Menu ngang

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Một thoáng...




Một thoáng Singapore

                                                                    Bút ký của Lê Văn Hiền

Cách đây hai năm, tôi bị đau mắt phải. Đi khám, điều trị ở một số bệnh viện tại Hà Nội, các bác sĩ đều kết luận: mắt tôi bị bệnh glôcôm góc mở trầm trọng. Tầm nhìn (thị trường) mắt phải chỉ còn khoảng 20%. Nguy cơ lây nhiễm sang mắt trái là rất lớn. Có bệnh thì vái tứ phương. Với tâm trạng lo sợ phần đời còn lại của mình phải sống trong bóng tối triền miên, tôi tìm đến các bệnh viện mong tìm ra phương cách cách điều trị tốt nhất. Thế nhưng hy vọng bao nhiêu, tôi càng thất vọng bấy nhiêu. Bởi vì, mỗi bệnh viện đều đưa ra một kiểu điều trị khác nhau. Tôi biết chọn ai, thật là bế tắc. Trong những ngày đi tìm “ánh sáng” cuối đường hầm, tôi nhận được nhiều lời khuyên sang Singapore chữa trị là tốt nhất. Vẫn biết rằng, sang xứ ấy là tốn kém nhiều lắm, nhưng có chỗ để hy vọng còn hơn không. Tôi cầu mong, số phận sẽ mỉm cười với mình trong lé loi 1/100 tia hy vọng.
Thật may, đầu năm nay Chiến - con trai tôi - đang làm cho một công ty máy liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội được cử sang Sing để bồi dưỡng nghiệp vụ. Cháu mang bệnh án của tôi đi theo để được tư vấn và đăng ký khám bệnh tại bệnh viện mắt quốc tế Singapore (Singapore National Eye Centre). Cuối tháng 10 vừa rồi, cháu sang đó lần thứ hai. Tôi quyết định đi theo. Cháu đi trước tôi một tuần.
Chuẩn bị cho chuyến đi, vét toàn bộ “ngân khố” gia đình mới đủ được 4.000 đô Sing ( khoảng 70 triệu đồng Việt Nam). Cầm những đồng tiền gom góp của vợ con, tôi thật áy náy, không đặng lòng. Phút chót định tính bài chuồn. Nhưng Hà - bà xã tôi - động viên, khuyến khích: “ Ông phải đi để chữa cho khỏi bệnh. Đây là thời cơ có một không hai để ông kết hợp chữa bệnh với tham quan du lịch nước ngoài”. Chinh - con gái út - còn dặn: “ Chả mấy khi bố đi du lịch. Bố cứ tiêu cho thoái mái, tốn kém để các con lo”. Nói vậy, trong khi hai vợ chồng cháu cũng chẳng dư dật gì, còn nuôi đứa con chưa đầy hai tuổi. Với tôi, du lịch chưa cần thiết lắm. Nhưng chữa bệnh thì không thể chần chừ.
Để tôi không còn đường thoái thác, mẹ con bà xã đã lẳng lặng mua vé máy bay và chuẩn bị các thứ cần thiết cho chuyến đi. Đưa tôi vào tình thế đã rồi. Sáng ngày 3 tháng 11, cả nhà đưa tôi  lên sân bay Nội Bài. Làm xong các thủ tục, tôi đi vào phòng chờ. Một thoáng cô đơn lóe lên trong tôi. Liệu có trắc trở gì đang chờ mình phía trước.
 Chiếc máy bay mang số hiệu 663 của Hãng hàng không Việt Nam cất cánh lúc 9 giờ 30. Ngồi trong khoang tôi lướt nhìn ra xung quanh hành khách ít ỏi. Trong đó khoảng một phần ba là học sinh đi du học. Một cháu ngồi cạnh đang học năm cuối tại một trường quốc tế của Sing. Hỏi chuyện cháu, tôi được biết, việc học ở Sing qua mấy năm đại học là một số tiền rất lớn, phải là nhà khá giả mới kham nổi. Tôi đã đọc một bài viết phân tích việc học sinh của ta sang học ở đấy hàng năm đã rót vào ngân sách của họ khoảng một tỷ đô. Khi tốt nghiệp, những học sinh giỏi có nhu cầu ở lại làm việc, thì họ sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện nhập tịch chỉ trong hai ngày. Nhẩm tính, hàng năm, với du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới, chi phí cho việc mua kiến thức lớn biết dường nào. Nếu như số tiền khổng lồ đó chi cho việc đào tạo nhân tài để trở về phục vụ Tổ quốc, thì thật cần thiết. Còn ngược lại thì xót lắm! Khi tôi đang ngồi trên máy bay, Quốc hội đang họp để bàn nhiều việc về quốc kế dân sinh, trong đó có vấn đề cải cách giáo dục và phát triển khoa học - công nghệ trong tình hình mới. Nhưng bàn gì thì bàn cũng phải nhanh chóng ngăn chặn nạn chảy máu chất xám. Đồng thời, cần có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để khuyến khích thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc.
 11 giờ 30 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Singapore Changi. Nhìn ra hai bên đường băng tôi thấy những cánh rừng xanh tươi, ngút ngát. Cảm nhận ban đầu của tôi là sân bay này có thảm cây xanh đẹp. Theo đoàn người vào ga làm thủ tục nhập cảnh, tôi tranh thủ quan sát thấy sân bay rất lớn và hiện đại. Các bước thủ tục là một chuỗi liên hoàn gắn kết chặt chẽ và rất nhanh chóng. Tôi được biết, theo đánh giá và khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, sân bay Changi là 1 trong 3 sân bay 5 sao trên thế giới ( 2 sân bay kia là: sân bay Incheon Seul của Hàn Quốc và sân bay Chek Lap Kok của Hồng Kông), có diện tích 1.500 ha. Hàng năm, sân bay tiếp nhận 37 triệu hành khách (công suất là 73 triệu khách/năm) và gần 2 triệu tấn hàng hóa. Sân bay Changi còn là một trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, ăn nghỉ đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của hành khách. Trong khuôn viên sân bay có 6 khu vườn thực vật: xương rồng; hướng dương; tre...và nhiều cây cảnh, đá cảnh, hoa đặc biệt là rất nhiều hoa phong lan. Hàng năm, sân bay đóng góp vào ngân sách khoảng 5 tỷ đô Sing.
Ra tới cửa ga thấy con trai đang chờ sẵn. Bố con tranh thủ lướt qua một vài chỗ để tham quan chụp ảnh làm kỷ niệm như: đảo hoa, viên đá hồng ngọc, cây dứa dại trong hồ thủy sinh. Tôi tự ngẫm, cây dứa dại này ở đồng quê mình, lúc còn nhỏ lũ chúng tôi - những đứa trẻ chăn bò - thường rút đọt non chấm muối ăn cho đỡ đói. Nhưng ở đây nó đẹp đến lạ lùng. Lên xe điện tự động chạy trong nội ga, chúng tôi đến ga điện ngầm về khách sạn. Lần đầu tiên đi tầu điện ngầm, tôi thực sự choáng trước quy mô, tiện ích và mức độ hiện đại của nó. Từ trên mặt đất, chúng tôi theo dòng người đi xuống các cầu thang cuốn chạy liên tục trong ngày. Tại đây, hành khách mua một thẻ từ ezlink - thẻ này dùng cho cả việc xe bus. Sau đó hành khách đi theo hướng dẫn hiển thị trên các bảng điện tử vào trạm kiểm soát từ tự động. Khách áp thẻ từ vào ổ khóa ngầm gắn ở cột, khi đèn báo xanh, hai cánh cửa tự động mở, thì nhanh chóng đi qua. Nếu quá ba giây sau khi đèn xanh báo hiệu mà không qua thì bị mất tiền. Muốn khiếu nại, phải tìm nhà chức trách can thiệp. Qua trạm kiểm soát, khách có thể đi ngay tầu ở tầng hai hoặc đi tiếp cầu thang cuốn xuống tầng ba. Ở tầng ga nào dưới đất cũng có hai đường tầu ở hai bên cho đôi tầu chạy ngược chiều nhau. Ga tầu rất rộng, chứa được hàng ngàn người, tôi cảm tưởng như đang ở trên mặt đất. Hai bên ga bố trí ghế ngồi và các bảng biểu điện tử cập nhật các thông tin về tuyến đường ( hiện có 4 đường: xanh, đỏ, tím, vàng) nhà ga, số hiệu tầu...để khách chọn lựa. Mỗi chuyến tầu vào ga cách nhau 5 phút lại rất chính xác, nên không phải đợi lâu. Để đảm báo an toàn cho khách, tại các cửa ra vào tầu người ta lắp các cánh cửa kính tự động mở khi tầu vào ga. Khi tầu dừng hẳn cửa tự động mở khách phải nhanh chóng ra vào tầu, mấy giây sau chuông báo hiệu nguy hiểm, cửa tự động  đóng lại để tầu chuyển bánh. Trong tầu hành khách ngồi ở hai hàng ghế hai bên. Đồng thời, có thể bám vào dây neo hoặc các cột chống bố trí dọc thân tầu. Tôi thấy mọi người vào ra trật tự, không hề chen lấn xô đẩy, sẵn sàng nhường chỗ cho người già, người khuyết tật. Phía trong cửa có một bảng điện tử và loa tự động, thường xuyên hiển thị sơ đồ tuyến đường. Bằng hai thứ tiếng Anh, Trung Quốc, trung tâm thông báo cho hành khách về vị trí tầu đang chạy và các thông tin cần thiết khác. Bên dưới bảng điện tử là một bảng cấm những điều không được làm và các mức phạt khi vi phạm như: hút thuốc phạt 500 đô; mang chất cháy, đổ chất bẩn ra tầu phạt 5.000 đô... Hoạt động của tầu điện ngầm hàng ngày từ 6 giờ rưỡi sáng đến 12 giờ rưỡi đêm nên việc đi lại rất thuận lợi. Quả thực, đây là một nét văn hóa giao thông, một điểm du lịch không thể bỏ qua ở đất nước này. Theo tôi biết, hàng ngày có khoảng 2 triêu lượt người sử dụng phương tiện tầu điện ngầm, chiếm gần một nửa dân số nước họ.
 Hệ thống tầu điện ngầm được xây dựng cách đây trên hai mươi năm. Lúc ấy để giải bài toán giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thành một mũi nhọn tăng trưởng, bạn đã đầu tư xây dựng hệ thống tầu điện ngầm và một số công trình quan trọng khác trên mặt đất. Khi tầu điện ngầm đưa vào hoạt động đã hút một lượng đông đảo hành khách. Góp phần giảm áp lực giao thông, giảm khí thải độc hại ra môi trường do sử dụng các phương tiện đi lại trên mặt đất. Đồng thời, tăng thêm thu nhập quốc gia, giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Nhờ vậy, bạn đã dành ra một không gian tĩnh trên mặt đất để xây dựng thêm các đường giao thông hiện đại, có đất trồng cây, làm thêm nhiều công viên và các công trình phúc lợi khác góp phần cải thiện môi trường sống xanh, sạch, đẹp tạo ra nhiều cảnh quan thu hút khách du lịch. Tôi tự ngẫm, trên hai mươi năm, hệ thống này chắc đã thu hồi được vốn và có lãi. Tôi thật sự khâm phục về tầm nhìn chiến lược sớm giải quyết bài toán giao thông hóc búa. Thời ấy, thế giới nói chung và Sing nói riêng, chưa ai bị tác động nhiều về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Thế mà, họ đã đưa ra quốc sách xanh, sạch, đẹp - kèm theo đó là những giải pháp triển khai, kiểm soát rất chặt chẽ để thực hiện bằng được. Kết quả thực hiện đã tạo nên những công trình xuyên thế kỷ, góp phần để Sing cất cánh thành con rồng ở khu vực Châu Á. Được đi lại, hít thở bầu không khí trong lành ở đây, tôi mong sao một ngày nào đó Hà Nội của chúng ta cũng được thế này.
Qua hai lần tầu điện ngầm với khoảng 10 ga khác nhau, bố con tôi lên mặt đất về khách sạn Arianna tại số 83 đường Alwi nằm ở tiểu khu Ấn Độ là khu vực sinh sống người Sing gốc Ấn. Trưa ấy chúng tôi ăn cơm tại một nhà hàng gần khách sạn. Vì quen như ở nhà, tôi bảo Chiến gọi một vài ly rượu hay một vài lon bia để tẩy bụi trần, giãn gân cốt. Ngồi đợi một hồi lâu mới thấy con về không có gì trên tay. Tôi hỏi: “Con không mua được à?”. Chiến trả lời: “ Quán ăn ở đây không bán rượu bia. Chỉ có nước ngọt thôi bố ạ”. Tôi bảo Chiến lấy 2 lon Cocacola hết 3 đô ( 51.000 vnđ). Nếu như ở ta loại quán thế này, rượu bia là một mặt hàng chiếm nhiều tiền nhất trong một bữa ăn. Nhưng ở đây lại không có bán, đó là một điều lạ. Trong quán có rất nhiều quầy bán, chủ hàng khác nhau với nhiều món Âu, Á được chụp ảnh phóng to, ghi rõ giá rất bắt mắt. Vì vậy, khách chỉ cần nói hoặc chỉ vào hình ảnh là được đáp ứng ngay rất thuận lợi. Quan sát tôi thấy nhiều người phục vụ bàn luôn cầm trong tay một chiếc khăn lau sẵn sàng phục vụ khách khi cần. Đặc biệt quán không có giấy lau và tăm chả thế nhà của họ luôn sạch dẫn đến phố, phường sạch theo. Chuyện nhỏ nhặt qua một bữa ăn đầu tiên ấy thôi cũng nói lên nét văn hóa ẩm thực nơi công cộng của họ khác chúng ta lắm. Tại các quán ăn, không có sự xô bồ, hò hét ầm ỹ - nhất là không có rượu bia. Chính rượu bia là một trong những nguyên nhân gây nên các tai họa như: tai nạn giao thông, tội phạm,…Điều nhức nhối mà xã hội chúng ta đang đối mặt
Đối diện với khách sạn chúng tôi đang ở bên kia đường là siêu thị Mutapa có hai khối nhà cao 5 tầng nối liền nhau mở cửa suốt ngày đêm. Hàng ngày con đi làm, tôi sang đó chơi, ngắm ngó, mua sắm. Siêu thị có ba tầng hầm ba tầng nổi đầy ắp hàng tây, ta với nhiều chủng loại, cấp độ, dáng vẻ, to, nhỏ, khác nhau. Mọi thứ hàng hóa so với ta là quá đắt. Ngoài những mặt hàng siêu cấp, hàng hiệu đắt tiền "không đáng” làm tôi để mắt tới vì "không hợp gu", không có nhu cầu, thì những loại khác cần thiết phải mua tôi đều phải cân nhắc kĩ. Nói rằng Sing là thiên đường mua sắm, điều đó chỉ đúng với những người lắm tiền. Những người khác, với túi tiền hạn hẹp, có việc phải sang đây, thì phải cố cho xong mọi điều rồi nhanh chóng trở về.
Tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần, bố con đi tham quan một số danh lam thắng cảnh của thành phố như: Gardens by the Bay; Marina bay Sands; Melion Park.
Từ khách sạn xuống tầu điện ngầm đi khoảng 8 ga rồi lên mặt đất trước mặt tôi là khu vườn rộng hàng trăm ha bên bờ vịnh. Tại đây, lợi dụng địa hình tự nhiên, họ đã cải tạo thành một khu vườn cảnh quan sơn thủy. Từ cổng vào du khách đi qua một chiếc cầu treo bắc qua một con suối rộng dẫn vào khu trung tâm nằm giữa những ngọn đồi mấp mô lượn sóng. Trên một khu đất bằng có ba ngọn tháp hình cây nấm bằng xi măng không có tán lá, cành tua tủa vươn lên trời. Xung quanh cây nhân tạo nhiều cây dây leo, cây phong lan được bố trí khéo léo ôm quanh thân tháp nhìn xa như một cây đại thụ khổng lồ rụng hết tán lá. Để tạo cảm giác mạnh cho khách có nhu cầu, trong lòng tháp có hai cầu thang máy dẫn khách lên cao để ngắm vườn trên một cây cầu treo lơ lửng giữa trời với giá 5 đô / người. Từ đây khách có thể nhìn thấy hai khối nhà cao tầng Marina bay sands là trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn nhất khu vực. Nhìn từ xa, hai khối nhà như hai cánh tay chắc nịch của người khổng lồ đang nâng một khu vườn treo dài rộng trồng nhiều cây xanh giữa lưng chừng trời. Dưới đất là đại lộ Pacvaay đi qua vịnh xe cộ như mắc cửi. Phía sau lưng sau khu vườn là biển xanh với những con thuyền nhỏ nhấp nhô trên sóng nước. Đi qua những con đường ngoằn ngoèo vòng qua những quả đồi nhân tạo với nhiều loài cây lá được trồng tỉa, chăm bón, sắp đặt giống như trong tự nhiên, khách có cảm giác như đang lạc bước vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Ở đây có những cây rất lạ lần đầu tiên tôi mới thấy. Nhưng cũng có những cây hoang dã như: cây cứt lợn, lau, lách, lá dong hay cây húng quế làm rau ăn ở bên ta cũng được họ sử dụng làm cây cảnh trong hợp cảnh muôn loài khoe sắc của vườn.
  Một vạt vườn thâm u bên suối nước chảy róc rách có những thân cây đã hóa thạch mốc meo triệu năm tuổi bắc ngang như gợi nhớ ta không quên cuội nguồn từ thời hồng hoang lập cõi. Tham quan khu nhà vòm bằng kính nơi hội tụ những loài hoa đẹp trên thế giới được chăn sóc đặc biệt giống như môi trường tự nhiên của chúng làm ta cảm phục cách làm hơn người của họ. Dừng chân trong hội quán được xây nửa âm, nửa dương. Phần dương rộng thênh thang được kê những phiến gỗ dài làm ghế để khách ngồi ngắm một loạt gốc cây khô có hình thù kỳ dị được đặt có chủ đích xung quanh. Phần âm là nửa phần tứ giác lộn ngược xây bậc từ dưới lên trên được bày hình nộm các con thú nằm trong sách đỏ nguy cấp cần bảo vệ. Không có biển báo, không một lời thuyết minh họ muốn khi khách ngồi vào đây để chứng kiến thực cảnh một thảm họa môi trường để tự ngẫm mình là quan tòa hay bị cáo. Cho dù là ai đi chăng nữa thông điệp cuối cùng họ muốn chúng ta phải sống thân thiện với thiên nhiên phải xem bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ sống còn của nhân loại.
Rời vườn, bố con lên cầu thang cuốn đi qua cầu vượt đại lộ sang tòa nhà trung tâm thương mại Marina. Từ trên cao nhìn xuống cảnh đi lại rất nhộn nhịp như muốn dục chân du khách nhanh chóng hòa nhập. Xuống tầng một đi về phía sau ngôi nhà trước mặt là một quảng trường rộng thoai thoái ra bờ vịnh. Tại trung tâm tiền sảnh của quảng trường có một chảo thủy tinh parabon có đường kính chừng 25- 30 m, dày 10 cm có một lỗ thủng ở giữa là nơi để mọi người đến đây thả xu để cầu may. Sẽ là người may mắn khi thả đồng xu lăn trúng vào lỗ trung tâm chảo. Phóng tầm mắt ra xa ngoài kia là vịnh - phần biển ăn sâu vào đất liền. Bờ đối diện bên kia là tượng đài Melion Park và trung tâm thương mại với những ngôi nhà chọc trời bên bờ vịnh. Thả bước chậm rãi ra bờ nước trên mặt sàn lát gỗ rộng mênh mông của quảng trường tôi thấy họ đáng mặt là đại gia giàu có, rất phóng tay sử dụng gỗ trong xây dựng và trang trí nội thất. Đi đâu tôi cũng gặp gỗ lát sàn cả trong nhà và ngoài trời. Việc lát gỗ trong nhà là chuyện lâu nay của những người giàu có nhưng đem gỗ ra lát cho toàn bộ quảng trường, đường đi xung quanh Gardens by the Bay thì làm tôi thật kính nể. Vậy họ lấy gỗ ở đâu mà nhiều vậy? Rừng của họ chăng? Chắc chắn là không thể. Một quốc gia diện tích chưa bằng huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh bên ta thì lấy đâu ra nhiều rừng để cung cấp nhiều gỗ thế. Câu trả lời là: Họ đã nhập khẩu gỗ từ các nước nhiều rừng, trước tiên là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Tới đây, tôi chợt nghĩ, khi  hành vi tiệt diệt rừng nguyên sinh của chúng ta- cái nôi của sự sống - hút máu rừng bán cho nhà giàu là chuốc lấy cái chết dần dần được báo trước do phá hoại hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão lụt, bệnh tật...Thật là bi hài khi nghĩ mình đang đi trên những tấm gỗ lát đường của rừng Việt Nam vào xem những khu vườn nhân tạo của họ để ngộ ra bài học nhân sinh bảo vệ môi trường sống. Về trưa, trời nắng nóng, nhưng bố con vẫn quyết đi bộ khoảng hai km tham quan tượng Melion Park. Tương truyền, ngày xưa có một hoàng tử đi kinh lý về xứ này - một vùng đất hoang sơ bên cửa biển chưa có người ở. Ngài chỉ  nhìn thấy một con sư tử biển. Về sau, dân cư tụ hội về đây ngày một đông, làm ăn phát đạt, họ nhớ đến ân đức tạo lập của Ngài. Họ gọi đất này là Singa - đất của sư tử. Vì vậy, sư tử biển được chọn làm biểu tượng của quốc gia này là thế. Tượng đài là một khối đá trắng cao to tạc hình sư tử biển quẫy đuôi trên sóng bạc ở tư thế thẳng đứng, mắt mở to, mặt nhìn ra vịnh miệng phun nước trắng xóa. Xung quanh tượng đài là một tổ hợp công trình công viên, vườn hoa, hệ thống chiếu sáng để tôn thêm vẻ đẹp cho công trình. Dù trời rất nắng nhưng quanh tượng đài vẫn rất đông người đủ mọi sắc tộc trên thế giới đến tham quan, quay phim chụp ảnh. 
Tham quan xong tượng đài sư tử, chân đã mỏi, tôi liền nói với con: “Nếu quay về theo đường cũ, chắc bố không đi nổi. Hay là tìm một ga ở bên này cho gần hơn”. Vừa lúc đó có một đôi nam nữ đi tới. Con tôi tiến đến hỏi bằng tiếng Anh nhờ chỉ giúp ga tầu điện ngầm. Không một chút ngập ngừng, cậu con trai liền rời cô gái, ra hiệu chúng tôi đi theo. Vượt qua một mố cầu và một đoạn đường lắt léo qua mấy con phố dài cỡ một km rồi dừng lại, cậu ta chỉ cho chúng tôi ga tầu. Con tôi nói lời cám ơn. Chờ bố con tôi bước vào ga, cậu ấy mới quay trở lại. Nhìn bóng cậu khuất dần tôi thấy mình như người có lỗi vì chưa kịp nói lời cảm ơn.
Thực hiện mục đích chính của chuyến đi, theo hẹn, 8 giờ sáng ngày đầu tuần có một cô gái tên là Nanxy Chua tới đón tôi vào bệnh viện mắt. Chua người Sing gốc Hoa nói tiếng Việt lơ lớ. Qua tiếp xúc ban đầu, tôi được biết bố mẹ Chua đã già trên 80 tuổi- cô ấy không phải là nhân viên bệnh viện. Chua dẫn tôi đi tầu điện ngầm qua tám ga thì lên mặt đất đi tiếp xe bus vào bệnh viện. Tại phòng tiếp nhận bệnh nhân, các nhân viên hành chính kiểm tra hộ chiếu, tích kê đặt chỗ rồi chuyển tôi vào phòng khám chuyên khoa bệnh glôcôm. Phụ trách phòng khám này là bác sĩ David Goh khoảng 40 tuổi. Trong khi chờ đến lượt, tôi quan sát thấy khá đông bệnh nhân là người Sing ngồi cùng. Mọi bệnh nhân đều trật tự và khiêm nhường tiếp nhận sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Các bác sĩ, nhân viên phòng khám có thái độ hòa nhã, tận tình, chu đáo đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”mà bên ta thường xuyên nhắc tới. Đến lượt khám, tôi cùng Chua ngồi đối diện cùng bác sĩ. Cũng như ở Việt Nam, bác sĩ Goh dùng máy soi vào hai đáy mắt của tôi và nói để Chua dịch lại là làm một số xét nghiệm cần thiết trước khi kết luận - dù rằng trước đó ông đã xem bệnh án của tôi. Cầm giấy xét nghiệm, tôi cùng Chua đi tiếp để đo thị trường, nhãn áp với những chiếc máy không có gì khác bên ta. Mọi xét nghiệm đều có kết quả ngay. Tôi cùng Chua cầm kết quả xét nghiệm về phòng khám để bác sĩ kết luận. Qua phiên dịch của Chua, tôi nghe bác sĩ kết luận bệnh tôi không khác gì các bác sĩ Việt Nam đã từng kết luận. Ông còn rút trong ngăn bàn ra một tờ quảng cáo bằng tiếng Anh nội dung nói về cách phòng ngừa bệnh glôcôm chỉ cho tôi đọc để phòng ngừa. Sau đó ông cho tôi một đơn thuốc dùng trong ba tháng chỉ duy nhất một loại thuốc nước để nhỏ mắt. Ông nói thuốc này là tổng hợp thành phần của hai loại thuốc tôi đã dùng ở Việt Nam. Sau ba tháng dùng hết, lại sang khám lại để có chỉ định tiếp. Tôi nghĩ, việc đi lại sau ba tháng là khó khăn, đề nghị ông cho đơn kéo dài thời hạn dùng thuốc một năm. Ông đã đồng ý. Qua kết luận không thấy có nhắc gì về phẫu thuật như một bệnh viện ở ta đã chỉ định, tôi hỏi lại ông cho chắc chắn liệu ở đây có thể tiến hành cho tôi được không? Ông nói, hiện nay y học thế giới chưa có chỉ định phẫu thuật cho bệnh glôcôm, mà là dùng thuốc để phòng ngừa sự tiến triển xấu của bệnh. Ngài yên tâm, vì con mắt trái của ngài còn tốt. Hãy cố giữ khi nào bệnh quá xấu hãy sang đây. Nghe bác sĩ giải thích, tôi thật buồn, khi đã rơi vào tình trạng như ông dự liệu, thì chắc rằng tôi sẽ chẳng gặp được ông nữa. Khi mắt đã mù, có sang đây cũng chả để làm gì!
Rời phòng bác sĩ chuyên khoa mắt, tôi và Chua quay ra thanh toán chi phí khám bệnh. Căn cứ vào mã số đăng ký, nhân viên rút từ máy ra một phiếu liệt kê toàn bộ những việc đã tiến hành, yêu cầu tôi kiểm tra lại và trả tiền. Sau đó tôi cùng Chua đi mua thuốc theo đơn. Trên đường đi, tôi nhớ lời dặn của một người thường xuyên định kỳ khám mắt lấy thuôc ở đây: “Khi có đơn lấy thuốc, chỉ nên mua thuốc viên thôi vì thuốc họ tốt hơn. Còn thuốc nước thì đắt, về nước mua cũng được”. Xem đơn thuốc chỉ duy nhất một lọ thuốc nhỏ mắt, tôi quyết định sẽ mua 12 lọ để dùng cho cả năm. Khi vào làm phiếu để lấy thuốc tôi mới biết giá thực của lọ thuốc có dung tích 2,5 ml là 63,7 đô tức bằng 1.100.000 vnđ nên chỉ mua một lọ để làm mẫu mang về Việt Nam đối chứng. Không có ý định sang đó lần hai để mua thuốc. Tối đó về khách sạn, tôi bảo con chụp và chuyển bằng intenet lọ thuốc về bên nhà tìm thông tin có thuốc này không. Một ngày sau vợ tôi cho biết thuốc này ở Viện mắt cũng có do một công ty liên doanh với nước ngoài sản xuất giá chỉ khoảng 300. 000 đồng/lọ. Đã thường xuyên nghe câu “đắt như vàng”, với câu chuyện của tôi nếu tính đúng, tính đủ toàn bộ hành trình cưỡi mây vượt biển sang đây chỉ để duy nhất mua một lọ thuốc nhỏ mắt thì cái giá của nó là siêu đắt.
Việc cất công hao tâm khổ lực đi nước ngoài để chuốc vào thân một kết cục không mong muốn âu đó là một bài học quí cho tôi và những người nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, ngẫm lại mục đích chuyến đi và những gì được trải nghiệm, tôi cho rằng, chuyến đi này đạt yêu cầu - có mặt còn trên cả yêu cầu. Như tôi đã nói từ đầu, trong tình cảnh một người bệnh hốt hoảng mất lòng tin vào nền y học nước nhà, tôi muốn sang đây để tìm hy vọng cho dù hy vọng chỉ chiếm 1/100. Mà hy vọng đã le lói rồi đấy thôi. khi bác sĩ khẳng định rằng tôi còn một con mắt còn tốt hãy nâng niu, hãy cố giữ, để nó không xấu đi, mà có xấu đi thì hãy sang bên này tính tiếp. Dù biết sự “tính tiếp” như ông nói, với mình cũng chỉ là một lời an ủi. Nhưng có còn hơn không. Ít ra trong trường hợp của tôi, niềm hy vọng như một liều an thần làm quên nỗi đau đớn!
Qua lần trải nghiệm này tôi cũng ngộ ra một điều rằng, trình độ y học của họ chẳng hơn bên mình. Vẫn  những phương tiện ấy, họ cũng đưa ra kết luận như bên ta, mà cách tiến hành lại quá sơ sài. Điều này khiến tôi thất vọng, nghi ngờ. Bù lại, tôi thấy ấm lòng trước thái độ lịch sự, tôn trọng bệnh nhân. Đây là một điểm mạnh, tạo sức hấp dẫn bệnh nhân, giúp họ thành công trong nghề nghiệp. Viết tới đây tôi muốn một ngày không xa, số lượng bệnh nhân vượt tuyến ra nước ngoài chữa trị như tôi sẽ giảm dần. Để giữ họ ở lại điều trị trong nước, tôi cho rằng, không có gì khác hơn là y đức, y lý và y thuật của người thầy thuốc. Trong đó y đức là cái gốc. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay y đức của một bộ phận thầy thuốc đang xuống cấp. Biết đến bao giờ ngăn được làn sóng “bệnh kiều” chảy ra nước ngoài. Buồn lắm thay!
Mấy ngày ở đây, buổi sáng con tôi phải đi làm. Buổi chiều, bố con đi thăm thú, mua sắm ở một số nơi trong phố. Phố Sing không rộng. Có những con phố sầm uất chật chội như khu phố cổ Hà Nội. Hiện tại bạn cũng đang nâng cấp cải tạo một số tuyến phố bằng cách ngăn cách tạo “lô cốt”như bên ta. Nhưng nhờ phân luồng phương tiện tốt nên không ùn tắc. Hai bên phố, họ trồng rất nhiều cây xanh và là những điểm nhấn tạo cảm giác thân thiện, hòa nhập giữa màu xanh của thiên nhiên với màu đen, trắng của phố phường. Cây xanh giúp cho những cao ốc chọc trời và những ngôi nhà cổ mốc thếch ở đây bớt nặng nề, thô mộc. Cây xanh được trồng ở mọi nơi dưới đất, trên cao, trong nhà, dưới lòng đất sâu hàng chục mét trong ga tầu điện ngầm. Đi trên phố có đoạn ta cảm giác như lạc vào rừng cây nhiệt đới cây to, cây nhỏ, cơ man nào là cây  tất cả được bàn tay con người chăm chút tạo nên những bức tranh sống động nhiều màu sắc. Có một kỷ niệm mà tôi không thể quên là, lần đến nhà hàng Palaza nằm ở trung tâm thành phố vào lúc chiều tối đã sáng đèn. Tôi tranh thủ dạo quanh khu vực ngôi nhà để ngắm nghía. Cảnh quan ở đây làm tôi thật bất ngờ khi giữa trung tâm thành phố cạnh một ngôi nhà hiện đại cao nhiều tầng lại tồn tại một khu rừng nguyên sinh thu nhỏ. Nơi này cũng có đủ các loài thực vật to, nhỏ khác nhau, cộng sinh, leo, bám, phân tầng như trong một khu rừng tự nhiên giữa đại ngàn. Cũng có những những cây cổ thụ rễ buông chằng chịt, cành lá xum xuê làm chỗ dựa vững chắc cho cây dây leo, phong lan nở hoa thơm ngát. Dọc theo hành rào ngăn cách với đường phố những cây lá dong, cây buông, cau rừng xanh mướt đung đưa dưới ánh đèn cao áp. Giờ này trời đã tối, các loài chim kéo về tổ, trên các ngọn cây đang chí chóe tranh nhau chỗ ngủ. Trong mớ hỗn tạp ấy, một con tu hú vô tư cất tiếng gọi bầy mặc cho con người dưới kia làm gì mặc họ. Cảnh tượng ấy tạo cho ta cảm giác bình yên, thân thiện giữa chốn phố phường ồn ã.
Một điều nổi bật của đường phố Sing là sạch - sạch tới mức tạo cảm giác nghi ngờ. Để làm được điều đó họ đã có những quy định chế tài rất nghiêm được người dân đồng tình và thực hiện triệt để như: vứt rác ra đường, nhổ bậy phạt 500 đô. Tham gia giao thông nhiều nhất là ô tô, thứ đến là mô tô rồi các loại phương tiện khác. Mật độ phương tiện tuy đông nhưng vào giờ cao điểm vẫn ít tắc do họ đi lại rất trật tự, luôn có ý thức nhường nhịn nhau. Tại các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư tôi không thấy cảnh sát giao thông, nhưng phương tiện vẫn chấp hành nghiêm hiệu lệnh của hệ thống đèn tín hiêu. Nếu có vi phạm hệ thống camera giám sát sẽ chuyền tín hiệu về trung tâm xử lý và sẽ bị phạt nặng. Để giảm lượng người sử dụng ô tô, họ đánh thuế nhập khẩu ô tô cao, đưa ra những quy định bắt buộc như phải có gara và các thủ tục đăng ký, lưu hành rất phức tạp. Vì vậy, sắm xe ô tô ở đây phải là người giàu, là tay chơi. Để giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm ở khu trung tâm thành phố, họ áp dụng thuế giờ cao điểm rất cao. Vào giờ ấy chỉ thật cần thiêt mới vào trung tâm. Việc giám sát thu thuế được tích hợp vào hộp đen tự động gắn trong xe. Bên cạnh giải pháp trên, Nhà nước còn khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tầu điện ngầm bằng giá rẻ, giảm giá cho những đối tượng nghèo học sinh, sinh viên. Nếu là công dân của họ, tôi sẽ chọn đi tầu điện là tốt nhất, có tiền cũng không sắm ô tô.
Qua mấy ngày ở Sing tôi thấy văn hóa ứng xử ở nơi công cộng thật đúng mực. Bất cứ ở đâu, trên đường đi, quán xá, trong siêu thị,… họ luôn thường trực một chữ “ nhường”. Có lẽ vì vậy mà một nước có đa sắc tộc: Mã Lai, Ấn Độ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc và một số quốc gia khác với nhiều vùng miền văn hóa, tôn giáo khác nhau, họ đã chung tay, đồng lòng xây nên một nền văn hóa đặc trưng Singapore. Chính động lực này đã thúc đẩy từ một thương điếm nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, không giàu tài nguyên, thuộc địa nước ngoài, Sing trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ, giàu có ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tôi cũng có một kỷ niêm về chữ “nhường” này khi đi tầu điện ngầm. Cụ thể là, chiều tối ngày cuối cùng kết thúc lớp tập huấn của con, tôi được họ mời dự tiệc chiêu đãi tại nhà hàng Plaza cách nơi ở chúng tôi khá xa phải đi tầu điện ngầm. Tôi nhớ khi tầu vừa dừng lại hai dòng người lên xuống quá đông, nên tôi bị tụt lại phía sau trong khi con đã vào được bên trong. Khi đến lượt mình thì chuông báo hiệu đã reo, cửa tầu đang từ từ khép lại. Tôi hoảng hốt nghĩ rằng, bằng mọi giá phải vào tầu cho được; nếu không sẽ bị lạc. Tôi nhảy ào qua khe cửa chật. Rất may là vào được nhưng mất đà suýt ngã ra sàn tầu đang chạy. Con trai và mọi người trong toa được một phen hú vía nhìn tôi với con mắt vừa kinh hãi vừa cảm thông. Đang rất lúng túng xấu hổ với sự “liều mạng” vừa rồi và chưa biết giấu bộ mặt thất thần ấy vào đâu, thì một cô gái ngồi ở hàng ghế đối diện đứng dậy ra hiệu cho tôi ngồi vào ghế. Theo phản xạ tự nhiên, tôi từ chối, nhưng cô gái vẫn quyết nhường nên tôi đành miễn cưỡng ngồi xuống. Nhưng quả thật, trong lòng vẫn chưa yên. Biết tôi đang khó xử con trai động viên: “Ở đây họ làm như vậy là bình thường. Bố cứ yên tâm ngồi đi”. Đó là một kỷ niệm khó quên trong chuyến đi vừa qua.

Thời gian ở Singapore, với tôi, tựa như bóng nhạn thoáng qua cửa sổ. Một thoáng qua thôi, nhưng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Những điều tôi viết ra đây với mục đích lưu lại kỷ niệm vui, buồn, khám phá mới lạ trong cuộc hành trình ngắn ngủi mà tôi đã cảm nhận được.

    Hà Nội, những ngày lạnh đầu Đông năm Nhâm Thìn
                                                                     
                                          LVH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét