TẬP THƠ LÀ CẢ MỘT TẤM LÒNG
Nguyễn
Mạnh Đẩu
Với sự đồng cảm
thân quý, trong Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐNDVN, 22/12/2017, tại Tổng
công ty 36 Bộ Quốc phòng, Đại tá PGS TS Vũ Đăng Hiến chuyển tôi bản thảo tập
thơ mang tựa đề “ MÀU CÁT TUỔI THƠ ” của anh. Và anh tin tưởng đề nghị tôi viết
Lời Giới Thiệu trước khi gửi đến Nhà xuất bản. Tôi thật sự lo lắng khả năng văn
chương hạn chế của mình khi đặt bút viết về tập thơ của anh. Tôi đã dành thời
gian đọc kỹ bản thảo dày 125 trang với 120 bài thơ khá hay do anh chọn lựa
trong số bài viết từ nhiều năm trước, gồm nhiều chủ đề và nhiều thể loại thi
pháp.
Vũ Đăng Hiến
sinh ra ở làng Long Trảo ( Nghi Khánh, Nghi Lộc, Nghệ An ) - một làng có truyền
thống lịch sử văn hóa và hiếu học - cách làng Đại Xá quê tôi chỉ một cánh đồng.
Lớn lên từ một miền quê bên bờ biển Cửa Lò chất đầy kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với
cát trắng. Phải chăng vì thế mà Vũ Đăng Hiến đã chọn tên tập thơ là MÀU CÁT TUỔI
THƠ. Cũng như ngay từ đầu sách, tác giả giả đã đưa ra Lời nguyện : “ Tôi xin nguyện mãi là hạt cát / Gửi mình
nơi bãi biển quê hương / Để sớm tối rì rào nghe biển hát / Câu dặm quê nhà muối
mặn, gừng cay”.
Năm 1974, tròn
20 tuổi, Vũ Đăng Hiến lên đường tòng quân vào chiến đấu ở chiến trường miền
Nam, tiếp đến là chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Cămpuchia, rồi sau
đó được tuyển chọn về Hà Nội đào tạo Sĩ quan chỉ huy tham mưu Học viện Hậu cần
Bộ Quốc phòng. Với phẩm chất tốt, được rèn luyện thử thách qua thực tiễn chiến
đấu, lại có kết quả tốt nghiệp thuộc loại giỏi, anh được giữ làm Giảng viên, rồi
từng bước trưởng thành lên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hậu cần quân sự. Qua
tuổi học trò trên quê hương yêu dấu, rồi 40 năm trong binh nghiệp - từ chiến trường
đến nhà trường - tạo nên cho Vũ Đăng Hiến chất liệu một cuộc sống sôi động,
phong phú, thi vị và được anh đã chắt lọc gửi gắm vào những trang thơ hào sảng,
thi vị, trữ tình.
Thơ là tiếng
nói của cõi lòng được chắt ra, thốt lên từ trong sâu thẳm nội tâm của tác giả
nhằm sẻ chia như một điều tâm tình với người thân, bè bạn và công chúng. Đó là nhu
cầu tự nhiên của những người làm thơ, Vũ Đăng Hiến không là ngoại lệ. Sự đa cảm
của tâm hồn thi nhân giao hòa với với cảnh vật tạo nên những bài thơ hay. Thơ
Vũ Đăng Hiến là tiếng nói của tình yêu chân thành đối với gia đình, quê hương,
đất nước. Mà trước hết, ấn tượng sâu đậm nhất là sự thi vị của tình yêu lứa đôi
nồng nàn, mãnh liệt, đắm say.
Dẫu xa quê hơn
40 năm trời gắn với cuộc đời binh nghiệp, nhưng hồn thơ của anh vẫn luôn đau
đáu hướng về gia đình và quê hương yêu dấu. Ở đời, con người ta có quyền chọn lựa
nhiều thứ, nhưng có hai thứ do tạo hóa sắp đặt ban phát không ai có thể chọn lựa
được, đó là: Cha mẹ và Quê hương. Chính vì vậy, đức hiếu nghĩa với cha mẹ và
tình yêu đối với quê hương là nền tảng cội nguồn cảm hứng của Vũ Đăng Hiến. Anh
đã dành những vần thơ da diết, thiết tha và trữ tình khi khi viết cha mẹ và quê
hương mình:
“ Một cội tám cành hoa trái ngọt / Ba miền
sum họp giữa ngày xuân / Cung chúc Thung - Huyên tuổi thất tuần / Trường thọ
khang sinh mãi mãi xuân”.
( MỪNG MẸ CHA
TUỔI BAY MƯƠI )
“ Cha nằm trên đất quê nhà / Bao vòng hao đã
làm nhòa mắt con / Chẳng tin cha mất hay còn / Nỗi đau cha mất héo hon cuộc đời
/ Nỗi buồn lãnh lẽo chơi vơi / Đường quê cát bỏng giữa trời nắng mưa”. “ Cúi đầu
thắp một nén nhang / Mong cha phù hộ trên ngàn bước đi”.
( KHÓC CHA )
“ Tuổi thơ nghe tiếng mẹ ru / Ầu ơ cánh võng
những trưa gió lào / Một đời vất vả gian lao / Còng lưng trên ruộng cùng bao việc
nhà / Nghe trong khúc hát dân ca / Cánh cò lặn lội đồng xa đồng gần / Vai gầy mẹ
gánh gia truân / Tiễn con ra trân mấy lần mẹ ơi / Con đi khắp bốn phương trời /
Mới về bên mẹ nghe lời mẹ ru / Còn đâu cánh võng tuổi thơ / Nằm trong ký ức bao
giờ nhạt phai”.
( TÌNH MẸ )
“ Cửa Lò chiều nay biển dâng nỗi nhớ / Câu
hát xưa …mô tê, răng rứa…/ Tôi đi tìm điệu ví dặm thương nhau / Bao năm rồi em
phiêu dạt nơi đâu / Để con sóng bạc đầu thương nhớ / Chuyện nhân gian chuyến đò
xưa cách trở / Trái tim ngủ quên tình yêu đâu còn nữa / Anh trở về sau bao cuộc
bể dâu / Trái tim ngủ quên, trái tim bừng tỉnh dậy / Hạnh phúc về bên cửa sổ nhỏ
nhoi”.
(CHIỀU CỬA LÒ )
Cũng như mọi loại
hình văn học, thơ là sự phản ảnh hiện thực đời sống muôn màu, muôn vẻ. Trong tập
thơ của Vũ Đăng Hiến chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh, nhiều tình cảnh. Từ ngày
bước chân vào quân ngũ, giống như tâm trạng của bao chàng lính trẻ xếp bút
nghiên lên đường chiến đấu, Vũ Đăng Hiến đã có bài thơ ghi lại cảm xúc của mình
:
“ Đêm nằm thương mẹ nhớ cha / Rì rào con sóng
mơ xa vọng vể / Ra đi nặng một lời thề / Miền nam giải phóng mới về quê hương /
Đêm nay ngủ lại Trường Sơn / Chập chờn tỉnh giấc con đường còn xa …”.
( NGÀY NHẬP NGŨ
)
Sau khi kết kết
thúc chiến tranh, tác giả có dịp trở lại thăm trận địa cũ:
“ Tôi về thăm trận địa năm xưa / Nay bát
ngát xanh vùng kinh tế mới / Ôi đã qua những ngày lửa khói / Đã qua rồi ngủ đất
nằm sương / Nghe xôn xao những kỷ niệm chiến trường”.
( THĂM LẠI TRẬN
ĐỊA CŨ )
Tác giả đã dành
nhiều bài thơ viết về bạn học, về ngôi trường, về thầy cô giáo cũ trong những lần
gặp lại:
“ Ba mươi năm tạm chia ly / Để cho lòng biển
lắm khi vơi đầy / Gặp nhau tay nắm trong tay / Kể cho nhau chuyện tháng ngày
chia xa / Chuyện công tác chuyện cửa nhà / Chuyện con ăn học, lên bà - lên ông
/ Chúc nhau một chén rượu nồng / Chúc thầy, chúc bạn khỏe không tuổi già / Ngày
mai ta lại tạm xa / Hẹn ngày gặp lại quê nhà Hè sau”.
( NGÀY GẶP LẠI
)
“ Đã đi gần trọn cuộc đời / Để nay gặp lại
bao người mến thương / Lớn lên từ một mái trường / Lắng sau trong mỗi bước đường
ta đi / Biển xưa đã nói những gì / Để bao con song mãi đi tìm bờ / Vẫn màu cát
trắng tuổi thơ / Thắm tình bè bạn bao giờ nhạt phai / Thời gian như giấc mơ dài
/ Hỏi lòng ai đã nhớ ai bao lần !”.
( MÀU CÁT TUỔI THƠ )
Thông qua cuộc
sống, Vũ Đăng Hiến luôn giao cảm với ngoại cảnh. Những mảng màu chất liệu phong
phú, đa dạng của cuộc sống được chắt lọc qua lăng kính tâm hồn của anh đã bừng
lên lấp lánh những giá trị nhân văn, thấm đượm tình người.
“ Đảo Ngư ơi, hòn ngọc quê hương ơi / Xanh
xanh ngát màu đất trời xứ Nghệ / Trăng bồng bềnh trăng rơi nghiêng thế / Thêm
nao lòng người con ở phương xa / Trăng nhô lên từ hòn đảo quê nhà / Để thêm đẹp
quê hương mình Cửa Lò, Cửa Hội”.
( ĐÊM CỬA LÒ )
“ Tôi đến Viên Chăn làm sao đi hết được / Dọc
chiều dài đất nước triệu voi / Viết mấy câu sao nói hết chuyện đời / Cảm nhận
Viên Chăn một thời để nhớ”.
(CẢM NHẬN VIÊN
CHĂN )
“ Tôi về thăm Đồng Lộc / Giữa trưa hè Tháng
ngâu / Gió lào tung bụi đỏ / Thêm nghĩa nặng tình sâu … Bốn mươi năm qua mau /
Bao mùa thông thay lá / Mùa bồ kết trổ bông / Hương thơm ngát núi rừng. Đồi
thông ngày đêm hát / Dịu dàng trong tiếng nhạc / Điệu ví và lời ru / Để người
yên giấc ngàn thu”.
(THĂM NGÃ BA ĐỒNG
LỘC)
Thơ là kết tinh
của cảm xúc thăng hoa xuất thần trong tâm hồn được thể hiện bằng ngôn từ trau
chuốt, chuẩn xác, tinh tế của tác giả tạo ra giá trị nghệ thuật. Thơ là tiếng
hát cuộc đời của mỗi con người. Qua thơ Vũ Đăng Hiến, làm chúng ta thêm thêm
yêu, thêm gắn bó với cuộc sống.
“ Biển đang lặng mong trời đừng nổi giận / Đẩy
thuyền xô mặt biển sóng ồn ào / Bến cũ thuyền xưa dây đã buộc sào / Xin hãy để
thuyền neo cùng với biển…”.
(THUYỀN VÀ BẾN)
“ Nghe em hát mênh mang điệu ví / Để lòng
anh cứ thế xốn xang / Đục con nước dòng Lam / Đục trong câu dặm nặng lòng người
ơi”.
( NGỌT TRONG DIỆU
VÍ DẶM QUÊ MÌNH )
“ Đừng lỡ hẹn, người ơi đừng lỡ hẹn / Để bến
sông cứ đợi mãi con đò / Và đêm dài cứ sống mãi trong mơ / Về đi em, con sông
quê vẫn nhớ”
( XIN ĐỪNG LỠ HẸN
)
Bên cạnh những
bài thơ trữ tình, Vũ Đăng Hiến còn có những bài thơ nói lên sự day dứt trăn trở
trước nhân tình thế thái.
“ Đất nước mình có phức tạp lắm không / Từ bộ,
ngành xuống đến địa phương / Chưa hết chuyện này đã sang sang chuyện khác / Mời
gọi đầu tư mang về bao thứ rác / Rác tư duy, rác công nghệ, rác hiện hữu, vô
hình … Chuyện tày đình là “ kế sách dụng binh” / Ba mươi tuổi, cha xếp con làm
ông này bà nọ / Thua lỗ kinh doanh bao nhiêu ngàn tỷ / Vẫn nghiễm nhiên làm
chưc nọ, quan kia / Phép nước coi khinh tham nhũng lọc lừa / Lợi ích nhóm tầm
cao, tầm thấp …”.
( BUỒN VUI THẾ
THÁI NHÂN TÌNH )
“ Lũ bành trướng muốn gì trên biển / Mà hung
hăng hiếu chiến lắm thay / Giàn khoan, tàu chiến, máy bay / Vòi rồng, va húc, bủa
vây bốn bề …/ Bất nhân đạo đức chó dê / Bá quyền bàn trướng vồn nghề xưa nay …
Ngàn năm vẫn một lời thề / Biển Đông máu thịt muôn người Việt Nam”.
( TIẾNG GỌI BIỂN
ĐÔNG )
Thơ Vũ Đăng Hiến
có nhiều cung bậc cảm xúc hòa quyện tự nhiên với nhau mà trong cung bậc nào
cũng thăng hoa đến tận cùng. Là âm điệu trữ tình khi viết về quê hương, gia
đình và tình yêu đối lứa. Hoặc là những âm điệu tráng ca, hảo sáng khi viết về
cuộc sống đời quân ngũ, về tình đồng đội. Và có khi là những cảm xúc suy tư đượm
màu sắc triết lý nhân sinh.
“ Đau nhói vết thương xưa / Ký ức chiến
tranh một thời máu lửa / Tuổi thanh xuân ra đi từ đó / Để lại cho đời một khúc
tráng ca / Mười ba cô gái tuổi mười tám, đôi mươi / Thành bất tử hóa thân vào đất
mẹ … Trận địa xưa, nay thành khu tưởng niệm / Tiếng chuông ngân trong gió thu về”.
( VỀ TRUÔNG BỒN
)
“ Mưa tháng năm cho nỗi nhớ bâng khuâng /
Xua chút lạnh Nàng Bân còn đọng lại / Ngày gặp lại trong cơn mưa mùa Hạ / Tay
trong tay đội chung nón đi về . Giờ em đã qua bao cơn mưa trong đời / Từng khát
cháy lời yêu trên môi ướt nhẹ / Em đã đi qua bao mùa không mưa lạnh/ Kỷ niệm tuổi
học trò đẹp lắm anh ơi”.
( KỶ NIỆM THÁNG
NĂM )
“ Lũ con trai yêu bừng đôi mắt / Cái dáng bề
ngoài làm ngây ngất con tim / Tụi con gái yêu bằng cái tai / Lời nói ngọt ngào
xiêu lòng phái đẹp … Nghịch lý tình yêu như đôi dòng sông mát / Bao cuộc tình đắng
cay cũng vì tai - mắt / Triết lý cuộc đời như ngõ nhỏ ta qua”.
( NGHỊCH LÝ
TÌNH YÊU )
“ Người khôn tìm chỗ để ngồi / Tìm sông để tắm,
tìm người gửi trao / Trăm năm làm phận má đào / Khôn ngoan chi lắm cho đào phôi
phai … Chi bằng nhóm lửa tối - mai / Cơm ngon canh ngọt cho ai quý mình …”.
( LỜI KHUYÊN )
“ Một thuyền một bến một dòng sông / Mà sao
nghiêng ngả đôi dòng thuyền ơi / Sướng vui một kiếp làm người / Đục trong, nông
cạn ai người đếm đong / Mong sao thuyền cứ xuôi dòng / Bên ni, bên nớ nhớ mong
tháng ngày”.
( SÔNG VÀ THUYỀN
)
“ Cuối đông cái rét về tê tái / Mấy giọt mưa
dăng níu chân người / Thương ai thao thức đêm không ngủ / Để lòng vương vấn mãi
không thôi”
( CUỐI ĐÔNG )
“ Lời yêu em gửi tặng anh / Bởi yêu nên mới
ngọt lành lời ru / Lời ru tiếng mẹ trong mưa / Tiếng cha trong gió bốn mùa
thoáng qua / Dịu dàng như điệu dân ca / Trong như giọt nước mưa sa quê mình / Dịu
dàng em gửi trao anh / Dịu dàng muôn thuở ngọt lành lời ru”.
( DỊU DÀNG LỜI
YÊU )
Với tính đa dạng
của đề tài, súc tích về ngôn từ, trong sáng về tư duy và phương pháp diễn đạt,
có tính khái quát hình tượng văn học tinh tế mà dung dị, sống động, giàu tình cảm,
tập thơ của Vũ Đăng Hiến chắc chắn được người thân, bạn bè và bạn đọc quý mến.
Theo cảm nhận của
tôi, tập thơ MÀU CÁT TUỔI THƠ là cả tấm lòng sâu lắng nặng tình, nặng nghĩa của
Đại tá PGS TS Vũ Đăng Hiến đối với cuộc đời trên từng bình diện.
Xin trân trọng
giới thiệu với bạn đọc xa gần.
Mỹ Đình, Tháng
Chạp năm Đinh Dậu
N M Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét