THƯỢNG TƯỚNG TRẦN SÂM -
con người và sự nghiệp
N.M.Đ
Bộ Tổng Tham mưu họp bàn Phương án tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Từ phải sang trái : Trung tướng Vương Thừa Vũ, Thượng tướng Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) , Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Trần Sâm (sau này là Thượng tướng) ...Ảnh Tư liệu |
Những điều thôi thúc khi cầm bút
Sự tình cờ của số phận đã cho tôi được gặp ông lần đầu vào tháng 7 năm 1971 để sau này trở thành con rể trưởng của ông. Năm đó, tôi vừa 23 tuổi, là cán bộ cấp phân đội, chiến đấu bị thương nặng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tưởng chừng không qua nổi, khi lênh đênh trên võng cáng, khi lắc lư trên xe cứu thương dọc theo tuyến đường Trường Sơn được chuyển từ chiến trường tây Thừa Thiên đưa về cứu chữa ở Viện Quân y 108 - Hà Nội. Nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27 - 7, Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quân đội do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu đến thăm thương binh đang điều trị tại Viện Quân y 108. Tham gia Đoàn có ông Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày đó, ông chừng 50 tuổi, da dẻ hồng hào, gương mặt đẹp, cương nghị, phương phi, quắc thước, mắt to đen, cặp lông mày rậm hình lưỡi mác, thân hình cao to, rắn rỏi trong bộ quân phục xuân hè, quân hàm cấp Thiếu tướng cài trên ve áo. Khi vào phòng bệnh thăm thương binh, ông Trần Sâm đã cầm tay tôi rồi xem xét vết thương. Với chất giọng Quảng Trị đã pha tiếng phổ thông, trầm ấm truyền cảm, ông ân cần hỏi han tôi về gia đình, quê hương, đơn vị, tình huống chiến đấu bị thương,…Tôi thật sự xúc động trả lời ông, bởi đây là lần đầu tiên trong đời được một cán bộ cấp tướng thân tình đến thăm hỏi.
Tháng 4 năm 1972, sau khi lành vết thương, hết thời gian an dưỡng ở Đoàn 251 Quân khu Tả ngạn đóng tại Thị xã Hưng Yên, tôi được cấp trên điều động về công tác ở Cục Chính sách Tổng cục Chính trị. Ngày đó, tôi được biết ông Lê Tiến Phục Cục trưởng Cục Chính sách có chủ trương chọn về Cục những cán bộ đã trải qua chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, bởi họ có nhiều thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác chính sách. Bước ngoặt quân ngũ này trở thành lối rẽ lớn của cuộc đời tôi - Tôi có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với ông bà, được ông bà thương quý, và tôi đã quen biết, tìm hiểu và kết duyên với trưởng nữ của ông bà là Trần Thanh Liễu, bấy giờ là bác sĩ ở Quân y viện 354.
Trong đời sống tâm linh, tình cảm, “tứ thân phụ mẫu” là truyền thống văn hóa, đạo lý của người Việt. Vì thế, tôi quyết định phải có bài viết về ông. Với tôi, những trang viết này là nén hương thơm thành kính xin kính dâng lên hương hồn ông - người mà tôi trọn đời tôn quý, kính trọng trên nhiều phương diện - Tôi muốn những phẩm cách cao đẹp của ông mãi mãi là giá trị tinh thần, để con cháu trong gia đình, dòng họ tiếp tục kế thừa, tôn đắp, phát huy. Cũng có thể nó sẽ có được sự quan tâm, từ tình cảm của những người đọc có mối quan hệ quen thân, hoặc hiểu biết về cuộc đời ông.
Khi viết về ông trong lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc. Tôi tự nhắc mình cần phải tiết chế, cẩn trọng khi viết, không cuốn theo tình cảm để đảm bảo sự trung thực, khách quan. Với một góc nhìn và khả năng thể hiện hạn chế, tư liệu cũng không nhiều, tôi cố gắng phán ảnh được phần nào về nhân cách, trí tuệ trong cuộc đời và sự nghiệp sôi động, phong phú của ông. Được như thế là tôi thỏa mãn lắm rồi.
Một cuộc đời sôi động, phong phú
Năm 2007, tính tuổi ta, ông vừa tròn 90 tuổi, sức khỏe yếu, phải điều trị dài ngày tại Khoa A 11 Viện Quân y 175 ở thành phố Hồ Chí Minh. Đồng đội các thế hệ và anh chị em trong gia đình chúng tôi nhiều lần đề nghị với ông: cần viết hồi ký để lưu lại về cuộc đời hoạt động phong phú của ông. Đó là niềm tự hào, là tấm gương lớn cho con cháu và hậu thế của ông soi rọi, noi theo. Nhưng mọi lần đề nghị, ông đều từ chối. Ông nói đại ý rằng: Lịch sử dân tộc là thiên hồi ký vĩ đại, sâu sắc, chân thực nhất. Thắng lợi huy hoàng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước. Chiến công vẻ vang của toàn dân tộc trên từng trang lịch sử đã phần nào phản ánh sự đóng góp của từng con người theo góc độ, phạm vi, cương vị. Viết hồi ký là tự nói về mình. Bởi vậy, bất kỳ ai, cuối đời nhìn lại, nếu không tỉnh táo, khách quan, trung thực, thì hồi ký vô hình chung trở thành phương tiện phô trương, tâng bốc, quảng bá, kể công mình đối với sự nghiệp chung. Đó là một điều tối kỵ, tạo ra sự phản cảm của người đời.
Mãi về sau, trước đề nghị tha thiết của con cháu, ông nhận lời cho ghi chép lại hồi ký về cuộc đời mình với lời dặn dò là chỉ dành cho con cháu trong gia đình và người thân quí.
Đại tá Lê Hải Triều, cán bộ Nhà Xuất bản QĐND - người đã từng thể hiện thành công nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh đã giúp ông chấp bút cuốn hồi ký. Trong thời gian hơn một tuần lễ, anh Lê Hải Triều hàng ngày vào buồng bệnh Khoa A 11 Quân y viện 175 nghe ông hồi tưởng kể lại chi tiết từng chặng đường đời. Với sự nhiệt tâm của người cầm bút chuyên nghiệp, đến tháng 9 năm 2007 cuốn hồi ký “ Năm tháng cuộc đời ” của ông đã được Nhà Xuất bản QĐND phát hành.
Với 393 trang hồi ký dày dặn đã ghi lại khá trọn vẹn về cuộc đời ông. Ông sinh ngày 5 tháng 4 năm 1918, tuổi Mậu Ngọ, trong một gia đình nông dân, thợ thủ công, hiếu học và nền nếp. Quê hương ông soi bóng bên bờ sông Vĩnh Định trong xanh. Đó là làng Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - một miền quê gian khó, kiên cường, có truyền thống yêu nước và cách mạng, Song thân ông là cụ Trần Tước và cụ Lê Thị Cun. Cụ Trần Tước là con út trong một gia đình có 5 người con trai: Phát, Dương. Kiều, Chức, Tước. Thuở nhỏ cụ Trần Tước học chữ Hán, lớn lên vừa làm nghề nông vừa là một thợ nề giỏi. Cụ thường giữ vai trò thợ cả khi xây dựng các dinh thự, đền chùa, lăng tẩm ở Huế và Quảng Trị. Cụ Trần Tước có 5 người con trai: Hầu (Sâm), Khanh, Phán, Thừa, Thống.
Xuất thân từ tầng lớp bình dân, do muốn vượt qua cảnh bị áp bức, nghèo khổ, cũng như nhiều gia đình khác, khi đặt tên các con, các cụ đã ký thác vào đó một kỳ vọng và đồng thời cố gắng cho con ăn học.
Trong kháng chiến chống Pháp, các ông: Trần Sâm, Trần Khanh, Trần Phán, Trần Thừa đều tham gia quân đội. Ông Trần Phán gia nhập Trung đoàn 95, chiến đấu bị thương, đơn vị cho về gia đình dưỡng thương. Ngày 10/4/1947, giặc Pháp đi càn đã cho lính dã man xả súng bắn chết 115 người dân ở xóm Đò, làng Qui Thiện, huyện Hải Lăng, trong đó có hai anh em Trần Phán (18 tuổi) và Trần Thống (13 tuổi). Ông Trần Thừa làm Đại đội trưởng quân báo của Trung đoàn 95 đã anh dũng hy sinh ngày 1/2/1948 trong một trận chiến đấu quyết liệt. Quá đau đớn khi bị mất 3 người con trai trong vòng một năm, cụ bà Lê Thị Cun bị sụp bệnh và từ trần ngày 20 / 4/1948.
Năm 1951, khi Quảng Trị nằm trong vùng địch tạm chiếm, thân sinh của ông - cụ Trần Tước - không còn ai nương tựa, được tổ chức chuyển ra ở với ông (lúc này ông đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4) đóng quân trong nhà ông Lê Nam Thắng ( tức Nguyễn Đình Khiếng, lúc đó là Phó Tư lệnh Liên khu 4), tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tại đây, năm 1953, cụ Trần Tước từ trần. Lúc này, ông Trần Sâm đã chuyển ra công tác tại Bộ Tổng Tham mưu trên chiến khu Việt Bắc không thể về được. Gia đình ông Lê Nam Thắng và bà con địa phương đã giúp lo hậu sự cho cụ. Ngót 40 năm sau, tháng 4 năm 1991, ông Trần Sâm cùng tôi và cậu Trần Hùng (em vợ tôi) vào Nghệ An cất bốc đưa hài cốt của cụ Trần Tước về an táng tại quê nhà. Các bác lớn tuổi trong họ đã chỉ cho tôi bút tích bằng chữ Nho của cụ Trần Tước còn lưu lại trên nhiều bia mộ, lăng tẩm trong Nghĩa trang làng Duân Kinh. Đó là những dòng chữ chân phương, đường nét đẹp, tạc khắc vào các phiến đá xanh đã vẹt mòn dần theo thời gian.
Thời trẻ, ông Trần Sâm học tiểu học ở làng Duân Kinh, trường phủ (huyện) Triệu Phong rồi Trường Kỹ nghệ thực hành ( còn gọi là Trường Bách nghệ ) ở Huế. Là một thanh niên giác ngộ cách mạng từ rất sớm trong phong trào học sinh, năm 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng, làm giao liên bí mật vận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ của Đảng trên tuyến đường sắt từ miền Trung vào Sài Gòn. Tháng năm 1939, do có người cùng hoạt động phản bội khai báo, nên ông bị địch bắt tra tấn, thậm chí treo lên xà nhà hành hạ dã man. Nhưng ông một lòng trung kiên, chí cốt, không khuất phục.
Chính quyền thực dân xử án ông tại Nha Trang, lúc ấy ông mới 21 tuổi. Giữa đông đảo người chứng kiến phiên tòa, trước vành móng ngựa, ông đã dõng dạc tố cáo sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân đế quốc, đanh thép tuyên bố quyết tâm chí hướng làm cách mạng của một người cộng sản. Tòa án thực dân kết án ông 5 năm tù giam và đưa đi lưu đày ở nhà lao Buôn Mê Thuột. Hồi đó, cùng tù đày với ông tại Buôn Mê Thuột có nhiều chiến sĩ cách mạng: Hồ Tùng Mậu, Trương Văn Lĩnh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Chu Văn Biên, Nguyễn Côn, Nguyễn Chánh, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ, Trần Văn Bành, Nguyễn Đình Khiếng (Lê Nam Thắng), Đoàn Khuê, Trần Thanh Từ,…và nhiều người khác nữa. Trong số tù chính trị bị giam cầm, lưu đày tại đây có nhiều người bị bắt trong thời kỳ thoái trào của Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong lao tù, ông kiên quyết tham gia phong trào đấu tranh trước sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.
Ông thường kể, trong nhà tù đế quốc, chi bộ Đảng vẫn tranh thủ mọi điều kiện tổ chức học tập. Người giảng về lý luận chính trị là ông Hồ Tùng Mậu (quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cán bộ cựu trào, trung kiên, xuất sắc của Đảng. Người dạy về quân sự và võ thuật là ông Trương Văn Lĩnh (quê Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An) - người đã từng tốt nghiệp Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), là đảng viên Đảng ta đồng thời là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, giữ chức Cảnh sát trưởng Quảng Châu, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch phát hiện bắt trao cho thực dân Pháp đưa về Việt Nam giam giữ.
Năm 1943, ông mãn hạn tù. Hôm ấy, tên quản ngục người Pháp tên là Mốt- xít gọi ông lên nói: " Mày được tha rồi đấy. Đừng có dại làm cộng sản nữa mà mất đầu. Thiếu gì việc để làm. Đi dạy học hoặc đi làm thợ chẳng hạn". Chẳng thèm cãi lại nó, ông chỉ đáp: " Thế tôi được tự do rồi chứ?" rồi lẳng lặng đi ra. Ra tù nhưng ông vẫn bị quản thúc ở quê. Sau một thời gian tìm bắt liên lạc, ông lại bí mật tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Kiến thức và kinh nghiệm học được trong tù đã giúp ông rất nhiều điều trong vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.
Năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị. Khi tỉnh Quảng Trị giành được chính quyền, Ủy ban kháng chiến tỉnh thành lập, do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, ông Đặng Thí làm Phó chủ tịch, ông Trần Sâm được cử làm Ủy viên. Bố mẹ đặt tên ông là Trần Hầu. Thời kỳ hoạt động cách mạng trước năm 1945, ông lấy tên là Trần Bá, Trần Sam. Năm 1945, khi tham gia Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Trị có hai người tên Sam : Nguyễn Bá Sam và Trần Sam. Để thuận tiện trong giao tiếp, tổ chức đề nghị ông thêm dấu đổi chữ " a", thành chữ "â" thành Sâm. Và danh xưng Trần Sâm gắn với ông đến trọn đời.
Ngày 23/8/1945, tại Quảng Trị, Chi đội Giải phóng quân Thiện Thuật thành lập - sau đó đổi tên thành Trung đoàn 95. Đầu năm 1946, ông được giao giữ chức Chính ủy Trung đoàn cùng ông Hùng Việt (tức Đinh Huy Phan) Trung đoàn trưởng chỉ huy chiến đấu bảo vệ Quảng Trị.
Ngày 25/1/1947, quân Pháp ào ạt đánh chiếm đèo Vân Thủy rồi tràn vào chiếm vùng Cùa. Trước lực lượng vượt trội của quân Pháp, bộ đội ta với trang bị vũ khí thô sơ, lại chưa quen trận mạc, Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 95 đã bỏ Cùa chạy về phía sau. Trung đoàn trưởng Hùng Việt đùng đùng nổi giận, lệnh cho cán bộ từ Trung đội trưởng đến Tiểu đoàn trưởng xếp hàng trước sân vận động và lăm lăm khẩu súng lục trong tay, tuyên bố sẽ bắn những cán bộ chỉ huy vô kỷ luật, nhát gan, dẫn quân chạy địch. Lập tức, Chính ủy Trần Sâm ra trước hàng quân, nói to như ra lệnh: " Đồng chí Hùng Việt không được làm thế! Khuyết điểm của cán bộ, tổ chức sẽ tùy mức độ mà kỷ luật với từng người. Đồng chí cho anh em về tổ chức lại bộ đội. Tôi và đồng chí cùng vào Cùa đánh địch". Nghe ông Trần Sâm nói tổ chức sẽ kỷ luật, ông Hùng Việt hạ cơn nóng cho súng lục vào bao, nói: " Hôm nay, may có Chính ủy Trần Sâm, không thì các anh ăn đạn tôi rồi đấy. Tất cả về tổ chức bộ đội chuẩn bị đánh chiếm lại Cùa". Sáng ngày 8/3/1947, một rủi ro đã xảy ra trong khi Trung đoàn trưởng Hùng Việt trực tiếp hướng dẫn ba chiến sĩ chế biến quả đạn 75mm thành quả mìn diệt địch, quả đạn nổ trên tay khiến cả bốn người đều hy sinh. Để giữ bí mật với địch và không làm nao núng tinh thần bộ đội, ông Trần Sâm đã tập chữ ký của ông Hùng Việt khi ra lệnh cho các đơn vị. Cả mấy tháng trời, kẻ địch không hề biết và cả Trung đoàn đều tin là Trung đoàn trưởng Hùng Việt vẫn đang chỉ huy. Sau đó, cấp trên quyết định giao ông giữ chức Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 95 chỉ huy chiến đấu ở Thị xã Quảng Trị và Mặt trận Đưởng 9.
Tiếp đó, năm 1948, cấp trên điều động ông vào Thừa Thiên giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên. Trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, ông đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu nhiều trận. Đặc biệt là trận Hội Mít Lăng Cô, diễn ra ngày 12/1/1949, do ông trực tiếp chỉ huy phục kích tiêu diệt gọn cả đoàn tàu địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Trận đánh đó có sức cổ vũ mạnh mẽ quân dân toàn Liên khu 4. Sau này, được Từ điển Quân sự Việt Nam xếp vào những trận đánh tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp.
Tháng 10/1949, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào do ông Hà Văn Lâu làm Tư lệnh, ông Trần Quý Hai làm Chính ủy và ông Trần Sâm làm Phó Tư lệnh.
Tháng 10/1949, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào do ông Hà Văn Lâu làm Tư lệnh, ông Trần Quý Hai làm Chính ủy và ông Trần Sâm làm Phó Tư lệnh.
Tháng 12 năm 1950, khi mới 32 tuổi, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4. Năm 1953, cấp trên điều động ông lên Bộ Tổng Tham mưu, lúc này đang ở chiến khu Việt Bắc, giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Cục trưởng Quân lực kiêm Trưởng ban Quân lực Mặt trận, trong Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Đợt phong quân hàm năm 1958 của Quân đội, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1960, ông được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN. Tiếp đó, từ năm 1963 đến 1965, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Có thời kỳ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông còn được cấp trên phân công kiêm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương. Khi Bộ Quốc phòng thành lập Cục Nghiên cứu kỹ thuật quân sự ( sau đó đổi tên là Viện Kỹ thuật quân sự, và hiện nay là Viện Khoa học & Công nghệ quân sự ), ông được giao kiêm Cục trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài thời gian tham gia trực chỉ huy tác chiến ở Bộ Tổng tham mưu, ông là người giúp Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng về tổ chức biên chế lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân đội.
Thời chống Mỹ, ông đã nhiều lần tham gia Đoàn Chính phủ ta đi Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em ký kết Hiệp định viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự. Năm 1974, ông được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm Trung tướng. Từ năm 1976 đến năm 1982, ông được Trung ương điều động giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư. Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng ( 1976) ông được bầu vào BCH Trung ương. Cuối năm 1982, ông trở lại quân đội với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Đến năm 1986, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1996, khi đã tới 78 tuổi, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, ông thường xuyên quan tâm theo dõi, đau đáu tình cảm với quê hương. Ông đã gom góp dành dụm tiền lương hưu để tham gia Quỹ Khuyến học của địa phương; mua tặng bà con xã nhà : máy phát điện, hệ thống truyền thanh, bộ máy vi tính, tủ sách, giống cây trồng. Ông cùng anh em cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngồi xe tải đi từ Hà Nội qua hơn 600 trăm cây số chở máy phát điện, hệ thống truyền thanh về lắp đặt cho xã nhà.
Nhìn vào tiểu sử, có thể nói, ông là người đa năng lực. Trưởng thành qua hoạt động cách mạng từ năm 1937. Từ năm 1946 đến năm 1996, tròn 50 năm quân ngũ, ông đã trải qua các lĩnh vực : Chính trị, Quân sự , Hầu cần, Kỹ thuật, Kinh tế. Khi làm cán bộ Chính trị thì ông đã từng là Chính ủy Trung đoàn, Chính ủy Quân khu. Khi làm cán bộ Quân sự thì ông đã là: Trung đoàn trưởng, Phó tư lệnh Phân khu, Tư lệnh Quân khu, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn từng là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế…Rồi Bộ trưởng Bộ Vật tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Để đảm đương được các cương vị đó, phải là người có năng lực toàn diện.
Một người ham học tập,
nghiên cứu, ham đọc sách, thích thể thao
Sinh thời, Thượng tướng Trần Sâm vẫn nói với con cháu rằng, người gieo vào ông sự hiếu học là bố ông - cụ Trần Tước. Thuở nhỏ, sau khi học xong trường làng, ông được gia đình cho lên học ở trường phủ ( huyện ) Triệu Phong, cách nhà hơn 10 cây số. Có bà cô trong họ nhà gần trường, cho ông ở trọ. Nhà bà cô cũng nghèo. Tuy ở nhà cô nhưng gia đình thường xuyên phải chu cấp. Thế rồi, vào một buổi trưa, giữa mùa mưa lũ, nước sông Vĩnh Định dâng cao, bố ông đang cơi nới nền nhà chống lũ. Bất chợt nhìn ra cổng thấy ông lúc ấy mới hơn 10 tuổi, mình trần, vai khoác tay nải, đang bì bõm lội nước vào nhà. Bố ông chạy vội ra ôm chầm lấy con lo lắng thảng thốt, mưa lũ thế này con về làm gì, không sợ chết đuối à? Ông thưa với bố, nhà cô không còn gạo ăn nữa. Bố ông nghẹn ngào xuýt xoa, thôi con cứ lo ăn học cho giỏi, bố sẽ dỡ nhà lên phủ. Sau này con lên học trường tỉnh, bố cũng sẽ dỡ nhà theo lên tỉnh. Bố làm thợ nề, chỉ cần có đôi bàn tay và một cái bay, đi đến đâu cũng có thể làm nghề được.
Nói là làm. Hơn chục ngày sau, bố ông dỡ nhà lên phủ lỵ Triệu Phong đem theo cả vợ con. Nể phục sự hiếu học, đức độ và tay nghề của bố ông, người Đốc học trường phủ cho mượn một miếng đất sau trường để dựng nhà nuôi mấy người con ăn học. Bố ông lại tiếp tục làm thợ nề trong vùng. Mẹ ông thì mở quán bán cơm trưa cho học sinh.
Sau 6 năm học ở trường phủ, ông dự thi vào Trường Quốc học Huế. Bạn cùng lớp với ông có ông Trần Quỳnh (sau này là Phó chủ tịch Hội đồngg Bộ trưởng) thi đậu. Còn ông thi trượt môn vấn đáp tiếng Pháp. Ông chuyển sang thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (Trường Bách nghệ), đậu điểm cao, nên được học bổng toàn phần. Ông về quê báo tin mừng cho bố mẹ. Nghe ông nói chưa hết câu, bố ông đã gắt, bố mong con học tiếp lên thành chung, tú tài ra làm ông thông, ông phán, chứ thi vào Trường Kỹ nghệ ra lại làm thợ thôi. Mà làm thợ giỏi nổi tiếng cả tỉnh như bố đây cũng không nuôi nổi con ăn học…Mấy năm sau, bố ông đã quyết chí cho con trai thứ hai là ông Trần Khanh thi đậu Trường Quốc học Huế. Đó là niềm tự hào thuở ấy của cả gia đình ông.
Trường Kỹ nghệ thực hành Huế dạy nhiều nghề: thợ nguội, thợ hàn, thợ gò, thợ đúc,… Giáo viên các môn học đều là người Pháp. Học sinh vào trường bắt buộc phải nói tiếng Pháp. Riêng môn Văn có thầy người Việt là nhà giáo Nguyễn Lân ( tức nhà văn Từ Ngọc). Thầy Nguyễn Lân đồng thời dạy cả hai trường: Quốc học, Kỹ nghệ. Ông Trần Sâm học ở Trường Kỹ nghệ 3 năm, từ 1935 đến 1938. Khi nhập học ông đăng ký học nghề thợ nguội, sau đó đồng thời xin học thêm nghề đồ họa . Cùng học với ông hồi đó có các ông: Nguyễn Côn, Trần Văn Trà, Hồ Trung Nam, ...Học khóa sau có các ông: Thanh Quảng, Lê Văn Try…
Sự học tại trường của ông có thêm một lần nữa. Đó là năm 1960, ông cùng các ông: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đồng Sĩ Nguyên, Cao Văn Khánh, Trần Độ, Nguyễn Quyết, Nguyễn Đôn, Lê Trọng Nghĩa, Thanh Quảng,…tham dự lớp thứ nhất “ Khóa đặc biệt” dành riêng cho cán bộ chỉ huy cấp chiến lược tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô. Thời gian học tập nghiên cứu là 6 tháng.
Vốn liếng học tại trường là cơ sở nền tảng kiến thức. Trong đời sống, ông Trần Sâm là người ham học, lấy tự học làm chính. Trong lý lịch của ông ghi trình độ văn hóa chưa hết bậc trung học. Nhưng trên thực tế, bằng con đường tự học, ông có kiến thức khá sâu trên nhiều lĩnh vực. Về ngoại ngữ, ngoài tiếng Pháp học được khi còn là học sinh, sau này trong công việc ông còn tự học biết thêm tiếng Nga, tiếng Hán. Với ông, làm bất cứ việc gì, đều phải nghiên cứu học tập. Cách học của ông là đi theo chuyên đề trên từng lĩnh vực, từ đại cương đến chuyên sâu. Cùng với tự học, tự nghiên cứu, ông còn mời các chuyên gia đến giảng bài tại phòng làm việc hoặc tại nhà riêng theo phương thức “một thầy, một trò”.
Nhiều năm trên cương vị phụ trách công tác bảo đảm vũ khí, trang bị của quân đội và các lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, ông đã thường xuyên nghiên cứu tính năng tác dụng của từng loại vũ khí, trang bị; qui trình kỹ thuật và các nguyên công trong sửa chữa, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật. Khi kiêm chức Cục trưởng Cục Nghiên cứu Kỹ thuật quân sự, ông đã phát huy khả năng của các cấp dưới, đồng thời tranh thủ mọi điều kiện học hỏi nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo quản lý thực hiện nhiệm vụ. Ông là người đầu tiên đưa máy tính điện tử vào Quân đội. Được biết, trước đó ông đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu và mời các tiến sỹ toán học, tin học đến giảng đại cương về nguyên lý, tính năng, công suất, qui trình, phương pháp lập trình.
Khi được Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phân công chỉ đạo các binh đoàn kinh tế của quân đội trồng hàng vạn héc ta cao su ở Tây Nguyên, ông đã tìm sách nghiên cứu và mời các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài quân đội giới thiệu về thổ nhưỡng, cây giống, chế độ chăm sóc, khai thác cây cao su. Đồng thời, ông đã nhiều lần trực tiếp đi thực địa khảo sát tình hình cụ thể. Chính vì vậy, khi họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ông đã nắm rất chắc, thể hiện đầy đủ vai trò vừa là người chỉ huy lãnh đạo, vừa như là một chuyên gia - từ đó tạo niềm tin cho cấp dưới.
Cùng với việc đọc sách nghiên cứu, ông còn là người mê đọc sách văn học. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi là trên tay ông có cuốn sách. Noi theo ông, các con cháu trong gia đình, gái cũng như trai, đều mê đọc sách. Khi còn ở Hà Nội, ngày nghỉ cuối tuần, ông thường rủ các cháu nội ngoại đi mua sách ở hiệu sách phố Tràng Tiền. Ông mua cho mình và mua tặng các cháu. Ông đã đọc trọn nhiều bộ sách văn học nổi tiếng của nước ngoài, với các tác giả tên tuổi. Năm 1990-1991, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản tiểu thuyết “ Tình sử Angiêlic”, trọn bộ 12 tập, với mấy nghìn trang sách, giấy đen, chữ mờ. Vậy mà ông đã đọc trọn bộ. Năm đó ông đã ngoài 70 tuổi. Năm 1992, trước khi chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, ông đã “ bàn giao” trao tặng các con tôi toàn bộ tủ sách có đến hơn nghìn cuốn do ông gom góp từ nhiều năm. Ông dặn các cháu là cố tranh thủ đọc sách, tạo nên một thói quen thường nhật trong cuộc sống. Những năm cuối đời, ông vẫn mê đọc sách. Khi vào điều trị ở viện, bên giường bệnh của ông, thường xuyên có nhiều loại sách báo.
Ông là người thích thể thao. Với tố chất, thể lực, thể hình tốt, phần nữa là do có điều kiện, ông biết chơi và chơi khá hay nhiều môn thể thao: bóng đá, bóng bàn, bơi lội và đặc biệt là tennis. Ông kể, lúc còn là học sinh Trường Kỹ nghệ ông đã chơi bóng đá. Hồi bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Buôn Mê Thuột, trong nhà tù ông tham gia đội bóng đá của chính trị phạm. Thông thường ông giữ chân thủ môn, còn ông Nguyễn Vịnh ( Nguyễn Chí Thanh) là tiền đạo. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông nhiều năm chơi bóng đá ở sân Cột cờ Hoàng Diệu. Ông là người đến với môn tennis rất sớm, từ năm 1968. Ngày đó, chưa có phong trào rộng lớn như bây giờ. Người biết chơi tennis ít lắm, có khi còn bị người khác hẹp hòi đố kị, coi đó là môn thể thao “quí tộc”. Cả Hà Nội mới có 3 sân chơi tennis: Ba Đình, Khúc Hạo và Câu lạc bộ Quân đội ở Hoàng Diệu. Cùng câu lạc bộ tennis với ông có các ông: Lê Quang Hòa, Vũ Xuân Chiêm, Phạm Hồng Sơn, Phan Bình, Vũ Lăng, Nguyễn Quang Bích, Bùi Đình Kế, Thân Hoạt, Vũ Như Ý, Nghiêm Túc, Sùng Lãm, …Có nhiều lần ông Võ Văn Kiệt cũng sang chơi ở sân Câu lạc bộ Quân đội. Do tập luyện cơ bản, nên ông có thể chơi được hết các động tác của tennis. Ông rất thích con cháu biết chơi tennis. Không những động viên khuyến khích, ông còn sắm vợt cho. Còn nhớ, năm 2002, khi đã 85 tuổi, ông còn bảo tôi chở xe máy cùng đi chơi tennis ở các sân: Học viện Quốc phòng, Cục Đo lường, Trạm 66, Học viện Kỹ thuật quân sự, Câu lạc bộ Quân đội,...Do tuổi già, sức yếu, đến năm 2004, ông treo vợt. Tuy thế, khi điều trị ở Viện 175, vào các buổi cuối chiều ông vẫn còn nhờ các cháu đẩy xe lăn ra xem người khác chơi ở sân tennis trong khuôn viên bệnh viện. Ngồi trên xe lăn, ông dõi theo đăm chiêu nhớ về một thời sôi nổi đã qua.
Một cán bộ liêm khiết –
người cha, người ông nhân từ
Có thể nói, ông là một trong những mẫu cán bộ chí công vô tư của một thời - Quả thật thời đó có một lớp người như vậy. Ở bậc quân hàm cấp tướng mấy chục năm, lại hơn 6 năm làm Bộ trưởng Bộ Vật tư - cơ quan quản lý, phân phối một khối lượng lớn vật tư kỹ thuật của đất nước trong cơ chế bao cấp hiện vật. Vậy mà gia đình ông cũng sống bình dị như mọi gia đình cán bộ công nhân viên chức. Hồi đó, như phần lớn gia đình cán bộ công chức, khi tiền lương không đủ trang trải cuộc sống và nuôi năm người con ăn học, ông bà phải tăng gia cải thiện thêm. Hàng chục năm, trong nhà lợn nuôi xong lứa này mua tiếp lứa khác. Ngày bán lợn cả nhà được bữa ăn tươi hơn, lắm khi ông bà còn mời người thân quí đến dự. Phía sau nhà có mấy chuồng gà. Ngoài sân đặt chuồng chim bồ câu. Khoảnh đất trống trước nhà được cuốc xới cẩn thận biến thành mảnh vườn rộng rãi xinh xắn, trồng đủ các loại rau, khoai, mía và cây ăn quả tốt tươi. Có lần ông huy động con trai, con rể và mấy anh em bảo vệ, lái xe, công vụ tranh thủ những ngày nghỉ đào ao thả cá. Nhiều lần trước khi vào bệnh viện thăm người ốm, hoặc thăm gia đình liệt sỹ, thương binh, ông ra vườn cắt nải chuối, hái quả đu đủ, chum nho, chùm vải thiều, túi hồng xiêm, sang hơn là một gói bột sắn dây do gia đình tự làm. Ngày đó đâu có thông lệ mang phong bì đi thăm người ốm như bây giờ.
Nhiều lần đi công tác nước ngoài, khi về nước ông yêu cầu thư ký nộp lại cơ quan chính trị số tặng phẩm phía bạn tặng ông như đài bán dẫn, máy ảnh, … để dùng chung cho đơn vị; trái cây, thuốc lá,… làm quà biếu chia đều cho anh em cơ quan. Ông cho rằng, khi cán bộ ra nước ngoài mang tặng phẩm của quân đội để tặng lãnh đạo của bạn, thì khi nhận lại những tặng phẩm của bạn, đương nhiên đó không phải là của riêng mình.
Ở quân đội cũng như hồi làm Bộ trưởng Bộ Vật tư, ông là người rất nghiêm khắc - thậm chí được cho là khó tính - với việc mỗi khi đơn vị tổng kết hội nghị tổ chức liên hoan linh đình, ăn uống tốn kém. Được biết, có lần Hội nghị mừng công Bộ Vật tư, văn phòng đề nghị mở tiệc, ông chỉ chấp thuận mỗi đại biểu một bát phở tăng cường. Khi là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có lần đến làm việc với Bộ Tư lệnh Không quân về qui hoạch sử dụng máy bay, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Các anh trong Bộ Tư lệnh mời ông ở lại dùng cơm trưa. Ông nói, bà nhà tôi nấu rồi, tôi về ăn trưa cùng gia đình, đến chiều ta làm tiếp. Ông không bao giờ gây phiền phức cho người khác và nhất là không để lãng phí tốn kém công quĩ. Tính cách ông là vậy.
Năm 1982, chuyển công tác từ Bộ Vật tư trở lại Bộ Quốc phòng, ông có hai việc cần làm ngay: Đầu tiên là, lục lại mấy bộ quần áo quân phục sờn cũ hơn 6 năm không dùng đến, đem giặt giũ để mặc lại. Tiếp đến, trong nhà có sẵn một chiếc khung xe đạp Favorit, ông ra hiệu mua phụ tùng về nhà, dành hẳn ngày Chủ nhật lắp ráp thành một chiếc xe hoàn chỉnh. Khi lắp ráp, khó nhất là việc đan nan hoa cân vành, vậy mà ông thao tác một cách thành thạo. Từ đó, hằng ngày từ nhà riêng ở 30 phố Lý Nam Đế vào “Nhà Con Rồng” , ông đều dùng xe đạp. Hồi ấy, cán bộ ở cơ quan Bộ Quốc phòng thấy lạ, giữa dòng người đi làm, có một viên tướng già lặng lẽ đạp xe với một chiếc cặp da to cài dọc theo khung xe. Hầu như không bao giờ ông dùng xe ô tô công vào việc riêng gia đình. Tôi không thể quên lần cháu Nguyễn Trần Quang con tôi, khi mới gần 2 tuổi, đang đêm bị sốt cao, tím tái, lên cơn co giật. Thấy thế, chú Dương Minh Ngọ là bảo vệ của ông, thương tình xin ông cho mượn ô tô đưa cháu đi cấp cứu ở Quân y viện 108. Ông chạy đến sờ vào đầu cháu suýt xoa, thôi, phải đưa cháu đi ô tô cho kịp cấp cứu và nhớ là đưa xe về ngay. Hồi đó, chưa có nhiều tắc xi như bây giờ.
Với con cháu, ông là người nhân từ, tình cảm sâu sắc. Trong cư xử, ông luôn có thái độ trầm tĩnh, chú ý lắng nghe, khuyên bảo ân tình, gợi mở các phương án cho con cháu chủ động tự lựa chọn cách giải quyết. Trước mọi vấn đề, không bao giờ ông can thiệp, áp đặt vào việc riêng của người khác.Trường hợp con cháu có điều gì làm trái, ông đều nhẹ nhàng từ tốn bảo ban, phân tích thấu đáo; tuyệt nhiên không bao giờ to tiếng quát nạt. Con cái, dâu rể và các cháu nội ngoại trong gia đình thường xuyên nhận được ở ông sự chỉ bảo ân tình, bao dung, nhân từ. Mọi người đều tôn kính, thương yêu và quí trọng ông - luôn coi ông là chỗ dựa tinh thần.
Khách quan nói rằng, trong quan hệ công việc với cấp dưới, tấm lòng nhân đức của ông, có lúc có ảnh hưởng nhất định đến tính quyết đoán trước một số vấn đề. Trong cuộc sống, bất cứ là ai, khi ưu điểm vượt trội quá giới hạn, dễ trở thành nhược điểm.
Bà Lê Thị Lý vợ ông - một người đảm đang việc nhà và là cán bộ nhiệt tình hăng hái ở cơ quan. Khác với sự trầm tĩnh tinh tế của ông, tính cách bà bộc trực, có lúc nóng nảy. Hai ông bà là người cùng làng, quen biết nhau từ nhỏ, nên vợ nên chồng từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Khi khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị, ông là người tham gia lãnh đạo, còn bà là thanh nữ hăng hái tham gia lực lượng quần chúng tiến vào chiếm Dinh Tỉnh trưởng. Trọn đời ông bà sống bên nhau hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng yêu thương nồng ấm, luôn chia sẻ, chăm chút cho nhau về mọi việc. Xuất thân từ thành phần lao động, bà cảm thông và rất thương người - nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Còn nhớ, mùa đông năm 1973, có lần vào một buổi chiều trên đường đi làm về, bà nhìn thấy hơn chục bộ đội căng ni lông trải chăn chiếu chuẩn bị ngủ qua đêm trên vỉa hè phố Lý Nam Đế. Bà đến hỏi, được biết đó là số anh em đang hành quân vào miền trong, bị lỡ chuyến tàu, dừng lại nghỉ chờ đi chuyến sáng mai. Thương anh em bộ đội phải ngủ trên vỉa hè giữa đêm đông giá rét, bà dẫn tất cả về nhà ở trong thành, bố trí chỗ nghỉ và nấu cơm cho ăn. Mấy anh em vệ binh, bảo vệ biết vậy là trái nguyên tắc qui định trong việc bảo đảm an ninh , nhưng không thể không chấp thuận theo cách của bà.
Trong gia đình, bà yêu cầu con cái phải chuyên cần học tập, lao động và không được bao giờ cậy thế đua đòi. Mặc dù lắm lúc rất nghiêm khắc, thậm chí là khá gay gắt, nhưng bà lại chăm lo cho con cháu từ việc nhỏ đến việc lớn. Bà thương con cháu với tấm lòng thơm thảo của một người mẹ, người bà.
Ông bà sinh được 5 người con. Trần Thanh Liễu vợ tôi là cả. Cậu Trần Hùng thứ hai. Tiếp đến là các cô: Trần Thanh Lan, Trần Thanh Hòa, Trần Thanh Hà. Cả mấy chị em được thụ hưởng những tố chất của cha mẹ, lớn lên trong môi trường giáo dục vừa tình cảm vừa nghiêm khắc của gia đình. Vào đời, mỗi người một nghề nghiệp, một cương vị. Nhưng có thể khái quát nét chung nhất của mọi người con trong gia đình là: sự nỗ lực phấn đấu trong học tập, làm việc, sự khiêm nhường, hòa đồng trong quan hệ và sự kiệm cần, thanh đạm trong đời sống sinh hoạt.
Tuổi cao, bệnh trọng, Thượng tướng Trần Sâm từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2009 (tức ngày 23 tháng 6 năm Kỷ Sửu), tại Viện quân y 175 - thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 92 tuổi. Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ tang ông với nghi thức cấp Nhà nước. Đông đảo lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đơn vị quân đội, các địa phương, bà con họ hàng nội ngoại và bạn bè chiến hữu thuộc nhiều thế hệ đã tề tựu đông đủ thống thiết vĩnh biệt ông và chân thành chia buồn cùng gia quyến.
Hơn 90 năm ông đi qua cuộc đời - một cuộc đời với sự nghiệp phong phú, sôi động trải dài từ thuở thanh xuân đến tận sau này. Đời ông toát lên một con người trong sáng mẫu mực, vừa có đức độ, vừa có năng lực, vừa có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp vì nước vì dân.
Tấm Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công Hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, danh hiệu vinh dự khác là phần thưởng cao quí mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao tặng xứng đáng với công lao của ông. Đối với con cháu trong gia đình, họ hàng, người thân, ông là tấm gương lớn về nhân cách, trí tuệ, về tình thương yêu với tấm lòng bao dung nhân hậu lớn lao.
Cục trưởng Cục Quân lực Trần Sâm (áo thẫm màu) tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và kiểm tra Đại đoàn Công Pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/4/1954 |
Thiếu tướng, Tổng Tham mưu phó Trần Sâm kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn Pháo Phfng không 220 ( Đoàn Sông Đuống) đơn vị bảo vệ Hà Nội |
Mỹ Đình, ngày 7 tháng Giêng năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét