LỜI BÌNH VỀ MỘT TẬP THƠ
Cô Lưu Hồng cựu giáo viên chuyên văn Trung học phổ thông
ở Từ Sơn - Bắc Ninh là người làm thơ hay, đã in thành tập. Cô ấy đã viết Lời
bình cho một số tập thơ của những người thân quí. Tôi quen cô Lưu Hồng qua bạn
tôi - Nhà báo Lưu Kha ( anh ruột cô ấy ) - và thông qua những bài viết trên Facebook.
Bởi
thế, tôi chuyển tập bản thảo “ Chuyến tàu đời ”, nhờ cô đọc và viết hộ đôi lời
cảm nhận.
Xin chân thành cảm ơn cô Lưu Hồng đã dành tâm trí cho tập
thơ của tôi.
Bài viết dưới đây đã được cô Lưu Hồng đăng lên Facebook.
Mặc dù còn là sớm, nhưng tôi cũng xin trình bạn đọc Blog và bạn đọc Facebook.
MẤY CẢM
NGHĨ VỀ TẬP THƠ '' CHUYẾN TÀU ĐỜI ''
Lưu Hồng
Nhận
được tập thơ '' Chuyến tàu đời ''
của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu từ khi còn là bản thảo, tôi có phần ngần ngại vì
thơ anh triết lí thâm sâu mà vốn sống của tôi không nhiều. Mới quen biết anh
một năm, chủ yếu ''gặp gỡ '' trên Facebook nhưng tôi vô cùng khâm phục anh - một
con người thành đạt mà rất gần gũi, chân tình, bình dị.
Anh
thiên về mảng văn xuôi hơn, nhưng do vốn sống, chất liệu cuộc sống trong anh
ngồn ngộn nên thơ anh đã cho người đọc những điều thú vị và học hỏi được nhiều
điều. Đằng sau những câu chữ mộc mac ấy là một nhân cách, một tấm lòng đáng
trân trọng.
1 -
Là một người lính hiện còn viên đạn nằm trong phổi nên ''Chuyến tàu đời '' không thể thiếu đề
tài chiến tranh và hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.
Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn chục năm
nhưng vết thương thì vẫn còn hiện hữu: ''
Chiến tranh chém vào thân ta / Trọn đời thành thương tật / thành cái dấu gạch
ngang / Bước ngoặt / Giữa trang đơi!'' ( Thao thức )
Là người giàu đức hi sinh, tình cảm sâu
nặng nên mỗi lần vết thương đau nhức khi trái gió trở trời, đau đến ''thức tròn canh'' nhưng anh không than
thở mà thấy mình còn may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh: ''Nhớ bao đứa bạn cùng trang lứa / Chẳng có
ngày về để thức đâu'' ( Đêm không ngủ). Hoặc: ''Thuở cả nước hành quân ra trận / Mất mát, hi sinh đâu chỉ có riêng
mình'' (Ngày thương binh).
Thơ anh, nếu đọc thoáng qua dễ bỏ những
bài ngôn ngữ nôm na, giọng thơ như kể. Nhưng chính những bài thơ ấy khiến ta
phải lặng đi vì nhói đau: ''Con hỏi thuở
ở chiến trường / Đồng đội và ba ước điều gì nhất / Trước khi vào trận giành
từng thước đất / Bạn ba ước điều được bữa cơm no / Tự tay mẹ nấu trong khói lam
chiều / Điều ước chỉ có bấy nhiêu / Vẫn không thành sự thật / Trận đánh thắng
to / Nhưng anh ấy không về ''.
Lúc nào cũng nghĩ đồng đội thiệt thòi
hơn mình nên khi nghỉ hưu anh đã thực hiện nỗi niềm cánh cánh bên lòng, đó là
trở lại chiến trường xưa tri ân với đồng đội.
Thăm thành Huế anh bồi hồi xúc động: ''Mấy mươi năm thể phách cát bụi đường trần
/ Hồn thiêng các anh có về đây từ cõi Phật '' ( Thành Huế )
Trở lại Quảng Trị trong hoàn cảnh ''nhân
tình thế thái đa đoan'', anh muốn khóc cật vấn đời. Cái sự khóc không nước mắt
của người đàn ông - người lính nó ám ảnh vô cùng: '' Hiển hiện trong lòng / Những gương mặt người đã khuất / Ngước mắt
cật vấn / Đâu dễ trả lời '' (Quảng Trị)
Trải qua những năm tháng chiến trận, anh
thấu hiểu tình đồng đội đẹp đẽ, thiêng liêng biết nhường nào. Vì vậy, sau này
khi đảm nhận những cương vị cao hơn, anh vẫn sống bình dị, trân quý nhau: ''Cựu chiến binh mỗi bận đoàn viên/ Không
phân biệt sang hèn, ngôi thứ / Cùng hoài niệm chặng đường một thuở / Lòng rưng
rưng bao đứa bạn không về'' ( Đồng đội )
2 - Cuối năm 1964, anh trốn gia đình đi
bộ đội khi chưa đủ tuổi Nghĩa vụ quân sự. Lúc trở về mẹ lại không còn. Vì thế
thơ anh cũng thấm đẫm tình cảm gia đình, quê hương.
Nghĩ về ngày sinh của mình, anh nhớ
thương mẹ mất sớm: ''Thời gian trôi suốt
mấy chục năm trời / Chẳng nguôi quên những trưa hè nắng nóng / Lời mẹ ru ngọt
ngào bên cánh võng / Đằm thắm, nhặt khoan trong êm ả ầu ơ...'' (Mùa Thu năm
Mậu Tí ).
Anh tự hào về cha - người nông dân mặc
áo lính: '' Một cuộc đời không chức tước
vàng son / Với cháu con, ông là người vĩ đại nhất'' ( Cha tôi ).
Bây giờ cuộc sống của anh đã ổn định ở Hà Nội với con cháu đề
huề, phương trưởng. Dù sắp bước sang tuổi ''xưa nay hiếm'', anh không ngần ngài
sức khỏe đã giảm sút vẫn nhiều lần về quê thăm hỏi họ hàng, làng xóm, Vẫn theo
dõi từng bước đi của quê hương nghèo khó, gian truân. Và anh luôn biết ơn mảnh
đất quê hương đã sinh dưỡng anh trưởng thành, dù thời gian anh sống ở quê không
nhiều: ''Ngõ xóm đường thôn bao kí ức
đong đầy / In bước chân con từ ngày thơ ấu / Những cánh đồng đã qua mùa gặt hái
/ Hơi ấm quê nhà theo con đến muôn nơi'' (Về quê)
3 - ''
Chuyến tàu đời '' không chỉ có đề
tài chiến tranh và tình yêu gia đình, quê hương mà còn đầy ắp những suy nghĩ,
chiêm nghiệm sự đời. Ở đó, ta bắt gặp những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Nguyễn Mạnh Đẩu là người luôn năng động.
Trong bài thơ '' Kí họa'' mang tính tự trào, ta thấy một ''anh lão'' vẫn '' ham chơi tennis '', vẫn '' đam mê xới cày trên cánh đồng chữ nghĩa'',
vẫn ''cầm vô lăng'' xe gia đình, ''vẫn náo nức quyện hòa / Giữa mọi cuộc vui
chung''.
Hãy cùng anh chiêm nghiệm về cuộc đời: '' Sân khấu - xã hội nhỏ / Xã hội - sân khấu
to / Cõi đời là vở kịch / Đan xen cảnh bi hài (Kịch đời). Anh tự nhủ phải
kiên định giữa dòng đời nghiêng ngả: ''
Dẫu đơn chiếc nhỏ nhoi / Chẳng nhạt nhòa trộn lẫn / Ta vẫn cứ là ta / Giữa muôn
vàn số phận''.
Đa dạng là thuộc tính của xã hội: ''Muôn người muôn nẻo nghĩ / Thiêng liêng,
thấp hèn, bất kể / Quyện xoắn vào nhau ''
Điều quan trọng '' ta vẫn là ta '', tức là ta vẫn giữ được nhân cách tốt đẹp vốn
có: lòng nhân hậu, đức hi sinh,... và nhất là sự khiêm nhường của một con người.
Càng khiêm nhường bao nhiêu, anh càng đẹp trong mắt mọi người bấy nhiêu: ''
Xin đừng giới thiệu dài dòng cấp hàm, chức tước / Cứ gọi chung Cựu chiến binh,
bộ đội Cụ Hồ là được / Hàm, chức là phương tiện chỉ huy thôi/ Cầm sổ hưu - dân
thứ thiệt rồi '' ( Giới thiệu )
4 - Sống luôn vận động mà vẫn thư thái,
ung dung. Quan tâm tới mọi diễn biến của nhân tình thế thái mà vẫn an nhiên, tự
tại. Điều đó không dễ dàng nhưng anh đã làm được. Thế nên, thơ anh còn có những
bài thật lãng mạn, yêu đời.
Một bông hoa ban tím trên ban công (
chắc là một kỉ niệm trong chuyến hồi du Tây Bắc ) bị bão vùi dập cũng được thu
vào ống kính của anh với lời chú thích bàng hoàng, luyến tiếc: ''Bông ban tím chỉ còn trong nỗi nhớ đong
đưa''.
Và đây nữa, màu thời gian của chiều thu
đầy cảm xúc: ''Dãy bằng lăng và hàng cây
cơm nguội / lá thưa dần lớp lớp chia ly / Giã biệt nhau trong tiếng gió thầm
thì / Khẽ rung lên một mối tình lưu luyến / Ngàn đời cây có bao giờ hết chuyện /
Hương tình yêu ngan ngát thu sang ''.
Khi tôi viết bài này, thì bản thảo '' Chuyến tàu đời '' đã được tác giả chuyển
đến nhà xuất bản để biên tập. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi còn một số bài nôm na
quá, còn vài câu chưa bắt vần hoặc chưa theo trật tự thể thơ nghe có phần rời
rạc. Nhưng '' Chuyến tàu đời '' được
viết bởi một người đã vào sinh ra tử ở chiến trường, đã trải qua bao cam go của
cuộc sống, đã từng có cương vị trong quân ngũ; một người có thế giới quan, nhân
sinh quan đúng đắn và đặc biệt là một tấm lòng nhân hâu, một tâm hồn phong phú.
Thế nên, '' Chuyến tàu đời '' của tác
giả Nguyễn Mạnh Đẩu không màu mè câu chữ, không lên gân cứng nhắc.
Đọc ''
Chuyến tàu đời '' chúng ta chiêm nghiệm được nhiều điều và tìm thấy được
một chút mình trong đó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét