Menu ngang

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

"Hiện tượng Nguyễn Bá Thanh" nghĩ về Tâm-Tầm lãnh đạo và lòng Dân


Nhà văn Sương Nguyệt Minh


Người dân Đà Nẵng đến Tịnh thất Bửu Sơn, quận Liên Chiểu dự lễ cầu an cho ông Nguyễn Bá Thanh. Hàng ngàn người đổ đến sân bay quốc tế Đà Nẵng đón ông chữa bệnh từ Mỹ trở về. Một sự tự nguyện, không có ai rủ rê, kêu gọi hay thúc dục. Bao nhiêu người được như ông Nguyễn Bá Thanh? Than ôi! Dân gian đã từng thẳng tưng: “Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương!”
Nhân dân bao giờ cũng sáng suốt và công bằng như thế!

Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố còi cọc trong nắng nóng miền trung trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chỉ có 3 quận, rất hiếm các khối nhà cao tầng. Bờ đông sông Hàn chỉ lơ phơ phố “nhà chồ”, nhà tạm xiêu vẹo. Dân phố lam lũ mưu sinh như dân nông thôn. Phố phường nhếch nhác, mòn mỏi, bụi bặm và... bẩn. Nhưng, Đà Nẵng thay da đổi thịt từ khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương và ông Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch năm 1996, đến năm 2003 làm bí thư thành phố được coi là “thủ phủ” miền Trung này. Dấu ấn đầu tiên của ông Nguyễn Bá Thanh là chỉ đạo chiến dịch “giải tỏa, đền bù, tái định cư, chỉnh trang đô thị”. Đến nay Đà Nẵng đã thực hiện 3000 dự án, và di dời 100 000 hộ dân đến các khu tái định cư. Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Sơn Trà; và Hòa Vang, Hoàng Sa là những quận huyện được thành lập. Thành phố Đà Nẵng không những mang gương mặt mới, xinh đẹp, mà đời sống tinh thần, phong cách sống cũng mang vẻ đẹp mới trẻ trung, hiện đại, gần gũi, thân mật, mến khách...vv. Ông Thanh được coi là “kiến trúc sư trưởng” trong cuộc tái thiết Đà Nẵng, là “người lĩnh xướng”, không, là “người chỉ huy dàn nhạc” mang tên Đà Nẵng đã và đang tấu lên bản hợp xướng xây dựng thành phố quê hương giàu đẹp.
Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) sau khi khảo sát 7300 doanh nghiệp tư nhân, đã nói về nơi mà ông Nguyễn Bá Thanh được cho là có “dấu ấn lớn” là: “Năm 2010, Đà Nẵng được xếp loại thành phố thông thoáng và thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu của Việt Nam, trong số 63 tình thành còn lại”.
Có một sự thật không hề nói quá là gần 20 năm nay, tên tuổi ông Nguyễn Bá Thanh luôn gắn với những thăng trầm, với những chuyện tốt đẹp và cả những điều đang hoàn thiện của... Đà Nẵng. Người ta nói “địa linh nhân kiệt”. Địa linh thì đã rõ, nhưng nhân kiệt chẳng phải thời nào cũng có. Tuấn kiệt xuất hiện là hồng phúc của một đất nước, hoặc chí ít ra cũng là may mắn của một địa phương. Bởi Nguyễn Trãi đã từng than thở rằng: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm. Nhân tài như lá mùa thu”. Buổi sớm thì sao mờ sao lặn; mùa thu về thì muôn triệu ức lá tàn phai rụng; tài năng bao giờ cũng hiếm như sao buổi sớm, như lá mùa thu vậy. Vì thế, Đà Nẵng xuất hiện hiền tài Nguyễn Bá Thanh là một may mắn, và hạnh phúc của người dân.
Ông Nguyễn Bá Thanh không phải người dị tướng “ngũ đoản”, hay ẩn tướng mà là người phát tướng. Trông mặt mà bắt hình dong, ông Thanh có gương mặt phương phi, vóc dáng người cân đối, khỏe mạnh, thậm chí cường tráng. Tiếng nói vang ngân. Ánh mắt thân thiện gần gũi. Tác phong nhanh nhẹn, dễ gần, không quan cách. Đặc biệt là tinh anh, trí lực hơn người, quyết đoán mạnh mẽ những việc cần phải quyết đoán, nhưng tỉnh táo chứ không độc đoán. Năm 2006, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức trại sáng tác ở Mỹ Khê, tôi và thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung đến công sở gặp ông Nguyễn Bá Thanh xin tài trợ cho Trại viết. Ông Thanh xem công văn xong, bảo: “Cái gì chứ để có tác phẩm tốt về chiến tranh và người lính thì Đà Nẵng cũng có trách nhiệm với các nhà văn quân đội”. Rồi ông ký cát rẹt vào góc tờ công văn, nửa giờ sau trở thành hiện thực - trái ngược hoàn toàn với cách nghĩ của tôi: nếu ông Thanh có duyệt thì chắc cũng phải đi năm lần bẩy lượt! Tôi vừa ân hận về suy nghĩ của mình, vừa nể phục cách quyết đoán, giải quyết mau lẹ của người đứng đầu thành phố Đà Nẵng dạo ấy.
Nhìn xa trông rộng, có tầm khái quát và lại có tính thiết thực, không viển vông là một trong những phẩm chất cần có của lãnh đạo. Cán bộ và người dân Đà Nẵng vẫn còn nhớ câu chuyện: Khi quy hoạch làm đường, ông nói với các kiến trúc sư rằng phải để lại hai bên đường một khoảng trống có chiều sâu khoảng 30 hoặc 50m. Các nhà kiến trúc nhìn nhau, ông bảo cứ làm đi. Đến khi thực địa thành hình, quy hoạch trở thành hiện thực, mọi người mới ồ òa... vì khoảng đất trống ấy được đem ra bán đấu giá. Ai tiền nhiều mua nhiều, ai tiền ít mua ít. Số tiền ấy được đem đầu tư phát triển kinh tế xã hội rất hiệu quả ở một thành phố đang phát triển nhưng thiếu vốn rất căng thẳng, về sau được gọi bằng cụm từ mỹ miều là “đổi đất lấy công trình”, hoặc “đổi đất lấy giao thông”, hoặc “đổi đất lấy hạ tầng”... Tầm nhìn có tính “chiến lược” này trước hết giải được bài toán thiếu vốn; sau đó là bài toán quy hoạch, phát triển. Về mặt chiến lược, khen ông Nguyễn Bá Thanh đứng cao hơn các nhà chuyên môn một cái đầu có khác gì khen phò mã tốt áo; nhưng từ xưa đến nay không phải thời nào cũng có “vua sáng tôi hiền”, quần thần thông minh sáng láng, nhưng gặp phải ông vua tối thì đất nước cũng lụn bại, dân mất cậy nhờ.
Người dân Đà Nẵng cũng thường kể cho nhau nghe câu chuyện: Ông Thanh điện thoại cho lãnh đạo một xã nói rằng, xã các ông đang bị đại dịch rất nặng nề khủng khiếp. Ông bí thư và chủ tịch xã một hai khẳng định xã mình vẫn yên lành, người dân khỏe khoắn. Ông Thanh vi hành ngay. Ông dẫn cán bộ xã ra vườn ra ruộng – nơi chỉ sau một đêm mọc lên hàng trăm... mộ mới, mà cán bộ xã quan liêu không biết. Ông bảo: Chả đại dịch là cái gì đây! Hóa ra, nghe rục dịch mở đường, một bộ phận người dân tham lam đắp vô số mộ gió để chập chí chập ngầu khai bậy hưởng đền bù giải phóng mặt bằng. Biết trước được cái thói tham lam, chí chá ở đâu cũng có thể xuất hiện, nếu không có biện phái ngăn chặn, phòng xa sẽ gây khó khăn, cản trở cho công việc; trước khi “đóng cọc chăng dây” mở đường, ông Thanh đã cho các cơ quan chuyên môn chụp ảnh, quay phim và đếm tất cả các mộ phải di chuyển và đền bù phải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Bá Thanh ghi thêm một dấu ấn lãnh đạo sâu sát, miệng nói tay làm, chỉ đạo chiến lược nhưng không bỏ qua công tác giám sát, kiểm tra. Người ta bình luận: con ruồi bay qua trước mắt, ông Thanh cũng biết con nào đực con nào cái. Thế thì, cấp dưới gian dối nào qua nổi mắt ông! Điều này, thuộc về tác phong người lãnh đạo: Bao quát nhưng phải sâu sát. Tiên đoán, dự báo các khả năng xảy ra trong thực tế và sẽ xảy ra trong tương lai để có kế hoạch dự phòng giải quyết.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, ông Nguyễn Bá Thanh hiểu thấu điều đó. Bạn tôi – nhà báo Đặng Trung Hội kể rằng: Ông Thanh chủ động đặt nền móng hiền tài, xây dựng từ gốc: Duyệt chi hàng trăm tỉ đồng xây dựng trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Thi tuyển đầu vào rất chặt chẽ, loại ngay tư tưởng chạy chọt, xin cho. Em nào tài năng thực sự thì học. “Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi đào tạo ở nước ngoài, em nào giỏi thì học các trường đại học trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học, sau khi ra trường được bố trí công việc phù hợp và phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm”. Thời gian ấy, đủ để họ gắn bó với công việc, với thành phố quê hương đang thực hiện chính sách cầu hiền đãi sĩ. Rồi xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, mua nhà ở như một lẽ tự nhiên. Đà Nẵng không bị chảy máu chất xám vì chính cái chính sách khuyến khích chăm lo nhân tài như một lẽ tự nhiên ấy. Người tài đôi khi bị chết yểu như cây non lẽ ra thành cây cổ thụ thì lại bị mưa gió dập vùi từ lúc nẩy mầm, hoặc bị bứng gốc. Chỉ người tài năng mới biết trọng tài năng, phục tài năng, mới loại bỏ thói đố kị, ghen ghét, đề cao bản thân ‘anh hùng nhất khoảnh”. Ông Nguyễn Bá Thanh là người liên tài, nên biết chăm lo tài năng cho thành phố quê hương.
Nguyễn Trãi viết rằng: “chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân”. Là người hiền tài, lại gần dân, ông Nguyễn Bá Thanh hiểu sâu sắc sức mạnh của lòng dân. “Chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thị Minh Khai, đến khóc ở uỷ ban vì thuế tăng từ 260 ngàn tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Khi đó ông mới lên giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông đóng giả một người ăn ốc, vào quán này mới biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói. Ông kêu Cục phó Cục Thuế lên hỏi: “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi?”. Nói chuyện với cử tri, ông dặn dò: “Có bức xúc gì, bà con cứ điện cho tui". Ông đã nói những câu nổi tiếng: “Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế.” Ông bày tỏ hành động quyết liệt chống thói trì trệ, hư thân mất nết của cán bộ công quyền: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”. Ông cũng trách móc cán bộ dưới quyền: “Tôi muốn nghe ý kiến cơ sở, nhưng lại chỉ nghe các đồng chí xin tiền ngân sách”. Có bao nhiêu ông quan đầu tỉnh dám vi hành, dám không sợ mất lòng cấp dưới và gần gũi chúng sinh như thế, để thấu hiểu nỗi niềm, bức xúc, oan ức của dân?
“Không có những cơn gió buốt cắt da thì sao hoa dậy được hương thơm.” Con đường chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có thể kể ra nhiều lần ông bị công kích, bị ngáng đường, bị vu khống bêu xấu. Nhưng, “cây tùng cây bách bao giờ cũng là loại cây trút lá cuối cùng giữa mùa băng giá”. Năm 2012, ông được điều ra Trung ương giữ trọng trách Trưởng ban Nội chính - Phó trưởng ban chống tham nhũng, ông tâm sự với cử tri: “Tôi ra Hà Nội một thân một mình, cơm niêu nước lọ, công việc khá bận rộn, hai tháng sụt mất bốn ký”. Ấy là những ngày tháng, ông dành tâm trí để chỉ đạo xử một số vụ tham nhũng trọng điểm theo chủ trương của Bộ Chính Trị. Oái oăm thay! Trời không có mắt, khi bọn tham nhũng hại dân nước đang lần lượt ra trước vành móng ngựa, có kẻ phải chịu hình phạt “cẩu đầu trảm” thì ông Thanh lâm bệnh trọng: rối loạn sinh tủy, phải sang Mỹ điều trị. Người ta lo lắng ông Thanh không qua khỏi, và cầu chúc mong ông chóng khỏe để phục vụ đất nước, nhân dân.
Dưới các bài viết về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, hàng chục vạn bình luận, chia sẻ, bày tỏ sự quan tâm, lo lắng và cầu mong ông vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều người dân Đà Nẵng kéo về Tịnh thất Bửu Sơn, quận Liên Chiểu để dự lễ cầu an cho ông Nguyễn Bá Thanh. Người ta đổ đến sân bay quốc tế Đà Nẵng đón ông chữa bệnh từ Mỹ trở về. Một sự tự nguyện, không có ai rủ rê, kêu gọi hay thúc dục. Bao nhiêu người được như ông Nguyễn Bá Thanh? Than ôi! Dân gian đã từng thẳng tưng: “Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương!”
Nhân dân bao giờ cũng sáng suốt, công bằng như thế!

S.N.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét