; anh Phạm Hữu Chính, chị Dương Thị Đào; anh Đặng Hữu Hồng, chị Ngô Thị Mai Hương , và vợ chồng mình. Anh Nguyễn Trọng Nghiệp và anh Vũ Đức Lạc đi một mình, vì lý do sức khỏe các chị không tham gia được.
Mình đã quen và có nhiều kỷ niệm với anh Nguyễn Đình Hậu từ ngót hai chục năm nay. Ngần ấy năm, có thể khẳng định rằng, anh Hậu là một cán bộ chính trị trầm tĩnh, đĩnh đạc, sống có nghĩa tình, chu đáo. Các anh Lâm Văn Thàn, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Trọng Nghiệp, Vũ Đức Lạc, Đặng Hữu Hồng vốn là những cán bộ chủ chốt của ngành công nghiệp quốc phòng trong nhiều năm trước. Mình biết các anh ấy từ năm 1996 trong dịp cùng Đoàn với anh Trần Đình Hoan, Trần Đức Việt, Phùng Tiến Phú,…lên thăm và làm việc tại các nhà máy công nghiệp quốc phòng. Với anh Lâm Văn Thàn còn tiếp xúc nhiều lần khi anh ấy lên Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Anh Phạm Hữu Chính từ chiến sĩ đc công trải qua mấy chục năm chiến đấu công tác trưởng thành lên đến Tư lệnh binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội ta. Mình biết anh Chính từ lâu, khi nghỉ hưu lại thân thiết nhau trong Câu lạc bộ Tennis Mỹ Đình 1. Anh Nguyễn Công Hòe là cán bộ của Viện Khoa học Công nghệ Quân sự rồi Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, mình nghe tên đã lâu, nhưng mãi gần đây mới gặp. Anh Nguyễn Hữu Hòe là người trọn đời quân ngũ gắn bó với ngành công nghiệp quốc phòng. Anh Lâm Văn Thàn và anh Nguyễn Hữu Hòe sớm được Quân đội cử đi đào tạo cơ bản chuyên ngành sản xuất hỏa cụ, thuốc phóng, thuốc nổ. Gần nhà nhau, anh Nguyễn Hữu Hòe là bạn tâm giao, thường cùng mình sẻ chia đàm đạo thế thái nhân tình. Trong Đoàn có anh Nguyễn Công Hòe và anh Nguyễn Hữu Hòe cùng tuổi Mậu Tý với mình. Đó cũng là một lý do để chúc rượu trong các bữa cơm thân mật.
Các thành viên trong Đoàn đều đã thuộc lớp người có tuổi. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, thì đó là U60, U70. Tất thảy đã rời chính trường về với cuộc sống đời thường được mấy năm rồi. Vinh quang đã thuộc về dĩ vãng. Công danh  là cái thước đo giá trị, là cái thương hiệu trong quá khứ, mà bây giờ chỉ còn là nhãn mác kỉ niệm. Gia sản cơ nghiệp gom góp cả một đời, nay mai cũng sẽ thuộc về con cháu. Con người ta, bất cứ ai, khi bắt đầu xuất hiện ở cõi đời đều với hai bàn tay trắng. Và khi ra đi cũng vậy -  hai bàn tay trắng, chẳng mang theo thứ gì. Điều hạnh phúc nhất của lớp người này là đều đã có những “hạt giống” cho đời sau - vì đã lên thiên chức ông bà nội, ngoại. Chắc chắn rằng, mọi người đã qua thời hiếu kỳ, háo hức của tuổi trẻ trước cái mới lạ bên ngoài. Nhưng được bù lại, bằng vốn sống, tạo nên sự chiêm nghiệm, suy ngẫm lẽ đời một cách sâu lắng về những điều tiếp nhận được trên từng khía cạnh với từng cấp độ khác nhau.
Theo nguyên tắc tổ chức, trong mọi trường hợp, hễ có hai người trở lên, ắt phải có một người phụ trách. Dù chỉ đi tour du lịch ngắn ngày, cũng phải hình thành tổ chức Đoàn. Ngẫm xét, trên nhiều phương diện, theo tín nhiệm của các thành viên, anh Nguyễn Đình Hậu được tôn là Trưởng đoàn. Đồng thời, anh Hậu chọn cán bộ giúp việc có: Phó đoàn là anh Lâm Văn Thàn. Tham mưu trưởng là anh Nguyễn Hữu Hòe. Là người hiểu biết rộng, nghiêm túc, quan hệ tốt và có trách nhiệm trong công việc, anh Đặng Hữu Hồng được tín nhiệm cử làm Thư ký kiêm kế toán và thủ quĩ của Đoàn. Với sự hoạt bát, sôi nổi, vui vẻ vốn có, anh Nguyễn Công Hòe được phân công là Trợ lý nhận, phân chia và thu hồi chìa khóa phòng nghỉ ở các khách sạn. Số còn lại là đoàn viên.
Trong cuộc họp Đoàn trước ngày lên đường để thông báo lộ trình cùng những vấn đề liên quan, thì có một vấn đề sát sườn được bàn thảo nhanh và thống nhất cao là việc bảo đảm rượu uống trong suốt chuyến đi. Đã qua rồi, cái thời và chặng đời được bao cấp về nhiều thứ. Giờ đây là chuyến du lịch tự túc, tự nguyện trong cơ chế thị trường. Bởi vậy, các việc bảo đảm phải bàn bạc một cách cụ thể. Trong cuộc sống, rượu là thành tố gây ra không ít phiền toái, hệ lụy. Nhưng phải thừa nhận rằng, rượu là sự kích hoạt cho các cuộc vui. Người xưa đã từng nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” kia mà. Thiết nghĩ, sẽ là rời rạc, tẻ nhạt đến dường nào nếu trong các bữa cơm thân mật mà không có ma men. Đó là chưa kể đến tiệc tùng, lễ lạt, liên hoan.  Có người nói rằng, từ khi sinh ra loài người đến nay có đến hàng chục vạn năm, chỉ có 2 phát minh được coi là vĩ đại nhất. Đầu tiên là phát minh ra lửa. Nhờ có lửa đã biến con vượn quen ăn sống nuốt tươi thành con người ăn chín, uống sôi. Phát minh thứ hai là tìm ra rượu. Nhờ có rượu đã biến người thành tiên. Tiên tửu! Trong Đoàn không có ai là sâu rượu. Nhưng xem ra cũng hội đủ những người đã trải qua rèn luyện trên từng cương vị công tác, phần đông đều có tửu lượng khá, trừ anh Phạm Văn Hùng bị tiểu đường và anh Nguyễn Trọng Nghiệp đã bị mổ bỏ túi mật, buộc phải cai rượu.  Kết luận chung là không mang rượu ngoại, còn rượu nội thì ai có gì mang nấy, định mức cỡ từ 1 đến 2 lít/ một ông. Rượu sẽ bọc gói  cẩn thận cho vào vali trong hành lý gửi.
Đúng 8 giở 5 phút ngày 17/9/2012, chiếc xe ca 26 chỗ ngồi xuất phát từ nhà anh Nguyễn Đình Hậu ở khu đô thị Mỹ Đình 1 chở Đoàn lên sân bay Nội Bài. Sáng mùa Thu nắng ấm, trời trong xanh, gió thổi nhẹ mát dịu. Hôm đó là ngày 2 tháng Tám âm lịch, còn hơn 10 ngày nữa là tới Trung Thu. Ngọn gió nào đi qua mùa Thu cũng thành gió biếc. Thiên tình sử Ngưu Lang - Chức Nữ cũng diễn ra vào mùa Thu. Mùa Thu ở Hà Nội thật đẹp, gợi nhớ nhiều kỷ niệm êm đềm trong cuộc đời của mỗi con người. Xưa nay, cảnh đẹp trữ tình của mùa Thu thường gợi mở, dâng đầy cảm xúc để các thi nhân làm nên những bài thơ tình bất hủ. Đó là các giai phẩm song hành cùng năm tháng.
 Khi đã yên vị, việc đầu tiên của các thành viên, nhất là các chị, hỏi han để biết thêm về nhau. Vốn trong đại gia đình quân đội nhiều năm, nên việc này diễn ra xởi lởi, thân thiện, chóng vánh. Lãnh đạo Meto Travel cho người lên sân bay tiễn đoàn thân tình, chu đáo. Meto Travel cử hướng dẫn viên trong suốt chuyến tour du lịch. Đó là một thanh niên tên Quyền có vẻ đẹp nam tính, với hàng lông mày sắc dày gọn ghẽ, cái đầu húi cua khỏe mạnh, nhiệt tình, vui vẻ hoạt ngôn, lịch sự. Chính những lợi thế của Quyền trong chuyến đi mà các bà mệnh phụ nói vui rằng: “ Nếu còn con gái chưa chồng, các cô cũng không gả cho cháu. Vì cháu đẹp trai, giỏi giang và khéo nói thế, chắc chắn là con gái cô sẽ có ngày sẽ mất chồng ”. Điều đó như một sự tổng kết về giới đàn ông của các bà sau mấy chục năm hôn nhân!
Khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Nội Bài, các ông thành viên trong Đoàn đều lần lượt được gọi vào phòng phía trong để nhân viên an ninh trực tiếp xem xét hành lý. Bởi rằng, khi chạy qua máy, camera phát hiện trong các hành lý gửi đều có các chai lỏng. Mở vali ra, mọi người đều nói, đó là các rượu thuốc mang theo để bồi dưỡng sức khỏe. Thế rồi qua được.

* HỒNG KÔNG

Điểm đến đầu tiên của tour du lịch là Hồng Kông. Thuở nhỏ, đọc sách báo, mình cứ ngỡ rằng, Hồng Kông và Hương Cảng là hai địa danh khác nhau. Sau này mới biết, té ra Hồng Kông với Hương Cảng là hai tên gọi của một lãnh thổ. Hương Cảng với ý nghĩa cảng thơm, là tên gọi cũ. Hồng Kông là tên gọi mới, nghe đâu, có từ năm 1926.
Hồng Kông là Đặc khu hành chính của Trung Quốc. Lãnh thổ này có hơn 260 hòn đảo, nằm về phía Đông của đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp tỉnh Quảng Đông về phía Bắc và nhìn ra biển ở ba mặt Đông, Tây và Nam. Hồng Kông từng là một nơi phụ thuộc của Vương quốc Anh và Bắc Irlend từ năm 1842. Sau cuộc chiến tranh nha phiến, năm 1898, triều đình Nhà Thanh, người chủ xướng là Từ Hi Thái hậu (1835-1908), đã cho Anh thuê thời hạn 99 năm các đảo gần đấy và đảo Đại Tự Sơn, từ đó có tên là Tân Giới.
Ngày 1/7/1997, Vương quốc Anh trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc. Theo Tuyên bố Trung - Anh, năm 1984, qui định: Trong thời hạn 50 năm kể từ ngày chuyển giao, Hồng Kông sẽ được quản lý với tư cách là một Đặc khu hành chính, được giữ lại các luật lệ của mình. Với phương thức “Một quốc gia hai chế độ”, Hồng Kông chỉ phụ thuộc vào Nhà nước Trung Quốc trên hai lĩnh vực: Quân sự và Ngoại giao. Còn tất cả mọi thứ khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều là độc lập theo chế độ TBCN.
Chiếc máy bay AIRBUS 330 mang kí hiệu VN 592 của Hãng Hàng không Việt Nam cất cánh từ sân bay Nội Bài lúc 10h40, sau gần 2 giờ bay, hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Chek Lap Kok của Hồng Kông. Mình được biết, đây là một trong những sân bay lớn nhất Châu Á và cả thế giới, là cửa ngõ của Đông Á và Đông Nam Á. Sau 6 năm xây dựng, sân bay được khánh thành vào năm 1998, với chi phí hơn 20 tỉ USD, trên diện tích 12 km2. Sân bay có hai đường băng song song dài 3.800 m, chiều ngang mỗi đường là 60 m. Hằng ngày, sân bay hoạt động 24h /24h.  Hiện tại, hàng năm, sân bay có năng lực hoạt động là 45 triệu lượt khách và 3 triệu tấn hàng hóa. Sân bay Chek Lap Kok ở Hồng Kông là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới với số lượt 60 máy bay/ giờ. Như vậy là cứ mỗi phút có một máy bay cất, hạ cánh.  
Đoàn xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh vào Hồng Kông giữa một đại sảnh rộng lớn với tập hợp ngót nghìn du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dòng người nối đuôi nhau xếp hàng gấp khúc ngược xuôi kéo dài. Cự li từ chỗ bắt đầu xếp hàng đến cổng làm thủ tục chỉ khoảng hơn 100m thôi, nhưng dồn chân bước quay đi, quay lại hơn nửa tiếng đồng hồ mới tới lượt. Chỉ nhìn qua cổng nhập cảnh tấp nập như đi trẩy hội, cũng có thể đo được sức hấp dẫn của Hồng Kông với thế giới là dường nào. Giữa chốn đô hội, để tránh các thành viên khỏi thất lạc, Công ty du lịch thêu một lá cờ đuôi nheo mầu xanh, chữ vàng, trên đó có dòng chữ Metco Travel. Cầm cờ là người dẫn đầu Đoàn, mọi người khác đi theo. Trong quân đội, nhất là trong chiến đấu, cán bộ chiến sĩ vẫn gọi Bí thư chi bộ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy, Chính trị viên là người cầm cờ. Điều đó đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Hôm lên đường, mình nói với anh Nguyễn Hữu Hòe, ông làm giám đốc lâu năm rồi, nay thử cầm cờ, để tôi chụp một pô ảnh làm kỷ niệm. Mỗi thành viên còn được cấp một chiếc mũ trên đó cũng có in chữ Metco Travel. Xen lẫn các đoàn người của nhiều quốc gia, với sắc cờ và màu áo mũ khác nhau, nhìn thật vui mắt. Đúng là mầu cờ, sắc áo giữa chốn đất khách, xứ người.
Qua cổng nhập cảnh một quãng ngắn, thì gặp hướng dẫn viên du lịch của phía Hồng Kông ra đón. Đó là một cô gái béo mập, nói tiếng Việt rất sõi. Cô ta tự giới thiệu: “Thưa các bác, các cô chú! Cháu tên là Phương. Vàng chỉ có  9999, ngọc còn có tỳ vết, nhưng với cháu là người Việt 100%. Cả bố mẹ cháu đều quê ở Hải Phòng. Cháu được bố mẹ đưa sang sinh sống ở Hồng Kông từ năm 1995, lúc đó cháu mới 12 tuổi. Cháu hân hạnh được làm hướng dẫn viên cho Đoàn trong 2 ngày tham quan Hồng Kông…”.
Đoàn lữ hành thì vẫn đội hình ấy, nhưng người cầm cờ lại tùy thuộc vào yêu cầu của từng chặng đường. Một nhóm nhỏ đã thế, suy rộng ra, ở mọi cấp độ cũng đều vậy. Đến đất Hồng Kông, Quyền trao cờ cho Phương. Cả Đoàn lên một chiếc xe ca đã chờ sẵn. Lúc này đã là hơn 3 giờ chiều giờ Hồng Kông (2 giờ chiều giờ Hà Nội). Trời nắng đẹp, thời tiết khí hậu chẳng khác gì ở nhà. Từ sân bay vươn ra ngoài là những tuyến đường cao tốc bằng phẳng, rộng rãi, nhiều tầng. Trên xe nhìn xuống lòng đường không thấy cảnh người xe chen lấn tấp nập như Hà Nội, nhất là không thấy bóng dáng xe máy. Qua cửa xe nhìn ra hai bên, xen lẫn giữa các dãy cao ốc là các dãy núi thấp với những vạt rừng thưa, dưới ánh nắng vàng ruộm chiều Thu, cây cối xanh lấp lánh, mướt mát. Cảnh quan của Hồng Kông thật đẹp, xen lẫn vừa hiện đại, vừa sinh thái.
Khoảng 15 phút sau khi rời khỏi sân bay, xe chở Đoàn qua cầu treo Thanh Mã. Cầu này bắc qua eo biển Mã Loan. Tên cầu Thanh Mã là ghép từ chữ đầu của hai hòn đảo mà cầu nối liền: Thanh Y và Mã Loan. Đây là một trong những cầu treo dài nhất thế giới, với hai nhịp dài hơn 3.400 m, mặt cầu rộng 41m, chiều cao nhất là 206 m. Trên mặt cầu có đường sắt và 6 làn đường bộ. Được biết, cầu Thanh Mã khánh thành vào ngày 17/4/1997. Ngồi trên xe nhìn ra xung quanh là cả một vùng bao la bát ngát, trời biển mênh mông, những tòa nhà cao chọc trời. Nhìn chếch về phía tay trái là cảng biển Victoria - một cảng nước sâu với 9 cầu cảng lớn. Nhìn xa hơn một chút cũng có một cây cầu treo tương tự cầu Thanh Mã - cô hướng dẫn viên nói đó là cầu Bà Hai.
Thời gian còn lại của buổi chiều là tham quan miếu Thần Tài - một ngôi miếu cổ nằm sát cửa biển, mới được trùng tu khá dẹp. Ngay cổng miếu có tượng hai con Tì Hiu bằng đồng. Cô hướng dẫn du lịch nói với mọi người rằng, du khách nên vuốt dọc thân Tì Hiu và thỉnh cầu điều mong ước. Thế là, mọi người đều lần lượt làm theo. Mình để ý, không hẹn trước, nhưng câu cầu mong chung được mọi người nói ra là sức khỏe. Điều đó là quá đúng! Khi niềm tin thiêng liêng của một thời đã phần nào bị phai nhạt, thậm chí là khủng hoảng, thất tín, thì con người ta kiếm tìm một chỗ dựa niềm tin mới thay thế. Trong đó có đức tin về thế giới thần linh. Mà thực ra, không tin không được. Ở đời , biết bao thứ may rủi ngẫu nhiên tựa như có sự sắp đặt của đấng thiêng liêng. Niềm tin tinh thần này gửi gắm vào thế giới thần linh. Chí ít là tạo ra tâm lý thanh thản, ổn định trong cuộc sống đầy biến động. Trong các điều ước, thì ước ao có sức khỏe là quan trọng bậc nhất của mọi người. Với người già, bởi sự lão hóa, cơ thể xuống cấp nhanh, quĩ thời gian không còn nhiều, thì sức khỏe là thứ quan trọng bậc nhất!
Đến 6 giờ tối cả Đoàn về nghỉ ở Khách sạn Newton Inn nằm sâu trong khu phố cũ. Phía ngoài khách sạn là một cái chợ nhỏ kẹp giữa các dãy nhà cao tầng. Cảnh quan ở đây tựa như các dãy phố người Hoa ở khu vực Chợ Lớn - thành phố Hồ Chí Minh. Anh Công Hòe trao mình chìa khóa phòng 2101. Tòa nhà này cao 29 tầng. Ra khỏi thang máy ở tầng 21, đi dọc về phía cuối hành lang trải thảm hồng, mình nhận ra phòng nghỉ. Nhưng khi đút thẻ từ vào, xoay mở mấy lần đều không mở được. Mình chợt nghĩ, có thể khi phân phòng nghỉ, thường trực khách sạn viết nghệch ngoạc số 401 thành 2101. Dặn bà Liễu cứ đứng đợi ở đây, mình tụt xuống phòng 401 thử xem sao. Nhưng đút thẻ từ vào cũng như ở tầng trên. Lại bấm thang máy quay trở lên 2101, loay hoay mãi không được. Cuối cùng, mình buộc phải gọi điện thoại di động cho cháu Quyền.
Quyền hỏi:
- Vậy chú mở thế nào ?
 Mình trả lời:
- Chú đút thẻ từ vào, thấy đèn đỏ, đẩy cửa vào trong, mấy lần đều không được.
Quyền nói:
- Ấy không! Chú đút vào đúng chiều rồi phải rút ra ngay. Thấy đèn xanh nháy lên thì đẩy cửa vào.
Mình làm lại theo cách của Quyền. Quả nhiên mở được cửa ngay. Thế đấy, mọi việc từ nhỏ đến lớn, đều có đặc tính riêng và buộc phải làm đúng qui trình của nó.
Tiện đây, nói luôn chuyện chìa khóa phòng. Bữa đến nghỉ ở Khách sạn Lee Gardan Inn ở thành phố Thâm Quyến, tối ngày 19/9, cũng phát chìa khóa từ, nhưng loại này ổ khóa không có lỗ để đút vào. Cách mở là cầm thẻ từ quẹt ngang trước mặt  khóa. Mình nghỉ ở phòng 517. Vợ chồng anh Hồng, chị Hương nghỉ ở phòng 515 bên cạnh. Bọn mình đã vào phòng mà vợ chồng anh Hồng vẫn loay hoay đứng ở cửa. Thấy thế, mình hướng dẫn cách quẹt. Anh Hồng làm theo là được. Nghĩ cũng buồn cười, cũng là cái khóa từ mà cách mở lại khác nhau. Nơi thì cắm vào trong rồi rút ra ngay. Nơi thì chỉ cầm quẹt qua ở mặt ngoài ổ khóa.
Lại chuyện khác, hôm nghỉ ở Khách sạn Long Châu ở thành phố Quảng Châu. Gần 9 giờ sáng ngày 22/9, khi đi ăn tự chọn ở tầng 9 trở về phòng nghỉ để thu xếp hành lý chuẩn bị lên đường đi tham quan tiếp rồi ra sân bay trở về Hà Nội. Thấy chị Bích đứng loay hoay mãi ở cửa phòng 611, mình hỏi:
 - Bà làm gì ở đây?
 Chị Bích nói:
-  Ông Đẩu ơi, em cầm thẻ từ quẹt mãi mà cửa phòng không mở.
 Mình chợt thấy lạ! Đêm qua ông bà này đổi sang phòng khác ư.  Bởi vì, trước khi đi ngủ, quãng 10 giờ, mình còn rủ anh Hữu Hòe đi dạo phố đêm, thì ông bà ấy ngủ ở phòng 612 kia mà.
 Mình hỏi chị Bích:
- Thế ông Hòe đâu?
 Chị Bích trả lời:
- Nhà em đang uống nước, về sau.
Mình lại hỏi tiếp:
- Đêm qua ông bà chuyển sang phòng này à?
- Không! Vẫn chỉ một phòng thôi  - chị Bích nói.
Mình nói ngay:
- Vậy thì ông bà ở phòng 612 chứ. Sao lại mở cửa phòng này!
- Ấy chết, em nhầm! Em cứ nghĩ là nghỉ ở phòng 611 - chị Bích vừa nói, vừa cười vui, quay về phòng 612.
Bữa cơm tối đầu tiên khi đến Hồng Kông được tổ chức ở một nhà hàng B.B.Q Hàn Quốc. Đây là nhà hàng ăn tự chọn sang trọng, có rất nhiều món ăn ngon, hợp khẩu vị. Khi còn trên xe, có một vấn đề đặt ra là, cũng giống như ở Việt Nam, nhà hàng sẽ thu tiền rót rượu, thường là thấp hơn một ít giá trị chai rượu thực khách mang đến. Ở trong nước đi ăn ở nhà hàng hạng sang, mang theo rượu ngoại, có nơi lấy tiền rót hàng mấy trăm nghìn đồng một chai. Xót ! Xót nhưng vì khâu oai, đành chịu. Trong nhiều trường hợp, chi phí đó cũng như tiền ăn, là tiền chùa, thì với ai cũng vậy, đỡ xót xa hơn. Đằng này, đất khách xứ người, ngôn ngữ bất đồng, ngoại tệ hạn hẹp, đồng tiền bỏ ra là của mình, giá trị thật của chai rượu mang theo không bõ bèn gì so với mức tiền trả công rót. Quả là, tiền dây thừng đắt hơn tiền con bò dắt theo. Chung suy nghĩ đó, trên đường đi có người đề xuất cao kiến: Đằng nào thì rượu cũng vào bụng, nên uống trước khi đến nhà hàng. Mọi người đồng tình. Vậy là, anh Hồng, anh Chính mang ra hai chai rượu, rồi chuyền tay nhau từng thành viên cứ thế tu ừng ực. Đường phẳng, xe chạy chậm thì không sao. Gặp lúc trời nhá nhem tối, xe xóc lắc lư, ngửa cổ tợp được hớp rượu, có khi bị ướt áo, bị sặc hoặc bị quá tửu lượng, do không có cái gì đong lường. Đã vậy, nhưng nghe ra vẫn chưa đủ lượng cay cay cần thiết, nên khi ngồi vào bàn ăn, mỗi người còn thêm mấy quai loại to. Có thể, nhà hàng cho rằng bọn mình đang uống thuốc bệnh! Nhưng uống thuốc chữa bệnh kiểu gì mà mọi người đều dùng chung một loại. Không khí lại sôi nổi, quay qua quay lại, mời mọc nhau ồn ào. Nhìn kỹ, thật khó tin!
Sáng 18/9, theo thông báo trước, đúng 7 giờ, Đoàn tập trung ở tiền sảnh khách sạn để đi ăn sáng rồi đi tham quan. Đã quá 15 phút mà còn 3 gia đình vẫn chưa rời phòng ngủ. Có thể đó là hậu quả của sự quá chén tối qua. Trong một không gian chật chội, bụi bặm, nồng nặc mùi chợ búa. Với căn bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính, mình đã hắt hơi mấy lần. Quả thật, việc chờ đợi thật không dễ chịu chút nào. Mình nói cháu Quyền lên tận nơi xem sao. Cháu Quyền quay ra nói rằng:
- Các chú ơi, cháu lên tận nơi gọi rồi. Có chú mới dậy đang đánh răng!
 Mình nghĩ, thôi rồi, hậu quả của sự vui vẻ quá chén tối qua là thế này đây. Bực đấy nhưng biết làm sao được. Vả lại, đây là cuộc đi chơi của mấy ông bà đã hưu trí, chứ có phải đi công tác đâu mà đòi hỏi khít khao thời gian theo kiểu nhà binh như khi đang làm việc. Mấy gia đình ra sau nói, lý do xuống trễ là do cầu thang máy lên xuống trục trặc. Lý do này tựa như cán bộ công nhân viên Nhà nước đi làm trễ giờ ở Hà Nội là do nạn tắc đường.
Sau khi ăn sáng, Đoàn đến tham quan Đại lộ Ngôi sao. Sáng sớm, thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành, thật dễ chịu. Nhìn ra mặt biển dịu êm, nước trong xanh, không một gợn sóng, những con tàu nhiều cỡ, nhiều kiểu qua lại vào ra trên Vịnh Victoria. Hai bên bờ Vịnh là những dãy phố cao tầng đẹp với nhiều màu sắc, kiểu dáng kiến trúc khác nhau. Đây là một nơi hấp dẫn, thu hút nhiều đoàn khách du lịch khi đến Hồng Kông.
 Đại lộ Ngôi sao (tiếng Hán là Tinh quang Đại đạo) - một con đường lớn chạy dọc Cảng Victoria, được xây dựng từ năm 1982. Đến năm 2003, đã cải tạo mô phỏng theo Đại lộ Danh vọng Hollywood để vinh danh các nhân vật nổi tiếng của Điện ảnh Hồng Kông.
Điểm bắt đầu của Đại lộ dựng một bức tượng Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông, cao 4, 5 m. Đó là tượng mô phỏng một nữ diễn viên có thể hình rất đẹp, ngẩng cao đầu, tay giơ cúp, đặt trên đế bệ bê tông. Cả Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm tại đây. Đại lộ lát đá chạy dài 440 m dọc theo bờ Vịnh. Trên đó người ta dựng một số bức tượng khác nhau miêu tả quá trình làm phim như tượng đạo diễn, tượng nhà quay phim, xe chiếu phim lưu động. Điểm thu hút nhất là các viên gạch có hình ngôi sao khắc tên các ngôi sao điện ảnh Hồng Kông bằng Hán tự và tiếng Anh kèm theo dấu tay và chữ ký của từng người. Với những người tại thời điểm lập ngôi sao, mà đã từ trần, thì chỉ có ngôi sao và tên. Chẳng hạn, Lý Tiểu Long, tên tiếng Anh là Bruce Lee. Được biết, đến nay đã có 101 nhân vật được vinh danh. Đó là các tên tuổi lớn: Lê Dân Vĩ  ( cha đẻ của Điện ảnh Hồng Kông ), Lâm Sở Sở, Hồ Điệp, Thiệu Dật Phu, Tào Đạt Hoa, Chu Tuyền, Nhậm Kiến Huy, Thạch Kiên, Thành Long, Dương Tử Quỳnh… Ngày 25/11/2005, nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 65 của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long, một bức tượng mô tả Lý Tiểu Long trong phim Long tranh hổ đấu (1973) đã được khánh thành trên đại lộ. Trước ngày lên đường đi du lịch, cháu đích tôn của mình là Nguyễn Quang Minh cứ dặn đi dặn lại ông bà nội nhớ chụp cho cháu pô ảnh tượng Lý Tiểu Long dựng trên đại lộ -  điều mà trong chuyến sang công tác trước đó ở Hồng Kông,  mẹ cháu là Nguyễn Kim Thoa làm việc ở VTV chưa kịp làm. Bởi lẽ, cách đây mấy tháng, trên VTV chiếu bộ phim dài nhiều tập về Lý Tiểu Long. Các cháu trai nhà mình thích lắm, coi Lý Tiểu Long là một thần tượng võ thuật. Dù chưa được xem ảnh chân dung Lý Tiểu Long, nhưng mình thật sự khâm phục các nhà làm phim đã chọn diễn viên đóng vai Lý Tiểu Long rất giống với tượng Lý Tiểu Long. Nói giống ở đây là giống cả cơ bắp ngoại hình và cả cái “thần” nữa. Như các thành viên trong Đoàn, vợ chồng mình và vợ chồng anh Hữu Hòe đã chụp nhiều ảnh kỷ niệm trên đại lộ này. Thực hiện lời hứa với cháu Nguyễn Quang Minh, mình đã chụp nhiều pô ảnh xung quanh tượng ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.
Anh Trọng Nghiệp có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khá hay:

 TRÊN ĐẠI LỘ NGÔI SAO

 Lấy dấu tay “Sao” gắn vào đại lộ
Thành nơi cuốn hút khách tham quan
Một mũi tên trúng bao nhiêu đích
Ba Tàu ơi! Sao chú khôn ngoan…

Từ Đại lộ Ngôi sao, Đoàn đến tham quan chùa Hoàng Đại Tiên - một trong những ngôi chùa cổ, rộng, đẹp và linh thiêng nhất Hồng Kông . Nơi đây thờ tập trung 3 tôn giáo chính từ cổ xưa của Trung Quốc: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo.
Tiếp đến, Đoàn vào tham quan cửa hàng vàng bạc đá quí, cửa hàng miễn thuế. Xem ra, mọi thứ đều đẹp, đều sang, chỉ mỗi nỗi trong ví quá ít tiền. Với khả năng ngân sách hạn hẹp, lâu nay, mình vẫn thực hiện phương châm: “Chỉ mua sắm những thứ cần, chứ không mua sắm những thứ chưa có”. Phương châm đó nghe ra là hợp lý, ít ra là đối với riêng mình. 
           Hiện nay ở nước ta có nhiều người chạy theo mốt, đua nhau mua sắm nhiều thứ đắt tiền - thậm chí là rất, rất, rất nhiều tiền. Nhưng xem ra tiện ích chẳng tương thích với số tiền mua, ngoài khâu oai tỏ ra chơi sang, sành điệu. Xét một cách tổng thể là lãng phí - cả gia đình và xã hội đều vậy. Được biết, ở các nước phát triển, có nhiều đại gia rất giàu, siêu giàu, nhưng họ chi tiêu hợp lý, vẫn dùng điện thoại, ô tô loại vừa phải - thậm chí là loại bình dân, miễn là đủ tiện ích. Trong khi đó ở xứ ta, nhiều người xem ra chưa giàu lắm, nhưng thường thay đổi điện thoại đi động, đồng hồ, kính mắt,… toàn loại đắt tiền; sắm xe máy, ô tô loại thật sang. Mà nhiều khi không khai thác hết công suất, tính năng của nó. Mình quan niệm: “Hà tiện thì không nên. Nhưng tiết kiệm và hợp lý là cần thiết”. Nói ra điều này, rất có thể, nhiều người cho mình cổ hủ, tự an ủi dưới dạng: “Cái gì không đuổi bắt được, thì nói là tha để làm phúc”. Không sao!  Ở đời, mỗi người tự xác định cho mình một nguyên tắc sống.
Theo chương trình, buổi chiều Đoàn sẽ tham quan công viên Disneyland, để được gặp các nhân vật quen thuộc trong phim hoạt hình của Wailt disney, Main street; Tomorrowland: có dịp bước vào một thế giới mới nơi ước mơ đã biến thành hiện thực,…Nhưng khi trao đổi, theo nhu cầu tâm linh của lớp người già, mọi thành viên trong Đoàn đều thống nhất đổi chương trình sang tham quan Tượng Phật Đại Nhĩ Sơn. (Đại Nhĩ Sơn có nghĩa là núi tai to).
Sau khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên xe ca trên chặng đường bằng phẳng mà quanh co, xuyên qua núi đồi, những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, Đoàn chuyển sang ô tô buýt vào tham quan Tượng Phật Đại Nhĩ Sơn để cầu phúc cho gia đình. Ngôi trên xe, từ rất xa đã nhìn thấy tượng Đức Phật sừng sững trên đỉnh núi cao. Tượng Đức Phật Thích Ca tọa lạc ở độ cao 934 m. Từ chân núi, phải leo qua 168 bậc lát đá xanh phiến to mới tới được tới đỉnh núi - nơi đặt tượng Phật. Nói chung, mọi người khó có thể leo liền một mạch. Dưới trời nắng oi nồng, mồ hôi nhễ nhại, mình phải dừng chân nghỉ hai lần mới đủ sức lên tới đỉnh. Tới chân Tượng Phật, gió mát rượi, phóng tầm mắt ra xung quanh một cảnh quan núi non bao la hùng vĩ, không khí trong lành, thật khoan khoái vô cùng. Đây là bức tượng Phật khổng lồ với chất liệu bằng đồng đặt ngoài trời nặng 250 tấn, xây dựng từ năm 1992, được đánh giá to nhất thế giới. Xung quanh tượng Phật còn có những bức tượng các vị thần tiên dâng hoa chúc tụng Đức Phật Thích Ca khi thành đạo. Theo bậc thang trong lòng tượng Phật lên tận đỉnh là một bàn thờ lớn lưu giữ Xá Lợi của Đức Phật đặt trong một hòm thuỷ tinh rất đẹp.
Dưới chân núi Tượng Phật Đại Nhĩ Sơn là chùa Bảo Liên Sơn  - nơi rất nhiều đoàn du khách hành hương và chiêm bái. Bảo Liên Sơn đang trong thời kỳ trùng tu với qui mô rất hoành tráng.
Ngoài cổng chùa Bảo Liên Sơn, người ta xây một khu vòng tròn cao, nền lát đá khá rộng, bán kính đến hàng mấy chục mét, tựa như sân khấu ngoài trời. Đứng ở tâm vòng tròn nhìn về phía Tây lên chính diện tượng Phật Tổ trên đỉnh núi là một con đường thẳng tắp khoảng hơn 1.000 m. Mình cho rằng, các nhà Phong Thủy đã xây dựng nơi đây thành nơi chấn trạch. Mình cùng anh Hữu Hòe và mấy anh nữa đã đứng nghiêm ngắn giữa vòng tròn hướng lên đỉnh núi, tịnh tâm, cúi đầu, chắp tay chiêm bái Phật Tổ.
Tối 18/9/2012, Đoàn lên du thuyền ăn món ăn tự chọn và tham quan Vịnh Victoria. Người ta nói rằng : “ Hồng Kông như một bà lão vào ban ngày. Và Hồng Kông lại là một cô gái 18 tuổi có sắc đẹp lung linh kì ảo vào ban đêm”. Lại có người nói : “Chưa du thuyền Vịnh Victoria vào ban đêm, coi như chưa đến Hồng Kông”. Quả đúng như vậy. Trước đây,  mình đã một số lần du thuyền vào ban đêm trên: Hồ Tây (Hà Nội), Sông Hương ( Huế ), Ninh Kiều (Cần Thơ), Tây Hồ (Trung Quốc), Sông Hàn (Xơ un - Hàn Quốc). Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng. Nhưng quả thật, du thuyền trên Vịnh Victoria ở Hồng Kông là đẹp nhất. Dưới trời đêm mờ ảo, gió thổi nhẹ làm đủ phất phơ những lọn tóc với nhiều kiểu dáng của các bà mệnh phụ, các cô thiếu nữ. Đêm thu, không khí mát dịu, mặt Vịnh phẳng lặng với những con sóng lăn tăn, dập dềnh đủ tạo nên sự tròng trành thi vị. Nhiều du thuyền tấp nập mà trật tự vào ra. Xa xa hai bên bờ là các dãy phố cao hàng mấy chục tầng, với nhiều kiểu dáng kiến trúc đa diện phong phú đẹp đẽ. Đường phố, các biển hiệu quảng cáo được trang trí bằng nhiều loại đèn lung linh sắc màu, nhấp nháy chập chờn kì ảo. Mình ngắm không biết chán.
Tức cảnh, anh Trọng Nghiệp có ngay bài thơ :

GIỮA VỊNH VICTORIA

Ăn tối giữa Vịnh Victoria
Bốn bề điện nháy quá sao sa
Nhà hàng nhẹ lướt trên mặt nước
Ở cõi Bồng Lai cũng thế a?

Hồng Kông bé nhỏ, chỉ trong hai ngày, Đoàn mình đã được du sơn ngoạn thủy, theo đúng nghĩa của tham quan du lịch.
Theo lời cô hướng dẫn viên, mọi người dân ở đây đều nói rằng, Hồng Kông từ những làng chài nghèo mà có được như ngày nay là nhờ ơn từ 3 phía: Trước hết, đó là bắt nguồn từ chủ trương sáng suốt của bà Từ Hi Thái hậu đã cho nước Anh thuê từ hơn 100 năm trước. Thứ đến, là do vai trò của Vương quốc Anh trong vòng 100 năm khai hóa văn minh ở xứ  thuộc địa. Và một yếu tố không thể thiếu, đó là công lao của các nhà Phong Thủy. Ở Hồng Kông rất chú trọng phong thủy trong tất cả mọi lĩnh vực. Hồng Kông có 8 trường đại học và một trường cao đẳng, trong đó có Trường Lý công. Trường Lý công có Khoa Phong Thủy. Học viên là những người có sẵn năng khiếu và phải học trong vòng 8 năm mới tốt nghiệp. Trong khi các trường đại học khác chỉ học khoảng 4 năm.
Ngày 19/9/2012, ăn sáng ở nhà ăn tự chọn của khách sạn Niwton Inn. Đến 9 giờ, Đoàn xuất phát lên đường đi Ma Cao.


          ** MA CAO

Đặc khu hành chính Ma Cao thuộc CHND Trung Hoa. Đây là một vùng lãnh thổ nhỏ bé với diện tích khoảng 29 km2 nằm ở vùng duyên hải phía Đông - Nam Trung Hoa đại lục, được bao bọc bởi tỉnh Quảng Đông và biển ở phía Nam. Vùng lãnh thổ Ma Cao có ba khu vực hành chính là bán đảo Áo Môn, đảo Taipa (Đáng Tử) và Co-lo-an (Lộ Hoàn). Đường biên giới hành chính trên đất liền của Ma Cao nằm trên bán đảo Á Môn ở phía bắc, giáp với thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông.
Ma Cao được người Hoa bản địa thành lập từ thế kỷ thứ 5. Đến năm 1557, bị Bồ Đào Nha xâm lược rồi trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha từ ngày 13/8/1862. Đến ngày 20/12/1999, trở về Trung Quốc thành Đặc khu hành chính giống như Hồng Kông.
Đặc khu hành chính Ma Cao là một trong số các nước, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Ước tính GDP năm 2006 của Ma Cao là 14,3 tỷ USD, với dân số khoảng 55 vạn người (có đến 95% là người Hoa). Với GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 17.550 USD, khiến cho Ma Cao trở thành nơi có mức sống cao nhất của Châu Á. Đời sống cao dẫn đến tuổi thọ bình quân của người dân ở Ma Cao rất cao: 83 tuổi, đứng thứ nhì thế giới. (Người Nhật Bản có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới: 84,5 tuổi). Trong GDP thì công nghiệp chiếm 25%, nông nghiệp chiếm 0 %, dịch vụ chiếm 75%. Công nghiệp dệt là ngành sản xuất và xuất khẩu chính của Ma Cao, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó là sản xuất hàng điện tử, đồ chơi trẻ em và hoa giả. Vì diện tích quá nhỏ, cũng giống Singapore, Ma Cao không có ngành nông nhiệp. Ngành dịch vụ phát triển nhất ở Ma Cao, trong đó chủ yếu là kinh doanh sòng bạc và tài chính.
Năm 2006, Ma Cao đón trên 16 triệu du khách nước ngoài (kể cả Trung Hoa đại lục) - đây là một con số khổng lồ so với diện tích và dân số của Ma Cao. Từ kinh doanh sòng bạc, kéo theo một loạt ngành dịch vụ khác phát triển như khách sạn, hàng không, mua sắm, sex…
Ma Cao có nền văn hóa từ sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Bởi sự pha trộn như vậy, văn hóa Ma Cao vừa rât kín lại vừa rất hở (sòng bạc và biểu diễn sex). Sự thông thoáng trong quản lý của chính quyền tạo cho ngành du lịch phát triển rất mạnh. Quần thể các sòng bạc đồ sộ và sang trọng mang dáng dấp phương Tây và cả Trung Hoa là lý do ghé thăm Ma Cao của rất nhiều du khách thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Lợi nhuận từ kinh doanh sòng bạc là nguồn thu chủ yếu của Ma Cao (chiếm hơn 50% GDP).
 Khách tới Ma Cao với 3 cửa khẩu quốc tế chính: Cửa khẩu đường biển POTRO EXTRION, đi bằng tàu cao tốc từ Hồng Kông và các vùng khác của Trung Hoa đại lục. Cửa khẩu đường bộ PARTIDA giáp với thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông. Cửa khẩu đường không từ các nước đến sân bay quốc tế Ma Cao.
Mặc dù Ma Cao thuộc Trung Quốc nhưng người dân từ Hồng Kông và Trung Hoa đại lục đến đây cũng buộc phải làm thủ tục xuất - nhập cảnh bằng hộ chiếu như mọi khách nước ngoài khác. Nghe nói, có thời kỳ người mang quốc tịch Việt Nam không được nhập cảnh vào Ma Cao. Chưa biết điều đó có đúng không và với lý do gì?!
Ma Cao là một quần đảo nằm ở cửa sông Châu Giang. Nối giữa các đảo có 3 cầu lớn: Cầu Hữu Nghị rộng 24 m, dài 4,4 km. Cầu chữ M dài 2,8 km và cầu Hình con rồng. Hiện nay đang thi công cầu qua biển nối Ma Cao với Hồng Kông, với chiều dài 62 km. Khi hoàn thành, đây là cầu lớn nhất thế giới. Tháp Truyền hình của Ma Cao cao 338 m, là một trong những tháp truyền hình cao nhất thế giới.
10h30 ngày 19/9/2012, Đoàn rời Hồng Kông xuống tầu cao tốc sang Ma Cao. Sau một tiếng đồng hồ trên biển, êm ả như đi trong mặt vịnh, tàu cập bến vào cảng Ma Cao. Xe ra đón với người hướng dẫn mới là một cô gái tự giới thiệu tên Hà, người Hoa. Là hướng dẫn viên du lịch, nhưng cô Hà nói tiếng Việt không thật trôi chảy, mắt mấp máy, mà dáng vẻ xem ra lại khá điệu đàng. Xe vào thành phố qua một cái cầu dài, trên con đường sạch đẹp, thoáng rộng giữa những tòa nhà chọc trời với nhiều kiểu dáng rất đẹp. Cảm nhận đầu tiên đập vào mắt mình là so với Hồng Kông, Ma Cao đẹp hơn, sạch hơn nhiều. Mình trao đổi với anh Hữu Hòe và mấy người đều có chung nhận xét.
Chiều 19/9/2012, Đoàn tham quan chùa Thiên Hậu. Ngôi chùa cổ kính kề bên bờ biển, tựa lưng vào vách núi, rất thâm nghiêm và linh thiêng. Nhiều đoàn người từ nhiều quốc gia tấp nập hành hương về đây. Giữa không khí trang nghiêm, khói hương nghi ngút, cùng các thành viên trong Đoàn, mình cùng bà Liễu thắp hương khấn vái cầu mong bà Thiên Hậu phù hộ độ trì cho toàn thể gia đình đặng Phúc - Lộc - Thọ.
Qua giới thiệu, mình được biết: Thiên Hậu Thánh Mẫu tên thật là Lâm Tức Mặc (960-987), quê ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Tương truyền, lúc bà sinh ra có hương thơm ngào ngạt, có những vòng ánh sáng lạ xuất hiện xung quanh. Khi lớn lên bà rất thông minh, hoạt bát, gan dạ, hiền lành và có khả năng tiên đoán mọi việc. Bà thích ngao du ở biển nên gọi là “Long Nữ”. Bà còn có biệt tài chữa bệnh, khử tà, bơi lặn. Do đó, bà được người dân vùng biển yêu thương, kính phục. Chuyện kể rằng, có một lần cha bà là Lâm Tích Khánh cùng gia đình chở muối đi bán ở Giang Tây, giữa đường bị bão lớn. Bà đã dùng răng cắn vào áo cha và hai tay nắm lấy hai anh trai. Giữa lúc đó, mẹ bà gọi, buộc phải trả lời. Bà vừa mở miệng trả lời mẹ, thì sóng cuốn mất cha, chỉ cứu được hai anh. Người Hoa tôn bà là một người phụ nữ đức hạnh, hiếu thảo, xả thân cứu người và khi chết được hiển linh. Bởi vậy, mỗi khi trên biển bị nạn, người ta thường khấn vái, cầu khẩn sự chở che của bà.
 Đời Nhà Thanh, vua Khang Hy phong bà là Thiên Hậu. Danh hiệu này lưu truyền mãi về sau. Ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày tưởng niệm bà Thiên Hậu.
Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới lập miếu (chùa) thờ Bà. Ở Việt Nam cũng có chùa Thiên Hậu tại số 710 đường Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh.
Rời chùa Thiên Hậu, Đoàn quay về phố để tham quan Nhà thờ Thánh Sant Paulo và sòng bạc Casino Latvaget.
Nhà thờ Sant Paulo được người Bồ Đào Nha xây dựng từ năm 1582 đến năm 1602, để tưởng nhớ Thánh Sant Paulo - một tông đồ của Chúa Giê Su. Đây là nhà thờ thiên chúa giáo lớn nhất Châu Á vào thời diểm đó. Nhà thờ bị thiêu hủy trong một cơn bão to vào năm 1835. Được biết, trong lịch sử đã hai lần trùng tu nhà thờ nhưng đều bị cháy trụi, rồi không trùng tu nữa. Ngày nay, tàn tích còn lại chỉ còn một mặt tiền bằng đá ở phía Nam, được khắc một cách rất công phu, là công trình được xây dựng từ những năm 1620- 1627 bởi những giáo dân người Nhật Bản bị lưu đày và những người thợ thủ công tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của Carlo Spinala người Ý.
Từ năm 1990 -1995, tàn tích nhà thờ Thánh Sant Paulo được khai quật dưới sự bảo trợ của Viện Văn hóa Ma Cao. Đến năm 2005, các tàn tích được bảo vệ như là một phần của Trung tâm lịch sử Ma Cao, một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.
Đoàn đến tham quan bức tường mặt tiền của nhà thờ trên một ngọn đồi nhỏ. Phía tiền sảnh là một khoảng trống tựa quảng trường, lối leo lên bằng 66 bậc đá, với chiều ngang rất rộng. Toàn Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm tại đây. Sau đó, Đoàn vào phía trong tham quan khu hầm mộ của những thầy tu dòng Tên và những người đã xây dựng và duy trì Nhà thờ. Đó là những bộ xương khô, ngả màu theo thời gian, được sắp đặt trong các tủ kính.
Ngày nay, những tàn tích của nhà thờ Thánh Sant Paulo là một trong những điểm nhấn hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến Ma Cao.
Ngẫm lại thấy cũng thật lý thú. Phải chăng, đây là kết quả tuyên truyền về chiều sâu của lịch sử- văn hóa. Một tàn tích chưa hẳn là nơi có truyền thống lịch sử đặc biệt tiêu biểu, trên một không gian không rộng lắm, vậy mà hàng ngày thu hút ngót chục vạn du khách từ nhiều phương trời đến tham quan. Khai thác lịch sử - văn hóa là mũi nhọn của ngành du lịch. Chắc chắn rằng, từ những điểm nhấn như vậy, ngành du lịch Ma Cao thu được rất nhiều tiền. Nhưng đâu phải chỉ thu được tiền, Ma Cao còn thu được nhiều thứ khác có giá trị hơn tiền.
Đoàn đã đến xem nhà hàng bán bánh kẹo và các loại thuốc. Thời buổi này, trong Đoàn chẳng có ai mua bánh kẹo, dù đều là những loại tốt. Tuổi già, sức yếu, bệnh mãn tính trỗi dậy, ai cũng dành tiền mua thuốc bổ, thuốc chữa bệnh cho gia đình và người thân. Đúng như người ta vẫn nói : “Khi còn trẻ, thì bỏ sức ra kiếm tiền. Đến khi về già, lại bỏ tiền ra mua sức”. Dù chẳng rẻ gì, nhưng nghĩ là cần thiết, bà Liễu nhà mình, với cách nhìn của bác sĩ, cố mua  hai hộp dầu cá loại tốt để bổ dưỡng mắt. Ngó qua, mình thấy các cặp gia đình khác cũng vậy. Rời cửa hàng, anh Công Hòe nói với mình rằng, vợ chồng anh ấy mới đi tham quan ở Mỹ về, đã mua được nhiều thứ thuốc tốt, hết hàng mấy chục triệu đồng, nên không mua ở đây.
Trời ngả về chiều, những tia nắng vàng rọi chiếu lấp lánh lên những đường phố thoáng rộng sạch sẽ, những tòa nhà tráng lệ, trông thật đẹp đẽ, nguy nga. Khoảng 3h30 phút, Đoàn đến thăm Casino Latvaget.
Sòng bạc là nguồn thu nhập chính của Ma Cao (chiếm hơn 50% GDP). Ai nắm tiền, người đó nắm quyền. Điều đó đúng ở mọi lúc, mọi nơi. Ở Ma Cao có tới 33 sòng bạc, thì có 20 sòng bạc là của gia đình ông Hà Hồng Sinh. Bởi vậy, người ta gọi ông là “ Vua sòng bạc”. Nghe nói, vua sòng bạc có quyền uy hơn cả Toàn quyền Ma Cao. Được biết, “vua sòng bạc” tuổi con gà. Trên nóc nhà ông có tượng con gà trống bằng đồng. Và nếu vậy, ông sinh năm Tân Dậu (1921). Mặc dù đã hơn 90 xuân, nhưng “vua” mới cưới thêm bà vợ thứ tư còn trẻ đẹp lắm. Ngót trăm tuổi mà “vua” vẫn còn khỏe chán. Chắc là thuốc thang tẩm bổ nhiều. Nhà ông, các bà vợ mỗi người có một lối đi, một cửa riêng. Bốn bà chung một chồng nhưng ít gặp nhau nên đoàn kết. Là người siêu giàu, để bảo đảm an toàn, ông chọn các vệ sĩ đều là người Thái Lan. Ông cho rằng, vệ sĩ người Thái là trung thành bậc nhất.
Từ bé đến giờ, mình chưa bao giờ bước chân vào sòng bạc, nay được dịp ngó tí xem sao. Sòng bạc Latvaget là một tòa nhà đồ sộ, đẹp đẽ, rộng mênh mông, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Các vệ sĩ đứng gác ở cổng vào có thể hình cao to lừng lững, trang phục oai vệ. Qua thang máy, đi vào phía trong hun hút các phòng đánh bạc với mọi kiểu khác nhau. Ở đây việc trang trí cực kỳ lộng lẫy, sắc màu lung linh, nhất là các chuỗi đèn nhiều màu sắc long lanh kỳ ảo. Vợ chồng mình và chắc là mọi người cũng vậy, bước chân vào Casino trong sự lạc lõng, ngờ nghệch ngó nghiêng mà chẳng hiểu mô tê gì. Người đánh bạc và người phục vụ đánh bạc ở đây thì mê mải trò đỏ đen. Chẳng ai đoái hoài đến mấy ông bà du lịch vãng lai ghé xem. Chắc họ chẳng lạ gì những đoàn người tham quan kiểu này. Từ bé, mình vẫn thường được bề trên răn dạy: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Lớn lên mình thấy điều đó là hoàn toàn đúng. Nhiều người vì đánh bạc mà vong gia bại sản, chẳng khác gì ma túy. Nhưng khi đến đây lại thấy khác. Khách đánh bạc phần đông là các đại gia rất nhiều tiền, cưỡi máy bay từ nhiều quốc gia đến đây. Trong Casino có khách sạn 5 sao, phục vụ việc ăn, ở, sinh hoạt cho người đánh bạc. Được biết, nhân viên phục vụ ở các sòng bạc đông lắm. Sòng bạc Latvaget có tới ngót 2.000 người phục vụ. Trong đó, người chia bài phải có chuyên môn sâu, được đào tạo khá công phu với thời gian học nghề 6 năm.
Dạo qua một lượt, xét thấy chỉ để biết sơ qua, chẳng ăn nhập gì, vợ chồng mình rủ nhau ra phía ngoài đi dạo cho thoáng đãng và chụp ảnh lưu niệm.
16h30 ngày 19/9/2012, Đoàn đến nghỉ tại khách sạn President. Đây là  khách sạn đẹp, loại 4 sao, nằm giữa trung tâm thành phố. Sảnh khách sạn rộng và đẹp. Từ đó có thể nhìn ra ngoài đường phố nhộn nhịp mà trật tự. Ăn tối lúc 18h để chuẩn bị tham quan Ma Cao về đêm.
 Đêm Ma Cao đẹp lắm. Sự lộng lẫy nguy nga của rất nhiều tòa nhà được tôn lên bởi ánh sáng đèn màu các loại. Theo chương trình, trong một buổi tối, Đoàn sẽ lần lượt đến các điểm tham quan: Sòng bạc Galaxy để xem viên kim cương nặng hàng tấn. Xem phim 5D. Xem cây phát lộc. Cuối cùng là xem biểu diễn sex, show dưới dạng múa cột - múa giường.
Galaxy là một sòng bạc đồ sộ, cổng vào hoành tráng, tiền sảnh rộng lớn, lộng lẫy, cảnh quan và mầu sắc vô cùng đẹp đẽ, kỳ ảo. Khách tham quan thật sự ngỡ ngàng trước mọi thứ. Vào đây, mình có cảm tưởng như lạc bước lên chốn  bồng lai tiên cảnh. Trong đời, đến cả trong mơ, mình cũng chưa bao giờ hình dung ra cảnh đẹp thế này. Từng đoàn người vây quanh một khu vực như một sân khấu rộng lớn, chăm chú đón xem thời khắc xuất hiện viên kim cương khổng lồ. Viên kim cương khổng lồ này có hình dáng như một chiếc đĩa bay có hình đa giác, trong như pha - lê lấp lánh lung linh trước ánh đèn khi rực sáng sắc màu rực rỡ, khi mờ khi ảo. 
            Mình không hiểu người ta làm viên kim cương bằng chất liệu gì. Nhưng tin chắc rằng, không thể là kim cương thứ thiệt. Ai cũng biết là dởm giả mà vẫn đam mê dõi nhìn. Đó là một thành phẩm nghệ thuật tinh vi kết hợp với kỹ thuật chế tác công phu. Nhờ thế mới móc được ví tiền của thiên hạ.
Trên đời này làm gì có viên kim cương nặng hàng mấy tấn. Được biết, lớn nhất hành tinh là viên kim cương 7.000 carat mới được phát hiện ngày 28/8/2012 ở Nam Phi, kích cỡ bằng quả dừa, trị giá khoảng 15 triệu USD. Thứ đến là viên kim cương Culliman nặng 18 kg. Hai viên kim cương đó được đưa vào Ngân hàng an ninh Nam Phi để bảo quản. Nga cũng là quốc gia  có nhiều viên kim cương cỡ lớn.
Phim 5D (thực ra là 7D) chiếu trong mái vòm, rất hoành tráng, hình ảnh sống động như thật. Phim kể về truyền thuyết Long Cung. Trên bầu trời mênh mông, xuất hiện những con sư tử lừng lững mà thoăn thoắt, những con rồng cực lớn nhào lộn vun vút. Rồi hàng đống đồng tiền vàng rơi lả tả, loảng xoảng. Không gian bao la, lộng lẫy, điệp trùng, mờ ảo. Âm thanh phức hợp. Khi êm ái du dương trầm bổng. Khi dữ dội ầm ào như trời long đất lở. Mầu sắc rực rỡ tương phản. Khi sáng chói màu hồng ngọc. Khi mát xanh màu ngọc bích. Khi chuyển sang màu ngà. Và có khi lại tối đen như mực. Tất cả hình tượng, âm thanh, màu sắc quyện vào nhau tạo cho người xem liên tục thay đổi cảm xúc. Khi thì hồi hộp thót tim của cảm giác mạnh. Khi thì thư thái êm ái du dương trữ tình. Mình tiếc là chưa được đọc kịch bản và lời bình. Nếu đọc được trước, chắc rằng, sự chiêm ngưỡng thưởng thức còn lý thú hơn nhiều.
Có một việc rất nhạy cảm và tế nhị là: Lúc còn ở Hồng Kông, cô hướng dẫn viên tên Phương đã “quảng bá” mấy lần, rồi khi đặt chân đến Ma Cao, cô Hà hướng dẫn viên lại tiếp tục “gạ gẫm”, “mồi chài” các thành viên trong Đoàn là:  nên đi xem sex show. Mọi người nghe mà chỉ tủm tỉm cười. Chẳng ai tỏ thái độ gì. Bởi suy ra, nếu đồng ý ngay, thì sẽ mang tiếng là đã già rồi vẫn còn muốn tò mò chuyện sex show. Ngược lại, nếu không đồng ý, thì tự nhiên trở thành người lạc hậu, cổ hủ, không hợp thời. Cuối cùng, Đoàn trưởng quyết định là đi xem sex, dẫu rằng có tốn kém. Nghe xong, chẳng thấy ai phản đối. Trong cuộc sống, trước những vấn đề tế nhị, nhiều khi im lặng tức là đồng ý. Vả lại, con người ta, bất kể là ai, đều có đặc tính chung là muốn tìm hiểu khám phá điều mới lạ.
Xưa nay, mọi người khi xem biểu diễn sex là cùng người ngoài, với bạn bè càng tốt.  Không ai muốn cùng xem sex với người nhà (vợ, chồng, con, anh chị em ruột). Điều đó là đương nhiên và dễ hiểu. Vậy mà, các ông nhà mình lại cả gan sánh vai cùng các bà xã vào rạp xem sex.
Buổi trình diễn sex múa cột, múa giường diễn ra bình thường, không đậm mà cũng chả nhạt. Có người nói rằng, diễn sex, show ở Thái Lan chuyên nghiệp hơn và dữ dằn táo tợn hơn nhiều.
Khi xem, chắc chắn mỗi người có một suy nghĩ. Mình thì cho rằng, cái gì xã hội có nhu cầu (cầu), thì tự khắc có sự đáp ứng (cung). Điều đó là lẽ tự nhiên. Lâu nay, từ quan niệm coi tình dục là một sự dung tục, húy kỵ, nên nhiều người né tránh hoặc giả vờ né tránh. Đó là tàn dư của quan niệm phong kiến cổ điển tiềm ẩn trong lối nghĩ của nhiều thế hệ. Nghe nói, ở các nước phát triển hướng dẫn tình dục đã đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Xưa nay, nhiều tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại là mô tả thể hình đẹp của người phụ nữ. Nhiều năm qua, các cuộc thi hoa hậu dưới mọi hình thức và nhiều tên gọi khác nhau, đâu có tác động xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hơn nữa, cần quan niệm rằng, cùng với tình cảm vợ chồng nồng thắm, nghệ thuật tình dục là một phương pháp nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đó là một phần thiết yếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, chạy theo lợi nhuận của sex, từ đó tạo nên một lối sống trụy lạc làm tha hóa đạo đức con người, là điều nguy hại khôn lường.
Nếu coi thế giới là một cái làng quê bé nhỏ, thì trong cái làng đó có các phân khu chức năng: nơi sản xuất lương thực, nơi làm hàng thủ công (xưởng), nơi học hành, nơi buôn bán trao đổi hàng hóa và không thể thiếu nơi vui chơi giải trí, .v..v..Từ giả thiết đó, hãy coi Trung Quốc, Nhật Bản là đại công xưởng; Thái Lan, Việt Nam là những nơi cung cấp lương thực; Thụy Sĩ, Hồng Kông là ngân hàng, kho bạc; và Ma Cao chính là chốn cờ bạc, nơi vui chơi giải trí - trong đó có xem biểu diễn sex show- của thế giới. Mỗi quốc gia phải biết khai thác sở trường của mình trong cuộc giao lưu hòa nhập quốc tế.



*** THÂM QUYẾN

10h15 phút ngày 20/9/2012, Đoàn rời Ma Cao đi Thâm Quyến bằng tàu thủy cánh ngầm. Đoàn mình cùng hàng trăm hành khách ngồi trên những hàng ghế khá sang trong khoang tàu rộng lớn, tựa như trong hội trường. Sau hơn một tiếng đồng hồ bù khú chuyện trò trên biển, tàu cập bến vào cảng Xà Khẩu thuộc Thâm Quyến. Mọi người lên bờ, gặp cô hướng dẫn viên tên Lê Quí Ngọc, là nhân viên du lịch của Thâm Quyến đã đón sẵn sau cửa nhập cảnh. Cô Ngọc có thân hình cao, lẳn, mũi thẳng thon gọn, nói tiếng Việt không mấy trơn tru, tựa như người dân tộc thiểu số.
Trời nắng hanh nhạt, gió heo may nhẹ, cảnh quan thoáng đãng, không khí trong lành. Cả Đoàn lên xe ô tô lúc 11h55 phút.
Thâm Quyến (nhiều người gọi sai là Thẩm Quyến) là thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thâm Quyến nghĩa là con lạch sâu. Hiện nay còn có sông Thâm Quyến (Thâm Quyến hà) là ranh giới giữa Thâm Quyến và Hồng Kông. Chính trên ranh giới này, những năm trước đây, đã có rất nhiều người dân bị bắn gục chết khi cố vượt biên từ Thâm Quyến di tản sang Hồng Kông mong tìm cuộc đời mới. Hồi đó, Thâm Quyến chưa thực hiện cải cách mở cửa và Hồng Kông còn là thuộc địa của Vương quốc Anh.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có diện tích 2.050 km2, với số dân là 13 triệu người. Thành phố Thâm Quyến có biên giới với Hồng Kông, cách Quảng Châu 160 km về phía Nam. Cảng Thâm Quyến là cảng tấp nập thứ hai của Trung Quốc, sau cảng Thượng Hải.
Trước đây, Thâm Quyến chỉ là một làng chài, năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã cho thành lập Đặc khu kinh tế. Đây là Đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế nằm giáp Hồng Kông (lúc đó còn là thuộc địa của Vương quốc Anh). Đặc khu kinh tế là thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường TBCN tại nước Trung Quốc XHCN. Địa điểm này được chọn vì dân Thâm Quyến cùng chung ngôn ngữ, văn hóa với dân Hông Kông, nhưng giá nhân công, đất đai lại rẻ hơn nhiều. Ý tưởng của Đặng Tiểu Bình đã thành công rực rỡ, tạo tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách, mở cửa. Thẩm Quyến đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang.
Tháng 11/1979, Thâm Quyến còn là một huyện thuộc tỉnh Quảng Đông. Đến tháng 5/1980, Thâm Quyến là một trong những đặc khu kinh tế trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Thành phố Thâm Quyến có 8 quận: La Hồ, Phúc Điền, Nam Sơn, Diêm Điền, Bảo An, Long Chương và Quảng Minh tân khu, Bình Sơn tân khu. Trong đó hai quận được coi là đẹp nhất là Nam Sơn và La Hồ. Các đặc khu kinh tế gồm: La Hồ, Phúc Điền, Nam Sơn và Diêm Điền. La Hồ là trung tâm thương mại. Diêm Điền là trung tâm hành chính. Nam Điền là trung tâm công nghệ cao.
Tốc độ phát triển của Thâm Quyến được thể hiện bằng khẩu hiệu nổi tiếng: “Mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ”. Sau 32 năm cải cách mở cửa, Thâm Quyến trở thành một đặc khu kinh tế phát triển rất mạnh. Thành phố Thâm Quyến đã có sự hiện diện của hơn 400/500 công ty lớn nhất thế giới. Sở Giao dịch chứng khoán có 540 công ty niêm yết, 35 triệu nhà đầu tư niêm yết và 17.700 nhân viên chứng khoán, tổng vốn 122 tỷ USD, mỗi ngày có 600.000 giao dịch, trị giá 807 triệu USD.
Cảng Thâm Quyến là cảng nước sâu, cách cảng Hồng Kông 20 hải lý, được xếp là cảng thứ 4 của thế giới về khối lượng container. Sân bay Thâm Quyến cách trung tâm 35 km, có các chuyến bay quốc tế. Đường sắt và đường bộ hiện đại nối liền Thâm Quyến với Hồng Kông và các thành phố khác của Trung Quốc. Đường Thâm Cao là trục chính chạy dọc Thâm Quyến, dài 53 km, rộng 180 m, hai bên đường có 18 làn xe. Từ năm 2004, Thâm Quyến đã vận hành 2 tuyến tầu điện ngầm. Đến nay có 6 tuyến tầu điện ngầm.
Đất không rộng, người lại đông, nhưng Thâm Quyến vẫn dành 50 % diện tích đất để trồng hoa và thảm cây xanh. Mật độ dân số cao nhưng số người đi lại trên mặt đất không nhiều, vì phần đông đi lại, giao dịch ở tầng hầm. Trong tầng hầm có điều hòa mát hơn, lại có đủ các dịch vụ: cửa hàng, siêu thị,…Trên mặt đất chỉ có ô tô và người đi bộ. Được biết, nơi đây đã cấm lưu hành xe máy 8 năm. Nếu người dân đi xe máy sẽ bị phạt và thu giữ xe trong thời gian 15 ngày. Trên đường nếu thấy xe máy, thì đó là xe của cảnh sát giao thông đang đi làm nhiệm vụ.
15 giờ ngày 20/9/2012, Đoàn đi tham quan Trung Hoa cẩm tú, Làng Văn hóa các dân tộc Trung Hoa. Trời nắng nồng như sắp có cơn giông, công viên rộng lớn, người khá mỏi mệt, các thành viên đề nghị Đoàn trưởng lựa chọn phương thức du ngoạn bằng thuê ô tô chạy điện. Xưa nay có câu “Cưỡi ngựa xem hoa”. Thực ra nguyên văn tiếng Hán là “Tẩu mã quan hoa”. Tẩu mã là phi ngựa. Còn cưỡi ngựa có lúc đi nước kiệu. Cưỡi ngựa xem hoa đã là loáng thoáng. Đi ô tô xem hoa càng  nhạt nhòa hơn. Có tham quan đấy nhưng không thưởng thức hết vẻ đẹp của Trung Hoa cẩm tú.
16 giờ chiều xem Mã chiến. Xin mượn bài thơ của anh Nguyễn Trọng Nghiệp để nói lên cảnh tượng này.

         XEM MÃ CHIẾN

Ngựa hý, gươm khua, tên lao vút
Thương đâm, đao chém, bụi mù vương
Sa cơ, chủ tướng thây ngựa kéo
Thành hạ, quân reo rộn hý trường

Thế nhân muôn vạn đường kiếm sống
Vì miếng ăn, sức đổ, lệ rơi
Kẻ phô thân, người phô chiêu mộc…
Giời sao bày lắm cảnh trò đời?!

Chiều tối về nghỉ ở khách sạn Lee Garden Inn. Đây là khách sạn 3 sao, cao 12 tầng, nằm ở ngã 3, sát bên đại lộ trung tâm thành phố. Tại đây, việc mua sắm ở các siêu thị là rất thuận lợi, chỉ cần qua một cái cầu vượt dành cho người đi bộ. Nhưng phòng nghỉ lại rất nhỏ, nhất là buồng vệ sinh chật hẹp. Thật sự bức bối trong sinh hoạt hàng ngày.
 Đêm đến, bà Liễu bị phồng rộp đầu ngón chân cái do lâu ngày không đi giày, đau nhức khó chịu. Bà Liễu không đi dạo phố đêm, mình cùng vợ chồng anh Hữu Hòe, anh Công Hòe qua cầu vượt sang siêu thị bên kia đường. Các anh chị mua sắm quà cho con cháu. Mình chỉ đi xem để biết, chẳng có nhu cầu mua. Chợ đêm ở đây chẳng khác mấy so với các thành phố ở Việt Nam. Tính ra, giá cả cũng chẳng rẻ hơn. Mà lại còn phải mang về cồng kềnh, chật va li.
Sáng 21/9/2012, Đoàn đi xem Bảo tàng. Thực ra, tại đây việc giới thiệu bảo tàng thì ít, chủ yếu là giới thiệu và bán hàng hóa thuộc loại đắt tiền. Trong các loại hàng, có tượng con Tì Hiu bằng chất liệu quí, với nhiều kích cỡ khác nhau. Tì Hiu càng to càng đắt tiền. Nghe nói, theo tâm linh, trong gia đình đặt tượng Tì Hiu thì trừ được ma tà, gặp nhiều may mắn.
Xưa nay, theo quan niệm truyền thống trong đời sống tín ngưỡng thờ phụng của người phương Đông có 4 con vật được coi là tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng. Trong đó, Long (Rồng) là con vật tưởng tượng, không có thật. Nhìn kỹ, mình thấy Tì Hiu vừa giống Sư Tử, vừa giống Hà Mã. Như vậy, Tì Hiu cũng là một con vật không có thật. Thật lạ kỳ, ở đời, nhiều thứ không có thật lại được rất nhiều người cho là thiêng hơn thứ có thật.
Việc Tì Hiu có linh thiêng không, linh thiêng đến cỡ nào, thì mình chưa biết. Với mình, trong cuộc sống, thường cố giải thích dưới góc độ khoa học về những điều từ xưa truyền lại. Dĩ nhiên, sự hiểu biết khoa học thì hạn hẹp so với biết bao điều diễn ra muôn hình vạn trạng. Bởi vậy, cái gì khoa học khó giải thích, chưa chứng minh được, thì buộc phải tin theo tâm linh. Tâm linh là điều đã được đúc kết từ bao đời nay. Mình không bao giờ vội vàng phản bác tùy tiện những gì thuộc đời sống tâm linh.
Thời gian còn lại của buổi sáng, Đoàn đến thăm Công viên Hoa Sen, nơi lưu niệm lần đầu tiên Đặng Tiểu Bình đến thăm Thâm Quyến. Mình và mấy anh chị đã đến tảng đá to có tên gọi là Phong Thanh (ngọn gió trong lành), nơi được cho là Đặng Tiểu Bình đã dừng chân ngồi nghỉ và phát sinh ý tưởng chọn Thâm Quyến làm thí điểm mô hình Đặc khu kinh tế. Mình cho rằng, thực ra, ý tưởng đó được ấp ủ, thai nghén từ lâu trong tư duy của vị lãnh tụ vĩ đại họ Đặng. Thời khắc vụt đến và thể hiện là sự ngẫu nhiên của cái tất nhiên. Phía sau tảng đá Phong Thanh, có khắc nhiều dòng chữ Hán tựa như một tấm văn bia lớn. Mình rất tiếc là không đọc được chữ Hán, nên chẳng biết họ viết những gì.
Chiều 21/9/2012, Đoàn tham quan khu du lịch Cửa sổ thế giới (Window Of The World) - còn gọi là Thế giới thu nhỏ. Khu du lịch Cửa sổ Thế giới rộng 480.000 m2.  Nơi đây là quần thể công trình mô phỏng 118 kỳ quan nổi tiếng thế giới. Bao gồm:  kỳ quan văn hóa, kỳ quan lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật của các quốc gia, các nền văn hóa trên thế giới. Từ nơi đây, nhiều người nói rằng: “Có thể vòng quanh thế giới chỉ trong một ngày”.
Gần trọn một buổi chiều dạo bộ vòng qua một lượt, Đoàn đã tham quan gần hết quần thể : Các bức tượng Thánh của thành Rôma, Cối xay gió của Xứ sở hoa Tuy líp Hà Lan, Kim tự tháp Ai Cập, Núi Phú Sĩ và Hoa anh đào của Nhật Bản, Ngôi đền tình yêu Tamajala của Ấn Độ, Đền Angcovat của Cămpuchia, Tượng nhà soạn nhạc vĩ đại Betthoven của Áo, Vạn lý trường thành của Trung Quốc, Thác nước Niagana của Canada, Tòa Bạch ốc và Trụ sở Quốc hội của Mỹ, Tháp Eiffel và Khải hoàn môn của Pháp,…
 Với các mô hình đã xem, có thể nói, hoành tráng, kì vĩ vào bậc nhất là các công trình: Bốn bức tượng cực lớn của bốn Tổng thống kiệt xuất của nước Mỹ đặt trên đỉnh núi ở Bang Dakota miền Nam nước Mỹ. Tháp Eiffel ở Thủ đô Paris nước Pháp. Thác nước Niagana hùng vĩ của Canada.
Giữa những mô hình có qui mô to lớn, tìm mãi mới thấy Chùa Một Cột của Việt Nam - một mô hình thật khiêm nhường, nhưng độc đáo về mặt nghệ thuật kiến trúc. Được thế là mừng. Còn nhớ, cuối năm 2007, vợ chồng mình đến tham quan các mô hình biểu trưng của các nước trên thế giới ở Xơ Un (Hàn Quốc), thì tìm mãi chẳng có mô hình nào đại diện cho Việt Nam.
Điểm tập kết cuối cùng của Đoàn là dưới chân Tháp Eiffel. Mình được biết, mô hình Tháp Eiffel cao 108 m (bằng 1/3 Tháp Eiffel ở Paris), nặng 6.000 tấn thép. Khi điểm quân để chuẩn bị ra về, phát hiện thiếu anh Lâm Văn Thàn. Hỏi chị Tuyết, vợ anh, thì nói là không đi với nhau. Mấy người trách đùa chị Tuyết rằng, bà không quản lý ông ấy, ngộ nhỡ có cô gái nào trẻ đẹp cuỗm mất thì sao. Chị Tuyết cười nói: “ Ồ! Không sao cả! Thời buổi này, ai rước ông ấy cho, thì càng may chứ sao. Già rồi còn làm ăn gì được nữa!”. Đang nói, chị Tuyết phải vội vàng pha gói Café tan vào chai nước lọc để uống. Mấy ngày qua, trên đường đi vẫn vậy. Hình như chị Tuyết bị bệnh huyết áp thấp, thiếu Café là mệt mỏi. Uống Café nhiều có thể thành nghiện. Chẳng sao. Trong cuộc sống, mỗi người nên nghiện lấy một thứ. Nghiện cái gì mà có lợi cho sức khỏe và trí tuệ là tốt.
Chờ hồi lâu, mấy người tỏ ra lo lắng, hoặc là anh Thàn bị ốm đau, hoặc là anh ấy bị lạc vào đâu đấy, vì công viên rộng mênh mông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, anh Thàn có “máu” nghệ sĩ, mải miết lang thang chụp ảnh các mô hình, rồi quên giờ và điểm hẹn tập trung. Vả lại, anh Thàn biết tiếng Tàu, sẽ biết hỏi thăm đường. Chờ hơn 30 phút, thấy anh Thàn xuất hiện, vai đeo túi xách, tay cầm máy ảnh, miệng nở nụ cười tươi, nói rằng: Tôi cứ tưởng Đoàn tập trung ở phía bên kia cơ. Mọi người chỉ biết tếu táo cười rồi cùng lên xe về khách sạn.
Sáng 21/9/2012, Đoàn lên ô tô đi tham quan Quảng Châu.


**** QUẢNG CHÂU

Xe xuất phát lúc 8h30 phút, Đoàn tạm biệt thành phố Thâm Quyến đang độ phát triển đô hội, tươi đẹp, tràn đầy sinh khí của tuổi 30. Trên còn  đường cao tốc dài 180 cây số, từng đoàn xe hổi hả nối đuôi nhau. Có thể tốc độ xe hơn 100 km/h.
Ưu tiên Đoàn trưởng, Đoàn phó và các chị phụ nữ ngồi phía trước. Anh Hữu Hòe, anh Công Hòe, anh Phạm Hữu Chính và mình ngồi ở hai dãy ghế phía sau. Bọn mình tha hồ đàm đạo việc nhỏ, to. Đường một nhiều, có đến 8 làn, trải thảm nhựa phẳng lì, xe chạy thật êm. Giữa buổi sáng nắng vàng rực rỡ, mình nhìn sang hai bên đường hun hút những đại lộ dọc ngang, cao thấp, những tòa nhà to đẹp, tiếp đến là những cánh rừng rậm rạp cây cối xanh tươi.
Khi xe chạy được khoảng 30 phút, để tạo không khí vui vẻ, rút ngắn độ đường, mọi người đề nghị hát, ngâm thơ, hoặc kể chuyện tiếu lâm. Nghe ra, thật hợp cảnh, hợp người. Ngoài cháu Quyền, trong Đoàn có hai người trẻ nhất là chị Đào (vợ anh Chính) và chị Hương (vợ anh Hồng). Đây vốn là hai diễn viên văn nghệ sắc sảo của Khu Đô thị Mỹ Đình 1. Sau lời giới thiệu có duyên của cháu Quyền, hai chị đứng dậy song ca mấy bài liền. Chủ yếu là dân ca quan họ. Dẫu đã là bà nội, bà ngoại, nhưng giọng ca của hai chị vẫn còn mượt mà, ngọt ngào, trầm bổng. Thêm vào đó, với nụ cười tươi, ánh mắt sắc đẹp đen láy của hai chị, càng làm tôn nét trữ tình, đằm thắm của lời ca. Mọi người chăm chú nghe nhìn vui vẻ.  
Tiếp đến, anh Nguyễn Trọng Nghiệp xung phong lên cầm micrô. Những tưởng, sẽ nghe  anh đọc thơ hoặc hát, nhưng anh đăng kí kể chuyện tiếu lâm. Mở đầu, anh Nghiệp nói: Thưa các anh chị, mấy hôm nay, anh Nguyễn Mạnh Đẩu thường hỏi tôi, tại sao chẳng thấy ông nói năng gì. Tôi trả lời rằng, trong Đoàn đã có nhiều người nói rồi. Vì vậy, tôi chỉ đóng vai trò nghe thôi. Bù lại, hôm nay, tôi xin kể mấy mẩu chuyện tiếu lâm để góp vui cùng mọi người. Anh Nghiệp kể câu chuyện “Nhật ký ô sin”. Trong nhật ký ô sin có đoạn viết rằng:  “…Hôm nay, mình đến Đồn Cảnh sát khu vực để kê khai vào Sổ Tạm trú, tạm vắng. Ở mục Quan hệ với chủ nhà? Mình đã viết : Mỗi tuần quan hệ với ông chủ 3 lần. Về nhà nghĩ lại, mình cứ áy náy, không hiểu kê khai như thế có nhiều quá không nhỉ?!...”.  Nghe anh Nghiệp kể xong, mọi người được trận cười no nê.
Đoàn đến Thành phố Quảng Châu lúc 11 giờ trưa 22/9/2012.
Quảng Châu - thành phố có lịch sử hơn 2.000 năm, là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nằm trong đồng bằng châu thổ Châu Giang, cách Hồng Kông 120 km về phía Tây Bắc. Dân số Quảng Châu  khoảng 10 triệu người.
Theo lịch sử, Quảng Châu vốn là Phiên Ngung kinh đô nước Nam Việt, bị Nhà Hán thôn tính từ năm 111 trước Công nguyên. Thành phố chính thức mang tên Quảng Châu từ năm 1918. Từ năm 1938 đến 1945, Nhật Bản chiếm đóng Quảng Châu.
Quảng Châu rộng 7.340 km2, là thành phố lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Đây là trung tâm kinh tế của đồng bằng châu thổ Châu Giang. GDP của Quảng Châu khoảng 80 tỷ USD. Bình quân GDP đầu người là 11.000 USD, đứng đầu trong 659 thành phố của Trung Quốc.
Quảng Châu thu hút du khách bởi nhiều điểm tham quan hấp dẫn như: Châu Giang, Bạch Vân Sơn, Công viên Việt Tú, Công viên Hoàng Hoa Cương. Người ta vẫn nói về vẻ đẹp ở đây là “Vân sơn, Châu thủy” (có nghĩa là núi Bạch Vân và sông Châu Giang là hai nơi đẹp nhất của Quảng Châu).
Như đã nói ở phần trên, đây là lần thứ hai mình đến Quảng Châu. Lần thứ nhất vào giữa tháng 6 năm 1997, khi tham gia Đoàn Đại biểu TCCT QĐNDVN thăm Trung Quốc. Lần đó, mình đã được đến tham quan ngôi nhà 248 & 250 phố Văn Minh - nơi Bác Hồ tổ chức lớp học đầu tiên cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đoàn nghỉ ở khách sạn 5 sao Bạch Thiên Nga tuyệt đẹp. Bộ Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu đã chiêu đãi Đoàn rất trọng thị, chu đáo…
Tròn 15 năm trở lại đây, mình không còn nhận ra những nơi mình đã từng đến, trừ Công viên Hoàng Hoa Cương.
Chiều 22/9/2012, Đoàn tham quan khu tưởng niệm Tôn Trung Sơn. Đây là một quần thể hoành tráng, đẹp đẽ. Ở giữa là hội trường rất lớn. Mình cho rằng, hội trường này có qui mô tương đương Nhà Hát lớn Hà Nội. Nhưng không gian bên ngoài thì rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều. Ngay trên cổng ra vào khu tưởng niệm, có bốn chữ màu vàng rất to viết bằng chữ Hán: Thiên - Hạ - Vi - Công. Có nghĩa là, tất cả vì sự nghiệp chung. Đó là 4 chữ đề của bà Tống Khánh Linh, lãnh tụ Trung Quốc, vợ thứ hai của Tôn Trung Sơn. Tượng Tôn Trung Sơn đặt trên bệ cao rất uy nghiêm. Đó là bức tượng toàn thân, ông mặc áo bành tô bên ngoài. Bên trong mặc áo có hàng cúc cài kín cổ (ở nước ta những năm trước vẫn gọi kiểu áo đó là áo Tôn Trung Sơn), tay trái đút túi áo khoác ngoài, tay phải cầm gậy ba- toong.
Vợ chồng mình, vợ chồng anh Hữu Hòe và mọi người trong Đoàn đã chụp nhiều kiểu ảnh ở xung quanh khu tưởng niệm Tôn Trung Sơn.
Tại khu tưởng niệm không có Lăng mộ Tôn Trung Sơn. Được biết, thể theo Di chúc của ông, Lăng mộ của Tôn Trung Sơn được đặt ở chân dãy Tử Kim Sơn thuộc Nam Kinh, gần Lăng mộ của Chu Nguyên Chương (Minh Thái tổ).
Tôn Trung Sơn còn gọi là Tôn Văn hoặc Tôn Dật Tiên (1866-1925) là nhà cách mạng dân chủ Trung quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) và khai sinh nước Trung Hoa dân quốc. Ngày 1/1/1912, Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống  lâm thời Trung Hoa dân quốc.
Tôn Trung Sơn là người đề ra Chủ nghĩa Tam dân: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Ông được người Trung Hoa tôn là “Quốc phụ” (người cha của đất nước).
Tư tưởng Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giành độc lập của Việt Nam ở đầu thế kỉ XX. Và hiện nay, trong tiêu ngữ của nước CHXHCN Việt Nam vẫn là : Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Được biết, năm 1904, Tôn Trung Sơn đã sang hoạt động ở Hà Nội. Tôn Trung Sơn được thờ phụng trong Đạo Cao Đài ở Việt Nam với tư cách là một trong Tam Thánh sáng lập. ( Tam Thánh sáng lập của Đạo Cao Đài là : Tôn Trung Sơn, Đại văn hào Victor Hugo và Nhà tiên tri, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Chiều tối 21/9/2012, sau khi ăn tại một nhà hàng trong phố, Đoàn về nghỉ ở khách sạn Long Châu. Đây là đêm sau cùng ngủ lại trên đất Trung Quốc. Long Châu là khách sạn khá đẹp, loại 3 sao, nằm ở ngoại vi thành phố. Phòng nghỉ rộng, bố trí đẹp, tiện nghi đầy đủ, sang trọng - thích nhất là chiếc giường đôi rộng 2 m, nằm thoải mái quay trở bề nào cũng được. Sau khi thu xếp xong chỗ nghỉ, đến 9 giờ, mình rủ anh Hữu Hòe đi dạo phố đêm. Phía trong khách sạn đèn sáng choang, nhưng bước ra đường, thì đèn phố đỏ quạch. Người xe đi lại thưa thớt. Hai bên đường là những dãy nhà thấp nhỏ, tựa như nhiều khu phố ở Hà Nội. Kề bên phải là doanh trại Quân Giải phóng Trung Quốc. Cổng chính doanh trại có dòng chữ Hán khá to. Anh Hòe đọc cho mình nghe dòng chữ đó là “Bảo vệ Tổ quốc”. Dạo qua một lượt, hai anh em quay về nghỉ.
Trong suốt chuyến đi, anh Lạc và anh Nghiệp là hai “hộ độc thân”, vì vậy, khi đến các khách sạn đều xếp ngủ chung một phòng với cháu Quyền hướng dẫn viên du lịch. Mình vẫn nói vui với mọi người: “ Đoàn chúng ta mặc dù không an cư, vì nay đây mai đó. Nhưng luôn luôn có Quyền - Lạc - Nghiệp”.
10h30 phút ngày 23/9/2012, Đoàn đến tham quan Công viên Hoàng Hoa Cương nằm trên đường Tiên Liệt. Đây là nơi an nghỉ của 72 Liệt sĩ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Triều đình nhà Thanh ngày 27/4/1911. Toàn thể 72 người bị hy sinh hoặc bị xử tử. Công viên rộng 130.000m2. Ở cửa Tam quan có dòng chữ Hán: “Hào Khí Trường Tồn”. Được biết, dòng chữ này là do Tôn Trung Sơn đề. Qua cửa Tam quan là bức tượng Nữ Thần Tự do mô phỏng theo tượng ở Mỹ. Từ cửa Tam quan vào là con đường lát đá rất rộng, dài khoảng hơn trăm mét, hai bên trồng nhiều loại hoa đẹp. Nhiều tốp người dân địa phương tới thăm hoặc dạo bộ trong Công viên. Nhiều đoàn du khách đến tham quan. Giữa trung tâm là Đài Kỷ niệm có dòng chữ Hán đắp nổi dọc từ trên xuống: Thất Thập Nhị Liệt Sĩ Chi Mộ. Các ngôi mộ được xây cất đẹp, uy nghiêm. Đi sâu vào phía sau là mộ Phạm Hồng Thái - Liệt sĩ duy nhất người nước ngoài an táng ở đây. Tấm bia mộ được viết bằng chữ Việt Nam : “ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1896 -1924)”. Phần dưới chữ Hán ghi là: “Việt Nam Phạm Hồng Thái Chi Mộ”.
Mọi thành viên trong Đoàn đều thắp hương chắp tay tưởng niệm người anh hùng đã hy sinh vì Tổ  quốc.
Từ nhỏ mình đã được nghe, được đọc về Phạm Hồng Thái. Hơn nữa, vào năm 2002, mình đã có dịp đến Nhà tưởng niệm Ông tại quê nhà. Phạm Hồng Thái sinh ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là con quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ. Ông tham gia hoạt động cách mạng cùng thời với Vương Thúc Oánh, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn - họ đều là những bậc tiên liệt người Xứ Nghệ.
Theo lịch sử, ngày 19/6/1924, sau khi viết bản cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Phạm Hồng Thái đóng vai ký giả vào khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin (Sa Diện tiếng Hán là mặt cát. Lâu nay, sách báo viết nhầm thành Sa Điện). Lúc bấy giờ, Merlin (Mác Lanh) trên đường sang Nhật Bản để điều đình việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam, đang dừng lại nghỉ ở khách sạn và dự chiêu đãi. Hôm đó, Phạm Hồng Thái đã ném một quả bom nhỏ (có chỗ nói là tạc đạn) vào bàn tiệc. Bom nổ làm 5 người Pháp tử thương, nhưng Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Vượt ra khỏi khách sạn, Phạm Hồng Thái bị truy đuổi ráo riết, nên đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử năm mới 28 tuổi. “Tiếng bom Sa Diện” chấn động ở Quảng Châu và vang dội về Việt Nam. Sau đó, thi hài Phạm Hồng Thái được Chính phủ Tôn Trung Sơn trân trọng chôn cất ở Nghĩa trang Liệt sĩ Hoàng Hoa Cương. 
      Tấm gương của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái cổ vũ tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ người Việt Nam. Được biết, trong kháng chiến chống Pháp, có một tiểu đội cảm tử của Quân đội ta mang tên Tiểu đội Phạm Hồng Thái. Mọi thành viên trong tiểu đội đó đều đổi thành họ Phạm Hồng.
Ở Quảng Châu, Đoàn đã tham quan Công viên Việt Tú, nơi có tượng Ngũ Dương (tức là tượng 5 con dê). Mình chưa hiểu về sự tích của tượng Ngũ Dương. Qua một cái dốc khá cao, khá mệt, lên tới đỉnh đồi nhìn thấy tượng 5 con dê khá to quây quần bên nhau trong một vòng tròn có đường kính chừng 30m. Theo hướng dẫn của anh Vũ Đức Lạc, mình và anh Hữu Hòe cùng mấy người nữa đã đi vòng quanh chân tượng Ngũ Dương theo chiều kim đồng hồ 3 vòng, rồi ngược lại 3 vòng nữa. Anh Lạc nói, đây là tín ngưỡng ở vùng này, làm vậy để có được sức khỏe và may mắn. Mình thì thử giải thích là, sau khi dồn sức leo dốc khá mệt, mọi người không nên ngồi nghỉ ngay - vì nếu nghỉ đột ngột sau khi gắng sức sẽ nguy hiểm, nhất là đối với người bị bệnh tim. Vì vậy, cần có một khoảng hồi tĩnh. Đi vòng quanh chân tượng thực chất là thời điểm hồi tĩnh. Điều đó rất có lợi cho sức khỏe.
Chiều 22/9/2012, Đoàn đã đến khám bệnh miễn phí tại Bảo Thọ Đường. Tại phòng lớn phía ngoài, một bác sĩ Đông y giới thiệu với cả Đoàn về một số kiến thức y học. Chủ yếu nói về các huyệt trong lòng bàn chân và tác dụng của bấm huyệt. Tiếp đến, các thành viên được chia ra để khám bệnh tại các phòng nhỏ ở phía trong. Sau đó, mình được mọi người kể lại rằng: Ở phòng khám nào cũng vậy, tự giới thiệu đều là các bác sĩ giỏi. Người thì có bằng cấp, được đào tạo cơ bản. Người thì hành nghề lâu năm, có nhiều kinh nghiệm. Người thì xuất thân trong một gia đình hành nghề y mấy đời, có nhiều bí kíp gia truyền. Nghe ra, đúng cả. Theo kết quả khám, phần đông đều có bệnh mãn tính, cần được chữa trị kịp thời, lâu dài và khá tốn kém. Cuối cùng là mua thuốc theo đơn. Nhiều người bỏ ra một số tiền khá lớn. Như phần trên đã nói, khi về già ai có tiền thì tốt nhất là bỏ ra mua sức khỏe. Thuốc Đông y hợp với bệnh mãn tính của người già.
Trưa 23/9/2012, Đoàn dừng lại ăn cơm ở một nhà hàng ven đường. Trời nắng nóng, thực khách đông, nhà hàng chật chội, máy điều hòa lại hỏng, cảm giác khá bức bối. Là bữa cơm cuối trước lúc chia tay nhau, cần tươi hơn chút đỉnh. Anh Công Hòe và chú Hồng đi ra ngoài mua thêm một chai rượu Mao Đài và mấy cân trái cây. Dù nóng nực, ồn ào, nhưng mọi người trong Đoàn vẫn vui vẻ nâng cốc chúc tụng nhau mọi điều. Thật vui.
Đoàn lên xe ra sân bay lúc hơn 14 giờ. Sân bay quốc tế Bạch Vân mới mở rộng gấp 5 lần sân bay cũ, đưa vào sử dụng từ ngày 5/8/2004, cách trung tâm thành phố Quảng Châu 28 km. Đây là sân bay đứng thứ 3 Trung Quốc và thứ 21 trên thế giới. Tại sân bay có thể đỗ được khoảng 70 máy bay. Có 2 đường băng dài gần 4 km. Công suất 27 triệu khách/năm, và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sau khi làm thủ tục qua cổng xuất cảnh, Đoàn đi dọc hành lang để ra cửa chuẩn bị lên máy bay. Hành lang dài hun hút, có hai băng chuyền, hai bên là các cửa hàng với nhiều thứ hàng hóa đắt tiền. Dọc theo hành lang, ai không muốn đi bộ thì lên băng chuyền. Muốn nhanh hơn, thì sải bước đi bộ trên băng chuyền. Tốc độ chắc là gấp đôi. Từ cửa số 1 đến cửa số 11, mình nhìn thấy du khách quốc tế ngồi chờ la liệt, chắc từ nhiều nước đến đây. Qua đây mới biết, du khách thập phương đến Quảng Châu đông đến thế nào.
Lúc đầu mới vào được giới thiệu là Đoàn sẽ ra máy bay bằng cửa số 11. Nhưng chờ đến ngót tiếng đồng hồ, đến khi chuẩn bị ra máy bay, lại chuyển trở lại cửa số 6. Chẳng biết lý do vì sao.
16h20 phút, chiếc máy bay AIRBUS 330 mang ký hiệu VN 507 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cất cánh. Đến 17h25, Đoàn về đên Sân bay quốc tế Nội Bài.
Một  cảnh tượng tương phản đập vào mắt mọi người: Sân bay Bạch Vân của tỉnh Quảng Châu - Trung Quốc thì to đẹp, hiện đại, hoành tráng, đông đúc, nhộn nhịp . Sân bay Nội Bài của Việt Nam thì lại thật sự khiêm nhường trên nhiều phương diện. Điều đó, ít ai không nghĩ suy gì. 
       Vẫn biết rằng, ở đời, mọi sự so sánh đều là khập khiễng - nếu không cùng yếu tố. Nhưng, ở đâu và bao giờ cũng vậy, khập khiễng chính là giá trị đích thực của mọi sự so sánh.

Đoàn về đến Khu Đô thị Mỹ Đình 1 lúc hơn 7 giờ tối. An toàn, mạnh khỏe, vui vẻ. Mọi người thân mật chia tay sau 7 ngày, 6 đêm cùng nhau du ngoạn. Trong đời mỗi người, đâu có được nhiều lần. Chắc rằng, với ai cũng vậy, qua chuyến đi này đã thu được nhiều điều bổ ích.
Xin lỗ mỗ ghi lại đôi điều trên đây làm kỷ niệm cho một chuyến lãng đãng du lịch khá phong phú và lý thú ở xứ người. Những điều ghi nhận này mới chỉ ở dạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi thế, chắc chắn khó tránh khỏi khiếm khuyết. Dẫu sao, cũng coi đây như một món quà nhỏ, tác giả xin biếu tặng các anh chị thành viên thân quí trong Đoàn du lịch chúng ta. Thêm nữa, với những trang viết này, nếu có thể, xin được cung cấp thông tin cho những du khách đã và sẽ tham gia tour du lịch hấp dẫn này.


                                 
                          Mỹ Đình, ngày cuối Thu năm Nhâm Thìn

                                                     NMĐ























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét