Menu ngang

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

MẤY CẢM NHẬN KHI ĐỌC HỒI KÝ

CỦA THIẾU TƯỚNG LÊ HUY MAI

                                       Nguyễn Mạnh Đẩu

Tháng 7 năm 2017, trong cuộc Gặp Mặt truyền thống Cựu Chiến binh Sư đoàn 324, anh Lê Huy Mai chuyển cho tôi bản thảo ngót 500 trang tập Hồi ký “ Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế ”. Và anh có nhờ tôi đọc, tham gia góp ý với anh cả về nội dung, bố cục cũng như văn phong.
Tôi biết anh Lê Huy Mai từ giữa năm 1970, khi đơn vị chúng tôi chiến đấu ở vùng A Lưới ( Thừa Thiên Huế ). Vào một buổi chiều, với cương vị là Chính trị viên Đại đội Đặc công Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, tôi đến làm việc với anh Cao Sỹ Nguyên Trưởng Tiểu ban Trinh sát Trung đoàn. Tại đây, tôi gặp một cán bộ có dáng người cao gầy, nước da đen xạm - dấu hiệu do sốt rét rừng nhiều năm. Anh Nguyên giới thiệu, đây là anh Lê Huy Mai, Trưởng Tiểu ban Trinh sát của Trung đoàn 1, Sư đoàn ta. Là người cùng trưởng thành từ trinh sát đặc công, đồng cảm những đặc điểm tính chất nhiệm vụ, chúng tôi thân thiết nhau từ ngày đầu gặp gỡ. Từ đó, nhất là mấy chục năm sau khi anh Lê Huy Mai đảm nhiệm chức danh Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, chúng tôi có nhiều lần làm việc với nhau. Sau khi nghỉ hưu, tôi và anh càng gắn bó hơn trong hoạt động của Hội Truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên và Cựu chiến binh Sư đoàn 324.
Ngần ấy năm quen thân, trong cảm nhận của tôi, anh Lê Huy Mai là một cán bộ quân sự xông xáo, nhiệt tình, dũng cảm, thông minh, quyết đoán, bản lĩnh vững vàng, có bề dày thành tích trong chỉ huy đơn vị cũng như trong công tác tham mưu trinh sát. Anh là người có nhân cách trong sáng và phong cách quan hệ tốt.
Hồi ký “ Từ châu thổ sông Hồng đến Sông Hương xứ Huế ” của anh Lê Huy Mai là sự tái hiện một cách sinh động, trung thực, chi tiết với nhiều tư liệu rất quý - nhất là quãng thời gian từ khi anh đặt chân vào chiến trường Quảng Trị và thời kỳ hoạt động ở Thừa Thiên Huế. Trên từng trang sách mà anh Lê Huy Mai kể và tả về những địa danh, những nhân chứng của một thời hoa lửa hào hùng, gian khổ, hy sinh, thì tôi cảm thấy như có thấp thoáng bóng hình mình trong đó. Bởi lẽ, là người cùng đơn vị với anh, nhiều nơi tôi đã chứng kiến, nhiều con người tôi đã biết, trong cùng hoàn cảnh tương đồng.
Đọc Hồi ký của anh Lê Huy Mai, tôi có cảm tưởng như đây không còn là câu chuyện thuần nhất về hồi ức của cá nhân tác giả, mà trong đó mang dáng dấp  những trang lịch sử mang tính văn học của một Đơn vị anh hùng - Đó là Trung đoàn 1, là Sư đoàn 324. Hồi ký đã phản ánh khá đầy đủ về hoạt động chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Phân đội Trinh sát Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 và các đơn vị chiến đấu trong đội hình Trung đoàn, Sư đoàn - Trong số đó có nhiều tấm gương tiêu biểu xuất sắc về hành động dũng cảm trong chiến đấu và tình nghĩa đồng đội thủy chung, mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể nói rằng, tất cả những chuyện anh Lê Huy Mai kể về các hoạt động của anh, về đồng đội, kể cả những người thuộc thế hệ đàn anh, đó như những bức tranh chân thực mang các gam màu của cuộc chiến đấu sinh tử quyết liệt trên chiến trường Trị Thiên trong những năm đánh Mỹ.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy, trong chiến công tập thể đơn vị, đều có chiến công mang dấu ấn của từng con người cụ thể. Thành tích to lớn của Trung đoàn 1 và Sư đoàn 324 trong thời kỳ đánh Mỹ được Nhà nước tuyên dương Đơn vị anh hùng là kết tinh từ hy sinh xương máu và trí lực của cán bộ, chiến sỹ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Và trong số đó, theo tôi, anh Lê Huy Mai trên từng cương vị đã có những đóng góp xuất sắc đáng kể. Thực tế lịch sử chỉ rõ, đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta tham chiến với lực lượng Thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ trên chiến trường Đường 9 Quảng Trị là Sư đoàn 324 Quân khu 4. Trước khi đơn vị bước vào chiến đấu, thì anh Lê Huy Mai cùng tổ trinh sát là những người đầu tiên có mặt ở chiến trường và đã đánh nhau với quân thám báo Mỹ ngay từ thời đó. Trong suốt gần 10 năm liên tục ở chiến trường, từ tháng 3/1966 đến tháng 4/1975, từ chiến sỹ Trinh sát, trưởng thành qua các cấp sau từng mùa chiến dịch, cho đến Trưởng ban Trinh sát Sư đoàn 324, anh Lê Huy Mai đã không quản ngại gian khổ hy sinh, dũng cảm mưu trí, lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Vốn là chiến sĩ Trinh sát rồi trưởng thành lên cán bộ Đại đội Đặc công, không ít lần tôi đã cùng đồng đội luồn qua nhiều lớp hàng rào, bãi mìn vào đồn địch để trinh sát điều nghiên. Và cũng có lúc - ít thôi, vào mùa Hè năm 1967 -  tôi đã cùng mấy anh em vào trinh sát vùng địch tạm chiếm ở đồng bằng Quảng Trị. Bởi vậy, tôi rất thấu hiểu và có phần thán phục anh Lê Huy Mai trong nhiều sự kiện. Trong đó, phải kể đến thời điểm anh dũng cảm vào điều nghiên trinh sát Cứ điểm Cồn Tiên, trực tiếp chỉ huy đội mở cửa đánh lấn Cứ điểm Cồn Tiên, chỉ huy tổ Trinh sát kiên cường dũng cảm giữ chốt Cồn Hụ - cạnh Cồn Tiên - đánh tan nhiều đợt tấn công của một đại đội Thủy quân lục chiến Mỹ trong điều kiên vô cùng ác liệt. Đặc biệt là, sau Chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968, anh Lê Huy Mai được Thủ trưởng Trung đoàn 1 giao nhiệm vụ chỉ huy Phân đội trinh sát 10 người quay lại đồng bằng tỉnh Thừa Thiên để móc nối bắt liên lạc, phối hợp cùng cơ sở và du kích địa phương tìm kiếm đưa được hơn 100 thương binh đang được nhân dân cưu mang che chở, đưa về vùng giải phóng. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm: Khi đó hầu như toàn bộ đồng bằng Thừa Thiên đều đã bị quân địch tái chiếm. Các cơ sở bí mật của cách mạng đã bị phá vỡ. Lực lượng du kích rất mỏng, lại bị phân tán. Kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm, độc ác trong việc săn lùng bắt bớ. Trong suốt quá trình 5 tháng về lăn lộn ở vùng địch để thực hiện nhiệm vụ này, đã có 6 trên 10 đồng chí của Phân đội trinh sát hy sinh.
Khi đọc Hồi ký và tìm hiểu cụ thể về anh Lê Huy Mai, tôi có một điều băn khoăn, trăn trở là tại sao một con người có bề dày thành tích, lập được nhiều chiến công xuất sắc đến như vậy mà chưa được tuyên dương Anh hùng LLVTND.  
Thông thường thì, đối với người đọc nói chung và những người đã trải qua những năm tháng chiến tranh nói riêng, thì điều hấp dẫn đích thực của Hồi ký trong chiến đấu phải là sự trung thực, khách quan của tác giả khi kể lại, tả lại các sự kiện, các trận chiến đấu. Không ai được hư cấu khi viết hồi ký. Rồi nữa, dẫu là nhân vật trung tâm, đóng vai trò là người dẫn chuyện, nhưng tác giả không bao giờ được đề cao cái tôi trong tất cả mọi chuyện. Cuốn hồi ký “Từ châu thổ sông Hông đến sông Hương xứ Huế ” của anh Lê Huy Mai được viết bởi chính người trong cuộc với ngồn ngộn tư liệu, con người, sự việc được trình bày một cách chân thực, trần trụi, sinh động và thật như nó vốn có. Không tô hồng và cũng không có ý làm văn, không nặng về câu chữ. Bằng lối viết dung dị, chân thực, sinh động, phong phú, rất hấp dẫn đối với người đọc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã kết thúc hơn 40 năm. Trong nhiều năm qua, đồng thời với các tác phẩm văn học nghệ thuật,  nhiều tập hồi ký đã tái hiện một cách sinh động, chân thực, hấp dẫn về cuộc chiến đấu trường kỳ, quyết liệt, gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta. Trước hết, đó là những lời tri ân đối với sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ; là sự phản ánh phong phú trên từng góc nhìn về một thời kỳ lịch sử vẻ vang; Đồng thời, qua đây góp phần cung cấp cho bạn đọc những điều cần thiết. Với suy nghĩ đó, tôi cho rằng, Hồi ký “ Từ châu thổ Sông Hông đến sông Hương xứ Huế ” của anh Lê Huy Mai là một cuốn sách quí!
Tôi quan niệm cuốn Hồi ký “ Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế ” vừa là bản trích yếu lý lịch bằng văn chương của Thiếu tướng Lê Huy Mai trên những nẻo đường quân ngũ, vừa là đứa con tinh thần quý báu của anh trao lại cho đời, cho gia đình, đồng đội, bạn bè và bạn đọc xa gần.
Với tư cách là đồng đội cùng đơn vị cũ - được coi như một nhân chứng của một thời sôi động đầy gian khổ hy sinh mà ấm áp tình người - tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Hồi ký của Thiếu tướng Lê Huy Mai.

Mỹ Đình, rằm Tháng Chạp năm Đinh Dậu


                         N M Đ       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét