Những góc nhìn trên từng bài viết về cuốn sách THẲM SÂU MIỀN KÝ ỨC.
Tôi xin chàn thành cảm ơn các tác giả đã dành cho tôi sự đồng cảm !
---------------------------------------------------------------------------------------
THẲM SÂU MIỀN KÝ ỨC: NHỮNG TRANG SỬ CHIẾN
TRẬN THẤM ĐẪM HỒN QUÊ, ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến
Thật tình cờ tôi nhận được bản thảo “Thẳm sâu miền ký ức” của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu khi trên VTV1 vừa phát sóng bộ phim “550 năm Nghi Lộc - đất và người”. Cái miền quê ven biển xứ Nghệ, gần cửa sông Lam ấy được thành lập và định danh từ thời vua Lê Thánh Tông trên bản đồ cương thổ nước Đại Việt với tên gọi ban đầu là huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang cũng là quê hương của tác giả. Trải bao thăng trầm của lịch sử, nơi đó đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, văn quan võ tướng hiển hách dưới các triều vua và đến thời hiện đại là một trong bốn cái nôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mở đầu cho cuộc trường chinh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.” (thơ Nguyễn Đình Thi). Có lẽ vì thế nên trong hành trang suốt cuộc đời binh nghiệp của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu luôn thường trực niềm tự hào, tình yêu sâu nặng với quê hương, gia đình, dòng tộc. Và đó chính là cội nguồn sức mạnh để ông vượt qua mọi gian nguy thử thách trên những chiến trường ác liệt. Từ một cậu bé dáng dấp thư sinh non nớt từng giấu tuổi để nhập ngũ trở thành vị tướng trong đội quân cách mạng, tận hiến với dân với nước để lúc về già ở tuổi ngoài 70, ông thanh thản ngồi viết lại những dòng hồi ức chân thực, giàu cảm xúc khiến tôi bồi hồi nhập hồn vào trang sách, cùng tác giả thăm lại miền quê Đại Xá huyện Nghi Lộc hay các nẻo đường chiến trận năm xưa. Cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” được tác giả chia làm chín phần, trong đó ba phần đầu ông dành những tình cảm ấm áp, sâu nặng cho quê hương, gia đình và thời thơ ấu của mình. Tiếp theo đó là năm phần kể chuyện về những hồi ức cá nhân từ ngày đầu trốn nhà nhập ngũ, hành quân vào Nam rồi qua các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và chiến dịch Đường 9- Nam Lào vô cùng ác liệt. Cuối cùng ở phần thứ chín, tác giả dành nhiều trang xúc động kể lại lần bị thương nặng chết đi sống lại mấy lần trong một trận đánh ở chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1971. Hành trình gian nan vô cùng đau đớn của ông khi phải nằm trên cáng thương của giao liên khiêng bộ qua nhiều chặng ra Bắc để chữa trị khiến người đọc đôi lúc phải nghẹn ngào rơi lệ. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong đời binh nghiệp của ông từ người lính trận mạc chuyển sang làm cán bộ chính sách ở Bộ Quốc phòng. Có lẽ với bản tính khiêm nhường, tác giả không kể tiếp quá trình công tác và học tập, rèn luyện phấn đấu suốt nhiều năm của mình, từ anh trung úy vinh thăng lên cấp tướng. Tôi đã đọc liền mạch hết mấy trăm trang hồi ức của Nguyễn Mạnh Đẩu với niềm say mê hứng khởi không chỉ vì nội dung phong phú, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước mà còn vì cách kể chuyện hồn nhiên, chân thực, ấm áp tình đồng đội của người lính dạn dày trận mạc. Nếu ở ba phần đầu của cuốn sách, bằng tình yêu quê hương và vốn kiến thức sâu rộng, tác giả giúp cho người đọc hiểu thêm lịch sử một vùng đất Nghi Lộc xứ Nghệ, lai lịch phả hệ một dòng họ Nguyễn làng Đại Xá thì ở năm phần tiếp theo là cả một pho sử chiến tranh mà ông là người trong cuộc kể lại chân thực, sinh động và chi tiết đến từng trận đánh trên các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế... Thật lạ vì trong cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” có rất nhiều sự kiện, tinh tiết quan trọng, liên quan đến hàng trăm nhân vật mà trong điều kiện thời chiến không thể ghi chép kỹ nhưng bằng trí nhớ tuyệt vời, tác giả đã kể lại rất tỉ mỉ, sinh động như vừa xảy ra hôm qua vậy. Cái hay, sức hấp dẫn, tính chân thực của tác phẩm còn ở cách kể chuyện phi tuyến tính. Ở mỗi sự kiện và nhân vật gây xúc động trong tâm hồn người đọc, tác giả thường dừng lại, nhẩn nha kể chuyện về cuộc gặp gỡ với nhân vật ở thời điểm nhiều năm sau đó, đôi khi còn phác họa vài nét gia cảnh, việc làm, tính cách hoặc số phận của họ sau chiến tranh. Một chút đổi mới bút pháp trong văn trần thuật như vậy đã giúp cho các câu chuyện trong cuốn sách không bị căng cứng, tăng sức thuyết phục và hấp lực với người đọc. Tôi đọc phần ba “Vườn ươm thuở thiếu thời” trong cuốn hồi ức này cứ nhớ mãi chi tiết cậu bé Nguyễn Mạnh Đẩu cùng hai người bạn rủ nhau giấu cha mẹ ra thị xã Vinh thi tuyển vào trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp nhưng không đỗ. Nếu đất nước yên bình, không có chiến tranh rất biết đâu nền hội họa nước mình có thêm một họa sĩ? Nhiều người trong thế hệ chúng tôi cũng giống như tác giả, đều có một tuổi thơ mơ mộng, đầy hoài bão. Nhưng khi tổ quốc cần họ gác lại tất cả, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Không ít người trong số họ đã ngã xuống, giang dở ước mơ tuổi hoa niên để có ngày 30/4/1975 lịch sử. Thật khó hình dung con người sôi nổi, lãng mạn ấy năm Mậu Thân (1968) đã từng viết di chúc lúc tròn 20 tuổi, đủ thấy chiến trường Thừa Thiên- Huế năm đó khốc liệt đến nhường nào! Đã là chiến tranh tất có thắng có bại. Không ít người viết hồi ức thường hay nói nhiều đến thắng lợi và né tránh thất bại, vô tình hoặc cố ý bỏ qua sai lầm khuyết điểm của bản thân mình. Với tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu thì không như vậy. Ông trung thực kể lại tất cả, coi đó là bài học xương máu ở chiến trường. Những chi tiết kể về thất bại trong loạt trận đánh ở Ba Đu, Tà Bạt, điểm cao 817 Tà Tách là thí dụ điển hình: Đại đội 20 của tác giả có 85 người thì 30 người hy sinh, 25 người bị thương nên khi về hậu cứ họp rút kinh nghiệm đã xảy ra tranh cãi gay gắt giữa chính trị viên Đẩu với đại đội phó Chúng dẫn đến đánh nhau ngay giữa cuộc họp. Trung thành với sự thật lịch sử luôn là tiêu chí hàng đầu của người cầm bút. Tôi trân trọng và cảm phục thái độ sống và viết ấy của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Không chỉ trong cuốn hồi ức này, tôi đã đọc hàng ngàn trang sách của ông xuất bản trong khoảng mười năm gần đây đều thấy rõ điều này. Và đó chính là nhân tố quan trọng làm nên giá trị của cuốn “Thẳm sâu miền ký ức”. Chiến tranh đã lùi vào quá vãng hơn 40 năm. Lớp trẻ hôm nay sống trong hòa bình, nhất là các bạn trẻ trong lực lượng vũ trang rất cần nhiều thông tin về các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống thế lực bành trướng phương Bắc để biết và kế thừa truyền thống oanh liệt của cha ông, dấn thân chiến đấu cho nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà. Thành công của cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” với những giá trị lịch sử và nhân văn của nó xứng đáng có chỗ đứng sang trọng, lâu dài trên kệ sách của mỗi nhà, các thư viện trong và ngoài quân đội. Mong là như thế!...
Tp Hồ Chí Minh, mùa covid 2021
----------------------------------
NGHĨA NẶNG ƠN SÂU TRONG “ THẲM SÂU MIỀN KÝ ỨC”
Nhà thơ Hải Đường
Có những trang hồi ký đọc lên thấy mình, thấy cả thế hệ, cả một giai đoạn lịch sử trong đó. Đương nhiên, rất cần sự tài hoa của “người dẫn chuyện”. Người dẫn hôm nay là một Trung tướng. Nhưng hình như ông rất ngại khi nói đến vị thế của mình. Có chỗ liên quan những vấn đề lịch sử, ông buộc phải nhắc đến cá nhân mình, nhưng lướt qua rất nhanh. Và cuốn sách 300 trang này ông cũng không xác định đây là cuốn hồi ký, dừng lại ở phần người lính thương binh được điều động về làm cán bộ Cục Chính sách, Tổng cục chính trị, với cấp hàm… trung úy. Tác giả Thẳm sâu miền ký ức (*) là Nguyễn Mạnh Đẩu. Về thể loại, không hẳn một cuốn hồi ký, hồi tưởng, hay hồi ức. Cốt truyện, mạch truyện, hành văn không khác mấy so với một cuốn tiểu thuyết. Nhân vật (tôi và đồng đội tôi) cũng có da có thịt, rõ tính cách, hình hài. Những mâu thuẫn, xung đột, bi kịch, cao trào nhiều đoạn được đẩy tới khiến người đọc hồi hộp, lo âu, thương cảm, ứa nước mắt. Thế đích thị là cấu trúc, văn phong tiểu thuyết. Nhưng chúng ta đành chấp nhận có sự giao thoa thể loại và xác định đó là thể ký, một cuốn sách phi hư cấu, lấy sự thật làm nền tảng để kể về cuộc đời, số phận của một người lính trận từng nhiều lần cận kề cái chết trong chiến tranh, từng viết di chúc gửi cha mình khi anh tròn 20 tuổi đời, bốn tuổi quân. Sách gồm chín phần, với hai mảng chủ đạo: quê hương, gia đình; cuộc chiến đấu trên các chiến trường ác liệt, từ trận đầu thử lửa ở Lào, đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đường 9-Nam Lào. Có thể nói đó là những mặt trận mặt ác liệt, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Có những câu chuyện bi tráng tôi đã nghe, thậm chí đã học từ những năm còn là cậu học trò trên ghế nhà trường, nay được đọc từ lời kể của Nguyễn Mạnh Đẩu, về chính bản thân anh. Xin điểm qua: trốn cha đi bộ đội, viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 16 tuổi; cấp trên tuyên bố kết nạp Đảng ngay tại chiến hào sạm sầm khói lửa, sống chết trong gang tấc; lại chính là người cán bộ cấp phân đội ấy ấy có lần dám “cãi” cả cấp trên để bảo đảm an toàn, chắc thắng; rồi có lần “tao ngộ chiến” không chỉ cách địch 30 mét mà trận ấy khi đi tiềm nhập trong đêm tối chỉ cách tên lính địch mấy gang tay; chứng kiến sự hi sinh anh dũng, ôm xác đồng đội trong vòng tay; bị mảnh đạn xuyên thủng phổi, mũi, miệng ộc máu vẫn cố sức dặn lại đồng đội: “xốc lại đội hình, bằng mọi giá phải dứt điểm sớm, chập chờn là chết cả!”. Lại có cả chuyện buồn, cây bút chân thực của người lính đặc công đã không né tránh khi đơn vị có người không chịu nổi gian khổ đã ra chiêu hồi, tiếng loa ọt ẹt trên trực thăng kêu gọi anh em ra… hàng. Nhà văn Nam Cao tâm sự về nghề “sống đã rồi hãy viết”. Vốn sống chiến trường như những tảng đất còn sém lửa khói được Nguyễn Mạnh Đẩu vật lên trang giấy. Những tảng đất lấy từ Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, từ đất bạn Lào, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; những địa danh ghi dấu bao chiến công đã đi vào thơ vào nhạc: Đường 9- Khe Sanh, Đông Hà, Ái Tử, Đầu Mầu, suối La La, sông Ba Lòng… Những tảng đất lấy từ những đêm trinh sát của người lính đặc công, vừa đi vừa xóa dấu vết. Có anh lính “ngược đời” sau khi trinh sát xong lúc quay ra đã nằm ngửa, đưa hai chân ra trước mà nhích dần. Ai hay đó chính là bài học ngược “đuôi xuôi – đầu lọt”, bài học được một người lính thông minh, gan dạ đúc kết. Những tảng đất bị rang bỏng thấm máu đồng đội. Trong một chiến đấu ác liệt, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn đã ôm lấy hai vai người lính dũng cảm: “Còn mấy ngày nữa mới tổ chức lễ kết nạp, nhưng hôm nay với tư cách Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn, tôi chính thức tuyên bố, từ giờ phút này, đồng chí Nguyễn Mạnh Đẩu trở thành đảng viên!” (tr 172). Còn rất nhiều những trang viết sống động như thế, cái sống động của thời khắc sinh tử, một mệnh lệnh ngắn, một cái khoát tay, một ánh mắt nhìn đều quyết định đến thắng lợi hay thất bại của trận đánh, đến sinh mạng của hàng trăm con người. Tác giả viết: “Một quả pháo nổ ngay cạnh hầm tôi, phía trước hầm chỉ huy. Chợt nghe tiếng kêu từ phía trước hầm chỉ huy, tôi nhảy ra khỏi hầm, giữa mịt mù khói đạn cay sè, khét lẹt. Tới cửa hầm, tôi thấy Thiên nằm sõng soài, đầu vỡ, máu lênh láng. Lao vào trong hầm tôi thấy Trần đã gục xuống tấm bản đồ. Cạnh đó, anh Lan, anh Cảnh, anh Đào đang lả đi vì bị sức ép, bị ngạt”, (tr188). Rồi đến lượt chính trị viên đại đội 20 đặc công Nguyễn Mạnh Đẩu bị thương nặng, không một ai nghĩ anh có thể qua khỏi. Trong lúc chỉ huy đơn vị tấn công vào hai lô cốt gần đầu cầu, một loạt đạn tiểu liên AR-15 của địch nhằm vào anh.Viên đạn găm vào phổi làm thủng phế quản. Thế rồi đồng đội kịp thời cầm máu, băng bó và đưa anh về tuyến sau, cáng bộ 10 ngày liền, qua 10 trạm giao liên. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp anh vượt qua cái chết? Chiến tranh là thế. Dữ dội. Gấp gáp. Căng thẳng. Thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước. Nhưng không thiếu tình đồng đội. Không thiếu những phút giây thư thái, có phần lãng mạn của những người lính mới trên dưới 20 tuổi, chưa một lần cầm tay người con gái, “lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Trong Thẳm sâu miền ký ức có những trang viết nhẹ nhõm, trong sáng, đậm dấu ấn của những chàng lính trẻ măng tơ. Nhiều đoạn, tác giả tả và kể khá sinh động về phong cảnh Trường Sơn, bến nước, bờ lau, đêm trăng, mái lán, câu hò, những bồi hồi nhung nhớ, những lá thư, những bài thơ tình vụng dại. Đây là khung cảnh Trường Sơn: “Mùa khô trời nắng chói chang. Đi giữa rừng khộc trụi lá, cành trơ xác xơ, gầy guộc. Những chiếc lá khộc khô giòn to như những chiếc bánh đa nhỏ, bước lên gãy vỡ vụn. Cả ngày đi có khi không tìm nổi một chỗ nước uống. Mùa mưa thì mưa xối xả suốt ngày đêm. Cây cối tốt tươi. Lính ta thỏa sức hái măng trên cây và đào măng củ… Có đêm hành quân trải bạt ngủ bên suối cạn. Đang đêm trời đổ mưa to, lũ tràn về, không kịp chạy dễ bị nước cuốn trôi. Mùa mưa đầy nhựa sống...” (tr130). Có bao câu chuyện bi tráng trên đường Trường Sơn? Bao nhiêu hi sinh và may mắn? Có một chi tiết về chiếc giường của bà mẹ Dương Thủy, bên sông Kiến Giang, Quảng Bình nghe như huyền thoại. Trên đường vào Nam, ra Bắc bao nhiêu người đã nghỉ lại đây? Trên chiếc giường gỗ đơn sơ ấy có ba người lính được mẹ nâng giấc, cùng ngủ trên chiếc giường ấy sau này đã trở thành tướng lĩnh. Đó là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu – Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật và Trung tướng- Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Ai đó đã nói rằng, không có bảo tàng nào lưu giữ được hết thảy, ngoại trừ trí dân, lòng dân. Người dân ở các vùng đất bom cày đạn xới, nơi cửa ngõ chiến trường ghi sâu trong lòng biết bao câu chuyện cảm động, bao nhiêu bí mật của chiến tranh. Xuyên suốt câu chuyện trải dài 45 năm trong quân ngũ đọng lại ở hai chữ nghĩa tình, ở bài học làm người. Ở chiến trường và sau này khi đã có danh phận Nguyễn Mạnh Đẩu khôn nguôi nhớ về các bậc sinh thành. Người mẹ tảo tần quê làng Đại Xá, Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An đã mất khi mới ngoài 40 tuổi vì nghèo khó, bệnh tật. Khi Đẩu đi bộ đội mẹ thương lắm, nuốt nước mắt vào lòng, đưa con 7 đồng bạc trong số 12 đồng mới bán trái cây trong vườn. Người cha vốn là chiến sĩ Điện Biên Phủ. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Chú, một người trong họ, thì ông là người kết hợp hài hòa giữa tư đức và công đức. Ông thuộc nhiều danh ngôn truyền thế của Đạo Nho. Nhưng điều ông dặn đã thấm vào người con trưởng lúc nào không hay: “Phụ tử, tử hiếu” (Cha thì phải hiền từ. Con thì phải hiếu thảo); “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì chớ làm với người khác)…Đó là những bài học vỡ lòng về làm người, làm một người lính cho ra người lính. Nghĩa tình ấm áp, nghĩa tình trăn trở qua từng trang viết. Mỗi lần có dịp đi đến đâu, Nguyễn Mạnh Đẩu bao giờ cũng dành thời gian ghé thăm đồng đội cũ. Đồng đội đã hi sinh thì thăm con cháu họ. Cuối năm 1971 sau khi vết hương lành, sức khỏe hồi phục, anh mượn chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi qua mấy huyện ở tỉnh Thái Bình, Hưng Yên thăm gia đình đồng đội. Có gia đình biết con đã hi sinh cứ ôm chầm lấy anh thương binh ấy mà khóc, dặn rằng, con ơi, bận đến đâu thì thi thoảng cũng nhớ về thăm thầy u. Thầy u coi con như em nó! Nhưng có lẽ điều ông day dứt nhất là cho đến giờ này còn nhiều ngôi mộ Liệt sĩ đồng đội chưa tìm được. Các anh ở đâu trong hoang vu rừng già, khe núi? Rồi ông nhớ đến Bác sĩ Lợi ở Binh trạm 559, người đã cứu ông trước ranh giới mong manh sương khói, đến bây giờ mỗi lần mảnh đạn trong phổi khiến lồng ngực đau buốt. Ông lại nhớ tới bác sĩ bác sĩ Thọ, bác sĩ Yến và rất nhiều thầy thuốc ở Quân y viện 108 đã cứu mình. Viết xong cuốn sách này, người thương binh ấy lòng đã nhẹ đôi phần. Xin gửi tới các anh chị, các đồng chí thân yêu một lời cảm tạ! Tôi đã nhiều năm làm ở Cục Chính sách mà chưa tìm ra được những lời hay nhất, đẹp nhất để nói về tình nghĩa của những ân nhân đã quên cả mạng sống của mình mang lại sự sống cho biết bao người. Xin gửi tới các anh chị,các đồng chsi thân yêu một lời cảm tạ. Biết bao nghĩa nặng ơn sâu trong Thẳm sâu miền ký ức!
(*) NXB Quân đội nhân dân-2021
------------------------------------------
TRẢ NỢ KÝ ỨC
Nhà thơ Hồng Thanh Quang
Ai đó đã nói rằng, để viết ra sự thật về chiến tranh, cần phải có khoảng lùi về thời gian… Những cuộc chiến tranh càng khốc liệt, càng nghiệt ngã, càng đẫm máu thì càng cần có khoảng lùi về thời gian lớn hơn. Khi súng vẫn còn đang nổ, ở bất cứ bên chiến tuyến nào người ta cũng không cần sự thật như nó vốn có, lạnh lùng, nguyên vẹn, như thể dửng dưng trước những đầm đìa máu đổ và vật vã đớn đau, bởi lẽ, mỗi bên chiến tuyến đều cần những gì có thể động viên được lực lượng của mình cao nhất hướng tới chiến thắng. Bên phi nghĩa hay bị coi là phi nghĩa muốn thế. Bên chính nghĩa hay được xếp vào chính nghĩa cũng muốn thế… Và bởi vậy, những gì được coi là sự thật trong những nhiệm vụ tuyên tuyền thường được hiệu đính, nhiều khi thực ra cũng chỉ vì những mục đích được coi là trong sáng… Đó không hẳn là những sự nói dối, chỉ là những sự nói chưa hết ý, chưa đủ toàn diện, mang tính lâm thời. Đơn giản vì tư duy, dù sao thì một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì… Tuy nhiên, khi chinh chiến lùi xa, đối với bất cứ cộng đồng nào, dân tộc nào, xã hội nào cũng cần những sự thật trung thực nhất, đầy đủ nhất về quá khứ. Và mức độ văn minh càng được nâng cao thì càng xuất hiện nhiều những bài viết, những tác phẩm về chiến tranh nói được đầy đủ hơn, toàn diện hơn, chuẩn xác về quá khứ. Không phải để thanh toán “ân oán giang hồ” với dĩ vãng hay chỉ giúp xoa dịu những niềm riêng, mà để có thể giúp những người đương đại và các thế hệ tương lai rút ra được những bài học thiết thân, hữu ích thực sự cho chính mình… Để hiểu hơn những ngày đã qua và để phòng bị tốt hơn cho những ngày sắp tới… Bởi lẽ, ở đâu cũng thế, trong thời đại nào cũng thế, chiến tranh không phải trò đùa và cũng không dễ dàng mà gì mà “phơi phới” hy sinh vì nghĩa lớn… Đó là những suy nghĩ của tôi khi đọc tập ký “Thẳm sâu miền ký ức” của trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2021. Một tập ký gần 300 trang, trong đó ngoài một phần ba để nói về quê hương và dòng tộc, có gần 200 trang thuật lại những kỷ niệm của tác giả về những năm tháng trên chiến trường, đầy những hy sinh và luôn toát lên một tinh thần quả cảm rất đáng ngưỡng mộ. Không có dụng ý làm văn, những trang viết của Nguyễn Mạnh Đẩu vẫn tạo nên sức lay động mạnh mẽ bởi những chi tiết thực có sức ám ảnh sâu sắc. Dù rằng, có thể tác giả vẫn chưa nói hết tất cả những sự éo le, bi tráng đã diễn ra trong cuộc đời lính chiến của mình… Rất mong là những cựu chiến binh như trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu càng ngày càng có thêm điều kiện để quảng bá những hồi ức của mình. Thế hệ hôm nay và mai sau rất cần được biết đến một cách trung thực và đầy đủ về những gì mà những người đi trước đã phải trải qua để đất nước được thống nhất, hòa bình và độc lập… Sự thật không bao giờ là có hại, nếu chúng ta biết cách tiếp nhận một cách lành mạnh…
31-1-2022
-------------------------------------------------------------------------------
KÝ ỨC CỦA MỘT CHIẾN BINH
Nhà báo Huy Đức
Chết hay sống không phải là lựa chọn của người lính. Có người "lao vào đánh nhau thì chẳng việc gì", có người run sợ, lui về phía sau thì trúng đạn. Ông, người mà đồng đội tưởng là đã hy sinh thì lại sống sót trong đường tơ, kẽ tóc; đồng đội, người nhận từ ông lời "trăng trối" thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Tác giả lên tới trung tướng khi về hưu nhưng trong cuốn sách này ông chủ yếu viết về 7 năm trưởng thành từ binh nhì tới cấp "đại đội bậc trưởng", khi bộ binh, khi đặc công; viết sẵn di chúc từ tuổi 20s và đến nay vẫn còn một viên đạn găm trong phổi. Bảy năm trở thành "Thẳm Sâu Miền Ký Ức". Nhiều trang viết về chiến tranh nghẹt thở nhưng nhiều hơn vẫn là những trang đi tìm đồng đội khiến mắt người đọc cay xè. Những đồng đội mà hàng chục năm sau dù vị trí trong xã hội đã rất khác nhau, khi gặp, khí chất chiến binh vẫn luôn trỗi dậy. Tôi rất thích đoạn đối thoại ngắn khi tác giả tìm về quê một người lính của mình. Người lính đặc công Tạ Ngọc Dũng thời tuổi 20 "da trắng, môi đỏ tươi như môi con gái" 30 năm sau là một "ông già khô đét, đen đúa..." đứng giữa ruộng tôm không thèm quay lại khi có người hỏi "ông Dũng đặc công", "Ôi dào, Công với queo gì." Cũng như ông Dũng, ở Gia Lai, ông Lê Văn Lướt, một chỉ huy của tác giả, năm 1963 tốt nghiệp sĩ quan Lục Quân với quân hàm thiếu úy, sau 12 năm ở chiến trường về hưu với quân hàm trung úy. "12 năm chỉ lên một bậc thôi ư..." Ông Lướt cười: "Nước có giặc thì đi đánh giặc, hết giặc thì về quê, tổ chức trao gì được nấy. Bao người thua thiệt hơn mình". Những chiến binh thật sự không so bì với những người thăng tiến hơn mình họ so với những đồng đội bỏ mình ngoài chiến trận. Lâu nay tôi đọc tiểu thuyết hư cấu rất khó khăn, có lẽ vì sau những thập niên chiến tranh, những câu chuyện bi tráng của đất nước ta "tiểu thuyết" hơn rất nhiều khả năng hư cấu. Thêm một cuốn tự truyện được viết rất giản dị mà lôi cuốn. Đọc thì thấy tác giả, trung tướng Mạnh Đẩu Nguyễn, rất có khả năng văn chương nhưng ông không viết văn cố ý. Ông cứ để những câu chuyện tuôn ra một cách tự nhiên, chân thật và xúc động. Những câu chuyện giúp ta hiểu thêm về tác giả và khiến ta kính trọng ông.
---------------------------------
Nguyễn Mạnh Đẩu với “ Thẳm sâu miền ký ức ”
Nhà báo Phan Thế Hải
Tôi biết đến tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cách đây mấy năm. Trong một lần gặp mặt đồng hương xứ Nghệ, tướng Nguyễn Mạnh Đẩu ngồi cạnh lão tướng Nguyễn Quốc Thước, Ts Lê Doãn Hợp chỉ vào tướng Đẩu giới thiệu: Đây là Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, quê Nghi Lộc. Tướng Đẩu gật đầu chào rồi đáp: Trung sỹ! Vậy là chúng tôi tìm thấy ở nhau những điểm tương đồng. Anh hơn tôi gần giáp, thuộc thế hệ đàn anh, đều là dân xứ Nghệ, thích chữ nghĩa. Điều kỳ lạ là trong câu chuyện trao đổi, kể cả trong chuyến đi dài ngày về xứ Nghệ, anh ân cần, chân thành và bình dân, chưa bao giờ thể hiện là “Trung tướng”, là sếp của đám đàn em còn thua kém anh nhiều mặt. Rồi tôi cũng được anh tặng cuốn sách của anh: “Thẳm sâu miền ký ức” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Cuối năm, thời gian không nhiều nhưng tôi cũng dành cả ngày trời để đọc gần 300 trang viết của anh và lập tức bị cuốn hút bởi giọng văn giản dị, chân thành, thể hiện sinh động một giai đoạn lịch sử cận đại của dân tộc. Bằng cách kể chuyện mộc mạc, tự sự, người đọc hình dung một người lính Nguyễn Mạnh Đẩu có tính cách, hình hài của một người xứ Nghệ với những ước mơ, khát vọng cống hiến, không ngần ngại dấn thân vào chốn mưa bom bão đạn của cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Vượt lên trên những sự kiện của chiến tranh là tình yêu, tình bạn, tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ giữa con người với con người. Phần anh viết về cái nôi gia đình khiến người đọc liên tưởng đến một vùng quê nghèo điển hình của xứ Nghệ, trong đó, cụ ngoại, ông ngoại anh từng là ông đồ nho hay chữ, giữ vững cốt cách gia phong, dạy con cháu với những câu ngắn gọn, sâu sắc: “Phụ từ, tử hiếu” (Cha thì phải hiền từ. Con thì phải hiếu thảo); “Huynh lương đệ đễ” (Anh tốt em kính nhường”; “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì chớ làm với người khác)… Ám ảnh hơn cả với người đọc là hình tượng của bố mẹ anh, những nông dân tần tảo ở vùng Nghi Lộc, Nghệ An nhưng không cam chịu đời sống thuần nông mà đã tham gia buôn bán từ rất sớm. Anh viết: “Năm 1945, cũng nghèo khó nhưng gia đình tôi qua được nạn đói là nhờ đi buôn. Năm đó cha mẹ tôi xấp xỉ 30 tuổi… suốt ngày hai vợ chồng đòn gánh đè vai, xuôi ngược Đông- Đoài, hết buôn thứ này xoay sang thứ khác…” “Những người thuần nông quanh năm vất vả một nắng hai sương bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Họ trực tiếp làm ra hạt gạo củ khoai nhưng khi gặp nạn đói, họ là những người thiếu đói đầu tiên và chết nhiều nhất”. Cũng tại thời điểm nạn đói kinh hoàng, bố mẹ anh đã bỏ tiền “mua” con nuôi. Anh viết: “…một phiên chợ Sơn, sau khi đã bán hết hàng, cha mẹ tôi gặp nhiều nhà đem con đi bán - chủ yếu là con trai. Họ bán con để lấy tiền đong gạo, cứu cả nhà thoát chết đói. Cha mẹ tôi bàn với nhau, nhà mình mới có con gái… thôi thì bớt ăn, mua một đứa con trai về nuôi để chơi với con cho có đôi. Âu đó cũng là việc làm phúc ở đời. Lượn qua một lượt, trông thấy một đứa trẻ trai độ 5 tuổi, mặt mày sáng sủa khôi ngô, nhưng đang lả đi, nhợt nhạt. Cha mẹ tôi thương quá bỏ tiền ra mua. Người bán là một đôi vợ chồng trẻ, ăn mặc rách rưới, mặt hiền lành chất phác, nghe giọng nói là người Đàng Ngoài. Thấy tội quá, hỏi bao nhiêu, trả bấy nhiêu, không mặc cả… Cuốn “Thẳm sâu miền ký ức” được tác giả chia làm chín phần. Mỗi trang viết đều đầy ắp những câu chuyện sinh động, ghi lại những chặng đường mà tác giả đã trải qua. Ba phần đầu anh dành những tình cảm ấm áp, sâu nặng cho quê hương, gia đình và thời thơ ấu. Năm phần tiếp theo anh kể chuyện về những hồi ức cá nhân từ ngày đầu trốn nhà nhập ngũ, hành quân vào miền Nam rồi qua các chiến trường Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và chiến dịch Đường 9- Nam Lào vô cùng ác liệt. Ở phần thứ tám, tác giả dành nhiều trang xúc động kể lại lần bị thương nặng chết đi sống lại mấy lần trong một trận đánh ở chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1971. Hành trình gian nan vô cùng đau đớn của anh khi phải nằm trên cáng thương của giao liên khiêng bộ qua nhiều chặng ra miền Bắc để chữa trị khiến người đọc đôi lúc phải nghẹn ngào rơi lệ. Đó cũng là bước ngoặt lớn trong đời binh nghiệp của anh từ người lính trận mạc chuyển sang làm cán bộ chính sách ở Bộ Quốc phòng, một người uyên bác và thấu hiểu sâu sắc cuộc chiến. Điều thú vị là tác giả đã tái hiện lại một cậu bé nhà quê thông minh, nghịch ngợm và đã vướng phải không ít sai lầm thời tuổi trẻ: Chuyện đi bắt cá trộm rồi tấn công lại bảo vệ ao, chuyện thi trượt lên cấp 3 và cả chuyện thi vào trường Trung cấp mỹ thuật công nghiệp đỗ cả ba vòng nhưng không có giấy báo… Nhưng chuyện chỉ mỗi mình biết nay được anh kể lại một cách chân thành. Nhưng rồi vì khát khao cống hiến để “khai man” cho đủ tuổi để nhập ngũ, xả thân trong các chiến trường, trong mọi hoàn cảnh để trở thành vị tướng với 2 bằng đại học và được giao giữ những trọng trách trong quân đội để rồi khi về hưu có cơ hội thăm viếng nhiều nơi trong và ngoài nước để ngẫm về thế sự một cách có chiều sâu. Tôi bảo anh Đẩu: Những trang viết của bác đầy chất văn, bác vào Hội nhà văn chưa? Rằng chưa chú à. Tôi viết như một sự chia sẻ, qua đó bày tỏ lòng biết ơn với những người bạn thưở học trò, những đồng đội thời chiến chinh và hơn thế là những bạn trẻ đang loay hoay định hướng cho tương lai của mình. Nếu ai đó tìm được những điều gì hay ho thú vị là điều đáng mừng. Câu chuyện của Tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đã truyền cảm hứng cho tôi và sẽ có chỗ xứng đáng trong lòng hàng triệu bạn đọc. Một câu nói tưởng như vui đùa của anh là “Trung sỹ”, không phải là “Trung tướng”, bởi sự hồn nhiên trong cách tự sự, trải lòng với người đọc. Chợt nhớ hai câu thơ của đại văn hào Lỗ Tấn: “Ngước mắt coi khinh ngàn lực sĩ Cúi đầu làm ngựa đứa hài nhi”. Khi anh tự nhún mình làm “Trung sỹ” ấy là cách ứng xử của kẻ sỹ. Người Nhật chào nhau bằng cúi đầu và cả hai bên cúi chào nhau nhiều lần khi gặp hoặc tiễn biệt. Đó là sự trọng thị, là sự cao thượng trong văn hóa ứng xử. Nguyễn Mạnh Đẩu xứng đáng là kẻ sỹ xứ Nghệ, dẫu anh vẫn nói vui mình là “Trung sỹ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét