Menu ngang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

NƠI LẮNG HỒN CHIẾN TRẬN



              NƠI LẮNG HỒN CHIẾN TRẬN

                                                                        Nguyễn Trần Thùy Vinh

"Viện bảo tàng cá nhân" - nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp được khánh thành vào một ngày cuối tháng 12 năm 2011.
Giữa cái giá lạnh của ngày đông Hà Nội, trong ngôi nhà rộng ven sông Hồng, không khí dường như ấm lại, rộn ràng lên bởi cuộc gặp mặt ân tình của các vị tướng lĩnh, sĩ quan - những người lính già, những cựu chiến binh của Quân khu Trị Thiên. Họ cùng nhau ôn lại một thời trận mạc, những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, hào hùng nhất.
Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, hôm nay được gợi nhớ lại trong câu chuyện của các cựu chiến binh, bởi tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Ngay trong những thời khắc sinh tử, giữa trọng điểm đánh phá của kẻ thù- những người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn sẻ chia cùng nhau, truyền cho nhau niềm tin, sự lạc quan vào một ngày mai tất thắng.
Tham dự buổi lễ khánh thành “Viện bảo tàng cá nhân”, chúng tôi cùng cảm nhận niềm tin ấy, sự lạc quan ấy qua từng kỷ vật quý giá nơi đây.
Đó là chiếc áo của một người nữ thanh xuân xung phong - tưởng như vẫn còn ấm hơi người, còn phập phồng hơi thở của một thời đại anh hùng. Đó còn là những tấm ảnh lưu giữ kỷ niệm không bao giờ quên, gợi nhớ những trang vàng  lịch sử. Ảnh chụp 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc. Ảnh theo bước chân thần tốc của người lính Quân khu Trị Thiên.
Ngày 25-3-1975, các cánh quân ta từ nhiều hướng đã hợp vây tiến vào giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Một cánh quân ta ở phía Bắc được tự vệ và biệt động thành Huế dẫn đường, nhanh chóng tiến vào cửa An Hoà, tràn qua Tây Lộc, tiến thẳng vào Ngọ Môn và kéo cờ giải phóng lên cột cờ Phú Văn Lâu lúc 10 giờ 30 phút trưa 25-3-1975, đánh dấu thời khắc lịch sử thành phố Huế hoàn toàn giải phóng. Lá cờ giải phóng rộng 8m, dài 12m được kéo lên trên đỉnh cột cờ Phú Văn Lâu tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Phú Văn Lâu ngày ấy đã đi lưu vào trong bức ảnh, tạc vào tâm trí những người lính năm xưa. 36 năm đã trôi qua, bên bức ảnh xưa, hôm nay gặp mặt, kẻ còn, người mất. Song, những bức ảnh và những kỷ vật được trưng bày trong “Viện bảo tàng cá nhân” này đã hoàn thành sức mệnh: lưu giữ và truyền tới thế hệ mai sau dư âm của một thời không thể nào quên.
"Viện bảo tàng cá nhân" của ông Nguyễn Mạnh Hiệp đã và đang là điểm đến quen thuộc của những cựu chiến binh, đặc biệt là những cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên- những người đồng đội một thời khói lửa của ông. Họ là những người con của một đơn vị có lịch sử xây dựng và chiến đấu vô cùng tự hào, từ những ngày gian khó nhất- như lời Thiếu tướng Trần Minh Đức- Trưởng ban liên lạc Quân khu Trị Thiên tại Hà Nội:  “Quân khu Trị Thiên, chiến trường Trị Thiên là một chiến trường đặc biệt trong những chiến trường ác liệt nhất. Những đồng chí- những cán bộ Trị Thiên đã ở lại chiến đấu từ những năm 1954- 1959, bị Mỹ càn quét, lùng sục, bắt bớ, giết choc, lập ấp chiến lược, làm chúng ta bị tiêu hao nhiều sinh lực. Đến năm 1959 mới có một tiểu đoàn- tiểu đoàn 800 - vào chiến trường, cùng đồng bào miền Thượng phát- đốt- cốt- trỉa, làm rẫy, trồng lúa, trồng sắn, trồng khoai, tự túc lương thực, xây dựng cơ sở…
Ngay bên cửa căn nhà nhỏ - bảo tàng của ông Nguyễn Mạnh Hiệp - trưng bày một chiếc vỏ đạn 500kg và 2 quả đạn 175 li- từng được mệnh danh là “vua chiến trường” của quân đội Mỹ. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ đủ loại vỏ đạn pháo cối, cối cá nhân từ 81 li tới 155 li. Trong những chiếc tủ kính là vật dụng thời chiến của quân đội cả 2 phía. Đó là chiếc cặp lồng, ca uống nước, hộp đựng thuốc, dây lưng, quần áo, điện thoại…Và đặc biệt là những cuốn hôi ký của những người con của Quân khu Trị Thiên, viết về kỷ niệm một thời chiến trận.
Thật xúc động trước hình ảnh những em bé - con cháu những cựu chiến binh năm xưa - đang háo hức ngắm nhìn chứng tích của một cuộc chiến tranh. Với chúng, mìn nhảy, hay mìn định hướng - được trưng bày ở đây, quả là rất lạ lẫm. Thông qua việc giáo dục lịch sử bằng trực quan sinh động, hẳn sẽ tạo nên trong tâm trí các em một ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Ngay sau khi tham gia cắt băng khánh thành “bảo tàng lưu giữ kỷ vật chiến tranh” này, Trung tướng Lê Văn Hân- nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bày tỏ cảm tưởng của mình:  “Tôi là một người lính, cùng với cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp, cũng đã biết ý định này, chúng tôi rất hoan nghênh, nhiều năm qua tới bây giờ mới thành hiện thực. Có một nhà lưu niệm kỷ vật kháng chiến, giúp chúng tôi nhớ lại một thời chiến tranh, những ngày tháng chiến trận mà đồng đội nhiều người đã hy sinh, ghi nhận lại để luôn nhắc nhở chúng tôi về một thời oanh liệt”.
         Để có được "Viện bảo tàng cá nhân" này, đã đánh dấu rất nhiều công sức và tâm huyết của người cựu chiến binh khi ý tưởng của ông đã được ấp ủ hơn 20 năm nay. Ông Nguyễn Mạnh Hiệp không nói nhiều về những cuộc hành trình đi làm kỷ vật một thời, mà ông vô cùng xúc động, hàm ơn người vợ hiền của mình- người đã cảm thông, sẻ chia mơ ước với ông. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên- vợ ông, là người luôn chuẩn bị cho ông hành trang, tiền nong trước khi lên đường về lại chiến trường xưa. Bà bộc bạch thật giản dị :  “Nhà tôi có ý tưởng này từ rất lâu rồi, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khăn, cứ thỉnh thoảng lại đi mua được vài thứ, tích cóp lai. Tôi thấy ý tưởng này rất hay, để giáo dục cho các cháu sau này”.
Với mong ước được sưu tập lại những kỷ vật của một thời chiến tranh, 20 năm qua, biết bao nhiêu lần ông Nguyễn Mạnh Hiệp đã lặn lội tới chiến trường xưa và cả những lần lân la, bỏ tiền túi ra mua lại ở cửa hàng phế liệu. Đáng tiếc nhất, với ông, là kỷ niệm một lần vào năm 1999: “Có một lần vào Bình Dương tìm anh ruột đã hy sinh, tôi tìm được 2 cái đầu máy bay F111, với mấy cái cọc của hàng rào nhiệt đới, với mấy cái mũ sắt, nhưng sau đó chưa kịp mua, thì đã bị người chủ cửa hàng bán cho người khác”.

Sự vô tình của người chủ cửa hàng buôn bán phế liệu năm ấy đã khiến những kỷ vật ấy mất đi. Người cựu chiến binh vẫn khắc khoải trong những cuộc hành trình- tưởng như là “chuyện bao đồng”- đi tìm lại chứng tích của một thời.
Chúng tôi thực sự tin rằng, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của người lính già, tâm nguyện của ông sẽ thành hiện thực: Để thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những tháng ngày chiến trận đã lùi xa./.

                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét