Menu ngang

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

KỊCH - ĐỜI

N M Đ

Sân khấu - xã hội nhỏ
Xã hội - sân khấu to
Cõi đời là vở kịch
Xen đan cảnh bi, hài !
Ta Tác giả kịch bản
Kiêm Đạo diễn độc tôn
Vai Diễn viên duy nhất
Và Khán giả vui, buồn !


31/8/2016

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

MỘT SỐ BÀI THƠ SÁNG TÁC GẦN ĐÂY - 2016

N M Đ

 1 - VẨN VƠ NGHĨ

Ta lãng du 
trên xa lộ cuộc đời
Ngoảnh lại phía sau 
dặm dài năm tháng
Kỷ niệm buồn vui 
lấp đầy dĩ vãng ...
Xác thời gian 
phủ trắng mái đầu ...
Chuyến tàu đời 
đâu có khứ hồi đâu !
12 / 3 / 2016

2 - ĐIỀU ƯỚC

Con hỏi, thuở ở chiến trường 
Ba ước điều gì nhất?
Có người bạn khi vào trận 
rỉ tai Ba chỉ ước một điều :
Được ăn mấy quả trứng vịt luộc thỏa thích 
Ôi! Điều ước giản đơn 
đã không thành sự thật
Trận đánh thắng to
Nhưng anh ấy không về !

11 / 3 / 2016


3 - TRANG PHỤC

Khi khăn xếp, lúc Comple
Khăn xếp tế lễ, Comple tiệc tùng
Anh em nội tộc bao phương
Trở về Lễ hội vui chung quê nhà

11 / 3 / 2016


4 - THAO THỨC

Em hỏi, đêm qua ngủ được chăng
Anh rằng, vẫn vậy suốt bao năm
Mỗi bận trở trời y chang thế
Vết thương lại nhức - thức tròn canh !
Thỉnh thoảng trở trời, chẳng có sao 
Đã quen nhức nhói vết thương đau
Nhớ bao đứa bạn cùng trang lứa
Chẳng có ngày về - để thức đâu !

11 / 3 / 2016


5 - VỀ QUÊ

Con lại về chốn cắt rốn chôn rau
Tưởng nhớ Mẹ Cha một đời đạm bạc
Nuôi con lớn bằng củ khoai hạt thóc
Cõng bão giông mưa nắng tháng ngày ...
Ngõ xóm đường thôn bao ký ức đong đầy
In bước chân con từ ngày thơ ấu
Những cánh đồng đã qua mùa gặt hái
Hơi ấm quê nhà theo con đi muôn nơi ...
Con xa quê suốt mấy chục năm trời
Đã thả gót bao nẻo đường thiên lý
Muôn dặm con qua có nơi nào hơn thế
Đây quê hương - máu thịt của đời con !


07/3/2016

6 - NHÌN DI ẢNH MẸ TRÊN BÀN THỜ

Mẹ ơi !
Tuổi 16 con lên đường nhập ngũ
Xa Mẹ, vào Chiền trường B
8 năm sau, ngày trở về
Mẹ không còn nữa
Con đớn đau gào khóc
Hỡi ôi! Ngày ra đi 
cũng là ngày Vĩnh biệt ...
Ngày tiễn con, 
mới tuổi 45, 
Mẹ còn trẻ lắm !
52 năm qua, 
trên mọi nẻo phương trời
Và đi hết cuộc đời này
Hình ảnh Mẹ kính yêu
Có bao giờ 
rời trái tim con !
04/3/2016


7 - MỘT SÁNG XUÂN

Trời nắng như mùa Hè
Mà rét tựa mùa Đông 
Thiên nhiên đùa dai thế
Để má em ửng hồng !

3 / 3 / 2016


8 - CÂY DỪA CHA TRỒNG

Cây dừa xưa Cha trồng
Nay vẫn còn sai quả
Cha đã về thiên cổ
Tỏa bóng đời cháu con !

3 / 3 / 2016

9 - BAN MAI Ở QUÊ

Nắng Xuân ấm áp trải hiên thềm
Rét ngọn nhùng nhằng vẫn cố len
Bưởi xanh trĩu cành góc sân nhỏ
Tiếng chim ríu rít ở vườn bên

01/3/2016


10 - GIỖ

Giỗ - con về đông đủ
Qua Giỗ - nhà vắng người
Nhìn bàn thờ mâm cỗ
Nhớ Mẹ Cha khôn nguôi !

29 / 2 / 2016

11 - HOA NGUYỆT QUẾ

Hàng hoa nguyệt quế hiên nhà
Đón Xuân nở rộ nhành hoa trắng ngần
Đêm về tỏa ngát hương thơm
Len vào cõi mộng dịu dàng đắm say !

5 / 2 / 2016


12 - TỰ SỰ

Ngày 23 Tháng Chạp
Bà Liễu trật khớp vai
Viện Thể thao nắn rồi
Nhưng vẫn đau, xót lắm
Công việc nhà rối rắm
Mình làm việc bằng hai
Cứ suốt ngày loay hoay
Trời lại mưa và rét

Còn vài bữa nữa Tết
Mọi việc không thể đừng
Để cả nhà vui chung 
Mình cố thêm, là được

Thật còn may trong rủi
Nếu bà ngã gãy xương
Suốt ngày bám mặt giường
Thế còn chi Tết nữa

Nhà chia tay năm cũ
Bằng cú trật khớp vai
Đời có hên, có xui
Ấy mới là cuộc sống !

Mỹ Đình, 26 Tháng Chạp


13 - NHÂN NGÀY VALENTINE

Ai đã qua suốt một mùa thương nhớ
Được gặp nhau ở cuối nẻo mong chờ
Bao khát vọng cả dăm trường trăn trở
Hạnh phúc từ đây như thực như mơ !


14 - XUÂN BÍNH THÂN
Xuân đã đến rồi - Xuân Xuân ơi !
Bóng câu cửa sổ đáy cầu trôi
Cha Mẹ cho người, Trời cho tuổi
Đời dạy ta : sau - trước, ngược xuôi !



15 - NGÀY TÁO CÔNG CHẦU TRỜI
Táo Công lên tâu ông Trời 
Hạ giới rét nữa bao người khổ ghê
Bên thềm Tết đã cận kề
Nắng vàng xin rải đồng quê, phố phường !


16 - HỬNG NẮNG
Qua bao ngày mưa rét
Trời hửng nắng vàng tươi
Đông sắp ngày dã biệt
Xuân ấm áp đất trời

27 / 01 / 2016


17 - NHÂN SỰ

Đại hội chưa bầu cử
Mà ai cũng biết rồi
Toàn dân bàn nhân sự
Bao cung bậc đầy vơi !

25 / 01 / 2016


18 - MƯA  RÉT

Mưa cứ rơi dầm dề
Rét buốt dài lê thê
Ôi ! Đông dài dài thế
Sao Xuân ấm chưa về ?!

25 / 01 / 2016

19 - TRONG MƯA RÉT

Mưa dầm dề suốt đêm
Rét len qua cửa sổ
Cây chao mình trong gió
Tết lại sắp đến rồi
Trong mưa trong rét đầy trời
Biết bao phận người lầm lũi mưu sinh !

25 / O1 / 2016

20 - ĐÊM CUỐI NĂM

Đêm cuối năm trên đất quê hương
Trời se lạnh mưa bụi giăng ngõ xóm
Con ấm áp trong ngôi nhà
suốt một đời Mẹ Cha sinh sống
Biết bao kỷ niệm dội về ...
Từ nơi đây Mẹ Cha sinh thành và nâng bước con đi
Hơn 50 năm qua trên mọi nẻo phương trời
Mẹ Cha, quê hương có bao giờ rời trái tim con !

Mồng 8 Tháng Chạp Ất Mùi


21 - TỰ SỰ

Khi nghỉ hưu - ấy là phó thường dân
Điều hiển nhiên của muôn vàn phận số
Đừng buộc ràng vào thời quá khứ
Quan nhất thời - vạn đại là dân !

13/01/2016

22 - GIỚI THIỆU

Các buổi liên hoan, kỷ niệm với mấy ông già
Đừng giới thiệu dài dòng cấp hàm, chức tước
Xin gọi chung Cựu Chiến Binh - Bộ đội Cụ Hồ là được 
Hàm, chức là phương tiện chỉ huy thôi
Cầm sổ hưu - dân thứ thiệt rồi ...

Rời quan trường, đừng phân ngôi to nhỏ
Đã xuống xe, chớ quyến luyến chỗ ngồi !

18 / 01 / 2016


23 - U 70

Thoáng vèo một chút ngót bảy mươi
Trời còn cho tiếp mấy trang đời
Thời gian - bóng câu qua cửa sổ
Tang bồng mãn sự tháng ngày vui !

08 / 01 / 2016

24 - NGHĨA TRANG

Con về quê giữa một ngày Đông
Trời se lạnh nắng hanh vàng rực rỡ
Cồn Nghĩa trang từng ngôi mộ cũ
Rêu phong xếp họ theo hàng !

06 / 01 / 2016


25 - QUÊ HƯƠNG

Quê hương - thuở xa xưa
Khải Tổ chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp
Ngót bảy trăm năm, hơn hai mươi đời cháu con nối tiếp
Cùng thời gian
Nhà thờ Tổ không một ngày vắng khói hương
Mảnh đất ôm mộ phần các bậc chư Tổ, các cụ, các ông bà, cha mẹ

Nơi đây con cất tiếng chào đời
- chôn rau cắt rốn
In dấu nâng niu bao kỷ niệm thuở thiếu thời ...
52 năm qua, trên mọi nẻo đường đời - 
chân trời góc biển
Quê hương yêu dấu 
mãi mãi tạc ghi trong trái tim con!

06/01/2016


















NÓI VỚI TRÁI TIM MÌNH


NMĐ


Ta biết em mỏi lắm tim ơi
Trải mấy mươi năm gõ nhịp đời
Khi khắc khoải buồn đau thảng thốt
Lúc rộn ràng háo hức bến bờ vui


Cám ơn Trời, cám ơn Mẹ Cha
Cho ta trái tim suốt một đời bền bỉ
Nơi khởi nguồn cho mọi điều có thể ...
Trái tim ơi,
                  hoà nhịp đập trang đời !


29/8/2016

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

MỚI ĐÓ, ĐÃ 10 NĂM ÔNG VỀ CÕI VĨNH HẰNG ( 2006-2016)
--------------------------------------------------------------------------------



ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN -

     những kỷ niệm trong đời tôi



                                                                           N M Đ


Ngày 14/3/2013, tại thành phố Vinh - Nghệ An, đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học: “Đại tướng Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” nhân kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (17/3/1913 - 17/3/2013). Hội thảo khẳng định: Ông là tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cách mạng kiên trung - một lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước - một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Với công trạng to lớn, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quí: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quí khác. “Hai Mạnh” là biệt danh của ông. Quê ông ở xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Điều may mắn đối với tôi vừa là đồng hương, vừa được hân hạnh tiếp xúc, được ông bảo ban nhiều điều trong cuộc đời quân ngũ. Tôi xin ghi lại những kỉ niệm trong đời tôi về Đại tướng Chu Huy Mân.
Huyện Hưng Nguyên liền kề với huyện Nghi Lộc quê tôi. Thuở nhỏ, tôi được các cụ nói lại rằng, trước đây trong phần mở đầu văn khấn tế, bao giờ cũng phải đọc là “ Việt Nam quốc, Nghệ An tỉnh, Hưng Nguyên phủ, Nghi Lộc huyện,…”. Như vậy, huyện Nghi Lộc tôi xưa kia là thuộc phủ Hưng Nguyên - ít nhất là về mặt thủ tục hành chính. Từ xã Hưng Hòa quê ông đến xã Nghi Hợp quê tôi theo đường chim bay khoảng 15 cây số. Bởi thế, sinh thời, trong tiếp xúc ông vẫn luôn coi tôi như con cháu đồng hương, dành cho tôi sự đồng cảm.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Còn tôi, chiến sĩ rồi trưởng thành trong chiến đấu lên cán bộ cấp phân đội ở chiến trường Trị Thiên Huế. Từ hồi đó, chúng tôi đã nghe nhiều cán bộ chỉ huy kể về ông bằng sự thán phục, ngưỡng mộ. Đến năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; được Đảng, Nhà nước cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tôi là Trợ lý ở Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị. Thời đó, giữa ông với lớp lứa hậu sinh chúng tôi là một khoảng cách lớn. Điều đó là đương nhiên. Theo Điều lệnh quân đội và theo qui chế, thông thường thì Chủ nhiệm Tổng cục làm việc với cán bộ cấp cục. Trong một thời gian khá dài, tôi chỉ nhìn thấy hoặc nghe ông phát biểu tại các cuộc hội nghị và các buổi lễ lớn.
Tại gia đình, có mấy lần tôi gặp ông sang thăm ông bố vợ tôi (Thượng tướng Trần Sâm) tại số nhà 30 - Lý Nam Đế - Hà Nội. Hai ông quen thân nhau từ nhiều năm trước, bởi giữa họ có nhiều nét tương đồng: Cùng quê Khu Bốn, cùng là cán bộ hoạt động Cách mạng bị địch bắt tù đày trước Tháng 8/1945. Sau năm 1945, đều được điều động vào quân đội. Mỗi lần sang thăm, ông đều niềm nở thân tình vui vẻ với mọi người.
Cảm nhận của tôi về ông: Một người tầm thước, khỏe mạnh, da trắng hồng, gương mặt đẹp, nụ cười tươi hiền, ánh nhìn sắc sảo nhân từ. Khi tiếp chuyện cấp dưới, ông tỏ thái độ chan hòa, gợi mở, lắng nghe, kiệm lời, giọng nói trầm ấm, với cách diễn đạt mạch lạc, khúc triết, thông minh, có tầm khái quát cao và thi thoảng có xen sự trào lộng, dí dỏm của ông Đồ Nghệ. Tạo cho người tiếp xúc một cảm giác dễ gần, thân tình, thoái mái. Với tôi, cảm nhận ban đầu về ông là không thay đổi trong suốt mấy chục năm sau này.
Vào một ngày cuối tháng 2/1979, khi chiến tranh biên giới diễn ra khoảng gần chục ngày, tôi cùng một số ít cán bộ được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị cử đi nắm tình hình tại một số đơn vị đang chiến đấu trên biên giới phía Bắc. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi bất chợt gặp ông ở dãy hành lang của tòa nhà Văn phòng Tổng cục Chính trị.
Ông dừng lại, hỏi tôi:
- Cháu được cử đi đâu?
- Dạ, cháu được cử lên Mặt trận Cao Bằng, bác ạ!
Ông nói tiếp: Thế là tốt. Chiến tranh biên giới do kẻ địch phát động đã diễn ra trên diện rộng, với qui mô lớn. Sau mấy năm yên bình, nay cả nước lại phải đương đầu một cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù mới. Cháu đã qua chiến đấu ở chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Nay, cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu, công tác ở đơn vị cơ sở. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bác đã từng chỉ huy chiến đấu ở Cao Bằng. Bây giờ lên đó, cháu phải xuống hẳn một Trung đoàn, trực tiếp nắm tình hình và giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giải quyết những vấn đề đặt ra. Nhớ có báo cáo kịp thời về Tổng cục.
Tôi chia tay ông và vui vẻ lên đường về Trung đoàn 567 của Quân khu 1 lúc đó đang chiến đấu ở Thạch An, Cao Bằng.
Cuối năm 1983, khi đang công tác trong cơ quan Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Phênh, tôi được ông Đặng Hữu Lộc (Lộc Bi), Cục phó Cục Chính sách “kéo về” báo cáo tình hình với ông Chu Huy Mân tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe ông Đặng Hữu Lộc trình bày báo cáo tình hình chung và tình hình cụ thể về công tác chính sách, ông Chu Huy Mân nói: Thực hiện chủ trương của trên, Quân đội ta đã thực hành cuộc phản công chiến lược, phối hợp cùng lực lượng cách mạng của Bạn giải phóng nhân dân Cămpuchia khỏi họa diệt chủng. Trước mắt, tình hình Cămpuchia đang còn nhiều khó khăn phức tạp, Quân Tình nguyện Việt Nam vừa tiếp tục chiến đấu tiêu diệt địch vừa không ngừng giúp Bạn ngày một lớn mạnh. Trong thời gian không lâu nữa, khi lực lượng Bạn đủ mạnh, thì Quân Tình nguyện Việt Nam sẽ rút về nước. Công tác chính sách có nhiệm vụ: Kịp thời nghiên cứu đề đạt nội dung chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội. Đồng thời, tập trung chỉ đạo hướng dẫn thực hiện công tác chính sách trong và sau chiến đấu… Sau cùng, ông tỏ lời khen: Lộc Bi mới sang Cămpuchia một thời gian rất ngắn mà nắm chắc tình hình, có nhận định khái quát mà lại khá cụ thể. Nghe thế, ông Lộc vui vẻ nói, thưa anh, thần thiêng nhờ bộ hạ, bản báo cáo do cậu này tham gia chuẩn bị đấy. Cậu này đã sang chiến trường K gần một năm rồi ( ông Lộc vừa nói vừa chỉ tay sang tôi ). Ông Mân mỉm cười đôn hậu nhìn tôi nói, đúng là có bột mới gột nên hồ, nhưng có chất liệu rồi cũng phải có cách viết tốt mới thể hiện được.
Đầu năm 1986, ngày mồng Sáu Tết âm lịch, tôi được ông Doãn Sửu, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Chính sách “kéo đi” tháp tùng ông Chu Huy Mân sang Phnôm Phênh. Lúc đó, ông được Bộ Chính trị phân công thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương bậc cao của ta cho lãnh đạo Nhà nước Cămpuchia, gồm các ông: Hiêng Xom Rin, Chia Xim, Hun Xen, Tia Banh, Bu Thoong… Buổi lễ được tổ chức trọng thể ở Hội trường trong khuôn viên của Đại sứ Trung Quốc (hồi đó, Đại sứ Trung Quốc đang trong thời kỳ rút khỏi Phnôm Phênh). Khi trở về Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện (đóng tại khu vực vốn là Trường đảng của Khơ me đỏ - gần Cung điện Chăm Ka Mon), ông biểu dương Cục Chính sách đã làm tốt công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan hữu quan của Bạn và các cơ quan của ta trong việc đề nghị xét khen thưởng lãnh đạo Bạn một cách chính xác, kịp thời, đúng nguyên tắc thủ tục; đồng thời đã phối hợp trực tiếp tổ chức buổi lễ trọng thị, chu đáo, có ý nghĩa chính trị tốt, tăng cường tình đoàn kết giữa hai nước.
Năm 1987, khi tôi đang làm Trưởng phòng Nghiên cứu của Cục Chính sách. Có lần ông cho ông Lan thư ký (quê Quảng Bình) gọi tôi ra nhà riêng. Tôi đến nơi vừa ngồi vào bàn, được ông trao cho một cốc bột sắn giây.
Ông nói:
- Cháu uống đi, đây là sản phẩm do tự tay bác và bác Thủy (vợ ông) tăng gia đấy.
Đang lúc trời nắng nóng, được uống cốc bột sắn giây thật mát.
Tiếp đó, ông hỏi tôi:
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi.
- Dạ, cháu 39 tuổi ạ. Tôi trả lời.
Ông nói:
- Đó là độ tuổi đẹp trong đời. Thử tính xem nào, năm 39 tuổi, bác đã làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316 rồi đấy nhé.
Thấy ông vui, tôi tếu táo đáp:
- Thế hệ của các bác là thế. Nhưng còn bọn cháu bây giờ, ở lứa tuổi này, các cụ còn xem là trẻ quá.
Ông cười: Không trẻ nữa đâu, ngót 40 tuổi rồi. Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm tạo điều kiện để các cháu phát triển. Nhưng trước hết và chủ yếu là sự nỗ lực phấn đấu của các cháu. Thôi, bây giờ ta vào việc nhé. Việc là thế này: Có một người thương binh tên là Đ N H đến đây nói với bác rằng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh ta làm Trung đoàn phó của Đại đoàn 316, nay đề nghị bác với tư cách nguyên Chính ủy Đại đoàn 316 xác nhận về chức vụ và thành tích chiến đấu khi bị thương để được hưởng các quyền lợi. Bác thấy ngờ ngợ. Là Chính ủy Đại đoàn thì làm sao quên được các Trung đoàn phó dưới quyền. Nhưng đề phòng do tuổi tác đã cao, trí nhớ giảm sút, ngộ nhỡ mình quên mà để anh em thiệt thòi quyền lợi là thiếu sót lớn. Bác yêu cầu cháu cho người kiểm tra xác minh.
Tôi nhận hồ sơ từ tay ông và hứa sẽ tiến hành ngay.
Sau một thời gian ngắn, chúng tôi xác minh ông Đ N H đúng là thương binh chống Pháp. Nhưng tại hồ sơ gốc và giấy tờ ông ấy cầm đã có sai lệch. Trong hồ sơ gốc thì ghi chức vụ khi bị thương là Tiểu đội phó. Nhưng giấy tờ của ông lại ghi là Trung đoàn phó. Nguyên nhân của việc nay là do khi đơn vị cấp Giấy Chứng nhận bị thương đã cẩu thả viết tắt Tiểu đội phó là T. Đ. PHÓ. Khi xuất ngũ về địa phương, ông H đã tự ý chữa lại giấy tờ là Trung đoàn phó. Bằng các chứng cứ pháp lý và xem xét thực tế, cán bộ Cục Chính sách ( mà trực tiếp là chị Hồ Thủy và anh Hồ Ngọc Vận ) đã khẳng định: Ông Đ N H khai man hồ sơ. Điều đó ông Đ N H không thể chối cãi được, và phải viết bản cam đoan từ nay không khiếu nại nữa.
Khi nghe chúng tôi báo cáo, ông nghiêm mặt nói: May có các cháu xác minh làm rõ. Nếu không dựa vào cơ quan chức năng, mà nhẹ dạ cả tin cứ ký đại đi, vô hình trung bác sẽ tiếp tay cho tiêu cực. Trước khi tôi ra về, ông dặn rằng, trong công tác chính sách cần chu đáo mà chặt chẽ. Để bảo đảm công bằng, thì không được để sót người có công, nhưng cũng phải hết sức thận trọng chủ động ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực. Nếu không, sẽ có người khai man để hưởng chính sách chế độ. Tham nhũng về chính sách là sự tham nhũng cả về danh dự chính trị và quyền lợi kinh tế. Điều đó chắc chắn sẽ gây bất bình trong nhân dân.
Ngày 25/5/1998, trong chuyến công tác tại Lào, Đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN do Trung tướng Đào Trọng Lịch Tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu đi trên máy bay YAK 40 cất cánh từ Viên Chăn đến Xiêng Khoảng bị rơi do đâm vào núi. Toàn bộ trên máy bay đều bị tử nạn, với 20 người, gồm 5 cấp Tướng, 5 Đại tá,… trong đó có Trung tá Chu Thế Sơn, con trai một của ông Chu Huy Mân.
Cũng như các gia đình có người thân hy sinh, đây là một đau thương mát mát to lớn ập đến gia đình ông Chu Huy Mân. Chu Thế Sơn là một sĩ quan trẻ, tuấn tú, được đào tạo cơ bản, có năng lực, sống khiêm nhường, được mọi người quí mến và có triển vọng phát triển. Có lần, ông Chu Huy Mân nói với tôi, bác đã đề nghị cơ quan cho Sơn xuống đơn vị. Cụ thể là về Sư đoàn 316 - đơn vị cũ của bác. Nghe đâu, cơ quan cán bộ đã báo Bộ Quốc phòng chuẩn bị ra quyết định. Không ngờ đây là chuyến công tác cuối cùng của Sơn trên cương vị sĩ quan tổng hợp Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu.
Sau khi nhận được thông tin, theo chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, tôi và mấy anh em Cục Chính sách đến chia buồn và thông báo tình hình với gia đình ông.
Ông ngồi lặng người choáng váng, chăm chú nghe, nghẹn ngào không nói nên lời. Sau cùng, ông kéo mình tôi vào phòng trong hỏi:
- Trải qua mấy chục năm chiến tranh, biết bao lần, bác thương xót khi đồng đội hy sinh. Nhưng lần này, quả thật đau đớn lắm cháu ạ. Cháu có biết, những người hy sinh liệu có còn thi thể không?
Tôi trả lời:
- Thưa bác, cụ thể thế nào thì Đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng do anh Nguyễn Văn Rinh, Phó Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu đang sang làm việc với Bạn. Cháu đã cử anh Đỗ Quang Bích - Cục phó cùng đi. Theo cháu, lâu nay các trường hợp tai nạn máy bay, nói chung là khó lắm.
Giọng ông chùng xuống, rưng rưng:
- Bác cũng nghĩ thế. Nhưng cháu khoan nói điều này với bác gái và mọi người.
Khoảng một tuần sau, vào một buổi chiều hè nắng chói chang, Lễ tang cấp Nhà nước được tổ chức trọng thể tại Sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Ông Chu Huy Mân cùng gia đình đến viếng các liệt sĩ. Ông đã dừng lại, đứng lặng người, đưa tay nhẹ nhàng mở lá Quân kỳ phủ ngoài, dang hai tay choàng ôm, rồi cúi hôn lên cái tiểu sành đựng thi thể con trai mình. Sau đó ông lẳng lặng gạt nước mắt. Năm ấy ông tròn 85 tuổi. Chứng kiến thời khắc đó, tôi nghẹn lòng thương ông vô cùng.
Mấy năm sau này tôi đến thăm ông nhiều lần. Có lần đi cùng anh Phạm Văn Long. Có lần đi cùng anh Hồ Sỹ Hậu. Có lần đi cùng anh Trương Quang Khánh. Phần nhiều là tôi đến một mình - do ông gọi đến hoặc tôi chủ động tới. Lâu lâu không đến thì ông nhắc (các anh Nguyễn Văn Vượng, Trương Kim Tiến - thư ký và Nguyễn Hồng Triền - bác sĩ- có nói với tôi như vậy). Với tôi, mỗi lần đến thăm đều được ông chia sẻ tâm sự và bảo ban nhiều điều.
Một lần nhân lúc vui chuyện, tôi tranh thủ hỏi ông, Bác Hồ nói: “Giúp Bạn là tự giúp mình” trong hoàn cảnh nào. Bác Hồ đặt cho bác là “Tướng Hai Mạnh” từ lúc nào.
Ông kể rằng: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đang là Bí thư Đảng ủy, Chỉnh ủy Đại đoàn 316, tháng 8-1954, ông được Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh cử giữ chức Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia quân sự tại Lào. Phiên hiệu là Đoàn 100. Tổng số cán bộ trong Đoàn đúng 100 người. Ông Lê Tiến Phục, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Chính sách, lúc đó giữ chức Chủ nhiệm chính trị của Đoàn. Trước ngày lên đường, ông được Bác Hồ mời đến ăn cơm và nói chuyện. Bác Hồ đã nói với ông rằng: “ Giúp Bạn là tự giúp mình”.
Ông chậm rãi kể tiếp: Thời kỳ đầu đánh Mỹ, sau đánh thắng lực lượng lục quân Mỹ trong chiến dịch PlâyMe - đặc biệt là trận IaĐrăng tháng 11/ 1965 - với cương vị là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, ông được cấp trên “triệu” ra Bắc để báo cáo tình hình. Chuyến đó, Bác Hồ đã dành thời gian nghe ông báo cáo và mời cơm thân mật. Bác Hồ chăm chú nghe và hỏi rất kỹ về tình hình đồng bào, bộ đội ở Tây Nguyên. Khi chia tay, Bác Hồ hỏi ông, ở Tây Nguyên chú vừa làm Tư lệnh vừa làm Chính ủy? Ông trả lời, thưa Bác, anh Lê Đức Thọ Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói với cháu rằng, trong khi chưa tìm được người, cháu đảm nhiệm cả hai cương vị: Tư lệnh kiêm Chính ủy. Nghe xong, Bác Hồ nói, làm được cả hai cương vị là giỏi, gánh được cả hai vai là khỏe. Từ nay gọi chú là Tướng Hai Mạnh. Mạnh cả về chính trị, mạnh cả về quân sự.
Đầu tháng 12/2000, chúng tôi tổ chức cưới vợ cho con trai đầu. Ông đến tận nhà chúc phúc hai cháu, chung vui với gia đình và vợ chồng tôi.
Tháng 5/2004, sau khi lên Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 50 năm ngày chiến thắng (7/5/1954 – 7/5/2004) về Hà Nội tôi đến thăm và tặng ông bài thơ “Con về Điện Biên” do tôi mới viết. Ông vui vẻ chuyện trò và nghe tôi đọc thơ. Tiếp đó, trong không khí thân tình, tôi hỏi ông:
- Thưa bác, cháu đã 3 lần lên Điện Biên. Mấy lần cháu đã nghe giới thiệu về trận chiến đấu ở Đồi A1. Có một điều làm cháu cứ phân vân mãi.
Nghe tôi nói thế, ông niềm nở:
- Ờ! Thế à, cháu nói đi, thường thì bác cũng thích những ý kiến có tính chất phản biện.
Được ông khuyến khích, tôi tiếp tục:

- Thưa bác! Với những điều đã biết, thì nhận thức của nhiều người trong lớp lứa chúng cháu có suy nghĩ này mà chưa có điều kiện nói ra. Nhân hôm nay đến thăm bác, trong phạm vi có tính chất gia đình, cháu xin mạo muội, mạn phép hỏi bác: Hồi đó, lực lượng ta tham gia đánh Cứ điểm A1 là Trung đoàn 174 / Đại đoàn 316 (do bác là Chính ủy Đại đoàn trực tiếp chỉ huy) và Trung đoàn 102 / Đại đoàn 308 (do bác Vương Thừa Vũ là Đại đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy), liên tục thay nhau chiến đấu ròng rã hơn 1 tháng, thương vong rất lớn. Cuối cùng, phải đào hầm ngầm đưa khối bộc phá 1.000 kg đánh vào trung tâm, kết hợp với tấn công dồn dập mới dứt điểm được.

Cháu thiết nghĩ, có 2 vấn đề đặt ra:
Một là, Về chủ trương: Sở Chi huy quân Pháp đặt ở giữa cánh đồng Mường Thanh. Giả sử ta bỏ qua Cứ điểm A1 hoặc cho một lực lượng bao vây chặt Cứ điểm A1, tập trung phần lớn lực lượng đánh thẳng vào Mường Thanh. Và như thế, khi Sở chỉ huy sở của Đờ - Cát ở Mường Thanh bị tiêu diệt, thì tự khắc quân địch ở Cứ điểm A1 cũng bị vỡ tan theo.
Hai là, về cách đánh: Với lực lượng và cách bố phòng của địch ở Cứ điểm A1 mà chúng cháu nghe giới thiệu và xem xét trên thực địa, nếu như hồi đánh Mỹ, ta chỉ cần sử dụng 1 Tiểu đoàn Đặc công, tổ chức điều nghiên thật tốt, thực hành chiến đấu giỏi thì chỉ mất 1 đêm là có thể dứt điểm được.
Nghe tôi trình bày xong, với ánh nhìn thân thiện, ông nói:
- Ý kiến của cháu là điều đáng suy nghĩ. Lịch sử diễn ra một lần, không ai làm lại được. Nhưng, việc nghiên cứu xem xét đánh giá lịch sử lại diễn ra nhiều lần trên từng góc độ, cấp độ và phương diện khác nhau. Bài học trung thực, chính xác được rút ra từ lịch sử sẽ có giá trị cho tương lai. Có điều là, khi xem xét mọi vấn đề của lịch sử đều phải từ quan điểm lịch sử, cụ thể. Lúc bấy giờ, bác là Chính ủy Đại đoàn 316 - Nghĩa là phạm vi chịu trách nhiệm ở một hướng của Chiến dịch thôi. Xưa nay trong nghệ thuật quân sự đều chọn lợi thế điểm cao - nhất là trong chiếm đóng và phòng ngự. Chắc không ai nghĩ rằng, quân Pháp lại đặt Sở chỉ huy của Đờ - Cát ở cánh đồng Mường Thanh, giữa thung lũng. Vì như thế sẽ có nhiều bất lợi khi bị tấn công. Cả về chủ trương cũng như cách đánh vào Cứ điểm đồi A1 là do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở phụ thuộc vào kết quả nắm địch và khả năng lực lượng của ta tại thời điểm đó. Trong một trận chiến đấu (một chiến dịch) nắm được thật đầy đủ, chính xác toàn bộ việc bố trí lực lượng của quân địch là yếu tố đầu tiên đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi - Nhưng trên thực tế đây lại là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi mà trận chiến đấu (chiến dịch) đã kết thúc - Nghĩa là, khi mọi việc đã sáng tỏ như ban ngày. Hơn nữa, hồi đó ta chưa có các đơn vị Đặc công như thời đánh Mỹ.
Khi tôi chuyển công tác từ Cục Chính sách TCCT về Trường Sĩ quan Lục quân 1 (cuối năm 2000) và sau đó khi tôi chuyển công tác từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 về Tổng cục Kỹ thuật (cuối năm 2004), ông đều cho gọi đến chơi nhà. Cả hai lần ông đều căn dặn tôi: Cháu phải luôn nhớ rằng, làm cán bộ chủ trì cần quán xuyến toàn diện, nhưng trong lãnh đạo, chỉ đạo lại phải trực tiếp nắm phần trọng tâm, trọng điểm. Theo cương vị của mình, khi xử lý cái trước mắt, phải tính chuyện dài hơn, đặt nó trong cái chung.
Theo mạch đó, ông kể rằng: Trong chiến đấu trên chiến trường, với cương vị lúc là Tư lệnh, lúc là Chính ủy, ông vẫn thường theo phương cách: Khi chuẩn bị các trận đánh (các chiến dịch) thì phải rất công phu. Nắm thật chắc tình hình địch, ta, địa hình. Thảo luận Phương án tác chiến thật kỹ lưỡng. Nhưng khi đã hạ Quyết tâm rồi, bước vào triển khai thực hành chiến đấu, ngồi tại Sở Chỉ huy ông yêu cầu cấp phó và cơ quan tác chiến điều hành theo kế hoạch. Những gì diễn ra theo dự kiến thì không cần báo cáo với ông. Chỉ báo cáo những vấn đề đột xuất phát sinh. Tại sao vậy. Vì người chủ trì lúc đó cần dành thời gian để suy nghĩ tính toán các bước phát triển tiếp theo. Nếu trận đánh (chiến dịch) giành thắng lợi, thì bước tiếp theo sẽ như thế nào. Quân số, vũ khí, trang bị và các mặt bảo đảm khác lấy từ đâu. Trường hợp không thành công, thì phải làm sao..v..v..Lúc bấy giờ nếu người chủ trì mải miết sa đà vào xử lý những việc quá cụ thể, thì không còn tâm lực để lo việc khác lớn hơn.
Ông trầm ngâm dặn dò: Làm Bí thư Đảng ủy, người chủ trì Công tác Chính trị phải luôn luôn là trung tâm đoàn kết trong toàn đơn vị. Trước hết là phải đoàn kết chặt chẽ với người chỉ huy, trên tinh thần giữ vững nguyên tắc, hỗ trợ nhau thực hành theo chức trách, cùng vì một mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Kinh nghiệm cho thấy, sự mất đoàn kết giữa người chỉ huy và người chính ủy là một nguyên nhân - thậm chí là nguyên nhân chủ yếu - dẫn đến đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Ở ông Chu Huy Mân do hoàn cảnh lịch sử không có điều kiện học tập nhiều tại trường. Nhưng trải qua thực tiễn hoạt động phong phú, sôi động, với nghị lực tự học, luôn đúc kết kinh nghiệm một cách sáng tạo, cộng với tư chất thông minh và phương pháp làm việc khoa học, ông đã có được khả năng tư duy sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến lược.
Có lần, ông Chu Tự Di, Chánh Văn phòng TCCT kể với tôi, cách làm việc của ông Chu Huy Mân thường là: Qua nắm tình hình, xét thấy cần có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo một vấn đề gì đó, thì ông gọi cơ quan chức năng lên. Tự ông đặt vấn đề và nêu ý tưởng khá rõ, rồi giao cho các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị kỹ theo đúng qui trình. Khi đã hình thành dự thảo văn bản, tổ chức hội nghị thông qua, xin ý kiến tập thể. Sau đó, cơ quan hoàn chỉnh văn bản trình lên, ông trực tiếp duyệt lần cuối trước khi ban hành. Cách làm đó là chặt chẽ và có hiệu quả cao, thể hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong nhiều lần tiếp chuyện, tôi thấy ông thường xuyên cập nhật thông tin. Những điều ông đưa ra đều mang tính thời sự trên nhiều lĩnh vực: kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục,…Ông thường nêu lên những vấn đề hệ trọng, bức thiết và sát thực. Tôi cho rằng, khi đã đến lớp tuổi như ông, có lẽ hiếm người được như vậy.
Đại tướng Chu Huy Mân mất ngày 1 tháng 7 năm 2006 tại Hà Nội. Trước đó mấy hôm, tôi có vào thăm ông ở Viện Quân y 108. Hồi ấy, tòa nhà Khoa A 11 đang trong thời kỳ xây dựng lại, ông điều trị ở khu vực Khoa A1 bây giờ. Các bác sĩ cho tôi biết, ông bị bệnh hiểm nghèo, không thể cứu chữa. Ông ngồi với tôi ở gian ngoài buồng bệnh là chỗ tiếp khách. Tôi buồn vô cùng vì chắc chắn sẽ phải vĩnh biệt ông trong một ngày không xa nữa. Nhưng lúc đó nhìn sắc thái ông vẫn rất bình tĩnh. Ông nói với tôi rằng, cháu ạ, Điện ảnh Quân đội đã làm một Bộ phim Truyền hình về bác. Bác đã xem và có một đề nghị: Khi nào từ Viện Quân y 108 điện báo về là bác đã ra đi, thì mới được chiếu. Nghe ông nói, tôi nhận ra rằng: Ở đời, những người có nhân cách lớn thường rất khiêm nhường. Tôi chợt nhớ đến câu nói của người xưa: “ Cái quan định luận” (có nghĩa là: sau khi đậy nắp quan tài, bấy giờ xã hội mới đánh giá đúng về một con người đã ra đi).
Tiếp thu truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Trọn cuộc đời phục vụ cách mạng, ông Chu Huy Mân là một tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, lòng dũng cảm, tài thao lược và nhân cách của người lãnh đạo.
Tài năng, nhân cách và công lao của Đại tướng Chu Huy Mân là rất to lớn. Những cảm nhận của tôi chỉ là một phác thảo, một góc nhìn rất hạn hẹp về cuộc đời trường tồn và sự nghiệp phong phú ông đã cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân.
Mới đó, đã nhiều năm ông về cõi vĩnh hằng. Chép lại vài mẩu chuyện về ông, tôi xin kính dâng một nén hương lòng lên anh linh một CON NGƯỜI mà tôi suốt đời ngưỡng mộ, kính trọng./.
Mỹ Đình, tháng 3 năm 2013
( Trích “ Những Kỉ niệm đời tôi ” Nhà Xuất bản QĐND, năm 2014 )