Menu ngang

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

MỘT NGƯỜI THỰC GIỎI

Ông là Nhà văn, Nhà thơ, Nhà Nghiên cứu Nguyễn Chí Tình ( tên thật là Nguyễn Đức Nhật ), sinh năm 1935, ở xã Nghi Trung ( Nghi Lộc, Nghệ An ), là con trai của Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Đức Bính, là cháu nội của Chí sĩ ái quốc Nguyễn Đức Công ( tức Hoàng Trọng Mậu ). Dẫu không học hàm, học vị, nhưng theo tôi, tài năng của ông xứng đáng là một Học giả sáng danh.
Sinh trưởng trong một gia đình, dòng họ Nguyễn Đức có truyền thống hiếu học, yêu nước và văn chương, ông được thừa hưởng zen của bố mẹ, ông bà và được sống trong môi trường giáo dục của gia đình, dòng họ và quê hương. 
Ông là người có tố chất thông minh, trí nhớ siêu phàm và một nghị lực tự học hiếm có. Có lần, trong cuộc Gặp Mặt hội đồng hương huyện Nghi Lộc tại Hà Nội, tôi nói, giỏi như anh Nguyễn Chí Tình, quả thật trong đời, tôi chưa gặp người thứ 2. Tưởng như tôi nói quá lời, nhưng khi rời bục, ông Nguyễn Quốc Thước & ông Nguyễn Đình Chú bảo tôi: Cháu nói thế là đúng! Cô giáo Nguyễn Phương Hoa còn nói, ông là một " Dị nhân"...
Chuyện về Nguyễn Chí Tình thì dài lắm, nhiều lắm. Tôi chỉ nói thế này: Ông đã xuất bản rất nhiều đầu sách với nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện, thơ, văn tế và nhiều tập sách Nghiên cứu chuyên đề dày trên dưới 1000 trang. Ông đã hướng dẫn thực thụ cho nhiều Nghiên cứu sinh, Cao học. Ông thông thoại ít nhất là 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga. Gần đây, năm 2015, nhân việc sang thăm chơi với con trai đang làm việc ở Tây Ban Nha, ông đã dành ra 3 tháng tự học xong tiếng Tây Ban Nha. Và khi sang Tây Ban Nha, ông tự giao tiếp với người tại chỗ, không cần phiên dịch.
Ông có thể nháp trong đầu ( không cần giấy tờ ) và đọc trầm cho người khác đánh máy một bản trường ca dài 1254 câu, nhưng không hề sai một chữ. Trong nhiều lần dự họp mặt, không chuẩn bị trước, nhưng khi giới thiệu, ông có thể đọc luôn một bài thờ dài mấy chục câu. Tôi hỏi ông, nháp lúc nào. Ông cười, vừa mới nháp trong đầu!
Tài năng là thế, nhưng có hai điều đặc biệt: 1 là, suốt cả một đời, Nguyễn Chí Tình chưa bao giờ ngồi vào ghế một trường đại học nào với tư cách là sinh viên - nói nôm na là ông chưa từng học đại học. 2 là, dẫu viết đến 25 đầu sách, tính từ năm 1957 đến nay, nhưng ông không là " Hội viên Hội Nhà văn".
Tôi may mắn được là đồng hương của ông - ông có viết một bài thơ về tôi đăng trong tập " Có một miền quê " do NXBTN xuất bản năm 2015. Dẫu hơn tôi 13 tuổi, nhưng ông luôn coi tôi như bạn vong niên. Chúng tôi có nhiều lần cùng nhau rong ruổi về quê. Chuyện trò nhiều chuyên đề, không biết chán. 
Tôn quí ông, nể phục ông về cái tài, cái tình. Tôi nói với nhiều người rằng, kiến thức và bộ nhớ của Nguyễn Chí Tình nếu nói kiểu hình tượng, thì to như quả bóng đá, còn tôi chiếu cố lắm thì bằng viên bi.
Hôm vừa rồi, trên đường về quê dự Têt Nguyên tiêu, khi ghé ăn trưa ở quán Thanh Còi ( Tĩnh Gia, Thanh Hoá ), ông đọc tôi nghe hai câu thơ của ông : " Đời tôi là vở kịch dài / Một mình tôi đóng cả hài lẫn bi". Thật chí lý!


-----------


MỘT CHUYẾN ĐI BIÊN GIỚI

                                                                     N M Đ
Khi quân Trung Quốc ồ ạt tấn công vào lãnh thổ biên giới phía Bắc nước ta, tháng 02/ 1979, tôi đang là Trợ lý Phòng Chính sách - Cục Tổ chức TCCT. Tin tức từ các hướng chiến trường ngày đêm dội về cơ quan. Không khí thời chiến đang trở lại. Nếp công tác, sinh hoạt rộn rã khẩn trương hơn. Cán bộ các cơ quan luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng đợi lệnh lên đường nhận nhiệm vụ.
Chiều ngày 23 /02/1979, tôi cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan được Thủ trưởng TCCT triệu tập giao nhiệm vụ làm Phái viên xuống các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên giới thuộc: Quân khu 1, Quân khu 2 và Đặc khu Quảng Ninh. 
Vừa bước sang tuổi 31, bậc quân hàm Đại úy, tôi lại hăm hở nhận nhiệm vụ lên đường ra mặt trận tựa như mùa Đông năm 1964 - mới chẵn 16 tuổi đã nhập ngũ vào chiến trường chiến đấu.
 Theo phân công, tôi cùng anh Đào Thắng, Trung úy, Nhà văn, cán bộ Cục Tuyên huấn xuống Trung đoàn 567 thuộc Quân khu 1 đang chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng. ( Sau này, anh Đào Thăng là Đại tá, chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn ).
Nhận nhiệm vụ xong rời phòng họp, tôi bất chợt gặp bác Chu Huy Mân, Chủ nhiệm TCCT ở dãy hành lang tòa nhà Văn phòng TCCT. Ông dừng lại ôn tồn hỏi tôi: 
- Cháu được cử đi đâu ?
- Dạ, cháu được cử lên mặt trân Cao Bằng - Tôi hăng hái trả lời .
Ông nói tiếp : 
- Thế là tốt. Chiến tranh do kẻ địch phát động diễn ra trên diện rộng, với qui mô lớn. Cả nước ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù mới. Cháu đã qua chiến đấu ở chiến trường thời đánh Mỹ. Nay, cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu, công tác ở đơn vị cơ sở. Này! Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bác đã từng chỉ huy chiến đấu ở Cao Bằng đấy. Bây giờ lên đó, cháu phải xuống hẳn một Trung đoàn đang chiến đấu, trực tiếp nắm tình hình và giúp lãnh đạo chỉ huy đơn vị giải quyết những vấn đề đặt ra. Nhớ phải có báo cáo kịp thời về Tổng cục.
 Chia tay ông, tôi vui vẻ trở về cơ quan chuẩn bị mấy thứ cần thiết để sáng mai lên đường. 
Sáng sớm ngày 24/ 02, tôi dùng xe Hon Đa đưa nhà tôi và Nguyễn Trần Quang, con trai đầu ( ngày đó mới gần 4 tuổi, chúng tôi chưa sinh Nguyễn Trần Thùy Vinh) từ nhà tôi ở 1A Hoàng Văn Thụ vào nhà 30 Lý Nam để chia tay ông bà ngoại. 
Từ nhà ông bà ngoại, tôi khoác ba lô đi bộ sang cơ quan TCCT. Liễu và cháu Quang đi tiễn. Từ trong nhà ra gần tới cổng 30 Lý Nam đế, có lối nhỏ rẽ tắt qua đơn vị vệ binh Lữ đoàn 144 sang cơ quan TCCT - Lối đi này chỉ những người có Giấy ra vào Thành mới qua được. Tôi dừng lại giang tay bế con trai lên ghì chặt vào lòng, ôm hôn con. Quang hỏi, Ba ơi, Ba đi chống Tàu bao giờ về? ( Trước đó, nghe người lớn nói với nhau là vậy, nên cháu biết ). Tôi nói, chưa biết trước, nhưng không lâu lắm đâu con ạ. Nhà tôi bịn rịn, tay cầm tay, rồi lẳng lặng ngoảnh mặt đi, đưa tay nghẹn ngào gạt nước mắt. Trong phút giây xúc đông, tôi vội nói lời chia tay rồi đi thẳng, đầu không dám ngoảnh lại. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi cuộc chia tay lưu luyến của bao cặp vợ chồng trong thời chiến từ xưa đến nay đều diễn ra như vậy.
Vào tập trung ở sân bóng đá TCCT, các cơ quan có một số người đến chia tay một cách nhẹ nhàng. Tôi và anh Đào Thắng lên chiếc xe com-măng-ca Bắc Kinh đít tròn, do anh Nguyễn Văn Mỹ quê ở Hải Dương lái. Tôi và Mỹ quen nhau đã nhiều năm, nên dễ vào chuyện. Với anh Đào Thắng, đây là lần gặp đầu tiên. Qua câu chuyện bước đầu, tôi biết anh Thắng hơn tôi hai tuổi, là chồng cô Như, con gái Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi. Thời chống Mỹ, anh Thắng ở đơn vị Phòng không đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu ác liệt ở vùng Khu Bốn. Anh thuộc nhiều địa danh quê tôi. Và anh Thắng cũng đã có nhiều tác phẩm viết về những trận chiến đấu ác liệt bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Khu 4.
Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 3, chúng tôi lên Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đóng ở Thái Nguyên, với cự ly khoảng hơn 80 cây số. Đến Quân khu, chúng tôi vào làm việc với Cục Chính trị . Sau đó, xe đi lên Bắc Kạn với cự ly khoảng 90 cây số, rồi đi tiếp lên Cao Bằng.
Hôm đó là Thứ Bảy, ngày 20 tháng Giêng năm Kỷ Mùi. Tiết Xuân đang lúc gió mùa đông bắc, mưa phùn lất phất, trời se lạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lên Cao Bằng. Hai bên đường trên các triền núi, có nhiều vạt lau khá cao, bông lau phất phơ trong gió. Thỉnh thoảng có cây đào phai, trông khá đẹp. Đường đi qua nhiều đèo cao khúc khuỷu : Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, … Đèo Gió là đèo cao và dài nhất, rất nguy hiểm. Trời mù sương, đường trơn trượt, nếu lái xe không cẩn thận dễ xảy ra tai nạn. Trên đường khá tấp nập xe cộ. Người ra mặt trân, người về phía hậu phương. Lúc này quân Trung Quốc vừa chiếm xong Thị xã Cao Bằng. Tỉnh đội Cao Bằng đã lùi về Ngân Sơn. Trong số đoàn người lui về về sau, phần đông là dân đi sơ tán và cũng có nhiều xe chở thương binh từ mặt trận về. 
Khi đến Ngân Sơn, chúng tôi vào Tỉnh đội xuất trình giấy tờ. Cơ quan Tỉnh đội bố trí cho tôi, anh Thắng và Mỹ ngủ ở một nhà dân trong bản. Dân ở đây đã sơ tán về phía sau. Nhà trống, đồ đạc vứt lại ngổn ngang. Đêm đến miền núi cao trời rét đậm, nấu cơm ăn xong, chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng đến tận khuya rồi mới thu xếp sửa soạn chỗ ngủ.
 Theo phân công, sáng mai, chúng tôi hành quân bộ cùng với anh Nông Văn Nhung, Chính ủy Trung đoàn 567 và mấy cán bộ, chiến sĩ lên nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội quay về đơn vị. Tôi nhìn vào bản đồ tác chiến thì Trung đoàn 567 đang nằm sau lưng địch. Nói cách khác, quân Trung Quốc đã tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam mà Trung đoàn 567 đã nằm trong vòng vây của chúng. Việc liên lạc từ Trung đoàn về Tỉnh đội và Mặt trận Cao Bằng rất khó khăn, chỉ có từng toán nhỏ xuyên cắt rừng, tránh địch để đi. Với tôi, bằng kinh nghiệm từ thuở còn là chiến sĩ trinh sát, đặc công, việc cắt rừng tránh địch để đi là nguy hiểm, nhưng không thật khó. Vì đường rừng mênh mông có nhiều lối tránh. Thêm nữa, được các chiến sĩ của Trung đoàn 567 quen thuộc địa hình dẫn đường thì chúng tôi yên tâm.
Sáng dậy, cơm nước xong, vai khoác ba lô, lưng đeo khẩu súng ngắn K 59, từ Ngân Sơn chúng tôi đi cắt đường rừng vào Trung đoàn 567 đang hoạt động ở Đường số 4. Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết anh Nông Văn Nhung, Trung tá, dân tộc Tày, hơn tôi độ dăm tuổi, người đậm chắc, đầu hơi bị hói. Thời chống Mỹ, anh Nhung ở Sư đoàn 312 đi chiến trường Tây Nguyên, rồi vào chiến đấu ở Đông Nam Bộ.
Cuốc bộ đường rừng, leo nhiều dốc cao, lội qua nhiều con suối, tôi cảm thấy khá mệt. Đang trời rét mà mồ hôi tôi cứ tủa ra ướt cả áo. Dưới chân thì từng đàn vắt cứ ngoe nguấy bám theo. Thật chẳng khác nào việc xuyên rừng vượt suối tôi đã trải qua thời đánh Mỹ. Khoảng 5 giờ chiều, đoàn chúng tôi về tới Trung đoàn bộ đóng cạnh một bản dân tộc ở chân núi, phía dưới có con suối, xa hơn là mấy thửa ruộng bậc thang. Sở Chi huy Trung đoàn gồm mấy căn hầm, phía trên có mấy cái bàn làm bằng tre ghép lại, xung quanh là mấy dãy lán nứa. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Kính Trung đoàn trưởng - Một cán bộ khá trẻ so với cấp bậc và độ tuổi, dáng tầm thước, da trắng, tác phong vui vẻ, nhanh nhẹn, xởi lởi. Qua câu chuyện, tôi được biết anh Kính mới được điều động từ Trường Quân sự Quân đoàn 1 về Trung đoàn mấy tháng trước khi xẩy ra chiến tranh.
Trung đoàn 567 là trung đoàn độc lập trực thuộc Quân khu 1. Khi chiến tranh biên giới xẩy ra, Trung đoàn 567 đã chiến đấu nhiều trận, lập công xuất sắc ở Thach An, Hà Quảng. Ngày đầu tiên, 17/02/1979, Quân Trung Quốc mở đầu là pháo bắn dữ dội, tiếp theo là xe tăng và bộ binh tấn công. Trung đoàn đã cùng Đồn Biên phòng Tà Lùng và dân quân tự vệ địa phương chặn đánh địch quyết liệt ở Đèo Khâu Chỉa ( Phục Hòa ). Mấy ngày sau, địch tập trung quân dồn dập tấn công vào Thị xã Cao Bằng. Do tương quan lực lương chênh lệch, ngày 24 / 02 / 1979, địch chiếm được Thị xã. Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây. Lúc này quân số và vũ khí trang bị của Trung đoàn 567 đã bị tiêu hao, lương thực, thực phẩm khó khăn.
Với tư cách là Phái viên của TCCT, nhiệm vụ của chúng tôi là nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, tư vấn cho chỉ huy lãnh đạo đơn vị xử lý các tình huống. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, cán bộ chiến sĩ nhận thức khá đầy đủ về âm mưu thủ đoạn của địch và nhiệm vụ của đơn vị. Qua mấy ngày chiến đấu đơn vị có thương vong, nhưng mọi người không hề nao núng tinh thần. Cùng với việc nắm tình hình và tư vấn với Ban chỉ huy Trung đoàn xử lý các tình huống chiến đấu, tôi còn đi sâu kiểm tra thực hiện công tác chính sách trong chiến đẩu: việc an táng liệt sĩ, cấp cứu thương binh và giải quyết giấy tờ cho thương binh về phía sau điều trị; việc bình bầu khen thưởng những tập thể cá nhân lập thành tích trong chiến đấu.
Là nhà văn quân đội đang tác nghiệp như một phóng viên chiến trường đích thực, anh Đào Thắng đã đi sâu gặp gỡ các cá nhân và tập thể điển hình xuất sắc trong chiến đấu, kịp viết bài đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo QĐND. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn ở với bộ đội ở trận địa. Bằng vốn sống thực tế nhiều năm ở chiến trường miền Nam, tôi sớm quen với mọi việc, được anh em từ lãnh đạo chỉ huy đến chiến sĩ tin tưởng, thân thiết gần gũi, công việc thuân lợi. Anh Đào Thắng cũng vậy. Như phần trên đã nói, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, là bộ đội pháo cao xạ, anh Thắng đã nếm trải bao ác liệt, khó khăn trên các địa bàn trọng điểm ở Khu Bốn.
Ở Trung đoàn 567 được hơn 1 tuần, có Điện gọi chúng tôi về Bộ Tư lệnh Mặt trân Cao Bằng báo cáo tình hình. Phút chia tay anh em Trung đoàn thật bùi ngùi. Chỉ ngót mười ngày thôi mà tình cảm thật gắn bó. Chúng tôi lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. Ban Chỉ huy Trung đoàn cho 2 chiến sĩ cắt đường rừng dẫn chúng tôi trở ra Ngân Sơn.
Lúc này Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng. Đại tá , AHLLVT Đàm Văn Ngụy , Phó Tư lệnh Quân khu 1 được phân công làm Tư lệnh Mặt trận. Đại tá Ngô Bằng Khê làm Chính ủy Mặt trận. Sở Chi huy BTL Mặt trận Cao Bằng đặt ở Bằng Khẩu. Khi về tới BTL thì tôi gặp và báo cáo với Thủ trưởng trực tiếp là Thiếu tướng Hùng Phong, Cục trưởng Cục Tổ chức TCCT mới từ Hà Nội lên đang làm Phái viên của Bộ tại Mặt trận. ( Một thời gian sau, ông Hùng Phong được cấp trên điều động làm Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1).
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì có một việc đột xuất : Mặt trận dùng trực thăng Mi6 để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực phẩm cho Trung đoàn 567 đang nằm trong vòng vây của địch. Vì tổ lái máy bay không xác định được địa điểm, tọa độ đóng quân của Trung đoàn. Vậy là, tôi và anh Đào Thắng được giao nhiệm vụ ngồi lên máy bay để dẫn đường như hoa tiêu. Dù biết chắc địa điểm đơn vị đóng quân, lại là người cũng có ít nhiều kinh nghiệm xác định tọa độ trên bản đồ, nhưng quả thật địa hình rừng núi, lại ngồi trên máy bay nhìn xuống, mây mù dày đặc. Bay cao nhìn xuống dưới thì không thấy gì, bay thấp thì sợ đâm vào ngọn núi cao. Hơn nữa, được biết hồi đó Trung Quốc đã đưa pháo cao xạ vào đất ta, kể cả thị xã Cao Bằng. Ngồi vào buồng lái, bằng mắt thường nhìn qua kính máy bay, tôi loay hoay chỉ trỏ cho máy bay vòng đi vòng lại cả một vùng khá rộng, đến mấy lượt, nhưng đều không thấy. Cuối cùng, sau vài chục phút dò dẫm không tìm được chỗ đóng quân của Trung đoàn 567. Qua bộ đàm, tổ lái xin ý kiến và được cấp trên lệnh cho máy bay quay về căn cứ.
 Khi tiếp đất, nhìn những lô hàng vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm đang xếp sẵn trong khoang hạnh lý máy bay, lòng tôi áy náy xót xa vô cùng. Tôi tự cảm thấy mình như có lỗi lớn với anh em. Trong kia, giữa vòng vây quân thù, bộ đội ta thiếu thốn mọi điều, phải hằng ngày dè xẻn chắt chiu để sống và chiến đấu. 
Tôi được biết, sau đó mấy hôm, BTL Mặt trận Cao Bằng lệnh cho Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút ra phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị tập trung phản kích địch.
Hai hôm sau, có Điện yêu cầu chúng tôi về Hà Nội gấp để tổng hợp đánh giá tình hình các hướng, kịp xét đề nghị khen thường. Nhân có máy bay trực thăng Mi6 chở hàng lên Mặt trận Cao Bằng quay về Hà Nội, chúng tôi được phép cho ô tô lên máy bay để cùng về. Hơn một giờ sau, trực thăng hạ cánh sân bay Bạch Mai. Chúng tôi lên ô tô về đơn vị.
Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, mới ngày nào đó mà nay đã tròn 37 năm. Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm, tôi có nhiều chuyến công tác. Nhưng có thể nói, chuyến thâm nhập đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên cương Cao Bằng mùa Xuân năm 1979 - trong thời điểm cả Dân tộc ta đang sục sôi hào khí chống quân Trung Quốc xâm lược - là một trong chuyến công tác có nhiều ý nghĩa với kỷ niệm khó quên!

                                                         Mỹ Đình, 23 / 02/ 2016


SỨC BỀN VẬT LIỆU

Cách đây trên dưới 20 năm, khi còn là Cục trưởng Chính sách TCCT, với bản tính hiếu động, tôi đã cùng với các anh chỉ huy Cục phát động phong trào TDTT & VHVN. Các phong trào đó, được tập thể anh chị em trong Cục nhiệt tình hưởng ứng.  Nhiều năm liền, Cục được tặng giải xuất sắc trong các Hội diễn, Hội thi của cơ quan Tổng cục Chính trị.
Năm 1998, Đội bóng đá của Cục giành giải Nhất khối cơ quan nghiên cứu. Nhưng khi vào đá trận chung kết với Đội nhất của khối Trường, các đoàn nghệ thuật là Đội Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, kết quả Đội Cục Chính sách thua: 1-3.
 Có thể nói, từ Ngày thành lập Cục và mãi mãi sau này nữa, sẽ không có kết quả như vậy. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái cơ bản là không có sân bãi.
Trận chung kết đó, Nhạc sỹ Hiệu trưởng An Thuyên kéo quân sĩ lên đông lắm. Nào là chiêng trống, loa kèn, băng rôn, khẩu hiệu cùng nhiều sinh viên, diễn viên xinh đẹp đi cổ vũ đội nhà.
 Giữa một chiều mùa Thu nắng đẹp, gió thổi nhẹ, bãi cỏ xanh sân bóng đá TCCT máy cắt xén gọn gàng, các đường chỉ được kẻ gạch sơn rõ ràng. Xung quanh sân cờ xí đỏ tươi phấp phới. Tiếng loa đài, tiếng nhạc hát dập dình, rộn ràng.
Chúng tôi ra sân trong tâm trí hưng phấn quyết tâm, nhưng có phần ngợp trước không khí cổ vũ náo nhiệt của Trường ĐHVHNT.
Khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, các cổ động viện của Trường chạy vào sân chúc mừng cầu thủ đội nhà.
Mồ hôi ướt đầm áo, tôi bắt tay An Thuyên mà nói, chúng tôi thua vì 2 lẽ : 1 là, chú dùng chiến thuật mỹ nhân kế, hoạt náo kế, để cổ vũ, làm cho các cầu thủ chúng tôi bị cuống chân không đá được trong không khí chộn rộn đó. 2 là, tuổi tác cầu thủ chúng tôi gấp đôi cầu thủ của chú. U50 sao thắng được U25! Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già !
Nghe xong, An Thuyên cười vỗ vào vai tôi mà nói, nhưng quả thật, chú phục bác về sức khỏe và sự nhanh nhẹn đấy. Chạy trên sân như thanh niên ấy. Mà bác còn máu hiếu thắng lắm ! Tôi nói vui, trong thể thao mà không hiếu thắng thì nhạt nhẽo lắm. Hơn nữa, phi hiếu thắng, bất thành trai Xứ Nghệ ! Hic ( Cố nhạc sĩ An Thuyên thua tôi 1 tuổi, lại là đồng hương Nghệ An, nên thường xưng hô với nhau thân tình là vậy ).
Hồi đó dẫu đã 50 tuổi nhưng tôi vẫn hăng hái tham gia đá bóng với anh em, mặc dù tôi đá không hay. Tôi thuộc loại " cầu thủ " chân đất mắt toét, sân ruộng ở một miền quê nghèo, đá bóng theo kiểu bắt chước nhau từ tấm bé, chứ có hoc hành gì cơ bản đâu. Ấy thế mà mê say đáo để.
Các anh lớn tuổi hơn hỏi, tôi vẫn nói vui là " thử sức bền vật liệu". Nói rồi quen, hề xỏ dày ra sân, mọi người lại nói cười: Cục trưởng lại tiếp tục :" thử sức bền vật liệu!".
 Không chỉ trong thể thao, ngay cả trong công việc, tôi vẫn luôn có ý thức, lập kế hoạch thế nào mà trong một khoảng thời gian, mỗi một con người hoặc một tập thể có thê làm được nhiều việc ( năng suất ) chất lượng và hiệu quả. 
Muốn vậy, phải tính toán thật cụ thể, khoa học, phải xác lập qui trình theo kiểu vận trù học. Tôi luôn có ý thức cố gắng phát huy khả năng, công sức của mọi người vào công việc chung. Ngày đó, giữa giờ làm việc, tôi thường có thói quen thư giãn bằng cách đi dạo quanh một lượt qua các phòng làm việc trong Cục. Thực chất là tôi muốn đo thái độ và không khí làm việc chung.
 Có người nói nửa đùa nửa thật rằng: Ấy là lúc ông Đẩu đi " tuần ". Dĩ nhiên, mọi người trong Cục đều tự giác làm việc theo chức trách và kế hoạch, chẳng phải vì tôi đi kiểm tra mới làm.
Tôi nhớ ai đó nói rằng, con người ta khác một cái máy ở chỗ: Cái máy khi không chạy thì không tốn nhiên liệu. Còn con người, khi không làm việc vẫn cứ ngày ăn đủ 3 bữa. Hằng tháng vẫn nhận đủ lương ( khối hưởng lương từ ngân sách ) không thiếu một đồng. Có tình trạng đó, trước hết là do trách nhiệm và trình độ quản lý của người lãnh đạo chỉ huy ở các cấp.
 Xót ! Tiền dân đóng thuế để nuôi một bộ máy mà nghe nói có tới 30 % sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Về già, " sức bền vật liệu " đang đà xuống cấp một cách nhanh chóng. Lắm lúc muốn chạy đua với thời gian, vận trù, cố làm được nhiều việc trên nhiều nơi. Nhưng lực bất tòng tâm.
 U 70 là chuẩn bị sang lớp người " xưa nay hiếm ", đành phải xác lập lại giới hạn. Cần phải chủ động qui hoạch lại những việc cần làm trong quãng thời gian còn lại không còn dài nữa.
Các cụ xưa dạy, con người là phải cửu tri ( biết 9 điều ), trong đó có " tri chỉ " ( biết giới hạn, lim, điểm dừng ).
 Dẫu là ai, " sức bền vật liệu" là có hạn. Già néo để đứt giây!


--------


NGHĨ VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH

Hôm nay, 17/02/2016, cách đây 37 năm, nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất ngờ dùng 12 vạn quân ồ ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Thời điểm cao nhất chúng huy động tới 60 vạn . Trong cuộc chiến hơn 1 tháng, quân xâm lược Trung Quốc đã dã man bắn giết biết bao người và tàn phá rất nhiều cơ sở vật chất của ta.
 Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn tên địch. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Tổ quốc & nhan dân ta đời đời nhớ ơn các Liệt sĩ.
Trong những ngày chiến đấu quyết liệt đó, tôi vừa bước sang tuổi 31, cấp hàm Đại uý, cán bộ Cục To chức được cấp trên cử làm phái viên của TCCT trực tiếp xuống Trung đoàn 567 Quân khu 1 đang chiến đấu ở Mặt trận Cao Bằng. Cùng đi với tôi có Trung uý, Nhà văn Đào Thắng, lúc ấy công tác ở Cục Tuyên huấn TCCT - sau này anh là Đại tá, chuyển ngành làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn.
Tôi coi chuyến công tác ở Trung đoàn 567 ở Cao Bằng hồi đó là một kỷ niệm đẹp - tạo cho tôi hiểu biết thêm nhiều điều.
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền và cả trong các văn pháp qui đều gọi là :" Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ".
Tôi trộm nghĩ, gọi thế e không phải! Gọi là chiến tranh biên giới thì phải là cuộc chiến tranh xâm lấn giành giật của cả hai bên biên giới. Đằng này, đây là cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ Việt Nam được phát động đơn phương từ Trung Quốc. Phía Việt Nam không hề cho quân xâm lấn đất đai Trung Quốc.
Từ cách nghĩ đó, tôi cho rằng, cần nói thẳng là :" Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc". Tên gọi một cuộc chiến tranh là căn cứ vào bản chất của nó, chứ không phụ thuộc vào qui mô, thời gian, không gian và tính chất của cuộc chiến.
Điều cũng thấy lạ nữa là : Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, tổ tiên chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự xam lược của các triều đại phong kiến phương Bắc : Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà lịch sử mãi mãi khắc ghi.
 Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ thiên tài đã lãnh đạo dân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh. Cuộc chiến chỉ diễn ra mấy ngày, nhưng Chiến công đó mãi mãi chói lọi trong Lịch sử vinh quang của dân tộc.
Vậy mà, mới có 37 năm thôi, trên phương tiện tuyên truyền không đề cập. Duy nhất chỉ có đưa tin Chủ tịch nước TTS đến thắp hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét