Luân phiên trong công việc:
Nên hay không?
Tư duy sáng tạo và niềm hứng
khởi là điều cần thiết để có thể mang lại hiệu quả cho công việc. Tuy
nhiên, phải đối mặt với những việc lặp lại mỗi ngày sẽ làm cho điều này
bị “bào mòn” dần. Trong điều kiện này, luân phiên trong công việc có thể
là một giải pháp được cân nhắc. Luân phiên trong công việc là cụm từ có
nghĩa rộng, nhưng trong phạm vi bài viết, luân phiên trong công việc có
thể được hiểu là chính sách hoán đổi, luân chuyển nhân sự được áp dụng
trong công việc. Nhân sự sẽ được hoán đổi giữa các phòng ban trong cùng
một công ty, giữa các công ty thành viên, hoặc thậm chí là giữa các quốc
gia với nhau.
Nên?
Rõ ràng là lợi ích dễ nhận thấy nhất là
việc luân chuyển sẽ giúp cho công ty cũng như bản thân nhân viên nhận
biết được khả năng lớn nhất của mình là ở lĩnh vực nào. Có đôi khi phải
trải qua những cọ xát thực tế trong quá trình làm việc người ta mới biết
được những khả năng “tiềm ẩn” của mình. Một nhân viên marketing trong
quá trình luân chuyển lại nhận thấy mình cực kì “có duyên” với việc bán
hàng và mang lại không ít hợp đồng giá trị cho công ty là chuyện hoàn
toàn có thể xảy ra. Thực tế vì lợi ích này, một số công ty đã áp dụng
chính sách này cho nhân viên của mình, đặc biệt là những nhân viên mới,
những người còn chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa hoàn toàn biết được
hết khả năng của mình.
Không chỉ có lợi cho các nhân viên mới,
đây cũng sẽ là một chính sách hữu ích nếu các công ty muốn tìm lại niềm
hứng thú, tạo cơ hội cho nhân viên của mình ‘refresh” bản thân sau một
khoảng thời gian quá dài gắn bó với những công việc lặp đi lặp lại. Hơn
nữa, việc luân chuyển sẽ giúp các bộ phận cảm nhận đầy đủ hơn những khó
khăn của nhau, đôi khi chỉ có trải nghiệm họ mới hiểu chính xác những gì
đồng nghiệp của mình trải qua thay vì ngồi một chỗ “phán xét”. Luân
phiên trong công việc còn giúp nâng cao tinh thần đoàn kết và gắn bó
trong nội bộ. Làm việc chung sẽ cho các nhân viên cơ hội hiểu nhau hơn
trong khi thường ngày họ thậm chí không có cơ hội chào nhau.
Không nên?
Rõ ràng là việc luân chuyển sẽ đem lại
rất nhiều lợi ích nếu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mất rất
nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong chính sách xoay vòng này. Mà thời
đại này, thời gian chính là tiền bạc, là doanh thu và là lợi nhuận. Hơn
thế nữa, chi phí đào tạo và vô số những khoản “chi phí cơ hội” khác là
không hề nhỏ. Một tác hại khác cũng dễ thấy là hiệu quả của công việc sẽ
không cao trong giai đoạn đầu. Nhân viên sẽ phải mất thêm một khoản
thời gian để “học việc” lại từ đầu, và nếu không cẩn thận, việc thiếu
các kĩ năng có thể ảnh hưởng đến toàn công ty. Bên cạnh đó, có cơ hội
làm việc cùng nhau giúp xây dựng đoàn kết nội bộ thì cũng hoàn toàn có
thể gây chia rẽ nội bộ, bất đồng cũng sẽ vì thế mà lan rộng hơn.
Đặt lên bàn cân
Bất cứ một chính sách nào cũng sẽ có hai
mặt, không phải hoàn toàn có lợi và cũng không hoàn toàn không tác
dụng. Cũng như khi kinh doanh một sản phẩm luôn cần cân nhắc giữa “chi
phí” và “lợi nhuận”, ở đây chính sách sẽ phát huy tác dụng, tuy nhiên
cần cân nhắc xem lợi ích ấy như thế nào so với khoản chi phí bỏ ra. Hãy
đặt chúng lên bàn cân để có một quyết định chính xác nhất. Bởi vì một
chính sách là có lợi trong trường hợp này, tại thời điểm này hoàn toàn
có thể gây tác động ngược tại một thời điểm khác!
Lê Hoài Phương - CareerLink.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét