KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI BÁO CŨ
Khi viết bài báo này tôi đang ở trong
Khu Tập thể 1 A Hoàng Văn Thụ ( Hà Nội ). Cạnh nhà tôi có chú Trần Trung Tín. Bấy giờ đang là Thiếu tá, Phó phòng Biên tập CTĐ, CTCT Báo QĐND ( Sau này là
Thiếu tướng, PGS TS, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng ). Tôi nhờ chú Tín
chuyển bài đến Tòa soạn. Hôm sau chú Tín nói lại với tôi rằng, khi nhận bài nhiều
người không đồng tình. Nhưng đến khi Thiếu tướng, Tổng Biên tập Trần Công Mân đọc duyệt và quyết định đăng.
Ngày sau Báo QĐND đăng lại trúng ngày có cuộc
họp ở Hội trường Tổng cục Chính trị, mỗi người được trao một tờ báo. Khi đọc,
nhiều người đồng tình và cũng có người không đồng tình. Giờ giải lao, Trung tướng
Vũ Trọng Cảnh Phó Tư lệnh về Chính tri Quân chủng Phòng không ( vốn là Thủ trưởng cũ của tôi
khi ở Cục Tổ chức - TCCT ) tìm gặp và anh phê bình tôi : “ Tại sao cậu lại viết như
thế này ? ”. Anh đang nói, thì anh Trần Công Mân đi đến. Sau khi nghe anh Cảnh
nêu ý kiến, anh Mân nói rằng : “ Tôi khẳng định, đây là một bài báo hay, đăng ở
mục Văn hóa văn nghệ nhưng có tính chính luận cao. Và tôi cho rằng, nội dung
bài báo đưa ra không những đúng trong thời điểm hiện nay mà nhiều năm sau vẫn
đúng !”.
Theo thời gian, bây giờ thì anh
Trần Công Mân và anh Vũ Trọng Cảnh đã thành người thiên cổ.
Được biết, năm 2001, Nhà phê bình
văn học Phạm Xuân Nguyên đưa bài báo này vào cuốn ĐI TÌM NGUYỄN HUY THIỆP gồm tập hợp 54 bài do
ông lựa chọn.
Truyện ngắn TƯỚNG VỀ HƯU cùng một
số chuyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp là các tác phẩm văn học được viết ra
trong thời kỳ đất nước ta bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong bước chuyển mình từ
cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, có rất nhiều điều thay đổi,
trong đó có văn học nghệ thuật.
Tôi xin đăng lại bài báo này để
bà con coi thử trong những ngày phòng tránh Covid - 19.
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC
TRUYỆN
VÀ XEM PHIM TƯỚNG VỀ HƯU CỦA NGUYỄN HUY THIỆP
Nguyễn Mạnh Đẩu
(Bài đăng
Báo QĐND ngày 28/1/1989)
Khi đọc truyện ngắn “Tướng về
hưu” và mới đây lại được xem bộ phim cùng tên do chính tác giả chuyển thể sang
kịch bản, tôi có đôi điều suy tư, trăn trở, xin góp một tiếng nói nhỏ vào công
luận.
Truyện “Tướng về hưu” của Nguyễn
Huy Thiệp sau khi xuất hiện trên Tuần báo Văn nghệ một thời gian đã gây xôn xao
trong đời sống văn học và trong dư luận. Nhưng rồi điều đó cũng lắng dần. Đời sống
còn biết bao việc đáng bàn. Gần đây phim Tướng về hưu ra mắt lại gây ra những
cuộc tranh luận khá mạnh. Người khen nhiều, nhưng người chê đâu có ít. Có người
xem truyện “Tướng về hưu” như một “cái mốc” đóng vào nền văn học Việt Nam, là sự
tìm tòi, khám phá mới, mạnh dạn phản ánh hiện thực với thủ pháp văn chương độc
đáo, hấp dẫn. Ngược lại, có người cho rằng, thủ pháp văn chương trong truyện
không có gì mới. Chẳng qua là một lối viết quá cũ, có người đã từng viết cách
đây vài trăm năm, nay phục chế lại. Còn chủ đề tư tưởng, giá trị nhân văn là
cái gì đáng nghi ngờ, nếu không nói là có hại. Đây là sự tái hiện một kiểu văn
học hiện thực những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, chứ đích thực không phải là
văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế mới biết, sự cảm thụ văn học không dễ
thống nhất.
Với tôi, cảm nhận về truyện và
phim “Tướng về hưu” diễn biến trong hai giai đoạn khác nhau.
-
Thoạt đầu, tôi cho rằng cả truyện và phim đều phải
xem xét lại.
Đành rằng, một số tình tiết giữa
truyện và kịch bản có thay đổi. Nhưng rút cục chủ đề tư tưởng chỉ là một. Đó là
sự phủ định, diễu cợt những gì đã qua; bôi đen, bóp méo hiện tại và bế tắc
không hé mở một lối ra nào cả. Hơn thế, ở đó còn có ý bêu riếu, dập vùi cái tốt,
gieo rắc lối sống thực dụng.
Mỗi nhân vật là đại diện cho một
giai tầng, một lớp người trong xã hội. Một vị tướng - niềm tự hào của một dòng
họ, một vùng quê - trọn đời chinh chiến đầy những quang vinh, trở về hậu phương
mà ngỡ ngàng trước bộn bề ngang trái, phũ phàng. Từ ngỡ ngàng sang phẫn uất,
ông những mong chỉnh đốn lại gia đình, lập lại thuần phong mỹ tục theo nhân
sinh quan cách mạng. Nhưng hoài vọng đó không thực hiện được, hoàn toàn bất lực,
quá căng thẳng, ông buộc phải tìm cái chết quang vinh nơi trận mạc. “Đòm” là
xong. Cuộc sống này không còn chỗ dung nạp ông. Ông trở thành người thừa giữa
cuộc sống - cái cuộc sống mà ông và biết bao đồng đội đã hy sinh, phấn đấu để
giành lại. Bà Thuân - vợ ông cả cuộc đời tần tảo đảm đang, nuôi con, chờ chồng,
thầm lặng chịu đựng biết bao mất mát, đến ngày vợ chồng đoàn tụ thì tuổi xuân
đã tàn, lại bị bệnh tật dày vò, bà chỉ còn là một hình nhân vô tri vô giác. Bà
là nạn nhân của chiến tranh. Bà còn là nạn nhân của chính gia đình mình. Thủy -
cô con dâu - một mẫu người khá tiêu biểu cho lối sống hiện sinh, thực dụng và đầy
mâu thuẫn. Đó là một người con dâu sắc sảo, nết na, kính nể bố chồng, quý chồng,
thương con; đồng thời lại hết lòng chiều chuộng nhân tình. Ở bệnh viện cô ta có
thể là một bác sĩ giỏi. Nhưng ở phút lâm chung của mẹ chồng, cô lại ngăn việc cấp
cứu, quay ra chuẩn bị việc tang. Là bà chủ có tài cai quản, giảo hoạt với người
ở, người làm, cô quản lý chặt chẽ nhưng rất hào phóng. Say sưa kiếm tiền với mọi
phương tiện - kể cả việc xay thai nhi nuôi chó lấy lời. Lạnh lùng dửng dưng với
sự đau khổ của người khác, nhưng lại rất tỉnh tảo nhạy bén đối phó trước sự bon
chen lèo lái của xung quanh. Cô công khai lối sống mà tự mình xác định.
Ông Cơ, cô Lài vì thất cơ lỡ vận,
bị đẩy từ làng quê lên, chấp nhận phận tôi đòi, cam chịu nhục nhã mà lại rất
trung thành, tự coi là được hưởng một đặc ân. Bởi lẽ, đối với họ, sự giải thoát
không căn bản ở chỗ này lại là sự mở đầu cho sự bế tắc, cùng quẫn ở nơi khác mà
thôi. Gia đình của ông Thuân, phải chăng theo ý định của tác giả, là một xã hội
thu nhỏ và qua đó phải chăng có thể rút ra kết luận: Cuộc cách mạng trên đất nước
ta trong mấy chục năm qua chẳng đem lại một đổi thay nào, thậm chí còn là sự giật
lùi so với quá khứ trên nhiều mặt: chuẩn mực đạo đức, nhân phẩm, thuần phong mỹ
tục,…không có lối ra.
Điều đáng nói nữa là, mọi vấn đề
đều được phơi bày nhưng chỗ đứng và thái độ của tác giả không rõ ràng. Độc giả,
khán giả khó lòng nhận biết điều gì đáng ngợi ca và điều gì đáng lên án.
-
Bình tâm lại, suy ngẫm sâu hơn, tôi lại cảm nhận
về Tướng về hưu theo một chiều hướng khác.
Phải chăng, truyện và phim Tướng
về hưu là một lát dao cắt ngang, cho ta một tiết diện xã hội hiện thực.
Đã có một thời quá dài, văn học
nghệ thuật ta thường thiên về cái chung, cái phổ biến khi xây dựng cốt truyện
và tính cách nhân vật. Cái xấu, cái tốt rạch ròi. Những mẫu người hoặc là hoàn
thiện, hoàn mỹ, hoặc là phải triệt để xấu xa. Và kết cục bao giờ cũng có hậu. Độc
giả, khán giả đã hình thành một thói quen khi gấp sách, tắt phim thì chẳng còn
cái gì để bàn, để suy ngẫm. Vì mọi vấn đề đều đã được tác giả “giải quyết” rồi.
Gần đây có sự điều chỉnh, nhiều tác phẩm đề cập đến cái cá thể, xoáy sâu vào đời
sống thực tế, đời sống nội tâm của con người. Đi từ phân tích tinh vi từng nhân
vật, từng hiện tượng để đi đến phân tích sâu sắc, rộng rãi về mặt xã hội. Cuộc
đấu tranh giữa cái thiện với cái ác đan xen vào nhau không thành trận tuyến và
còn là sự giằng xé trong từng con người. Trong cái cao cả vẫn còn phảng phất tồn
tại sự yếu kém. Và giữa cái thấp hèn, đôi khi lại lóe lên một cái gì đó đáng
trân trọng. Cuộc sống là vậy.
Trong truyện “Tướng về hưu” các
tuyến nhân vật hiện ra với tính đa dạng, phong phú, phức tạp. Tính cách từng
nhân vật là biểu hiện cho tính cách của một kiểu người trong xã hội. Tính cách
đó vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh, vừa có sắc
thái độc lập vốn có bên trong.Tác giả đặt nhân vật vào từng hoàn cảnh mâu thuẫn.
Cảm xúc, suy nghĩ, cách xử sự của họ trước mâu thuẫn theo một logic nội tại và
trong mối liên hệ chung. Một vị tướng về hưu giàu cống hiến mà nghèo đời sống
thực tiễn. Hành trang sau gần nửa thế kỷ chỉ gói gọn: một bộ sa lông, mấy mét vải
bộ đội…Thực tế cuộc sống, không khí tranh giành, dối trá, tha hóa, nhố nhăng,
thực dụng…vây quanh ông. Nhưng ở ông vẫn toát lên một bản chất trong sáng, một
tấm lòng nhân hậu, trắc ẩn, vị tha. Với ông, nhân cách xử thế theo nhân sinh
quan cộng sản đã ăn sâu vào lẽ sống bất dịch. Điều đáng phàn nàn về ông, có
chăng, đó là sự quan liêu trước những gì đã và đang diễn ra trong đời sống hiện
nay. Cô Thủy - mẫu người của lối sống đầy thực dụng, sa đọa nhưng lại rất lãng
mạn. Coi đồng tiền là mục tiêu, là cứu cánh, vụ lợi trên mọi phương diện. Tuy
sinh ra trong chế độ mới nhưng cô lại là mầm mống của tầng lớp bóc lột mới đang
ngoi lên, là sự “lại giống” của một giai cấp đã bị lụi tàn. Với cô, sự tha hóa,
“xuống cấp” trong nhân cách lại được coi là “mốt” sống hiện đại. Về ông Cơ, cô
Lài đáng thương hay đáng giận thật là điều không dễ kết luận. Muốn khẳng định
được cần nghiên cứu cụ thể hoàn cảnh cụ thể.
Quả thật, những gì Nguyễn Huy Thiệp
viết ra, cho dù có hư cấu nhiều đi nữa, cũng chỉ nhằm phơi bày một mặt hiện thực
một cách triệt để trần trụi, một hiện thực cay độc mà lạnh tanh làm hầu hết
chúng ta nhức nhối, chua xót. Thực ra, đó là sự ghép nối những điển hình về những
con người mà mỗi chúng ta đâu khó tìm kiếm trong đời sống. Không nhận biết, hoặc
cố tình không nhận biết, đều là sự hờ hững, quan liêu. Đã thành thói quen, lâu
nay chúng ta thường nghĩ về lý tưởng mục tiêu lâu dài mà quên đi chỗ đứng hiện
tại. Để đến được mục tiêu đã xác định, trước mắt chúng ta là con đường vạn dặm
đầy những thử thách gian truân, mà giờ đây chúng ta mới chập chững rời điểm xuất
phát. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong mấy chục năm qua vô cùng vĩ đại,
không thể phủ nhận, nhưng thành quả của nó mới chỉ là tiền đề cho sự phát triển
chứ chưa phải là điều kiện chín muồi để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Trong bao năm chiến tranh, điều mà mỗi chúng ta hằng ấp ủ, mơ ước là sau ngày
toàn thắng sẽ có ngay một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; mối quan hệ giữa người với
người là hoàn thiện, hoàn mỹ; không còn chỗ đứng cho sự bất công, bóc lột, cái
ác đã hoàn toàn bị diệt vong. Thực ta, để có được điều đó, còn biết bao việc phải
làm trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp. Dứt bỏ những lạc hậu của quá khứ
để lại, loại trừ mầm mống của sự tha hóa mới nẩy sinh để đi lên là quyết liệt,
lâu dài. Thế hệ chúng ta giỏi lắm cũng chỉ làm được cái việc san nền, xây móng
để từng bước hình thành một phương thức sản xuất mới.
Điều tác giả muốn nói, phải
chăng, đó là cần xác định rằng chúng ta đang ở đâu, thực trạng xã hội như thế
nào, từ đó dự báo những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nếu như thế thật, tôi cho
rằng, giá trị tư tưởng của tác phẩm là tốt. Cần khẳng định rằng, vạch trần những
hiện tượng tiêu cực của xã hội để loại trừ, cũng là một hành động tích cực. Đấy
không phải là bôi đen, bóp méo mà là chân nhận một thực tế. Bóc trần ung nhọt,
mổ xé và cắt bỏ trong sự đau đớn còn hơn là để mặc cho nó gây hậu họa. Nhận ra
điều đó tưởng là đơn giản, thực ra không dễ dàng.
Phim Tướng về hưu có môt số chi
tiết, theo tôi, làm giảm giá trị của nó. Tôi hình dung là những “hạt sạn” trong
trong một bát cơm ngon. Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp nếu là một vị tướng
chung chung, không địa chỉ dễ chấp nhận hơn. Vì có thể do ông xa gia đình biền
biệt, nên ngỡ ngàng lúc trở về. Còn là vị tướng có chức danh, địa chỉ cụ thể
thì không đúng. Hình như tác giả cố đưa người ở nơi biển cả vào đất liền thì lạ
lẫm hơn, tạo thêm logic cho tình tiết. Nhưng đó lại là điều không có trong thực
tế. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” câu nói của người xưa hàm chứa nhiều ý
nghĩa sâu sắc. Còn các vị tướng của chúng ta - cho dù là tướng chiến trận - cả
đời binh nghiệp mà đã trực tiếp mai táng hàng chục nghìn đồng đội là không thể
có !
Thế kỷ 21 đang đến gần. Cuộc cách
mạng xã hội, cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, mãnh liệt,
phức tạp, buộc chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và thực tế hơn. Với
mục tiêu đã lựa chọn, cần nhận diện thực trạng đúng hơn - thực trạng đó có cái
tốt đẹp đáng ngợi ca và cũng có cái xấu xa cần dẹp bỏ - nhằm xác định từng bước
đi lên thích hợp; dao động ngập ngừng, hoặc tự an ủi, thỏa mãn với những gì đã
đạt được, hay tự huyễn hoặc đều là sự cản trở.
Truyện và phim Tướng về hưu đã lột
trần một mặt của hiện thực nhằm rung chuông báo động về sự tha hóa “xuống cấp”
trong một bộ phận xã hội. Với cách nhìn đó, tôi cho rằng truyện và phim Tướng về
hưu, nếu nhặt được những “hạt sạn” là một tác phẩm tốt.
Đôi điều cảm nhận trên đây, với
người khác chắc gì đã đồng tình. Sự công minh đến nghiệt ngã của thời gian và
công chúng là thước đo chính xác đối với mọi tác phẩm ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét