Menu ngang

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ ...




      ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ
    VỚI CÁC CHÁU THÂN YÊU

              Các cháu thân yêu !
              Còn dăm năm nữa, ông sẽ trở thành lớp người xưa nay hiếm.  Khi về già, con người ta thường hoài niệm quá khứ rồi gút lại thành kinh nghiệm. Đó là những điều hữu ích, cụ thể, thiết thực, quí báu truyền lại cho con cháu.
Các cháu là niềm hạnh phúc, là minh chứng cho sự hiện hữu của ông bà trên cõi đời. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu nhiều thứ. Nhưng, quí hơn tất cả là phương pháp tu dưỡng, rèn luyện, học tập để trở thành con người hướng thiện trong xã hội.  
Với cách nghĩ đó, ông khát khao truyền lại cho các cháu thân yêu trong nhà ta những điều mà ông cho là rất quan trọng và rất cần thiết. Đặc biệt là, trong thời điểm hiện nay, khi các cháu đang ở vào thời kỳ bắt đầu hình thành nhân cách. Trong buổi bình minh của tuổi trẻ, cần chuẩn bị thật chu đáo hành trang cho một cuộc đời dài lâu, phong phú.
Trong cuộc sống, cái quan trọng nhất là thế giới quan và phương pháp luận. Câu chữ to tát là thế, nói một cách đơn giản dễ hiểu là, con người ta phải có cách nhìn đúng về mọi việc xung quanh và có cách xử sự hợp pháp, hợp lý, hợp tình trước các hoàn cảnh.
Trên thực tế có hai cách khuyên bảo: Hoặc là, nêu lên những việc cần làm. Hoặc là, nêu lên những điều cần tránh. Đó là các cặp đối xứng. Việc cần làm và điều cần tránh đều có giá trị như nhau. Việc cần làm, thiên hạ nói nhiều lắm rồi. Với các cháu, ông chỉ nêu lên những điều cần tránh.
Phật tổ dạy rằng : “Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”. Cả một đời, ông tâm niệm điều đó là hoàn toàn đúng. Trong cuộc sống, con người vừa là nhân vừa là quả của chính mình. Nói cách khác, con người vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, lại vừa là diễn viên của vai mình trên sân khấu cuộc đời. Bởi vậy, ông khái quát lại những tật xấu ở đời (đó là các thành tố tạo nên kẻ thù ở chính mình) để các cháu cần tránh. Những tật xấu đó là: Lười, Dối, Tham, Chê, Xen, Kiêu, Sĩ. 
              Lười bao gồm: Lười vận động, lười làm việc, lười suy nghĩ, lười đọc, lười học, lười quan hệ tiếp xúc,…Lười là nguyên nhân sâu xa và nguồn gốc trực tiếp của dốt nát, bất lực, đói nghèo, đơn độc, lạc hậu. Lười sinh ra nghèo hèn, thua kém người khác trên nhiều phương diện. Và hệ lụy tất yếu là thói ganh ghét, đố kị với người hơn mình. Sự thích an nhàn đeo đuổi, bám riết lấy con người ta mọi lúc, mọi nơi. 
  Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Chẳng để lại ngày mai cái gì, nếu hôm nay không làm gì". Hay nói cách khác: "Không bắt đầu, thì không bao giờ có".  
             Dối là xuyên tạc, bóp méo, bẻ cong sự thật, nhằm có lợi cho bản thân. Có người nói dối rồi tự mình huyễn hoặc tin theo lời nói dối đó như một sự thật. Nhiều người nói dối lâu ngày quen nết và hình thành tính cách xấu khó sửa. Người nói dối luôn ngờ vực người khác, vì họ cho rằng người khác cũng nói dối như mình. Người xưa nói: "Kẻ gian hùng hay đa nghi". Nói dối là nguyên nhân của mất lòng tin, tạo ra nghi kị trong các mối quan hệ giữa người với người. Trong gia đình và ngoài xã hội đều vậy. Trên thực tế, có người nói dối tất cả mọi điều và có người nói dối từng việc, từng phần việc. Nhưng, như ngạn ngữ phương Tây có câu: “ Nửa cái bánh mì là bánh mì, còn nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Trong quan hệ cuộc sống, qua kiểm nghiệm, mọi người đều đủ trí khôn để nhận biết mọi điều thật - giả, chân - ngụy, chính - tà. Nói chung, ai lừa ai cũng chỉ lừa được một lần. 
 Cần phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa nói dối với việc không nói, hoặc nói tránh. Trong nhiều trường hợp, không nói hoặc nói tránh là rất hợp lý, cần thiết. Điều chưa nói còn là của mình. Điều đã nói ra là thuộc về người khác. Không ai có thể rút lời đã nói về mình được. Người xưa nói: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", có nghĩa là một lời nói ra, cỗ xe bốn ngựa khó đuổi được.
          Tham bao gồm nhiều thứ: tham ăn, tham mặc, tham hưởng thụ, tham tiền bạc, tham địa vị chức quyền,…Tóm lại là tham lợi và tham danh. Sự khát khao ham hố lợi danh là không có giới hạn. Trong một số gia đình, bắt nguồn từ lòng tham, giữa các anh em ruột có ba thời kỳ tranh giành nhau: Lúc nhỏ tranh ăn. Lớn lên tranh mặc. Khi trưởng thành thì tranh tài sản thừa kế. Có người nói: “ Lòng tham tiền tài, địa vị của con người ta như giải khát bằng nước mặn: Càng uống, càng khát”.  Người xưa dạy: “ Sự năng tri túc tâm thường lạc / Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao ”. Có nghĩa là, con người ta tự biết giới hạn đủ của mình, thì luôn luôn vui vẻ lạc quan. Không đòi hỏi cái gì thái quá, thì phẩm giá của mình được đề cao.
 Chê là sự dèm pha, chê bai, dè bỉu, phê phán, nói xấu, bôi đen người khác, việc khác một cách tràn lan, vô lối. Chê bai là bắt nguồn từ thói đố kị, ganh ghét không muốn ai hơn mình. Thực chất là do mình kém cỏi, muốn hạ người khác xuống, để ngoi mình lên. Ở đời có điều thật lạ: Một số người trên thực tế chẳng có tài cán gì, nhưng họ chê hết mọi thứ từ thượng vàng đến hạ cám. Họ chê nhiều rồi “nghiện chê” thành một thói quen xấu. Hễ mở miệng là chê. Tuồng như, không chê được là bứt rứt, khó chịu. Khi họ chê mà không được người khác cộng hưởng đồng tình, thì tự khắc họ cho rằng, người đối thoại  không biết nói chuyện, không phải là chỗ tâm giao. Có một qui luật ở đời là: “Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Con người ta từ đứa trẻ đến các bậc danh nhân, nói chung, đều thích được khen, thích được người khác cho là quan trọng. Chê là làm ngược lại điều đó. Chê là khởi thủy của sự mất đoàn kết. Lời chê sẽ thành mồi lửa làm nổ tung kho thuốc súng của lòng tự trọng luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Lời chê ở bất cứ đâu cứ như ném một hòn đá lên trời, sau đó sớm muộn lại rơi đúng đầu mình. Người xưa nói: "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu". Có nghĩa là, ai đó ngậm máu phun người, thì trước hết đã là làm bẩn miệng mình. Nhiều người đã tổng kết: "Bệnh tật đi vào cơ thể bằng đường miệng. Tai họa lại từ cửa miệng mà ra". Do đó, ở đời tuyệt nhiên đừng chê bai ai cái gì. 
Dĩ nhiên, cần tỉnh táo phân biệt giữa sự chê bai với nói lên sự thật. Xuất phát từ động cơ trong sáng, với phương pháp thẳng thắn, chân thành góp ý xây dựng bằng thái độ tinh tế, lịch lãm - là điều nên làm.
            Xen là sự can thiệp, xỉa xói, “thọc gậy bánh xe” vào việc của người khác. Trong cuộc sống cộng đồng, sự quan tâm giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn là rất cần thiết. Ngược lại, can thiệp vào công việc, vào đời tư của người khác dưới mọi hình thức là xấu. Có người không lo lắng thấu đáo cho việc mình, việc nhà mình, lại cứ rỗi hơi thích thóc mách, chọc ngoáy vào việc người khác, việc thiên hạ. Mỗi người có một cuộc sống, một khả năng, một nhu cầu riêng biệt. Đừng bao giờ lấy cái suy nghĩ bằng vốn sống, bằng kinh nghiệm chủ quan của mình để áp đặt lên người khác. Không được khuyên ai điều gì mà họ không có nhu cầu. Trường hợp người khác xin ý kiến tư vấn của mình một cách chân thành, thì sự góp ý của mình phải khách quan, cầu thị và cũng chỉ có giá trị tham khảo. Mọi kinh nghiệm đều có tính lịch sử. Không có kinh nghiệm nào là hoàn toàn đúng với mọi không gian, thời gian, sự kiện, đối tượng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh, chẳng ai giống ai. Vì vậy, hãy lo phần mình cho tốt. Cái gì ngoài hàng rào phận sự của mình là không phải việc của mình. Đừng bao giờ can thiệp (xen) vào những việc ngoài nhà mình.
  Kiêu tức là tính cách tự cao, tự đại, kiêu ngạo, coi thường người khác. Kẻ có thái độ kiêu căng sẽ luôn tạo ra sự phản cảm, xa lánh của mọi người xung quanh. Người ta đã từng khái quát: “ Khiêm tốn bao nhiêu cũng còn thiếu. Tự kiêu một chút hóa ra thừa”. Kẻ kiêu căng luôn cho mình đã là tài giỏi hơn người. Do đó, không cầu thị, không phục thiện, không gắng gỏi học tập để vươn lên. Khi đã chủ quan thỏa mãn với chính mình, tức khắc sẽ là sự tụt hậu so với mọi người khác. 
Tuy nhiên, cần phân biệt thái độ kiêu ngạo với cốt cách khinh bỉ sự xấu xa. Người xưa có câu: “ Nhân bất khả hữu khinh ngạo thái. Nhiên, bất khả vô khinh ngạo cốt”. Có nghĩa là : Con người sẽ chẳng ra gì, nếu có thái độ kiêu ngạo coi khinh người khác. Nhưng, con người cũng sẽ chẳng ra gì, nếu trong lòng, trong cốt cách không tỏ rõ khinh bỉ sự xấu xa. Thêm nữa, cần phân biệt giữa kiêu ngạo với kiêu hãnh. Trong lòng của bất cứ ai đều có quyền kiêu hãnh về những thành quả đạt được bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập rèn luyện của chính mình. Đó là niềm tự hào chính đáng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nền tảng lòng tự tôn, tự trọng của mỗi con người.
           là một chứng “bệnh” của những con người “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, tự đánh giá sai về bản thân, chủ quan, không phục thiện. Người có "bệnh sĩ" thường tự huyễn hoặc, ngộ nhận về mình, hão huyền, viển vông, vớ vẩn, thích khâu oai. Sĩ là hậu quả, đồng thời là nguyên nhân của sự kém cỏi, dốt nát, lạc hậu. Con người ta, bất cứ là ai, bất kỳ lúc nào, đều cần thường xuyên tự đặt ra và tự trả lời 3 câu hỏi lớn: “Mình là ai? Từ đâu đến? Đang đi về đâu?”. Trả lời chính xác cả 3 câu hỏi đó sẽ góp phần điều chỉnh cách sống, lẽ sống của bản thân trong chặng đường đời nối tiếp bằng một lộ trình hợp lý, đúng đắn.
                                           *
                                                       *    *
 Các cháu thân yêu !
 Giá trị đích thực của mọi bài học lịch sử là chỉ ra những điều cần tránh cho hậu thế khỏi vấp phải trong tương lai. Với cấp độ nào cũng vậy. Tương tự, trong phạm vi gia đình, ông viết ra đôi điều trên. Đây là những tâm sự mà ông chiêm nghiệm trong đời, muốn truyền lại cho các cháu thân yêu. Dẫu viết ra, nhưng ông chưa phải là người hoàn hảo, tránh được hết thảy mọi tật xấu trong đời. Âu đó cũng là bình thường, dễ hiểu. Mọi lúc, mọi nơi, chúng ta cố tránh được từng phần của từng điều là quí lắm rồi.
Ông không đòi hỏi các cháu có thể hiểu ngay được hết những điều ông viết ra. Muốn hiểu hết ý nghĩa của nó, các cháu còn phải đọc, phải học nhiều hơn. Thêm nữa, còn phải trải nghiệm trong cuộc sống, sẽ còn vấp váp nhiều - thậm chí, có khi phải trả giá - mới từng bước hoàn thiện. Nhận thức là kết quả của một quá trình học tập, tích lũy, thể nghiệm. Trường học và trường đời luôn bổ sung cho nhau, nhưng có sự khác nhau về qui trình. Trong trường học, thì học xong rồi kiểm tra. Ngược lại, ngoài trường đời, thì kiểm tra xong rồi mới học.  
            Cần nhớ rằng, những tật xấu ông nêu trên không phải chỉ cần tránh trong một thời điểm nhất định, mà là thường xuyên và suốt đời. Tật xấu hình thành tự phát theo bản năng. Nó như cỏ dại mọc tự nhiên trên đất, không cần gieo trồng, chăm bón vẫn thường xuyên phát triển. Thói quen tốt khó rèn. Thói quen xấu dễ nhiễm. Mọi cái lớn đều bắt nguồn từ những cái nhỏ. Đi suốt Trường Sơn hùng vĩ hay Vạn Lý Trường Thành điệp trùng cũng phải bắt nguồn từ những bước chân ngắn ngủi, nhỏ nhoi. Hằng ngày, các cháu cần tập dần thói quen tốt từ những việc nhỏ nhặt, để từng bước hình thành bản tính cách bản lĩnh cho đến lúc trưởng thành.
Ở đời, không phải bao giờ địa vị xã hội và nhân cách đều có cùng thước đo thang bậc giá trị. Thời nào cũng vậy, ít thôi, có những người đảm trách địa vị xã hội rõ to, nhưng nhân cách lại xoàng xĩnh, kém cỏi. Ngược lại, giữa thế giới bình dân bao la, có biết bao nhân cách cao đẹp, xứng đáng cho mọi người noi gương, học tập. Tránh được những tật xấu trong cuộc sống thường nhật sẽ dần dần góp phần hình thành nhân cách tốt.
                Khoa học - công nghệ không ngừng phát triển, theo đó, thế giới sẽ liên tục đổi thay trên nhiều lĩnh vực. Song, những điều thuộc về qui tắc, phương pháp trong lẽ sống, cách sống của con người thì có tính bền vững lâu dài, giữ vai trò như là nền tảng và không bao giờ cũ.
Điều khát khao mong mỏi nhất của ông bà là:  Các cháu thân yêu luôn luôn phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con người tốt, làm được những việc có ích cho gia đình và cho xã hội./.

        Mỹ Đình, ngày cuối Thu năm Nhâm Thìn, 17/10/2012

                                            NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét