Menu ngang

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

CHUI RÀO KIỂU ÔNG NGÃI

                                                                 N M Đ

( Trích Hồi ký “ Những nẻo đường thời gian”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2010 )

Cuối buổi chiều ngày 5 / 6 / 1969, tại một khu rừng già phía tây tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế hơn 70 cây số, có điện của Ban Tham mưu Trung đoàn 8: Anh Nguyễn Duy Hào Đại đội trưởng và tôi lên Sở chỉ huy Trung đoàn nhận nhiệm vụ chiến đấu. Hồi đó, tôi đang là Chính trị viên phó thay thế anh Trương Văn Dung Chính trị viên bị ốm. Ăn vội mấy bánh lương khô 702, anh Hào và tôi cùng hai cậu liên lạc cuốc bộ lên Trung đoàn cách chừng 5 cây số đường rừng.
Đúng 7 giờ tối, chúng tôi có mặt. Các anh: Ma Vĩnh Lan Trung đoàn trưởng ( quê Bạch Thông, Bắc Cạn ), Kiều Tam Nguyên Chính ủy Trung đoàn ( quê Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh ) và thủ trưởng các cơ quan đã ngồi sẵn quanh sa bàn trong hầm Sở chỉ huy. Thắp sáng toàn bộ căn hầm bằng một cái đèn bão. Đây là một căn hầm do Đại đội 15 Công binh của Trung đoàn xây dựng ở sườn núi. Hầm có chiều dài khoảng 6 mét, chiều rộng khoảng 3 mét, sâu gần 3 mét, phía trên lát các thân cây gỗ khá to được cắt ra, trên cùng lấp một lớp đất dày gần 2 mét. Loại hầm này có thể chống được đạn pháo, nhưng không tránh được bom. Do đó, xung quanh hầm được nối râu tôm các giao thông hào đến các hầm chữ A (còn gọi là hầm kèo, hoặc hầm Triều Tiên) để phân tán ẩn nấp trong trường hợp bị máy bay địch oanh kích. Hầm Sở chỉ huy của Trung đoàn được sử dụng trong suốt Chiến dịch A Bia, hè 1969. Tôi đã được dự nhiều cuộc họp bàn tác chiến tại căn hầm này.
Chúng tôi ngồi vào ghế, anh Ma Vĩnh Lan đứng dậy vừa cầm que chỉ trên bản đồ treo ở vách hầm, vừa nói: Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên lệnh cho Trung đoàn ta cử Đại đội 20 Đặc công phối hợp với Tiểu đoàn 3 Đặc công của Quân khu tập kích Lữ đoàn 47 Thủy quân lục chiến Mỹ ở Cao điểm 817- động Ta Tách. Đây là căn cứ bàn đạp, là trận địa pháo chi viện của quân Mỹ trong Chiến dịch A Bia. Thời gian triển khai tổ chức lực lượng trinh sát bắt đầu từ ngày mai - 5/6/1969. Ban Chỉ huy Đại đội 20 trực tiếp làm việc với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 để nhận kế hoạch cụ thể. Trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu, Đại đội 20 Đặc công chịu sự lãnh đạo chỉ huy về mọi mặt của Thủ trưởng Tiểu đoàn 3 Đặc công. Tiếp lời anh Ma Vĩnh Lan, anh Kiều Tam Nguyên vắn tắt thông báo chiến công to lớn của toàn Trung đoàn trong chiến dịch A Bia - Chính nơi đây, quân Mỹ đã kinh hoàng gọi là đồi thịt băm Hăm-bơ-gơ ( Hamburger hill) . Tiếp đó, anh nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng và những yêu cầu đặt ra trong lãnh đạo chỉ huy của Thủ trưởng Đại đội 20 trong trận chiến đấu tới. Cuối cùng, Trung đoàn trưởng giao trách nhiệm cho các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Trung đoàn tạo điều kiện giúp Đại đội 20 triển khai nhiệm vụ kịp thời.
Rời Sở chỉ huy Trung đoàn, anh Hào và tôi đến làm việc với anh Trần Duy Thị Tiểu đoàn trưởng và anh Lê Văn Doãn Chính trị viên Tiểu đoàn 3 cách Trung đoàn hơn một tiếng đồng hồ đi bộ. (Anh Thị quê ở Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, sau này làm Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Anh Doãn quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa sau này chuyển đi đâu tôi không rõ). Hồi đó, chúng tôi được biết, Tiểu đoàn 3 là đơn vị Đặc công huấn luyện rất cơ bản ở miền Bắc mới được Bộ điều vào Quân khu Trị Thiên. Đầu năm 1969, khi mới vào chiến trường, Tiểu đoàn 3 đã đánh thắng giòn giã trận Cô-Ca-Va, tiêu diệt một cứ điểm của quân Mỹ ở tây Thừa Thiên. Đó là một trận thắng có ý nghĩa lớn cả về quân sự và chính trị. Mở đầu cho một năm chiến đấu trong thời kỳ mới. Chấm dứt thời kỳ khó khăn của Cách mạng sau Tết Mậu Thân. Được chiến đấu trong đội hình của Tiểu đoàn 3, anh em chúng tôi thật sự tin tưởng.
Chúng tôi quay về đơn vị ngay trong đêm để kịp chuẩn bị.

Trưa ngày 8 / 6 / 1969, anh Hào, tôi, các Mũi trưởng (trong tổ chức biên chế của Đặc công, Mũi là đơn vị tương đương Trung đội) và Tiểu đội trinh sát gia nhập đoàn cán bộ của Tiểu đoàn 3 lên đường đi trinh sát thực địa. Đoàn do anh Thị và anh Doãn dẫn đầu xuất phát từ A-Lê-Thiêm vượt qua khu vực Kho 61 ở A Lưới, cắt qua Đường 12, đi sâu vào phía động Ta Tách. Khi đến một khu rừng rậm cách Cao điểm 817 chừng 5 cây số, có một con suối nhỏ, hai bên bờ có nhiều cây to, anh Thị cho đoàn dừng lại và chọn làm nơi tập kết. Tại đây, Ban chỉ huy Tiểu đoàn họp bàn và giao nhiệm vụ cho các Đại đội.

Buổi chiều hôm đó, trên đường đi, anh em trinh sát bắt được một con rùa khá to màu đồng hun. Chúng tôi chặt cây bông báng lấy lõi non màu trắng ngà nấu với thịt rùa ăn rất ngon. Đang ăn, tôi chợt nghĩ, dân gian vẫn có câu “gặp rắn thì đi, gặp quy quay lại”. Gặp rùa mà ăn cả thịt rùa thế này, chắc báo hiệu điều không may sẽ đến. Nghĩ vậy, nhưng tôi không giám nói ra. Bởi lẽ, với tư cách là cán bộ chủ trì về chính trị, tôi sợ anh em đánh giá mình mê tín dị đoan, gieo rắc sự lo lắng, hoang mang ngay từ đầu cho mọi người. Kinh nghiệm cho thấy, khi thực hiện những công việc hệ trọng mà lại nguy hiểm nữa, thì trạng thái tâm lý cần được thoải mái, tự tin. Tuyệt đối không ám ảnh, lởn vởn hoặc vương víu vào những điều không cần thiết.
Tối hôm đó, ngủ lại bên bờ suối, mở đài bán dẫn, tôi nghe tin thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do ông Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào Cách mạng ở Miền Nam. Là những người lính chiến đấu trên chiến trường, khi nghe tin này, chúng tôi rất phấn khởi.
Theo thông báo của trên, tại Cao điểm 817 - Ta Tách, lực lượng địch có một Tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 47 Thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là lực lượng thiện chiến trong quân đội Mỹ, đóng trong một căn cứ được bố trí vững chắc. Ở ngoài cùng là hàng rào cây đổ, tiếp đến là 3 hàng rào thép gai. Trong trận địa có hệ thống công sự liên hoàn: lô cốt, chiến hào, giao thông hào, ụ súng, hố chiến đấu cá nhân.
Thủ trưởng Tiểu đoàn 3 giao nhiệm vụ cho Đại đội 20 chúng tôi tổ chức 3 Mũi đánh vào mỏm B, nơi địch bố trí trận địa pháo và một đại đội Thủy quân lục chiến. 

Sau khi nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn, anh Nguyễn Duy Hào Đại đội trưởng ( quê Thọ Xuân, Thanh Hóa ) và tôi hội ý bàn với nhau phân công: Anh Hào đi trinh sát hướng Đông Bắc cùng với anh Lê Văn Ba Mũi trưởng Mũi 1 ( quê Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh ) và hai chiến sĩ trinh sát. Hướng Tây giao cho anh Trần Viết Xuân Mũi trưởng Mũi 2 ( quê Hương Thu, Hương Khê, Hà Tĩnh ) cùng hai chiến sĩ trinh sát. Hướng Đông Nam do tôi cùng anh Đặng Văn Ngãi Mũi phó Mũi 4 (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh, người thay anh Cao Hồng Nhụy Mũi trưởng quê Quy Đạt, Minh Hóa, Quảng Bình bị ốm) và Trần Văn Phết chiến sĩ trinh sát.

Từ trưa, xuất phát từ vị trí tập kết, tổ trinh sát chúng tôi cắt góc phương vị xuyên rừng đi về hướng Đông Nam. Đến 3 giờ chiều gặp một hang đá kiểu hàm ếch ở chân Cao điểm 817, cách đồn địch chừng 2 cây số, tôi bảo cả tổ dừng lại làm chỗ tập kết. Từng người một thay nhau cảnh giới ở cửa hang, còn lại tranh thủ chợp mắt để tối tiềm nhập vào đồn địch. Mục tiêu trinh sát là phải nắm được hệ thống chướng ngại vật, hệ thống công sự trận địa bố phòng và cuối cùng là trận địa pháo của địch. (Tiềm nhập là từ chuyên môn của bộ đội Đặc công, chỉ việc cá nhân di chuyển bí mật tiếp cận vào mục tiêu bằng các kỹ thuật đi khom, bò, trườn...).
Trong chiến đấu Đặc công, việc tiềm nhập vào cứ điểm địch để trinh sát (điều nghiên) là vô cùng quan trọng; là một trong những yếu tố góp phần quyết định sự thành bại của trận đánh. Người được cử vào trinh sát trong đồn địch đòi hỏi phải có sự dũng cảm, mạo hiểm, mưu trí, kiên trì và cụ thể. Đi trinh sát thường là căng thẳng hơn khi thực hành chiến đấu. Trong thực hành chiến đấu, thì có lực lượng và hỏa lực trong tay để đánh trả quân địch. Còn khi đi trinh sát vào trong đồn địch chỉ có ba, bốn anh em đơn lẻ, thân cô thế cô, vũ khí gọn nhẹ, chỉ được dùng khi bị lộ. Trong điều kiện địch bố phòng bằng nhiều lớp rào, nhiều bãi mìn các loại, nhiều vọng gác, nhiều lượt tuần tra, với hệ thống báo động và chiếu sáng nhanh nhậy, việc một tổ trinh sát vượt qua mọi chướng ngại tiếp cận vào giữa sào huyệt địch, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao và phương pháp giỏi. Trong một số trận đánh, để bảo đảm chắc chắn, nhiều khi đòi hỏi phải đi trinh sát đến mấy lần.
Đến 6 giờ tối, sau khi mỗi người ăn hết một bánh lương khô 702, uống no nước suối trong bi đông, trút bỏ những thứ lặt vặt, chúng tôi bắt đầu xuất phát tiềm nhập vào đồn địch. Anh Ngãi và Phết mỗi người một khẩu tiểu liên AK báng gấp, 2 quả lựu đạn mỏ vịt, dao găm. Tôi mang một khẩu súng ngắn K54, hai quả lựu đạn mỏ vịt, dao găm và một cái địa bàn. Từ ngoài, chúng tôi thực hành tiếp cận kiểu sâu đo. Nghĩa là, một người tiếp cận lên phía trước rồi dừng lại lợi dụng địa hình địa vật cảnh giới cho người sau tiến lên. Người sau lại tiến sâu hơn nữa rồi lại làm nhiệm vụ cảnh giới. Cứ thế, đến 7 giờ tối, chúng tôi đã vượt qua hàng rào cây đổ, chạm đến chân hàng rào thép gai đầu tiên. Đây là loại hàng rào thép gai lò xo cánh bướm đường kính khoảng 1 mét. Chồng lên nhau 3 lớp. Lớp dưới có 5 vòng. Lớp giữa có 3 vòng. Lớp trên cùng có 2 vòng. Chiều sâu của hàng rào đến gần 5 mét. Bố trí cậu Phết trinh sát giương súng cảnh giới ở mép rào, tôi và anh Ngãi bắt đầu động tác dùng tay gỡ mìn, chống rào, rồi lại dùng tay dò mìn giữa hàng rào để chui qua. Sau khi tôi và Ngãi đã qua được hàng rào ngoài cùng, làm nhiệm vụ cảnh giới cho Phết chui qua tiếp.
Giữa hàng rào ngoài cùng và hàng rào thứ hai là một bãi trống với chiều sâu khoảng 70 mét, trừ đường tuần tra, còn lại địch cài nhiều mìn sáng và mìn sát thương các loại. Ba anh em chúng tôi vừa dò gỡ mìn vừa trườn lên phía trước. Cứ thế gần một tiếng đồng hồ chúng tôi tới được chân hàng rào thứ hai. Cách tiếp cận giống như qua hàng rào thứ nhất. Nhưng khi mới đưa mình ra khỏi hàng rào, tôi bỗng nghe thấy trong đồn địch rú lên một hồi còi. Tiếp liền theo đó là các loại súng của địch thi nhau bắn xối xả ra ngoài. Quanh chúng tôi đạn súng cối nổ đanh rền, chát chúa; đạn súng bắn thẳng bay chiu chít, ràn rạt, lại có cả những viên đạn vạch đường đỏ lừ.
Ba anh em nằm dí sát mặt đất chỉ ghé mắt nhìn vào trong, nên không ai việc gì. Sự việc này chúng tôi đã lường trước. Theo qui luật, hằng đêm địch vẫn bắn báo động. Khi đi trinh sát, kể cả khi tiềm nhập vào đánh, nếu không bình tĩnh, tưởng bị lộ mà phản ứng là rất nguy hiểm. Chừng 2 phút sau, tiếng súng im bặt, bốn bề lại vắng lặng.
Khi chui qua hàng rào thứ 3 - hàng rào trong cùng - ập vào mũi tôi rặt một mùi đặc trưng khó tả: mùi đồ hộp, thùng các tông, mùi mồ hôi khen khét do ăn nhiều thịt, mùi quần áo lâu ngày không giặt giũ, mùi thuốc lá, mùi kẹo bánh, mùi xà phòng, mùi thuốc súng, mùi cỏ cháy, mùi đất mới đào xới, cây cối mới bị đốn đổ... Các mùi đó quyện vào nhau tạo ra một mùi hỗn tạp gây ngai ngái, hôi hoi, ngây ngấy, ghê ghê, rất dễ bị lợm, buồn nôn. Anh em chúng tôi vẫn nói với nhau đặt tên đó là "mùi Mỹ". Từ ngày vào chiến trường Miền Nam, trong khứu giác của tôi đã hình thành và phân biệt được cái mùi đó. Chính nhờ vậy, trong nhiều trường hợp khi đi trinh sát do ngửi thấy mùi, phát hiện được từ xa, mà chúng tôi thoát khỏi các ổ phục kích ngoại vi căn cứ của lực lượng thám báo Mỹ.
Chui khỏi hàng rào thứ 3, chúng tôi quan sát vào bên trong nhìn thấy rất rõ các lều bạt của quân địch. Liếc đồng hồ đã 2 giờ sáng, tôi ra hiệu cho anh Ngãi và Phết quay ra theo đường cũ. Khi ra, người bò sau cùng phải dùng tay xóa hết dấu vết.
Đến 5 giờ sáng chúng tôi về tới hang đá tập kết. Tôi bàn với anh Ngãi và Phết sẽ tiềm nhập tiếp đêm mai nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trinh sát. Mục tiêu cuối cùng là phải vào tận trận địa pháo.
Hôm sau, ba anh em thay nhau ngủ ban ngày, đến 6 giờ tối lại bắt đầu tiềm nhập vào đồn địch. Vì đã biết trước nên đêm thứ hai tốc độ tiềm nhập nhanh hơn. Đến 1 giờ sáng, chúng tôi đã vào được tới trận địa pháo, đặt tay lên thân pháo, đếm được 4 khẩu rồi mới quay ra.
Đêm thứ hai đi trinh sát có hai điều mà sau này tôi vẫn kể cho anh em trong đơn vị nghe và suốt đời tôi không bao giờ quên:
Điều thứ nhất, khi mới rời trận địa pháo, tôi nhìn đồng hồ để căn giờ quay ra, nhưng trời tối đen như mực không thấy gì (hồi đó chúng tôi đang dùng đồng hồ Polzot của Liên Xô, không có dạ quang). Tôi lo trời sáng mà không ra kịp thì nguy. Chợt thấy một đốm lửa nhỏ gần đó thỉnh thoảng lại lóe sáng lên một ít, tôi nghĩ đó là thân cây bị chặt ngang đang cháy dở, ở trên cao chốc chốc gió thổi làm lóe sáng lên. Tôi khẽ khàng vừa bò vừa trườn lại gần để giơ đồng hồ xem giờ. Nhưng khi lại gần sát, thì tôi thấy thân cây đó động đậy rồi di chuyển. Tôi giật mình hú vía. Té ra đó là một tên lính Mỹ da đen đứng gác, cởi trần, đang hút thuốc lá xì gà loại to bằng ngón tay cái. Mỗi lần hắn rít vào thì điếu thuốc đỏ rực lên. May quá, dù gần sát nhau khoảng hơn 1 mét, nhưng tên lính Mỹ da đen không phát hiện được, tôi bình tĩnh nhẹ nhàng trườn lui ra.
Điều thứ hai là, khi ra đến hàng rào ngoài cùng. Thứ tự chui ra: Phết ra trước làm nhiệm vụ cảnh giới, tôi ra thứ hai, anh Ngãi ra sau cùng. 

Khi luồn ra khỏi hàng rào, tôi thấy dâng lên trong người cảm giác khoan khoái lạ thường, gió thổi nhẹ dịu mát, không khí trong lành, bốn bề tĩnh mịch. Từ trên cao nhìn về hướng Đông phía chân trời tôi thấy một màu bàng bạc, trời gần hửng sáng. Ngoái lại, tôi thật lạ lùng là anh Ngãi đang nằm giữa hàng rào trong tư thế quay đầu vào phía trong đồn địch, tay lăm lăm khẩu súng AK và cho chân ra trước. Mà đã cho chân ra trước thì tốc độ chậm lắm. Hết vướng cái nọ lại vướng cái kia. Nhiều khi Ngãi cho hai chân ra hai bên của một vòng rào lò xo cánh bướm. Tôi phải quay lại luồn tay vào gỡ cho Ngãi từng sợi rào, gai rào. Xưa nay, mọi việc ở đời người ta đã khái quát: "đầu có xuôi đuôi mới lọt”, có lẽ xuất phát từ một động tác cụ thể như thế này đây!

Thời gian càng trôi đi, trời sắp sáng đến nơi rồi mà Ngãi vẫn cứ loay hoay trong hàng rào như gà mắc tóc vậy. Tôi sốt ruột lo lắng vô cùng. Sợ nguy hiểm cho cả Tổ trinh sát một phần, nhưng đáng lo hơn là làm lộ, làm lỡ kế hoạch của toàn Tiểu đoàn, nói rộng hơn là toàn Mặt trận.
Khi đã ra xa khỏi đồn địch đến vị trí an toàn, tôi nổi cáu gằn giọng hỏi Ngãi:

- Trời sắp sáng rồi! Ông có điên hay không mà lại chui rào ngược? Ông học ở đâu ra kiểu chui rào đó?!
Thay vì phản ứng giận dỗi, anh Ngãi tươi tỉnh nhỏ nhẹ phân trần:
- Anh không hiểu đấy thôi! Khi Phết và anh chui ra, thì tôi làm nhiệm vụ cảnh giới. Anh và Phết ra ngoài cả rồi, còn lại tôi ra sau phải tự mình vừa cảnh giới, vừa phải xóa dấu vết nữa chứ. Nếu chui xuôi, ngộ nhỡ khi đang chui rào mà có một tốp lính Mỹ đi tuần phát hiện được thì sao? Chắc chắn là nó sẽ đến cầm chân tôi lôi ra như bắt con cá bị mắc lưới ấy chứ!
Nghe Ngãi nói, thấy có lý, chúng tôi cùng cười vui trên đường về chỗ tập kết.

Mấy ngày sau về hậu cứ, trước khi đi đánh, đơn vị chúng tôi tiến hành huấn luyện tập bài trên thao trường mô phỏng (cũng có lô cốt, hàng rào, chiến hào, trận địa pháo ,.. như thật). 

Hôm họp Hội đồng quân nhân thông qua phương án tác chiến trên sa bàn, trong ý kiến phát biểu của mình, tôi nói vui với mọi người là: Anh em cứ yên tâm để chuẩn bị đánh cho tốt. Còn kết quả trinh sát nắm địch thì chắc chắn quá rồi. Chính tôi đã vào tận hầm ngủ của lính Mỹ rồi đấy. Chỉ tiếc là lần này không mang về được một ít thịt hộp như các lần trước. Nhưng sau này, khi vào trinh sát đồn địch, từ kinh nghiệm của chúng tôi, đề nghị mọi người phải lưu ý hai việc: Một là, quan sát thật kỹ, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa cây gỗ cháy dở với tên lính Mỹ da đen. Hai là, để bảo đảm an toàn khi quay ra, cần bổ sung khoa mục "chui rào ngược" trong kỹ thuật trinh sát đồn địch của bộ đội Đặc công - và tôi tạm đặt tên khoa mục đó là "Chui rào kiểu ông Ngãi".

Nghe xong, mọi người đều cười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét