Menu ngang

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ “ MÀU THỜI GIAN” CỦA TÁC GIẢ NGÔ QUÝ VÂN


                                                       NGUYỄN MẠNH ĐẨU


Quí vị bạn đọc đang cầm trong tay tập thơ MÀU THỜI GIAN của Ngô Quý Vân. Tác giả chọn tựa đề MÀU THỜI GIAN -  rút tên một bài trong tập -  làm tên tập thơ là có ý nghĩa gì. Điều đó, bạn đọc tự suy ngẫm trên từng góc độ tiếp biến. Với tôi, tôi cho rằng, tựa đề này là hàm ý xuyên suốt toàn bộ tập thơ. Mọi bài trong tập thơ đều gắn với từng sự kiện trên những nẻo đường thời gian trong cuộc đời tác giả. Tựa đề giản dị là thế, nhưng hàm chứa bao tầng ý nghĩa thiết tha, sâu lắng. Thời gian - tự bản thân nó - không hình hài, không thanh sắc. Nhưng màu thời gian được phản ánh qua mọi sự vật, hiện tượng. Thời gian không bao giờ ngưng nghỉ. Chính thời gian là thước đo chung cho mọi cuộc đời. Một đầu đề mang màu sắc triết học như thế, mà thực chất lại là chuyện tâm tình. Cách đây ngót 80 năm, nhà thơ Đoàn Phú Tứ cũng đã có một bài thơ với tựa đề MÀU THỜI GIAN với những câu thơ thật hay : “ Trời này phảng phất nhuốm màu thời gian” , “ Hương thời gian thanh thanh /  Màu thời gian tím ngát”. Còn MÀU THỜI GIAN  của Ngô Quý Vân lại được thể hiện bằng những câu thơ : “ Bây giờ người ấy ở đâu / Trang thơ xưa đã nhuốm màu thời gian”, “ Ngày vui đánh lạc câu thơ / Bay vào nỗi nhớ ngẩn ngơ cuối chiều / Đôi dòng lưu bút liêu xiêu / Mông lung hơn cả bao điều mông lung” . Đọc các các câu thơ ấy, tôi chợt nhớ một chuyện xưa kể rằng: Lý phu nhân lúc gần mất, nhất định không cho Hán Võ Đế đến xem mặt. Bởi lẽ, bà sợ trông thấy nét tiều tụy của mình, thì nhà vua sẽ không còn yêu nữa.
Sinh ra trong một gia đình nền nếp gia giáo có truyền thống hiếu học, trên miền quê Kinh Bắc - nôi văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ - Ngô Quý Vân đã phát lộ năng khiếu văn chương từ thuở thiếu thời trên ghế nhà trường. Được biết, khi đang học Phổ thông trung học, có lần, Ngô Quý Vân được thầy Hiệu trưởng giao cho viết một Chuyên đề văn học dưới dạng Tiểu luận. Thật vinh dự là, Tiểu luận của Anh được trình bày trước toàn trường. Giá như, sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Ngô Quý Vân bước vào văn nghiệp, thì tôi đồ rằng, lối rẽ cuộc đời Anh sẽ là những trang khác.
Nhưng, ở đâu và bao giờ cũng vậy, số phận cuộc đời mỗi con người luôn gắn liền với điều kiện lịch sử đất nước. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, quân dân ta bước vào thời chống Mỹ. Nghe theo tiếng gọi của non sông, như bao chàng trai cùng trang lứa, Ngô Quý Vân xếp bút nghiên tòng quân lên đường đánh giặc. “ Thôi đành gác chuyện bút nghiên / Bỗng chốc thành anh lính mới / Những chân trời xa vẫy gọi / Vào tuổi hai mươi lên đường” ( NHỚ NÀ SẢN ).
Dẫu không theo nghiệp văn chương, nhưng thơ văn vẫn lãng đãng theo Anh trên mọi nẻo đường binh nghiệp và cho đến tận bây giờ. Hồi mới bước chân vào quân ngũ, chú Binh nhì Ngô Quý Vân đã cùng đồng đội kiên cường dũng cảm trên trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mục tiêu ở vùng Tây Bắc xa xôi.
 Tình yêu cuộc sống chiến đấu giữa núi rừng Tây Bắc được chàng Tân binh Ngô Quý Vân đưa vào thơ ca một cách trong trẻo, phơi phới. “ Hát đi em bài ca cuộc sống / Mỗi bông hoa làm đẹp cho đời / Mỗi cánh chim vẫy trời xao động / Mỗi con thuyền nối những bờ vui. Hát lên anh bài ca cuộc sống / Những tâm hồn lồng lộng tuổi đôi mươi / Từ mọi miền quê nay thành đồng đội / Lính trẻ phòng không canh giữ bầu trời . Xuân đã về ban nở trắng núi đồi / Những cánh hoa muôn thuở tinh khôi / Trong xa cách hướng về nhau thương nhớ / Cuộc sống vui phơi phới rạng ngời” ( BÀI CA CUỘC SỐNG ). Trong bài BẮC PHÀ tác giả thể hiện bút pháp với nhịp điệu hồn nhiên, lạc quan, phơi phới : “ Nước sắc như dao / Nước lạnh hơn dao / Thả thuyền nhanh / Ghép ván vào / Dô ta / Xe ơi mau đến mà qua / Đã ghép xong phà ta đợi xe đây. Mù trắng như mây / Mù đặc hơn mây / Qua sông nào đợi cầu xây mố kề / Hoa tiêu đan ánh đèn xe / Lửa tim dẫn lối đi về đêm đêm”.
Giữa khung cảnh náo nức, háo hức, giục giã bước quân hành, Anh vẫn luôn nhớ về quê hương yêu dấu. “ Náo nức lòng người tuổi xuân xanh / Đường xa giục giã bước quân hành / Ngân vang tiếng gọi nơi tiền tuyến / Nghe máu râm ran nhựa lên cành. Bỗng thấy bâng khuâng những chiều buông / Tâm tình phảng phất bóng quê hương / Mây bay vương mãi niềm thương nhớ / Núi dựng mênh mang nẻo dặm trường” ( TÂM TƯ ).  “ Xốn xang trong ráng nắng chiều / Tâm hồn lính trẻ dệt nhiều ước mơ” ( CÔNG VIỆC BINH NHÌ ). “ Thèm một luồng gió nhỏ / Cho cánh buồm xa khơi / Thèm một đêm trăng tỏ / Cho cuộc đời thêm tươi. Hè về ôi oi bức / Đường xa ngát chân trời / Bỗng thấy lòng rạo rực / Nhìn thời gian nhanh trôi . Ai về xin nhắn cùng ai với / Vườn cũ mầm xưa vẫn xanh tươi” ( HÃY CHĂM CHO MẦM ẤY ). “ Đất trời dịu mát hơi sương / Mà lòng rạo rực nhớ thương quê nhà”, “ Trăng khuya rớt xuống đỉnh đầu / Núi rừng trầm mặc tìm đâu bóng người” ( ĐÊM THU ). Và đây nữa : “ Ta đi những nẻo đường xanh mát / Đường năm xưa trong lũy tre làng / Đường hành quân tiến về Tây Bắc / Đường hôm nay trận địa thao trường . Nà Sản mùa này hoa ban nở rộ / Mỗi bông hoa nhắc nhở thời gian / Tin vui đến giục lòng hăm hở / Đường còn dài còn lắm gian nan. Chim ơi có bay về phương ấy / cho ta gửi gắm tấm lòng xa / Chân trời vời vợi bao xao xuyến / Cuộc sống ước mơ khúc nhạc hòa” (CHIỀU NÀ SẢN ).
Trong những ngày quyết liệt kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, tác giả đã ghi lại cảm xúc của mình: “Cuộc chiến giữ bầu trời / Lịch sử chưa tiền lệ / Phơi mình trên trận địa / Sống chết quyết không rời . Đã hít mùi khói bom / Đã đôi lần máu đổ / Đã vùi trong đất đá / Đã ôm bạn lìa đời” ( KỶ NIỆM BINH NHÌ ). Cũng trong niềm cảm xúc đó, Ngô Quý Vân có những câu thơ nói lên tình cảm của mình dành cho Mẹ kính yêu và người bạn gái thuở học trò : “ Nhớ thương trùm bóng núi / Bóng Mẹ trùm hồn tôi . Rạo rực tuổi đôi mươi / Thấp thoáng hình bạn gái / Ngập ngừng lời chưa nói / Để ai người chơi vơi”. “ Bài thơ xưa … rất thơ / Xin em đừng viết lại / Cái hồn nhiên vụng dại / Say lòng anh đến giờ” ( BÀI THƠ EM VIẾT ). Tác giả ghi lại một kỷ niệm về tình cảm của nữ dân quân người dân tộc Thái trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Tà Vài ( Yên Châu, Sơn La ) năm 1965 : “ Đồng đội tôi / Một pháo thủ đứng trên mâm pháo / Mắt nhìn trời tay lấy đường bay / Trúng mảnh bom / Nằm xuống . Em lặng lẽ ngồi bên / Đưa bàn tay nhỏ / Nhẹ nhàng vuốt đôi mắt mở / Của người chiến sỹ / Mà em chưa hề biết tên . Đồng đội đi xa / Đôi mắt trong veo vẫn nhìn trời không khép / Sẽ mang theo một bóng hình rất đẹp / Của một người / Em gái Yên Châu” ( CÔ GÁI YÊN CHÂU ).
Tạm biệt Tây Bắc hùng vĩ với biết bao kỷ niệm, theo lệnh của cấp trên, Ngô Quý Vân theo nhịp bước quân hành hàng nghìn cây số cùng đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường Khu Năm - một trong những chiến trường trải dài, rộng lớn và quyết liệt, cam go của thời đánh Mỹ. Vào chiến trường, đang là cán bộ quân sự chỉ huy cấp phân đội chiến đấu ở cơ sở, Ngô Quý Vân được điều về làm Phóng viên báo Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời quân ngũ của Anh. Với vài trò Phóng viên chiến trường, Anh đã tay súng tay bút, bám sát, lăn lộn cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và địa phương chiến đấu ở các mặt trận. Cùng với các bài đưa tin, các bài viết phóng sự nóng bỏng tính thông tấn thời sự, anh còn đăng báo nhiều bài thơ hào sảng, lồng lộng chất tráng ca, mang tâm hồn thời đại, ngợi ca chiến công, cổ vũ sĩ khí chiến đấu của bộ đội. “ Ta đi vào trận đánh hôm nay / Nghe náo nức gần xa súng nổ / Đất như bỗng rộng hơn những xóm làng mới mở / Và bầu trời thành phố cũng xanh hơn . Ta tính giá bắt quân thù phải trả / Mỗi tấc chúng xây đồn, mỗi hằn xích xe tăng / Mỗi giọt máu người thân ta đổ / Mỗi ngôi nhà, mỗi vành trắng khan tang . Như sấm sét như triều dâng thác đổ / Quyết xông lên ta ào lên qua cửa mở / Có sức mạnh nào bằng sức mạnh của hờn căm / Nơi hang ổ quân thù / Loang loáng ánh lê / Đâm ! ( Bài TRẬN ĐÁNH HÔM NAY đăng Báo Quân Giải phóng số Xuân 1972 ). “ Những ánh mắt thâm quầng trong kẽm gai / Bao bà mẹ em thơ trong ngày về xóm cũ / Vùng trắng, khu dồn, trong máu xương gian khổ / Giữ đất giành dân cuộc chiến vẫn lâu dài” ( CÁNH BẮC - CÁNH NAM ). “ Một khúc đường ẩn dưới dòng sông / Vững chãi từng viên đá lát / Nước xối chân ngầm, sóng reo, sông hát / Rì rầm khúc nhạc bờ xe / Từ dưới quê xa … Một câu hò xứ Quảng / Vọng về. Hàng cọc tiêu thẳng tắp hai bên / Như những múi tên chỉ đường ra phía trước” ( NGẦM ). “ Ở bên kia đại dương / Thần Tự Do vẫn lạnh lùng giơ đuốc / Tìm kiếm mà đôi mắt xa xăm / Có thấy chăng, phía chân trời tít tắp / Ngọn hải dăng của loài người - Sáng ngọn lửa Việt Nam” ( BÀI THƠ VỀ LÍNH HOA KỲ THUA TRẬN ). “ Bao điều lớn nhỏ viết lên / Gửi vào giấy trắng mực đen một thời / Chỉ là một lát cắt thôi / Mỏng tang trong suốt chặng đời chiến chinh” ( CHUYỆN XƯA II ).
Đầu tháng 9 năm 1969, qua Đài Phát thanh, một tin buồn đau thương tiếc bao trùm toàn dân tộc : Bác Hồ từ trần. Giống như cảm xúc, tâm trạng của biết bao cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên các chiến trường thuở đó, Ngô Quý Vân đã rưng rưng nghẹn ngào viết bài NGÀY BÁC ĐI XA với tất cả tấm lòng mình. Lời thơ anh cũng là cảm xúc, tâm trạng, là tiếng đồng vọng của hết thảy mọi người: “ Ngày Bác đi xa con đang ở chiến trường / Tim nhói đau hơn ngàn lần máu ứa / Lắng tin buồn đại ngàn yên ắng quá / Khu rừng quen ngơ ngác đến mênh mông”, “ Trong đau thương gọi tên Bác bao lần / Cùng đồng đội chúng con cầm chắc súng / Thay lời chào tiễn Bác lúc chia xa …” .
Tác giả đã dùng ngòi bút kể lên những hình ảnh, những kỷ niệm sâu sắc. Nhiều bài thơ gây được sự rung động, diễn tả như một nỗi niềm tâm sự chân thành, lời tự sự trầm tĩnh, nó như một thông điệp nhắc nhở với mọi người mai sau về những năm tháng đầy ác liệt hy sinh, gian khổ của người lính trên tuyến đầu đánh Mỹ.
Ngô Quý Vân là một người giàu tình cảm. Anh luôn dành tình cảm sâu nặng với gia đình, với quê hương, với đồng đội, bạn bè và tình yêu thiên nhiên. Những bài thơ của Anh đã biểu hiện tình cảm đó một cách tinh tế, lịch lãm, ý nhị, sâu sắc, giàu hình ảnh. “ Lời Mẹ dặn ngày xưa / Trọn đời tôi tạc dạ” ( LỜI MẸ DẶN ). Những lời tâm sự với người con gái mà Anh yêu quý : “ Biết mình không bén duyên thơ / Một con thuyền nhỏ bến bờ xa xôi / Em là thơ của hồn tôi / Một bài thơ viết trọn đời chưa xong”, “ Thời gian nào nắm trong tay / Cánh hoa rơi cánh chim bay không cùng / Chỉ riêng một ngọn lửa lòng / Cứ lung linh cứ rực hồng trong ta” , “ Em là thơ của hồn anh / Một bài thơ viết không thành đó em !” ( ĐỌC NHỎ EM NGHE ). Nhân ngày Lễ Tình nhân ( Valentinne ) tác giả có sự thương cảm những mảnh đời bất hạnh của những người phụ nữ sau cuộc chiến: “ Chiến tranh làm nhát cắt / Em lặng thầm đơn côi / Tuổi xuân xưa qua rồi / Đi men bờ hạnh phúc / Cả trong mơ và thực / Một cuộc tình chơi vơi” ( CHƠI VƠI ). “ Ai mang nỗi nhớ vắt ngang chiều / Hong khô ngày tháng cũ cô liêu / Nhớ người níu giữ màu nắng quái / Thả hồn về với chốn phiêu diêu” ( CHIỀU ). “ Du thuyền ngắm cảnh Hồ Tây / Trời mây man mác nước mây giao hòa” ( CHIỀU HỒ TÂY ). Tình đồng đội trong những lần tề tựu hàn huyên cựu chiến binh: “ Quên đi cái sự tuổi già / Buồn vui chia sẻ mặn mà hơn xưa / Đường dài trải mấy nắng mưa / Năm mươi năm ấy như vừa thoáng qua” ( HỘI U 70 GẶP NHAU ). NGÀY GIỖ CHA là một bài thơ dài hàm chứa nhiều biến cố trong cuộc đời với chất chứa suy tư cảm xúc của Anh đối với Cha Mẹ. Ngô Quý Vân dành nhiều bài viết trữ tình mà đượm chất hùng ca về làng Vọng Nguyệt - quê cha đất Tổ - và phố Lý Nam Đế - phố nhà binh - nơi Anh sinh sống suốt mấy chục năm trời. 
Trong thơ Ngô Quý Vân có sự hòa quyện những cung bậc khác nhau của cảm xúc, suy tư. Khi thì với âm điệu đằm thắm, trữ tình; khi thì hào sảng, tráng ca; và nhiều khi là những bài viết thể hiện sự suy tư, chiêm nghiệm đượm chất triết lý nhân sinh sâu sắc. Với Ngô quý Vân mọi cung bậc đều đẩy tới tận cùng. “ Dẫu bây giờ ta không là gì của nhau / Trong mắt nhau ta vẫn là tất cả / Với trái tim một ngàn lần không dối trá / Một khoảnh trời riêng xanh biếc đến vô cùng” ( TRONG MẮT NHAU ). “ Nhớ thương như có phép mầu / Làm vơi đi cả gánh sầu nhân gian” ( KHOẢNG TRỜI ). “ Dựa vào bình yên nơi bờ vai em / Ta ngồi bên nhau lặng im đêm trăng tan” ( MIỀN YÊU THƯƠNG ). “ Hình như người ấy qua đây / Bằng lăng tím ngắt nở đầy đường hoa” ( HÌNH NHƯ ). “ Ta lấp hố bom sâu / Như lấp niềm cay đắng / Lớp lớp tiếp tay nhau / Mở đường lên chiến thắng . Cả đoàn xe ra trận / Vào thế trận hiệp đồng / Cả quê hương ta đấy / Đang gặt mùa chiến công” ( ĐƯỜNG LÊN CHIẾN THẮNG ). “ Ước mong sao trong cõi nhân gian / Có bệnh viện chữa thói đời cơ hội” ( BỆNH CƠ HỘI ). “ Cả phía trước - phía sau mỗi cuộc đời / Và cái làm nên những con người sống trên trái đất / Tạo hóa chưa vén bức màn bí mật / Thế giới @ còn bỏ lửng chơi vơi” ( BÍ MẬT ). “ Ta sống cùng thời với những ai / Tưởng dễ mà không dế trả lời / Chỉ biết trải lòng yêu hết thảy / Cuộc sống: Trái đất với Cuộc đời” ( NGƯỜI CÙNG THỜI ).
Tập thơ MÀU THỜI GIAN được viết trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ. Bài thơ đầu tiên viết từ năm 1963 và bài thơ viết sau cùng vào tháng 5 / 2017. Đó là một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời của một con người biết bao trải nghiệm. Bởi thế, cảm xúc, tâm trạng ngòi bút của tác giả có sự khác nhau là điều dễ hiểu. Trong tập thơ này, chúng ta bắt gặp trong đó ba con người: Một lính trẻ tuổi đôi mươi phơi phới niềm tin lý tưởng, trong cuộc chiến đấu ác liệt vẫn chan chứa một tình yêu cuộc đời với tất cả tấm lòng tươi trẻ, sinh khí xôn xao, náo nức của cuộc chiến được gửi gắm vào từng trang thơ. Tiếp đến, là một chiến binh già dặn, một phóng viên chiến trường đã nhuộm mình trong cuộc chiến, trải qua nhiều cam go thử thách đầy ác liệt hy sinh, viết lên những khúc thi ca vừa bi hùng, vừa hào sảng. Và sau cùng, đó là một cựu chiến binh già đã trải nghiệm với biết bao thăng trầm chất đầy kỷ niệm trong cuộc đời với những chiêm nghiệm chân thực, suy tư mang mầu sắc triết lý nhân sinh. Cả ba con người ấy hòa quyện làm một trong hồn thơ Ngô Quý Vân.
Thơ là người. Ngô Quý Vân tìm đến thơ để tự hát, để giãi bày những thăng hoa, những thẳm sâu của cõi lòng. Đó là sự đồng vọng của tâm hồn Anh. Cũng với chất trữ tình, hào sảng, trong thơ Ngô Quý Vân  thảng hoặc đâu đó xen pha những nỗi buồn man mác - nhất là sự bi quan về sức khỏe trong một thời gian khá dài.
Người xưa từng nói : “ Thi dĩ bi vi mỹ” ( Thơ lấy cái buồn làm đẹp ). Nỗi buồn nhiều khi trở thành thi hứng cho nhiều tác giả làm nên những bài thơ hay, thậm chí là những kiệt tác văn chương. Với Ngô Quý Vân không là ngoại lệ. Nỗi buồn về sức khỏe xâm chiếm cõi lòng Anh - thậm chí có lúc rất bi quan - đã tràn lên trang giấy thành mấy bài thơ. Đó là: “ Suy cho cùng: cuộc sống / Sức khỏe là hàng đầu / Tiền tài và danh vọng / Xếp hàng đành đứng sau”, “ Đời hai lần con trẻ / Tròn một vòng tử sinh” ( VÒNG TỬ SINH ). “ Có một cuộc chia ly không mong ngày gặp lại / Ấy là nói về đôi gậy của ta” ( CẤT GẬY ). “ Chân ơi hãy mau khỏe / Trở lại nhịp bình thường / Để đi tiếp con đường / Của quãng đời còn lại” ( NÓI VỚI ĐÔI CHÂN MÌNH ).
Theo thuyết “ Tam Bất Hủ”, người xưa nói, ở đời con người ta, theo cấp độ và phạm vi khác nhau, dù lớn dù bé đều có ba việc phải làm: Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn. Anh Ngô Quý Vân đã lập tư đức, công đức, đã lập công trên nhiều cương vị - nhất là trong suốt chiều dài ngót 40 năm quân ngũ, có tới hơn 10 năm chiến đấu lăn lộn trên chiến trường Tây Bắc và Miền Nam. Và anh cũng đã lập ngôn. Tập thơ MÀU THỜI GIAN là một trong những điều lập ngôn của anh trao tặng cho đời - trước hết là cho gia đình, họ hàng, đồng đội, người thân và bằng hữu xa gần.
Trên từng góc độ tâm thế, quý vị bạn đọc có thể tiếp nhận, thưởng thức được nhiều điều qua tập thơ MÀU THỜI GIAN khá đầy đặn và phong phú cả về nội dung cũng như thi pháp của Ngô Quý Vân.
Cám ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.



                                            Mỹ Đình, ngày 7 - 7 - 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét