Menu ngang

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

KỶ NIỆM VỀ MỘT TẤM ẢNH LỊCH SỬ

               Kỷ niệm về một tấm ảnh lịch sử

                                             Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

          Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tôi mới lên tám tuổi. Hồi đó tôi theo cha lên chiến khu Việt Bắc, trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng. Trong trí nhớ trẻ thơ của tôi, mỗi tuần cơ quan sinh hoạt một lần ở hội trường. Hội trường là một căn nhà lá rộng, mặt bàn là phên cây nứa, còn ghế là hai nửa cây bương ghép lại. Sau chiến dịch Tây Bắc, mở đầu sinh hoạt cơ quan, thường mọi người cùng hát bài “Qua miền Tây Bắc”.
        Một hôm, tôi thấy cả cơ quan, ai cũng hồ hởi, nói chuyện râm ran. Tối đó, đích thân bác Trường Chinh, Tổng bí thư nói chuyện. Bác phổ biến cho cả cơ quan biết tin đại thắng ở Điện Biên Phủ. Bác nhắc mọi người vui nhưng không được lơ là nhiệm vụ vì kháng chiến còn nhiều việc phải làm. Tối hôm ấy, các cô, các chú cùng nhau hát đến tận khuya.
        Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có cảm giác sinh hoạt trong cơ quan như thoải mái hơn vì ít bị nhắc về “ba không” (không nghe, không biết, không thấy). Đoàn làm phim của bác Các-men (Roman Carmen), nhà quay phim chiến tranh của Liên Xô từ mặt trận Điện Biên Phủ về quay phim ở cơ quan, làm cho không khí lúc nào cũng như có hội. Bọn trẻ chúng tôi được may quần áo mới và đeo khăn quàng đỏ mỗi khi được ra trước ống kính. Tôi được các cô may cho bộ quần áo ka ki màu tím than mà trước đó tôi chưa bao giờ dám mơ. Chúng tôi được đi mừng sinh nhật Bác Hồ. Sau đó ít ngày, chúng tôi lại mặc quần áo mới để đón các chiến sĩ ưu tú từ Điện Biên Phủ về gặp Bác.






          Các bạn tản đi chơi rồi, tôi vẫn quanh quẩn chỗ Bác Hồ tiếp các chiến sĩ Điện Biên. Trong cơ quan, thỉnh thoảng Bác cho chúng tôi lên nhà sàn chơi. Có lần tôi được Bác bế lên ngồi lòng. Qua cửa sổ nhà sàn, theo tay Bác chỉ, tôi thấy dòng suối, nương ngô xanh mướt thấp thoáng bóng áo chàm có chút gì đó như sương khói. Phong cảnh của một buổi chiều Việt Bắc đã đọng lại mãi trong trí nhớ non trẻ của tôi. Thấy Bác Hồ và các chú, các bác lãnh đạo nói chuyện với sáu chiến sĩ Điện Biên rất vui, nên tôi đứng ở một gốc cây gần đó xem một cách tò mò và thích thú. Bác ân cần hỏi chuyện gia đình từng chiến sĩ, nghe họ kể chuyện của mình ngoài mặt trận. Tôi rất thích chuyện các anh kể, vì toàn là chuyện đánh nhau, nghe “oai” lắm.
         Sau khi nói chuyện với Bác, mọi người đứng xếp thành hàng ngang để Bác gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Tôi nhớ người đầu tiên được Bác gắn huy hiệu xong vẫn đứng nghiêm. Bác nhắc: “Bác gắn huy hiệu, các cháu nhớ chào, thế mới là quân sự chứ”. Trong những bức ảnh sau này, chúng ta thấy khi Bác trao huy hiệu, các chiến sĩ đều chào. Chắc hồi ấy, các chiến sĩ của chúng ta đều đi thẳng từ miền quê ra mặt trận, chiến tranh khẩn trương nên chưa được chuẩn bị kỹ về điều lệnh. Giờ nghĩ đến lời nhắc nhở của Bác, mới thấy Bác rèn bộ đội từ những chi tiết nhỏ nhất. Trong số những chiến sĩ ấy, có một chiến sĩ tên là Vinh. Sau này tôi đọc một số tài liệu, thấy nói người chiến sĩ trẻ ấy là Hoàng Đăng Vinh. Anh Vinh trẻ lắm, trẻ nhất trong số các anh bộ đội, tôi đoán anh chỉ mười tám tuổi là cùng. Thấy anh trẻ, lại được khen là đánh giặc giỏi, bắt tướng giặc, tôi phục lắm.
         Xong phần lễ, Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng nói chuyện thân mật với các chiến sĩ. Thấy tôi vẫn thập thò ở gốc cây hóng chuyện, Bác gọi tôi: “Cháu vào đây với Bác”. Bác lách tay qua mấy anh bộ đội, dắt tôi vào. Bác âu yếm kéo tôi vào lòng, hai tay Bác ôm lên vai tôi thân thiết như người ông hiền từ yêu chiều cháu. Tôi đứng nép vào Bác, nghe Bác và các bác lãnh đạo Đảng và quân đội nói chuyện với các anh bộ đội. Mọi người nói chuyện rất vui vẻ. Trong trí nhớ trẻ thơ của tôi, có lẽ đó là lần tôi thấy các bác, các chú trong cơ quan vui nhất.
        Tôi không ngờ toàn bộ kỷ niệm trên đều đã được quay trong phim tư liệu của nhà làm phim Rô-man Các-men. Lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy mình trong tấm ảnh Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, quân đội chụp chung với sáu chiến sĩ Điện Biên. Bức ảnh này được chụp bởi nhà đạo diễn người Nga Vla-đi-mia Ê-su-rin, người cùng đi trong đoàn của Rô-man Các-men.
          Lớn lên, tôi không còn cơ hội được gặp Bác nữa. Tôi thầm hứa: “Cháu sẽ phấn đấu để được gặp Bác với tư cách của một anh hùng hay Chiến sĩ  thi đua!”. Tin Bác Hồ từ trần ngày 3-9-1969, khi tôi là trợ lý kỹ thuật đi tiền trạm cho cơ quan tiền phương trung đoàn đường ống, không có đài nên mãi đến khuya ngày 5-9, tôi mới biết tin. Nhớ đến kỷ niệm xưa và lời tự hứa, tôi hiểu rằng mình sẽ không còn cơ hội được gặp Bác. Đêm ấy, tôi đã khóc nhiều, mới hiểu đến tận cùng niềm vinh dự về một đoạn đời tuổi thơ tôi đã có may mắn mà chẳng mấy bạn thiếu niên của đất nước này có được. Sáng ngày 6-9-1969 và hàng tháng trời sau đó, từng đợt B52 và mọi loại bom đạn của địch càn đi quét lại trên tuyến ống dẫn dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn chúng tôi, nhiều đồng chí hy sinh, nhưng cuối cùng địch đã không thắng được sự dũng cảm, mưu trí và sáng tạo của chúng tôi. Trước bàn thờ Bác, tôi đã khấn: “Thưa Bác cháu nguyện sẽ sống và chiến đấu xứng đáng với những kỷ niệm tuổi thơ được gần Bác và được Bác dạy dỗ”.
          Tôi muốn chia sẻ kỷ niệm này để mọi người hiểu hơn Bác Hồ đã quan tâm đến các chiến sĩ Điện Biên thế nào, hiểu hơn cách Bác Hồ yêu mến, chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ là con em cán bộ trong cơ quan ở chiến khu Việt Bắc. Tôi cũng xin được coi bài báo này như một nén hương tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu nhân ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày sinh của Bác.

                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét