Menu ngang

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Gặp mặt



GẶP MẶT CÁC TƯỚNG LĨNH 
QUÊ HƯƠNG NGHỆ AN


           Nhân kỉ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 23 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân; nhằm tôn vinh các tướng lĩnh quê Nghệ  An, ngày 14 – 12 – 2012, tại thành phố Vinh đã tổ chức Chương trình “Gặp mặt các tướng lĩnh quê hương Nghệ An”. Cuộc gặp mặt này còn có các tướng lĩnh đã từng chiến đấu, công tác và nghỉ hưu tại Nghệ An - chọn Nghệ An là quê hương thứ hai của mình,
Có thể nói rằng, đây là cuộc gặp mặt có ý nghĩa lớn do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBTWMT Tổ quốc tỉnh Nghệ An tổ chức. Là cuộc hội ngộ đầu tiên của các tướng lĩnh - những người con trung hiếu và thành đạt của quê hương Xứ Nghệ anh hùng.
Địa linh sinh nhân kiệt. Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Danh nhân kiệt xuất và biết bao anh hùng liệt sĩ đã cống hiến hy sinh  vì Tổ quốc. Trên mảnh đất này đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, cách mạng   qua nhiều thế hệ. Mọi người dân Nghệ An đều có quyền tự hào về truyền thống quê hương. Đó là niềm vinh dự, là điểm tựa nâng bước quân hành cho mỗi người con trên mọi nẻo đường Đất nước. Từ nơi đây, biết bao người con yêu quí đã ra đi chiến đấu trên các chiến trường. Có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc bỏ lại một phần xương máu, sức lực vì sự nghiệp cách mạng, tô thắm thêm truyền thống quê hương. Trải qua mấy chục năm quân ngũ, rèn luyện trưởng thành trong ác liệt, khó khăn, gian khổ,  nhiều người đã trở thành tướng lĩnh của Quân đội, Công an - cán bộ nòng cốt của lực lượng vũ trang - Mà hôm nay những người có mặt tại đây là đại diện.
Tính đến nay, theo thống kê danh sách, Nghệ An có 103 cán bộ cấp tướng Quân đội (hiện còn sống 87 người, lần này về dự họp mặt 70 người). Tướng Công an có 16 người, đã từ trần 1 người. Trong đó, Nghi Lộc là huyện có nhiều tướng nhất: 17 người; Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là xã có nhiều tướng nhất: 3 người.
Trong hàng tướng lĩnh quê Nghệ An có những người tiêu biểu như:
Phùng Chí Kiên ( tên thật là Nguyễn Vĩ), được Bác Hồ giới thiệu đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (1926), Đại học Phương Đông (1934), là Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (1941). Ông là người được Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng. Được biết, tên Phùng Chí Kiên là do Bác Hồ đặt với ý nghĩa: Sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung.
Kế đến, có Trương Văn Lĩnh, người tham gia cách mạng cùng thời với: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Vương Thúc Oánh,..Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông được Trung ương và Bác Hồ cử giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân.
         Ông Lê Thiết Hùng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.  Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông được cử giữ chức Khu trưởng Khu 4, Chỉ huy trưởng  Bộ đội Tiếp phòng quân. Ngày 24/9/1946, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Đây là vị tướng đầu tiên của QĐNDVN. Về sau, ông được giao các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Chánh Thanh tra Quân đội,...
Cố Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên UVBCT, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm TCCT QĐNDVN . Ông là tướng quân văn võ song toàn, có nhiều công lao to lớn - Người được Bác Hồ gọi là Hai Mạnh (mạnh cả chính trị và cả quân sự).
           Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên UVTWĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Bí thư Khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên, nguyên Trưởng ban Quân sự đầu tiên của Trung ương Cục Miền Nam.
          Cố Trung tướng Nguyễn Đệ (tức Ba Trung), Anh hùng LLVT, nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 9. Vốn là một thanh niên Thiên chúa giáo, ông nhập ngũ năm 1945, suốt mấy chục năm liên tục chiến đấu lập công xuất sắc ở các chiến trường. Ông là người để lại sự kính quí của quân và  dân Miền Tây Nam Bộ.  
Cố Thiếu tướng Hoàng Đan - vị tướng có nhiều chiến công trong chỉ huy tác chiến trên chiến trường, đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học quân sự, có nhiều đóng góp về Chiến thuật và Nghệ thuật Chiến dịch.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975. Đặc biệt là, với tư cách Đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa, bằng trí tuệ, bản lĩnh và nhiệt huyết của mình, ông đã "đốt" nóng Hội trường trong nhiều phiên họp Quốc hội, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng dân.
            Với bao chiến công xuất sắc của một đời trận mạc, Trung tướng Lê Nam Phong là một Sư đoàn trưởng nổi tiếng của Chiến trường Nam Bộ …
Trong kháng chiến chống Mỹ, người Nghệ An là cán bộ cấp tướng và số cán bộ sau này là cấp tướng đều có mặt hầu hết ở các chiến trường. 
         Ở Mặt trận Tây Nguyên có: Tư lệnh Chu Huy Mân, Phó Tư lệnh Phạm Hồng Sơn; cơ quan Chính trị Mặt trận có Cao Tiến Phiếm,…Toàn Tây Nguyên có 4 trung đoàn chủ lực, thì cả 4 trung đoàn trưởng đều là người Nghệ An: Nguyễn Quốc Thước, Phùng Bá Thường, Hồ Đệ, Hoàng Nhiên. Đó là chưa kể có 2 trung đoàn phó cũng quê Nghi Lộc, Nghệ An: Trần Minh Dần, Nguyễn Đình Kiệp…
Ở chiến trường Nam Bộ có: Nguyễn Đệ (Ba Trung), Lê Nam Phong, Hoàng Nghĩa Khánh, Phạm Hồng Minh, Nguyễn Viết Khai,…Ở Khu Năm có: Chu Huy Mân, Bùi Đức Tùng,…
        Ở Trị Thiên có: Trần Văn Quang, Trần Văn Ân, Hoàng Đan, Doãn Sửu, Cao Xuân Khuông, Nguyễn Mạnh Đẩu, Hoàng Khánh Hưng,
             Ở Đoàn 559 có: Hoàng Kiện, Hồ Sỹ Hậu,…
          Ở cơ quan Bộ và các quân, binh chủng có: Triệu Huy Hùng, Lê Xuân Kiện, Hoàng Niệm, Lê Kế Lâm, Ngô Huynh, Ngô Trí Nhân,
Thời chiến hay thời bình, cán bộ cấp tướng quê Nghệ An đều có sự hiện diện ở các quân, binh chủng, nhiều lĩnh vực của Quân đội - từ cơ quan Bộ đến các đơn vị, học viện, nhà trường.
Trong ngành Công an, Nghệ An có đồng chí Trần Quốc Hoàn (tức Nguyễn Trọng Cảnh), nguyên UVBCT, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an suốt mấy chục năm - cả thời chiến và thời bình. Trong 16 tướng Công an đều là những cán bộ xuất sắc trên nhiều lĩnh vực ở cơ quan Bộ Công an : nghiên cứu chiến lược, khoa học, an ninh, tình báo, cảnh sát, công tác chính trị,…Và lãnh đạo Công an một số địa phương.
Chiều tối ngày 13/12, theo giấy mời của UBND tỉnh, các tướng lĩnh từ nhiều nơi tập trung về Khách sạn Phương Đông - khách sạn thuộc loại sang nhất thành phố Vinh.
Về đây có các lão tướng: Thiếu tướng Hoàng Niệm, 89 tuổi, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin, từ thành phố Hồ Chí Minh về. Thiếu tướng Phùng Bá Thường, 88 tuổi, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 14, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Hậu cần; Trung tướng Nguyến Quốc Thước, 87 tuổi, từ Hà Nội về. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, 82 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng-Thiết giáp Học viện Quốc phòng; Chuẩn Đô đốc - PGS Lê Kế Lâm, 78 tuổi, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, từ thành phố Hồ Chí Minh về. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Nghệ An, 85 tuổi, …
Lớp tướng đang tại ngũ là lực lượng sung mãn với khá nhiều thành phần: Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật. Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh binh chủng Công binh. Thiếu tướng Trần Xuân Hòe, Tư lệnh binh chủng Đặc công. Thiếu tướng Lê Việt Hòe, Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ. Thiếu tướng Ngô Văn Sơn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin / BTTM. Thiếu tướng Nguyến Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Thiếu tướng Lê Xuân Phương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật binh chủng/TCKT. Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, Phó Tổng biên tập Báo QĐND. Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tuân, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và môi trường/ BQP. Thiếu tướng Võ Văn Việt, Chính ủy Quân khu 4. Thiếu tướng Dương Kim Hồng, Phó Giám đốc Học viên Lục quân. Thiếu tướng Trần Hữu Tuất, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Thiếu tướng Nguyến Công Sơn, Phó Văn phòng Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Nguyễn Đình Trọng, Chính ủy Cục Bảo vệ An ninh /TCCT. Thiếu tướng Tạ Quang Chính, Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục CNQP. Thiếu tướng Đậu Văn Minh, Viện trưởng Viện KHNTQS Học viện Quốc phòng.Thiếu tướng Trần Trung Tín, Cục trưởng Cục Kinh tế / Bộ Quốc phòng,…
Chiếm số lượng khá nhiều là lớp tướng tuy tuổi đã cao mà chưa thành lão. Lớp tướng này sinh ra vào thời điểm trước, sau Cách mạng Tháng 8/1945, lớn lên khi đất nước bước vào thời đánh Mỹ, từng đảm trách nhiều cương vị trong tổ chức biên chế của Quân đội ta. Ở họ đều đã nếm trải sự ác liệt hy sinh trong chiến tranh, có nhiều cống hiến xuất sắc trong mấy chục năm quân ngũ. Theo luật định, họ đã được nghỉ hưu. Họ thanh thản rời chốn quan trường như ngày nào hăm hở lên đường tòng quân đánh giặc. Về cuộc đời thường, vui với cháu con, chiêm ngẫm thế thái nhân tình. Dù sự đời còn nhiều điều bức xúc, nhưng trong tâm khảm họ vẫn tươi nguyên sự hoài niệm, tự hào về một thời hoa lửa - tự hào là Anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong số này, có Thiếu tướng An Thuyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đôi - người nhạc sĩ tài năng với nhiều ca khúc trải rộng khắp Đất nước và sẽ đọng lại lâu dài trong đời sống âm nhạc.
Tướng Công an về đây có: Trung tướng Phan Đức Dư, nguyên Giám đốc Học viện Công an nhân dân. Trung tướng Hoàng Công Tư, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II. Thiếu tướng Đặng Xuân Loan, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Thiếu tướng Nguyễn Phương, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược. Thiếu tướng Đặng Trọng Huy, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Thiếu tướng Lê Đình Đệ, Cục trưởng Tổng cục V. Thiếu tướng Nguyễn Thế Công, Cục trưởng Tổng cục An ninh I. Thiếu tướng Trương Như Vương, Chuyên viên cao cấp Tổng cục An ninh I. Thiếu tướng Nguyễn Phùng Hồng, Chuyên viên cao cấp V21. Thiếu tướng Phạm Văn Thạch, nguyên Cục trưởng Tổng cục III. Thiếu tướng Trần Nguyên Thêm, nguyên Cục trưởng Tổng cục V,….
Trước buổi họp mặt, sáng 14/12, Đoàn các tướng lĩnh đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên; dâng hoa, dâng hương Bia tưởng niệm, Tượng đài các liệt sĩ ở Truông Bồn; dâng hương Đền thờ Vua Quang Trung ở núi Dũng Quyết, thành Phượng Hoàng; tham quan Trang trại bò sữa của Công ty CPTP  TH TrueMilk  ở huyện Nghĩa Đàn.
Chiều 15/12, tiết trời đẹp, nắng vàng ấm áp, đoàn xe chở các tướng lĩnh tề tựu về Hội trường Tỉnh ủy. Hội trường được trang hoàng cờ hoa, phông màn ma két sắc màu lộng lẫy. Tiền sảnh là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, BCHQS tỉnh, BCHBP tỉnh và các cháu học sinh Trường PTTH Phan Bội Châu ăn mặc đẹp, niềm nở, chỉnh tề xếp hàng đón tiếp các tướng lĩnh. Các dãy bàn ngồi được xếp theo thế hình chữ U có 3 lớp mở về sân khấu. Mọi người trật tự ngồi vào theo biển tên đã đặt sẵn. Trong số về gặp mặt lần này, theo Điều lệnh Quân đội, mà quan trọng hơn là xét về uy tín, tầm ảnh hưởng, dù không thành văn, mọi người đều tôn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là Trưởng đoàn.
Tham gia cuộc gặp mặt, có đồng chí Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; đồng chí Phan Đình Trạc, UVTWĐ, Bí thư Tình ủy; đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng nhiều đồng chí trong trong Tỉnh ủy, UBND; lãnh đạo các ban ngành, cơ quan hữu quan của tỉnh;  Bí thư, Chủ tịch các huyện, thị trong tỉnh.
Mở đầu buổi gặp mặt là lời giới thiệu của đồng chí Hoàng Đăng Hảo, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh - một cựu sĩ quan kỹ thuật của Quân chủng PKKQ. Đồng chí Giám đốc Sở Ngoại vụ giới thiệu rành rõ về cấp bậc, tên tuổi, chức vụ, quê quán của từng người. Từng người đứng dậy trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt chào mừng của cả Hội trường. 
          Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Hồ Đức Phớc thông báo về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh. Phải thừa nhận rằng, Chủ tịch tỉnh là người của công việc. Ông có bộ nhớ thật hiếm có. Toàn bộ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của một tỉnh lớn với biết bao số liệu, diễn tiến, xu thế,…hàm chứa một lượng thông tin phong phú, đa dạng, vừa khái quát vừa cụ thể, nếu viết ra có đến hàng mấy trang giấy. Vậy mà, chỉ bằng sự nói vo không cần tài liệu, đồng chí Hồ Đức Phớc trình bày mạch lạc, rõ ràng, khúc triết, đầy sức thuyết phục. Để làm được điều đó không dễ. Phải là người vừa có bộ nhớ tốt, nhưng quan trọng hơn là có năng lực trí tuệ và sự tâm huyết đau đáu với công việc của mình.
Tiếp đến phần phát biểu của đại diện các tướng lĩnh. Mở đầu là phát biểu của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Tiếp theo có ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược /Bộ Công an; Trung tướng Tăng Huệ, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cuối cùng là ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường sĩ quan Lục quân 2. 
         Các ý kiến có cách đề cập và phương pháp diễn đạt  khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều thay mặt các tướng lĩnh nói lên tình cảm của mình đối với quê hương. Tâm trạng cảm xúc khi được về đây gặp mặt. Sự phấn khởi trước những kết quả đạt được của tỉnh nhà trong thời gian qua. Chia sẻ những khó khăn tồn tại, những chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt được so với khả năng. Lòng mong muốn về sự phát triển của quê hương trong thời kỳ tới. Và những kiến nghị tâm phúc đóng góp với lãnh đạo tỉnh nhà.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mở đầu bài phát biểu có nói: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh coi cuộc gặp hôm nay nhằm tri ân các tướng lĩnh. Nhưng, chúng tôi cho rằng, sự tri ân báo đáp của tất cả chúng ta, trước hết là dành cho hàng vạn liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, mấy nghìn Bà mẹ VNAH, hàng vạn thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc Diosin - Đó là những người có công lớn, công đầu trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc…Tiếp đến, ông nói lên những điều trăn trở tâm huyết đối với vấn đề cấp thiết trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngót 90 tuổi, đi qua mấy cuộc chiến tranh, tóc bạc, da mồi, nhưng ở ông vẫn toát lên một con người sắc sảo vừa có trí tuệ, bản lĩnh, tình cảm và trách nhiệm đối với sự nghiệp chung.
          Thiếu tướng Lê Văn Cương thì nhấn mạnh, với quê hương Xứ Nghệ, truyền thống lịch sử là to lớn. Nhưng đó mới chỉ là điểm tựa, nền tảng. Quan trọng hơn là biết phát huy trong thời kỳ mới. Đồng thời, ông có nêu lên một số gợi ý với lãnh đạo tỉnh nhà trên một số mục tiêu và giải pháp kinh tế - xã hội trong thời gian tới….
       Trung tướng Tăng Huệ nói lên vai trò của lực lượng biên phòng trong việc bảo vệ biên giới, hải đảo. Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai nói lên tấm lòng của một cán bộ ngót nửa thế kỉ rời quê hương đi chiến đấu, công tác nay được về đây gặp mặt với lãnh đạo tỉnh nhà. Thương nhớ những đồng đội nằm lại trên các chiến trường, mà trong số họ, đến nay nhiều người chưa tìm được hài cốt.
Kết thúc buổi gặp mặt, Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu ý kiến. Đồng chí nêu lên kết quả và ý nghĩa của buổi gặp nhằm góp phần tri ân những người có công. Qua đây, có tác dụng động viên mọi người, nhất là thế hệ trẻ, đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khác ở địa phương. Đồng chí biểu thị sự nhất trí cao với những ý kiến góp ý chân thành  của các đại biểu, nêu lên quyết tâm của lãnh đạo địa phương về việc thực hiện những nhiệm vụ trong thời gian tới. Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí mong các tướng lĩnh, bằng khả năng của mình trên từng phương diện, tiếp tục đóng góp cho quê hương ngày một giàu mạnh. Chúc mọi người dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Cuộc gặp mặt các tướng lĩnh đã khép lại. Có thể coi đây như một điểm nhấn về sự gắn kết ấm áp nghĩa tình giữa quê hương với những người con từ quê hương ra đi, nay có phần thành đạt trở về. Trên một ý nghĩa nhất định, có thể nói rằng, đây là “sự vinh qui bái tổ” của các tướng lĩnh Quân đội, Công an. Quê hương sinh ra các tướng lĩnh và các tướng lĩnh bằng công tích của mình trên từng cấp độ, phạm vi khác nhau, đã đồng tâm chung sức góp phần bồi đắp truyền thống quê hương./. 

                                                                           NMĐ





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét