Menu ngang

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012




                             TA VẪN LÀ TA THÔI

                                                                       TẬP THƠ CỦA PHƯƠNG VIỆT
                                                                          Nhà Xuất bản Văn học -2011

             Phương Việt tên thật là Trần Hồng Châu, người cùng xã với tôi. Hiện anh là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An. Nói chung, người Xứ Nghệ quê tôi thường thích thơ. Dĩ nhiên, giữa thích thơ và biết làm thơ là một khoảng cách; làm được thơ hay là một khoảng cách lớn hơn. Và người sống bằng nghiệp thơ lại càng hiếm. Với Phương Việt, dẫu không là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng theo tôi, tập thơ “Ta vẫn là ta thôi” của anh thật hay. Thơ Phương Việt kiệm lời, đa nghĩa, vừa giàu cảm xúc trữ tình, vừa đậm tính triết lý nhân sinh sâu sắc; lưu lại những kỉ niệm đẹp trong đời cùng với sự giải bày những suy tư trăn trở, những chiêm nghiệm, tự sự lắng đọng trong tâm hồn anh.
            Xin giới thiệu để bạn đọc cùng thưởng thức, đồng vọng, chia sẻ.

                                                                                                NMĐ


LỜI CỦA BÚT

Sột soạt đêm khuya tiếng cọ mài,
Ấy lời của bút ngỏ cùng ai.

Cuộc đời ngắn ngủi trong gang tấc,
Biết có lưu gì chút mực phai ?
                                     
                                      Tháng 6/1991


NGẪM

“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”
Còn lời nào hay hơn thế nữa
Tôn vinh hiếu học quê ta?

Ngẫm thấy thậm hay
Nghĩ mà day dứt
Cả nhà đi thi, cả nhà đậu đạt
Sao vẫn khoai ba bữa mỗi ngày?

                                           2001


THƠ NGÀY HẠN

Gió Lào thổi ràn rạt
Nắng như lửa táp
Như  ong châm, kiến đốt.

Con chó nấp dưới gốc cây bàng
Thè chếc lưỡi dài thở dốc.

Mặt ruộng nhở nham nứt toác
Bùn non đọng váng khô quăn
Lúa non chuyển dần màu nắng.

Vũng nước đọng ở cuối mương
Mẹ oằn lưng chắt từng gàu lửng
Hắt lên mặt ruộng…

Chiếc gàu chắt từng giọt
Chắt sức tàn mẹ tôi?

                      Tháng 7/2010


TẠ  LỖI

Thuở thiếu thời non dại
Mẹ dạy con làm người
“Muốn nói phải uốn lưỡi
Nhớ cẩn trọng từng lời”.

Con lớn rồi con đi
Ăn cơm người mòn bát
Cứ nghĩ mình đủ khôn
Lúc đăng đàn diễn thuyết.

Lời nói như có cánh
Lời nói như sóng gầm
Lời nói như kim châm
Lời nói như tiếng vọng…

Đêm qua con nằm mộng
Gặp mẹ, mẹ thoáng buồn
Mẹ vẫn nhắc riêng con
“Muốn nói phải uốn lưỡi”.

Mẹ ơi! Con có lỗi
Chỉ có việc học nói
Đã quá nửa đời người
Con vẫn không học nổi.

Mẹ cho con tạ lỗi
Mẹ cho con tạ lỗi
Mẹ cho con tạ lỗi!

                  Tháng 5/2006


CHIỀU QUÊ

Tháng Mười nắng chín vàng ngọt lịm
Gió heo may thơm nức rơm đồng
Chiều xuống muộn, chiều buông bịn rịn
Sương khói mơ màng quyện bên sông.

Bóng mẹ trải dài dọc triền đê
Nhẹ  đôi quang gánh quẩy chiều về
Trước sân lũ trẻ chia bánh cốm
Bếp lửa hồng reo khúc nhạc quê.

                                     Thái Bình, 9/1995


GỬI  NGƯỜI  QUAN  HỌ

“Nước sông Cầu có khác nước sông Lam?”
Câu  đơn giản mà khó người lý giải
Điều hẳn không ai chối cãi
Con gái sông Cầu
Cũng đẹp như con gái sông Lam!

Cảm ơn Chúa đã ban cho anh
Bên em trong khoảnh khắc
Như đời người “Chỉ một lần duy nhất
Tắm nước một dòng sông”.

Cám ơn em đã mang sông Cầu đến trao anh
Giữa rát bỏng gió Lào
Vẫn “Xanh xanh làng Quan họ”
Đã một thời anh đi tìm kinh đô cổ
Mong gặp câu “Người ở đừng về…”

Một thoáng xa rồi
Một thoáng đam mê
Câu ví dặm níu chân anh ở lại
“Đến hẹn lại lên”
Người về trẩy hội
Biết chăng ai “Vạt áo ướt thầm”?

                                     Cửa Lò, tháng 6/2001


RU

Bà ru mẹ
Chiếc võng đay gai
Cột vào hai cột mét
Võng đưa kéo kẹt
Lời ru à ơi…

Mẹ ru em
Đung đưa vành nôi
Lửa hồng soi má nám
Nghẹn ngào mẹ hát
Bài ca Trường Sơn…

Em ru con
Phòng điều hòa
Xe nôi Nhật
Lời ca từ điện thoại 3G
Có đủ ba dòng âm nhạc…

Chợt buồn man mác!

                 Tháng 8/2009


ĐỘC ẨM GIAO THỪA

Trong khói hương trầm mặc
Bóng Giao thừa lặng trôi
Xếp bằng ngồi độc ẩm
Suy tư  ngẫm sự đời.

Bạn bè khắp thiên hạ
Tri âm được mấy người
Cụng ly vào quá khứ
Khép chặt cõi lòng ơi.

Ly Giao thừa ta uống
Có men đất hương trời
Có đông tàn giá lạnh
Có xuân nồng tươi vui.

Ly  Xuân đầy sóng sánh
Như tình ta với đời
Dẫu biết rằng thời thế
Ta vẫn là ta thôi!

Đêm Giao thừa độc ẩm
Hương rượu trong hương đời
Gió xuân ơi, ta gửi
Chút hương nồng muôn nơi…

                              Giao thừa Bính Tý (1996)


PHÚT THẦN TIÊN

Rượu nhạt uống với trăng suông
Nhâm nhi càng thấy vợi buồn, người ơi!
Bình đầy rồi lại bình vơi
Trăng giăng bàng bạc, trăng rơi đáy bình.

Ngoài thềm một nụ hồng xinh
Cô đơn, hoa cũng một mình uống trăng
Ồn ã chi, để nao lòng
Đêm sâu, hoa cứ lặng thầm tỏa hương.

Bụi trần lơ lửng đời thường
Biết đâu trong đục, đâu đường em đi
Vinh hoa, phú quí nghĩa gì
Nếu không tri kỷ, sẻ chia nỗi niềm…

May mà có phút thần tiên
Rượu pha trăng…
                     uống trước thềm,
                                            ngắm hoa!

                                           Đà Lạt, tháng 3/2000



BẠN TÔI

Bạn tôi học chưa hết lớp mười
Viết số tỷ chưa đúng.

Thời bao cấp
Ra Bắc, vào Nam buôn vải, buôn gạo
Thời mở cửa
Lên Lào buôn gỗ, buôn xe.

Bạn tôi tiền nhiều vô kể
Quan hệ toàn hạng chính khách, đại gia.

Gặp chúng tôi
Bạn cười khơ khớ
Chúng mày học nhiều làm gì cho khổ
Hãy coi đời là đại học tổng hợp, bách khoa!

Rượu ngà ngà
Bạn nói về nhân -  thế
Về cách làm chính trị gia, cách làm tiến sỹ
Cách điều hành,  quản lý vĩ mô…

Chúng tôi, mắt chữ A, mồm chữ O
Ly rượu nâng lên, đặt xuống!

                                 Hà Nội, tháng 6/1996


KHÚC  QUANH

Đường đời muôn nẻo dẫn bước
Có những lần ta gặp
Khúc quanh!

Hiểm nguy, cạm bấy rập rình
Lâng lâng, rờn rợn
Dằn lòng
Gồng mình chịu đựng
Cố nghiêng nghiêng để giữ thăng bằng
Tránh đổ gãy!

Khúc quanh
Dịp may cho ta nhình lại
Phía sau mình
Có những điều khi xênh xang đường rộng
Không bao giờ nhận ra!

                                              2004


CON  SỐ KHÔNG

Con số không
Đứng một mình
Chỉ là số không tròn trĩnh.

Con số không
Đứng trước một con số
Đứng trước một dãy số
Thì, số không cũng như không có.

Con số không
Đứng sau một con số
Đứng sau một dãy số
Tập hợp số được nâng giá trị cả chục lần!

Con số không
Không phải là số không
Nếu biết đứng đúng chỗ.

                            Tháng 3/2008


SÂN  GÔN

Sân gôn mười tám lỗ,
Cỏ xanh nhột mắt người.

Du khách tay vung gậy,
Tung tẩy và mỉm cười…

Góc đường lão nông đứng,
Chống cuốc mặt nhìn trời!

                     Chí Linh, tháng 8/2006


MỘT  THOÁNG

Thời gian thấm thoắt bóng câu
Tóc xanh nay đã đổi màu muối tiêu
Ba mươi năm, một chữ Yêu
Biết ai còn nhớ những điều … dễ quên?

Bồi hồi ký ức sinh viên
Bàn chân lấm đất mọi miền về đây
Xin đừng vội nói chia tay
Ba mươi năm, có một ngày, nỡ xa?

Cũng mừng em đã lên bà
Vẫn còn nền nẩy, dẫu qua xuân thời
Dập dềnh ánh mắt em cười
Neo vào quá khứ một thời sinh viên
Lên bà mà vẫn rất… em
Giá như đời dễ bỏ quên chuyện đời?

Phải đâu “muôn sự tại trời”
Trong nhau, mà vẫn suốt đời xa nhau…

                                            Huế, 30-4-2000


VỚI  BẠN  RƯỢU

Ngàn năm trước người đời đã rượu
Ngàn năm sau người đời vẫn rượu
Thế giới văn minh sống chung với rượu,
Có gì khó bằng nghệ thuật uống không anh?

                                         Xuân Kỷ Sửu (2009)


HỒ TÂY VÀO THU

Sương bảng lãng
Thuyền thấp thoáng
Hồ mơ màng
Ngái ngủ.

Chèo nhè nhẹ khua
Sóng êm êm vỗ
Gió mơn man gió
Nhẹ nhàng.

Hồ Tây vào Thu
Trời say, đất say
Em như tiên nữ
Bơi thuyền vào mây…

                     Hà Nội, tháng 8/2005


CÁNH ĐÔNG CHUM

Hàng ngàn cái chum đá
Niên đại trên năm ngàn năm
Rải rác khắp cánh đồng
Làm nên Cánh Đồng Chum.

Thành chum dày thách thức thời gian
Lòng chum rộng chứa đầy kỳ bí
Miệng chum nhỏ kiệm lời với hậu thế
Nào đâu đáp số cuối cùng?

Có lẽ với tôi, đó là điều hấp dẫn nhất
Khi đến Cánh Đồng Chum!

                        Thị xã Pôn-Xa-Vẳn (Lào), 4/2011


VỚI TƯỢNG THẦN TỰ DO

Quê hương nàng bên kia bờ Đại dương xanh (*)
Sao lại đứng đây
Nơi hoang đảo, một mình?

Biển dữ dội, sóng rập rình
Gió hoang dại xô nghiêng sườn đá
Dẫu được phong Thần mà xa lạ cô đơn…

Về thôi, nàng ơi!
Làm Thần Tự Do xứ người
Sao bằng làm Dân Tự Do nơi đất mẹ
Thần giữa đời thường
Thần mới thật Thần hơn.

Về thôi, nàng ơi!

                      NewYork, tháng 8/2008

(*)Tượng Thần Tự Do được chế tác ở Pháp. Năm 1884, Tổng thống Pháp tặng cho nước Mỹ. Tượng được dựng tại một hòn đảo mồ côi ngoài khơi Thành phố NewYork.


LỜI CẦU Ở THÀNH   JÊ-RU-XA-LEM

Những tảng đá nặng hàng chục tấn
Xếp chồng lên thành bức tường dài
Phía Tây Thành Jê-ru-xa-lem
Bức Tường Thiêng
 Có từ thời Đức Chúa

Người Do thái đến đây hành lễ
Họ viết lời nguyện cầu vào giấy
Rồi gửi vào khe các tảng đá
Chống tay, úp mặt vào Tường
Cầu nguyện…

Tôi, người ngoại đạo
Cũng úp mặt vào Tường
Cầu cho lời cầu của con người đến được Chúa
Cầu cho trần thế không còn lời cầu xin nữa
Bức Tường Thiêng
Không còn là “Bức Tường Than Thở”!

                                   Thành Jê-ru- xa- lem, 10/2009


MỘT LẦN CÔN ĐẢO

Nơi đây là địa ngục trần gian
Những phòng biệt giam, chuồng bò, chuồng cọp…
Tột cùng dã man, tội ác
Trên hai mươi ngàn người con Đất Nước
Nằm xuống nơi đất này!

Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay
Mới tìm được một ngàn chín trăm mười tám ngôi mộ
(Chỉ bảy trăm mười ba ngôi có tên)

Trên từng ngôi mộ
Điện vẫn sáng
Nến vẫn cháy
Hương vẫn thắp
Thâu đêm.

Gió Hàng Dương vẫn thổi
Miên man
Lật từng trang quá khứ
Thổi dọc chiều dài lịch sử
Thổi khô dòng nước mắt…

Nghĩa trang Hàng Dương
Ai lòng chưa thanh tịnh
Hãy đến đây một lần!

                             Côn Đảo, tháng 6/2011


HAI MẶT ĐỒNG TIỀN

Có phải vì bí hiểm
Hay thật đến trụi trần
Mà từ cổ chí kim
Đồng tiền có hai mặt?

Mặt dương-mặt âm
Mặt sấp- mặt ngửa
Đồng tiền nhảy múa
Biến hóa khôn lường…

Văn minh nhân loại
Sinh ra đồng tiền
Nhân văn con người
Làm nên đồng tiền hai mặt!

                            Tháng 6/2006


KIẾP NGƯỜI

Đời là bể khổ
Ai chưa ăn mày?

Ăn mày cửa chợ
Ăn mày cửa quan
Ăn mày cửa Phật…

Kẻ khất danh
Người khất thực.

Áo thụng, quần thâm
Com lê, cà vạt
Sang hèn tuy khác
Vai diễn trò Đời.

Ăn mày muôn mặt
Gian nan kiếp người!

                    Mùa Đông 2010


DẤU HỎI

Con người chào đời
Bằng tiếng khóc
Sao không là nụ cười
Cho đời vơi nước mắt?

Con người sinh thời
Đầy bí ẩn
Cao vô cùng
Sâu vô tận
Khó nẻo dò, lần?

Con người sắp từ trần
Bỗng dưng minh mẫn
Bỗng dưng thật thà…?

Viếng con người
Cây huwong cháy cong
Như một dấu hỏi?

                        Tháng 10/2009


TÔI LÀ AI

“Tôi là ai ?”
Không phải ai cũng biết.

Bể trầm luân oan nghiệt
Vòng luân hồi cứ quay
Đời như tỉnh, như say
Sắc sắc, không không …vô định.

Chốn trần ai hạn hữu
Cuộc sống cứ muôn màu.

Trong sâu thẳm nỗi đau
Nơi tận cùng hoan lạc
Trên đỉnh cao quyền lực
Chốn mạt lộ, vô tình…

“Tôi là ai?”
Không phải ai cũng tự biết mình!

                                    Yên Tử, 12/2009


CHƯƠNG CUỐI

Tuổi năm lăm
Ta bước vào chương cuối
Cuốn tiểu thuyết lâm ly
Chốn quan trường.

Chương cuối
Sao đã là chương cuối
Khi trong ta
Đang độ chín đằm?

Mà thôi
Chốn quan trường vẫn vậy
Lần lữa chi
Chương cuối có năm hồi…

Ờ, khó thật
Khi viết về chương cuối
Ta vượt qua ta
Lòng dừng bối rối.

Dừng đúng lúc
Kết đúng độ
Trang sách gấp lại
Trang đời vẫn mở…

Chương cuối
Tuổi năm lăm!
   
                     Tháng 3/2011


DÒNG ĐỜI

Dòng đời từ đâu, chảy về đâu
Triệu năm trước, triệu năm sau nữa
Dòng ghập ghềnh, quanh co, trăm ngả
Cũng đôi bờ Đục – Trong!

Dòng đời từ đâu, chảy về đâu
Lớp lớp tiền nhân, trùng trùng hậu thế
Muôn mặt người, mưu sinh muôn kế
Vần vũ, quay cuồng, chìm nổi, trầm luân.

Dòng đời từ đâu, chảy về đâu
Cái gì qua mau, cái gì bất biến
Thời gian cứ một chiều thẳng tiến
Đời người tựa ánh sao rơi.

Neo đậu bến nao
Hỡi một kiếp người
Bến Đục lắm phù du
Bến Trong nhiều danh ảo…

Như có tiếng chuông ngân trong dông bão
Vọng ru lời Nước Non!

                                     Tháng 12/2010

-----------------------------------------------------------
                                      









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét