Menu ngang

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

NGUYỄN XÍ LÀ THỦY TỔ CỦA NGUYỄN DU


N M Đ

( Bài viết dựa theo kết quả nghiên cứu của cụ Nguyễn Đình Triển, 92 tuổi, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Nghệ Tĩnh, cùng với Tham luận “ Nói thêm về cỗi nguồn họ Nguyễn Tiên Điền” của GS Nguyễn Đình Chú tại Hội thảo khoa học “ Nguyễn Du : Tiếp cận từ góc độ văn hóa” tổ chức tại Hà Tĩnh, năm 2013 ).

Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí ( 1397 - 1465 ) quê quán ở làng Thượng Xá ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ) Danh tướng kiệt xuất trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh; Đại thần suốt bốn triều Hậu Lê ( từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông ); Người chủ trì phò lập Lê Thánh Tông lên ngôi báu, mở ra một triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông được vinh danh là “ Người hai lần khai quốc “ xuất phát từ câu đối ban tặng của Lê Thánh Tông :” Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng “. 
Nguyễn Xí là Thủy tổ của họ Nguyễn Đình ở làng Thượng Xá. Theo Phả hệ đến nay có khoảng hơn 20 đời của 15 chi họ bắt nguồn từ 15 người con trai Nguyễn Xí.
Thời phong kiến việc phong tước được phân theo 5 bậc từ trên xuống dưới: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam. Tước Công lại chia làm hai cấp: Quốc Công ( cấp to nhất ) và Quận Công. Theo Gia phả họ Nguyễn Đình, trong vòng 500 năm ( tính từ 1428 đến 1928 ), dòng họ này có tới 413 vị được phong tước - Trong đó tước Công: 59 vị; tước Hầu: 179 vị ; tước Bá: 141 vị; tước Tử : 7 vị ; tước Nam: 37 vị. 
Nhà thờ Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp ( Nghi Lộc, Nghệ An ) là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. 
Đại thi hào Nguyễn Du (1766– 1820), là nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam; Ông được UNISCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Đại tư đồ ( Tể tướng ), tước Xuân Quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần (1740 - 1778), quê ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du ( Đông Ngàn ), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm ( kém chồng 32 tuổi sinh được năm con, bốn trai và một gái ).
Sử sách hầu như ít nói đến quê tổ của Đại thi hào Nguyễn Du. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 xuất bản năm 2007 viết là: “quê của Nguyễn Du tại làng Canh Hoạch, huyện Sơn Oai, trấn Sơn Nam ( Hà Tây ), sau di cư vào xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân ( Hà Tĩnh ), có truyền thống khoa bảng. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.
Gia phả hệ họ Nguyễn ở Tiên Điền, từ vị Khải tổ là cụ Nguyễn Nhiệm ( Nhậm ) đến Nguyễn Du là 7 đời: Nguyễn Nhiệm, Nguyễn Đức Hành ( Phương Trạch hầu ), Nguyễn Ôn, Nguyễn Thế, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm ( Xuân Quận công ), Nguyễn Du.
Về tổ tiên của họ Nguyễn ở Tiên Điền, mãi đến năm 1967, đại diện cho con cháu hậu duệ là Nguyễn Duật mới gửi thư và tìm cách nhận họ hàng tổ tông tại đất Thanh Oai - Hà Tây ( cũ ).
Thuở xa xưa, ngay gia đình Nguyễn Nghiễm và các con là Nguyễn Khản, Nguyễn Du sống tại đất Thăng Long cũng không rõ lai lịch để nhận tổ tông - Tuy từ Thăng Long về đất tổ Thanh Oai cũng chỉ một nửa ngày ngựa xe.
Và nữa, từ Tiên Điền ( Nghi Xuân, Hà Tĩnh ) đến Thượng Xá ( Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghê An) vốn cùng một phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, với cự ly khoảng 20 cây số. Nhưng từ thuở xưa, gia tộc Nguyễn Tiên Điền cũng không có mối liên hệ gì với Đại tôn Nguyễn Đình Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí có 15 người con trai. Từ người con cả là Nguyễn Sư Hồi đến người con út là Nguyễn Vân Trinh đều làm tướng lĩnh và quan giữ các chức vị quan trọng trong triều đình Hậu Lê. Hậu duệ của Nguyễn Xí định cư ở nhiều vùng trong nước.
Người con trai thứ 10 của Nguyễn Xí tên là Nguyễn Trọng Đạt sinh ra, lớn lên tại Kinh thành Thăng Long. Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Trọng Đạt xây dựng gia đình và định cư ở làng Tảo Dương, xã Cổ Hoạch, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Năm 1445, Nguyễn Trọng Đạt giữ chức Tín đạt đại phu, cầm quân theo cha tham gia đánh dẹp quân Chiêm Thành. Với chiến công to lớn, Nguyễn Trọng Đạt được thăng tước Tán trị công thần, Thượng tướng quân, Linh Quận công. Con trai ông là Nguyễn Đình Thủy vẫn ở lại làng Tảo Dương. 
Nguyễn Đình Thủy sinh Nguyễn Doãn Địch đậu Thám hoa năm 1481. Nguyễn Doãn Địch sinh Nguyễn Doãn Toại. Khi lớn lên, Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong, gia đình phải làm lều ra ở ngoài đồng nhằm cách ly với mọi người.

Người con trái thứ 2 của Nguyễn Xí tên là Nguyễn Bá Sương sinh ở Lam Sơn ( Thanh Hóa ), lớn lên tại Kinh thành Thăng Long. Ở tuổi niên thiếu, Nguyễn Bá Sương cùng học tập, vui chơi với con vua và con các đại thần trong triều đình. Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Bá Sương kết hôn với công chúa Lê Thị Ngọc Huyền con gái thứ 5 của Lê Lợi. ( Nguyễn Xí có hai người con trai làm rể của Lê Lợi là: Nguyễn Sư Hồi con cả và Nguyễn Bá Sương con thứ hai ). Nguyễn Bá Sương được triều đình bổ giữ chức Phò mã Đô úy, Nghiêm Võ Vệ, Đô Tổng binh sứ, Hành Thuận Hóa đạo. Trên cương vị này, Nguyễn Bá Sương đã lập nhiều công trạng to lớn. 
Nguyễn Bá Sương có con trai đầu là Nguyễn Bá Nhật thuở nhỏ học Trường Quốc tử giám. Lớn lên nối nghiệp ông cha, Nguyễn Bá Nhật làm quan trong triều, được sắc phong Thái bảo Huân quận công, Thượng tướng quân, Thượng đẳng công thần.
Nguyễn Bá Nhật có con là Nguyễn Bá Ký, sinh ra lớn lên ở Kinh thành Thăng Long, học Trường Quốc tử giám. Năm Kỷ Mùi (1463), Nguyễn Bá Ký đi thi Hội đậu Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được bổ làm quan giữ chức Suy trung công thần, Dực tiến phụ quốc, Thượng tướng quân, Thái bảo, Chiêu quận công. Ông xây dựng gia đình và định cư tại quê vợ là làng Canh Hoạch ( huyện Thanh Oai, Hà Nội ). Tại đây, ông đã mở ra tiểu chi họ Nguyễn Đình, Đại chi Hai, thuộc Đại tôn Thái sư Cương công Nguyễn Xí. Nối gót ông, suốt ba đời liên tiếp ( ông, cha, cháu ) đều đậu tiến sĩ và làm đại quan triều Hậu Lê.
Người con trai thứ 3 của Nguyễn Bá Ký tên lúc nhỏ là Nguyễn Hề. Năm Giáp Tuất ( 1514 ), Nguyễn Hề đi thi hội đậu Trạng nguyên. Khi bổ làm quan, ông được vua cho đổi tên là Nguyễn Đức Lượng. Nguyễn Đức Lượng thông minh tài giỏi, khi làm quan ông được người đời ca ngợi : “ Văn chương tột bậc nho khoa, tài giỏi tựa tùng bách, khí tiết như sương thu nắng lửa”.
Sau khi Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký qua đời, đến kỳ cát táng, con trai ông là Nguyễn Đức Lượng đã mời thầy địa lý người Tàu tìm chọn huyệt tốt. Được thầy địa lý chỉ dẫn, ông Nguyễn Đức Lượng định ngày cát táng mộ cha. 
Nhưng không ngờ khi ra xem thì trên phần đất ấy, gia đình Thám hoa Nguyễn Đình Địch ở làng Tảo Dương cạnh làng Canh Hoạch ( cùng xã Cổ Hoạch) đã dựng lều ở cách ly cho con trai là công tử Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong. Bởi thế, gia đình ông Nguyễn Đức Lượng nan giải, ngày đêm bàn tính kế sách. Trước tình cảnh đó, cô Nguyễn Thị Hiền con gái Tiến sĩ Nguyến Bá Ký, em gái ông Nguyễn Đức Lượng, xin gia đình tự nguyện ra chung sống với công tử Nguyễn Doãn Toại. Ý định ban đầu của cô là sẽ từng bước cảm hóa, vận động công tử dời lều sang chỗ khác để lấy huyệt đất cải táng cha mình. Ý nguyện của cô Nguyễn Thị Hiền được gia đình chấp thuận.
Được cô Nguyễn Thị Hiền ra làm bạn, công tử Nguyễn Doãn Toại rất mừng rỡ, thoát được cảnh cô đơn, buồn tủi. Nào ngờ, trong khoảng thời gian chung sống với nhau, từ chỗ cảm tình thấu hiểu nhau, đôi trai gái đã bén duyên thực lòng yêu nhau. Sau những ngày đêm mặn nồng ân ái, không may công tử bị cảm phòng mà chết. Quá lo lắng, cô Hiền chạy về cấp báo với gia đình. Ông Nguyễn Đức Lượng sang báo cho ông Nguyễn Doãn Địch. Hai bên đều là gia đình khoa bảng, nên việc bàn làm Lễ tang cho công tử Nguyễn Doãn Toại diễn ra thuận hòa trong tình thương và trách nhiệm. Sáng hôm sau, hai gia đình ra đồng làm Lễ tang thì thi hài công tử đã được mối xông lên thành mộ. Thấy vậy, hai gia đình cho rằng đây là điềm “Thiên táng” ( Trời định ). Tiếp đó, ông Nguyễn Đức Lượng đến báo với ông thầy địa lý người Tàu về sự việc xẩy ra. Thầy địa lý xem lại dằm đất và báo với ông Lượng: “ Ở đây ngoài huyệt chính còn có huyệt bàng ( huyệt bên cạnh ) cũng tốt không kém huyệt chính. Nghe theo thầy địa lý, ông Lượng đặt mộ cát táng cha mình bên cạnh mộ Nguyễn Doãn Toại. Hai ngôi mộ đó giữ được yên vị cho tới ngày nay và được gia tộc Nguyễn Bá Ký chăm lo tôn tạo ngày càng khang trang.
Sau khi công tử Nguyễn Doãn Toại qua đời, cô Nguyễn Thị Hiền vẫn ở nhà anh trai, không về bên gia đình Thám hoa Nguyễn Doãn Địch. Khi biết cô Nguyễn Thị Hiền đã có thai với công tử Nguyễn Doãn Toại, ông Nguyễn Đức Lượng đã dựng một ngôi nhà nhỏ đầu làng cho em gái ra ở riêng. Năm sau (1495) cô Nguyễn Thị Hiền sinh hạ một người con trai đặt tên là Nguyễn Đàm, sau đổi tên là Nguyễn Thiến. Lọt lòng mẹ, Nguyễn Thiến cứng cát khôi ngô, ai nấy đều mừng và ngày càng thương mến, giúp đỡ cho mẹ con cô. Mọi mặt sinh hoạt của mẹ con cô Nguyễn Thị Hiền đều do gia đình ông Nguyễn Đức Lượng chu cấp. 
Thời gian đó, ông Nguyễn Đức Lượng vừa dạy học tại gia vừa ôn bài chuẩn bị đi thi. Khi Nguyễn Thiến biết đi, hằng ngày mẹ đưa đến gửi cho cậu ( bác ) chăm sóc, chơi với học trò, tối mới đưa về. Thương mến cháu, ông Nguyễn Đức Lượng chăm sóc, bày dạy cháu từ tuổi ấu thơ. Lớn lên trong môi trường ấy, Nguyễn Thiến có chí ham học, tỏ ra thông minh khác thường.
Năm 1514, ông Nguyễn Đức Lượng đi dự thi Hội khoa Giáp Tuất triều vua Lê Tương Dực đậu “ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập kê, đệ nhất danh” ( tức Trạng nguyên ). Sau đó ông được bổ làm quan giữ chức “ Tả Thị lang, rồi thăng Thương thư Bộ Lễ, kiêm học sĩ”. Mặc dù ra làm quan, nhưng Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng vẫn chăm sóc dạy dỗ Nguyễn Thiến, cho cháu cùng theo học với con trai mình là Nguyễn Lễ Khang.
Năm 1532, Nguyễn Thiến đi dự thi Hội khoa Nhâm Thìn, triều Mạc Đăng Doanh, đậu “ Đệ nhất giáp cập kê, đệ nhất danh “ ( tức Trạng nguyên ), được bổ làm quan giữ chức “ Thượng thư Bộ Lễ, Ngự sử đài, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Thư quận công”.
Việc thi đậu Trang nguyên và làm quan đại thần của Nguyễn Thiến càng làm rạng danh cho chi họ Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký và làng Canh Hoạch, xã Cổ Hoạch. Trong một họ, một làng có hai Trạng nguyên, hai đại thần của triều đình là điều chưa trong cả nước vào thời điểm đó. Câu chuyện “ Trạng Cậu, Trạng Cháu” được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và ghi vào sử sách. 
Từ năm 1527, cuộc chiến tranh Lê - Mạc diễn ra. Lúc đầu nhiều con cháu hậu duệ công thần nhà Hậu Lê theo nhà Mạc. Nhưng sau đó nhận rõ lòng dạ Mạc Đăng Dung phản bội nhà Lê, nên có tư tưởng quay về với nhà Lê Trung hưng. Chú ruột Nguyễn Thiến là Nguyễn Kiều đang giữ chức Đặc vận công thần kiệt tiết tướng quân kỳ bài ty tướng sĩ Yên mỹ bá của triều đình nhà Mạc, vì để lộ tư tưởng phù Lê, bị Mạc Đăng Doanh buộc tội chết bằng hình phạt phải tự sát. Trước tình hình đó, em ông Nguyễn Kiều là Nguyễn Đình Tùng đang giữ chức Kiệt tiết tướng quân cấm vệ sự đô vệ hầu liền bỏ nhà Mạc, chạy trốn vào làng Đại Não ( Phật Não ), huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An ( nay là xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Hai người con của Nguyễn Kiều cũng trốn về ngụ ở làng Yên Lương ( nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) và xã Vĩnh Yên, tổng Yên Trường ( nay là phường Hưng Đông, thành phố Vinh ). 
Sau vụ Nguyễn Kiều bị sát hại, đến năm Tân Hợi ( 1551 ), Nguyễn Thiến đang giữ chức Thượng thư triều nhà Mạc cũng bị gian thần Phạm Giao dèm pha, vu tội mưu đồ phản nghịch. Bởi vậy, Mạc Phúc Nguyên cho quân lính đến vây bắt Nguyễn Thiến, nhưng nhờ được một số đại thần tin cẩn đưa quân đến giải thoát. Sau đó, Nguyễn Thiến cùng hai con là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miện đưa bản bộ và hơn 100 người trốn vào Thanh Hóa đầu hàng triều Lê - Trịnh. Nguyễn Thiến được vua Lê vui mừng tiếp đón, đãi ngộ, giao trọng trách tuyển chọn nhân tài cho triều đình. Con gái đầu của Nguyễn Thiến là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm trở thành vợ thứ 5 của Trịnh Kiểm.
Năm 1557, Nguyễn Thiến qua đời, Trịnh Kiểm thì ngày càng lấn át vua Lê. Năm biết tình hình này, Mạc Phúc Nguyên nhờ quốc sư Nguyễn Bỉnh Khiêm ( đậu Trạng nguyên sau Nguyễn Thiến một khóa và từng cùng Nguyễn Thiến làm quan trong triều Mạc) viết thư dụ hàng hai con trai của Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miện. Nhận được thư của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào lúc đang bất bình cao độ với Trịnh Kiểm, lại nể lời thầy học của mình, hai anh em Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đã bỏ triều đình Lê - Trịnh để về với nhà Mạc. Được triều đình nhà Mạc nhiệt liệt đón tiếp, Nguyễn Quyện từ tước Văn phái hầu của Lê - Trịnh được phong lên tước Thượng quân công; Nguyễn Miễn được phong tước Phù quận công. Con cái của hai ông cũng được phong chức tước cao. Con gái đầu của Nguyễn Quyện là Nguyễn Như Nguyệt trở thành vợ của Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc hưng thịnh lại. Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, Nguyễn Quyện trở thành người hùng, chỉ huy quân lính lập nhiều chiến công to lớn. Đương thời có câu : “ Quyện tồn Mạc tại / Quyện bại Mạc vong” ( Nguyễn Quyện còn thì nhà Mạc còn / Nguyễn Quyện bại thì nhà Mạc mất ). Nhưng đến năm 1592, Tiết chế Trịnh Tùng nối gót cha là Trịnh Kiểm mở cuộc tấn công đại qui mô vào sào huyệt nhà Mạc tại thừa tuyên Sơn Nam. Kết quả nhà Mạc đại bại. Nguyễn Miễn và hai con trai tử trận. Nguyễn Quyện bị quân Lê - Trịnh bắt giải về Lam Kinh ( Thanh Hóa ). Trịnh Tùng tự tay cởi trói và tiếp đãi trọng vọng, tuyên bố không lấy oán báo oán mà lấy ân báo ân, vì có cha là Nguyễn Thiến từng là trọng thần vương triều Lê - Trịnh, có chị gái là Phu nhân Trịnh Kiểm. Nhưng Nguyễn Quyện mặt đỏ bừng và dõng dạc nói: “ Tôi vì chúa Trịnh lộng hành, coi thường vua Lê, đối xử với mọi người không ra gì và nể lời khuyên của thầy học nên về lại với nhà Mạc, được nhà Mạc tri ân và đối đãi rất nồng hậu cho nên tôi phải lấy ân trả ân. Nay là bại tướng không còn kế sách gì nữa mà trông nom đất nước. Trời đã bỏ nhà Mạc, thì anh hùng cũng khó thi sức” ( Đại Việt thông sử ). Không dụ hàng được, Trịnh tùng đã sát hại ông và hai con trai là Nhuệ quận công Nguyễn Tín và Thọ nham hầu Nguyễn Thọ. Không những thế, Trịnh Tùng còn ra lệnh “ tru di diệt tộc” ( giết cả họ ). Sau sự kiện này, dòng họ Nguyễn Đình của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại làng Cảo Dương và làng Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai ( Hà Nội ) lâm vào tình cảnh bị xáo lộn. Tên họ Nguyễn Đình phải đổi thành Nguyễn Duy. Mộ chí của Thủy tổ là Điện tiền đô chỉ huy sứ Cấm y vệ kiểm Tổng tri Dương Võ bá Nguyễn Đình Thủy phải đổi thành mộ Nguyễn Quang Kính. Mộ của Thám hoa Nguyễn Doãn Địch đổi thành mộ Nguyễn Quang Cảnh. Đồ thờ bị đốt phá. Bia mộ bị cạo xóa. Làng Cảo Dương có họ Nguyễn Đình bị yểm long mạch.
Cho đến ngày chua Trịnh yếu thế, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm con gái Trạng nguyên Nguyễn Thiến mới dẫn dân hai làng Tảo Dương ( quê cha ) và làng Canh Hoạch ( quê mẹ ) ra Thăng Long dỡ dinh phủ chúa về dựng thành hai Đình làng và dựng Từ đường thơ tổ tiên dòng họ. Về sau, ông Nguyễn Duy Tài, hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Duy ( vốn là Nguyễn Đình ) đã truy tầm tu tập Gia phả dòng họ Nguyễn Duy. 
Cơn bão thế gian đã quật đổ tan tành một nhánh họ thuộc đại tộc Nguyễn Đình Thái sư Cương quốc công Nguyến Xí trên đất Tảo Dương và Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai ( Hà Nội ).
May thay có người con thứ ba của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm chạy trốn được về làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân để rồi tiếp nối di truyền sinh học, đặc biệt là di truyền văn hóa để có lại một dòng họ mà “ Bao giờ ngàn Hống hết cây / Sông Rum hết nước họ này hết quan”. Trong số đó có chú cháu là Nguyễn Du và Nguyễn Hành là hai trong “An Nam Ngũ Tuyệt” ( Ngũ Tuyệt bao gồm: Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích và Ngô Thời Vị ). Riêng Nguyễn Du là thiên tài, được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Và gần đây, năm 2015, được Unesco tổ chức kỉ niệm 250 năm sinh trên toàn thế giới.
Vậy là, nếu tính từ Nguyễn Nhiệm ( Nhậm ) là Khải tổ của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Đại thi hào Nguyễn Du là đời thứ 7. Nếu tính từ Nguyễn Thiến bắt đầu ở làng Tảo Dương và làng Canh Hoạch ( Thanh Oai - Hà Nội ) thì Đại thi hào Nguyễn Du là đời thứ 9. 
Như phần trên đã nói, Nguyễn Thiến là con của Nguyễn Doãn Toại ( cháu đời thứ 4 Nguyễn Trọng Đạt con trai thứ 10 Nguyễn Xí ) và Nguyễn Thị Hiền ( cháu đời thứ 4 Nguyễn Bá Sương con trai thứ 2 Nguyễn Xí ). Như vậy, theo phả hệ, Đại thi hào Nguyễn Du là cháu đời thứ 14 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét