Menu ngang

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

                       THAM GIA VÀI Ý KIẾN


                                                                                   N M Đ




               Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Sư đoàn 324 ( 1 / 7 / 1955 – 1 / 7 / 2015 ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp thân mật với đại diện cán bộ Sư đoàn qua các thời kỳ. Anh em trong Đoàn CCB Sư đoàn 324 và anh Lê Huy Mai, Trưởng đoàn, đề nghị tôi phát biểu. Chương trình thời sự VTV1 đã đưa tin về việc này.
Tôi xin đăng nguyên văn ý kiến để bạn bè tham khảo.

                  “ Kính thưa đồng chí Chủ tịch nước!
Kính thưa toàn thể các đồng chí !
Trước hết, tôi thật sự phấn khởi khi cùng các đồng đội CCB Sư đoàn 324 Anh hùng được đồng chí Chủ tịch dành thời gian tiếp. Về thành tích của Sư đoàn 324 chúng tôi, tôi nhất trí như bản bản báo cáo trung tâm của đồng chí Thiếu tướng Lê Huy Mai , Trưởng đoàn. Cần khẳng định là : Cống hiến, hy sinh của Sư đoàn 324 trong suốt 10 năm đánh Mỹ và 10 năm làm Nghĩa vụ quốc tế ở Lào là vô cùng to lớn. Tôi không nói lại, chỉ xin mượn hai câu thơ để nói về điều đó : “ Nếu tất cả những người đi trở lại / Sư đoàn tôi sẽ thành mấy Sư đoàn”.
                     Sau đây, tôi xin phát biểu vài ý kiến ngắn.
Trước hết phải khẳng định rằng : Thành tựu đạt được trong công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo trong 30 năm qua là rất to lớn. Thành tựu đó đã đưa Đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại mở rộng, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện hơn so với trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, qua theo dõi ở cơ sở, chúng tôi thấy có 2 vấn đề nổi cộm rất nhức nhối, lo lắng. Đó là hai lực cản lớn nhất trên con đường phát triển. Chính nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Hai vấn đề đó là : Tham nhũng và quan liêu.
          Thứ nhất, về Tham nhũng: Ai cũng nói tham nhũng là Quốc nạn, là nguy cơ tồn vong của Đảng, của chế độ. Đảng đã có nhiều NQ, Nhà nước đã có Luật Phòng chống tham nhũng, đã có biết bao văn bản, rất nhiều chiến dịch, triển khai nhiều giải pháp, thành lập nhiều cơ quan chuyên trách …Nhưng hầu như tham nhũng chẳng những không bị đẩy lùi mà còn phát triển hơn, qui mô lớn hơn, trắng trợn hơn, tinh vi hơn. Trong tham nhũng, thì có thể nói, tham nhũng cơ chế chính sách và tham nhũng chức quyền là nguy hại nhất. Tham nhũng cơ chế chính sách ở chỗ: Tạo ra cơ chế, chính sách để có thể lách được nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích. Tham nhũng chức quyền thì nguy hại ở chỗ là khe hở cho bọn nhiều tiền mà cơ hội, bất tài, thất đức, chui vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Và chắc chắn, khi đã chui vào rồi, bọn chúng sẽ là sâu dân mọt nước. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền khá phổ biến - nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Hiện tượng “ mua quan, bán tước ” dù không nói ra, nhưng thực tế thì phát triển trong cơ chế thị trường. Hiện tượng “ Thương mại hóa công tác cán bộ” khá phổ biến. Đến mức, người dân nói với nhau : Chức này chạy hết bao nhiêu, chức kia hết bao nhiêu. Vì sao vậy, chức quyền là phương tiện để khai thác lợi ích. Logic là : Có tiền là có chức, có chức là có quyền, và có quyền là có lợi ích. Khi đã đầu tư tiền để chạy được chức rồi - nghĩa là thắng thầu rồi - thì ngay lập tức bằng nhiều chiêu trò sử dụng cái chức ấy để khai thác kịp hoàn vốn và tạo ra sinh lời. Việc này, mọi người đều biết, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nói nhiều, tại sao không mấy chuyển biến.
Có thể nói, tham nhũng xuất phát từ bản năng con người, do đó, nó là sản phẩm tất yếu không mong muốn của mọi chế độ. Tính chất, mức độ, phạm vi khác nhau thôi, chứ tham nhũng luôn song hành cùng bộ máy nhà nước - bất kể chế độ chính trị nào. Vấn đề là, Đảng và Nhà nước ta cần tìm ra nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của Quốc nạn này để có kế sách đặc trị hiệu quả hơn. Tôi nghe nói, ở Singapore, từ thời ông Lý Quang Diệu đã thiết lập một cơ chế mà mọi người không cần tham nhũng và không thể tham nhũng được.
Hiện, có một hiện tượng mà nhiều người thật sự băn khoăn, bán tin bán nghi, khó phân biệt đúng sai: Đâu là sự tham nhũng đích thực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền. Và, đâu là luận điệu tuyên truyền chống phá, bôi nhọ của địch. Tôi xin khẳng định:“ Không bao giờ được nhân danh chống tham nhũng, chống tiêu cực, để ủng hộ, cổ súy và trở thành đồng minh không tự giác của bọn chống Đảng, chống chế độ. Ngược lại, cũng đừng bao giờ nhân danh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ để mà bao che cho các phần tử tiêu cực có chức có quyền trong Đảng”.
Thứ hai, về Quan liêu: Ngót bảy chục năm trước, từ năm 1947, trong tác phẩm “ Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã nhận ra và cảnh báo về sự quan liêu của đội ngũ cán bộ. Nhưng đến nay sự quan liêu lại gia tăng hơn ở mọi cấp, mọi ngành. Xa dân, xa thực tế, không chịu học tập, nghiên cứu, dẫn đến một số chủ trương, chính sách phi thực tế, tốn tiền của, bị nhân dân phản đối. Cấp càng cao, thì tác hại của sự quan liêu càng lớn do phạm vi ảnh hưởng của một chủ trương, chính sách, một việc làm sai. Theo tôi, phải chăng nguyên nhân của sự quan liêu là do bộ máy của chúng ta vừa cồng kềnh, không chuyên nghiệp, trình độ năng lực thấp, lại chủ quan thỏa mãn, nhiều tầng nấc trung gian, trùng lặp ( Ví dụ : Bên Nhà nước có bao nhiêu cơ quan chức năng, thì bên Đảng cũng có gần như ngần ấy có quan chức năng thích ), chồng lấn chức năng nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, và nhất là cơ chế, qui chế, qui trình vận hành không hợp lý, không khoa học. Thực tế là, ai cũng có quyền, cơ quan nào cũng có quyền mà chẳng ai chịu trách nhiệm cả!
Chúng ta cần có chế độ trách nhiệm đền bù thiệt hại đối với những việc làm sai gây hậu quả. Sự chế tài đền bù vật chất kèm theo chế tài hành chính, pháp luật, buộc khi ra các quyết định các cấp phải thận trọng. Và phải có địa chỉ cá nhân, cụ thể là ai. Việc này không nên nói tập thể chung chung, hòa cả làng, cuối cùng dân chịu cả mà thôi.
Xin hết, xin trân trọng cám ơn!”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét