Menu ngang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

                           Văn nhân tương khinh! 

Cổ nhân đã đúc kết thành một nhận định: “Văn nhân tương khinh”, có nghĩa là những kẻ văn nhân thì hay khinh nhau. Cũng là một cách nhắc nhở người đời: Đừng nghe những lời văn nhân nói xấu nhau. 


Trước khi mạn phép một vài giải thích, xin chứng minh bằng mấy ví dụ. Sinh thời Puskin từng cao ngạo mà nói một cuốn tiểu thuyết của mình ra đời là nhờ “ở một Puskin thần thánh”. Tức là ông tự phong mình vào bậc “thần thánh”. Không biết có thần có thánh thật không, nhưng lời tự nhận của Puskin có lý bởi tác phẩm của ông quá hay, có thể coi vào hàng kiệt tác. Thế nhưng L.Tônxtôi lại phủ nhận: “Tôi đã đọc “Người con gái viên đại úy”, chao ôi, phải thú thật rằng văn xuôi của Puskin bây giờ đã cũ rồi, không phải cũ vì cú pháp, mà vì cách trình bày… Những truyện của Puskin giờ đây trống trải thế nào ấy”. Cũng chính đại văn hào L.Tônxtôi gửi thư cho Sêkhôp, một cây đại thụ của văn xuôi Nga: “Anh có biết không, tôi không thể chịu được kịch của Sếchxpia, mà kịch của anh thì lại còn tồi hơn thế”. 

Ở ta, xuất phát từ căn tính cả nể, sợ liên lụy nên những nhận định bộc trực, cực đoan của các văn nhân về nhau ít được công bố. Nhưng cái “ngông” của các văn sĩ lại thường được nhắc tới như để nhấn mạnh tới cá tính khác người, coi thường sự đời của họ. Cụ Nguyễn Công Trứ nổi tiếng “ngất ngưởng” thường cưỡi bò, con bò lại được che cái thúng ở phía sau. Có người hỏi để làm gì, cụ trả lời: Để che miệng thế gian. Thật là cao ngạo, tự phụ!

Trong văn học hiện đại, có giai thoại sinh thời Nguyễn Bính từng tự cho mình, về thơ lục bát thì ngoài Nguyễn Du ra chỉ có Nguyễn Bính mà thôi… Nam Cao cũng từng cho tài như Gorki hay Lỗ Tấn cũng chưa là gì… Những chi tiết này có thật hay không thì chưa chắc chắn, nhưng chắc chắn là có sự “văn mình vợ người” (văn mình luôn hay, vợ người thì luôn đẹp) ở các nhà văn nổi tiếng. Những sự ấy vẫn có thể chấp nhận được bởi họ thực sự là những tài năng được kiểm chứng qua tác phẩm. Tuyên ngôn của họ, ở một chừng mực nào đó lại là một khẳng định cho tài năng của chính họ.

Có thể lý giải những điều ấy như thế này: Tác phẩm là đứa con tinh thần của nghệ sĩ. Mà thông thường thì cha mẹ nào chả yêu con. Càng công phu với con mình bao nhiêu thì càng yêu quý nó bấy nhiêu. Do vậy nghệ sĩ có yêu đứa con của mình một cách cực đoan cũng là dễ hiểu. Mặt khác, xét về bản chất sáng tạo thì nghệ sĩ luôn phải sáng tạo ra một cuộc sống khác, cuộc sống trong tác phẩm. Cuộc sống này không phải là bản thân đời sống, nó chỉ là những mô hình của đời sống và độc lập với đời sống thực. Nghệ sĩ luôn phải sống ở hai đời sống, một đời sống thực ngoài đời và một đời sống có trong tác phẩm. Bao nhiêu tài năng, tâm huyết ông ta đã rút ra để kiến tạo ra cuộc sống thứ hai này. Do vậy ông ta yêu nó, chăm chút nó, trân trọng nó là tất yếu, cũng vì thế mà dẫn đến coi nhẹ, có khi coi thường các cuộc sống khác, kể cả cuộc sống thực ngoài đời.

Dĩ nhiên ta chỉ thông cảm với cách ứng xử có phần cực đoan đáng yêu của những tài năng! Đó là sự “Văn nhân tương khinh” ở mặt nghề nghiệp.

Nhưng “văn nhân tương khinh” ở góc độ đạo đức thì khó chấp nhận. Khổ nỗi, những sự này lại thường có ở những nghệ sĩ “thường thường bậc trung”, bởi cái vốn kiến văn và tài năng ở họ chưa đủ đầy nên mới để cho sự đố kỵ, ích kỷ chảy vào trong cái nhân cách còn rỗng văn hóa. Có nhà văn ra mặt (không viết báo) coi thường tác phẩm của đồng nghiệp, coi đó chỉ là mớ “ghẻ rách”. Có văn sĩ lại nói tác phẩm kia của nhà văn nọ chỉ đáng để ở “nhà xia”… Đấy đích thị là sự thiếu kiến thức của cái phông học vấn mỏng mảnh, tầm nhìn thiển cận, lòng dạ hẹp hòi.

Người xưa hay lấy chữ "khắc kỷ" để răn mình. Thôi thì "Văn nhân tương khinh" đôi khi cũng đáng yêu, nhưng chỉ là "đôi khi" thôi, về cơ bản vẫn phải biết mình, biết người, biết kiềm chế cảm xúc và dục vọng, biết cảm nhận và lắng nghe... thì mới thành người lớn được. 

Thanh Nguyên / QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét