Menu ngang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Phác thảo 40 năm văn học TP Hồ Chí Minh

Một Ngày thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: sggp.org.vn)
Một Ngày thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: sggp.org.vn)
NDĐT- Thế mà đã 40 năm kể từ khi tiếng reo vui òa vỡ của quân, dân Sài Gòn và cả nước vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 lịch sử. Từ đó, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mở ra một giai đoạn mới cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Đời sống xã hội dội vào tâm hồn những người cầm bút, tăng thêm những khát khao và tin tưởng những chân trời rộng mở cho sáng tạo.
Đứng từ hôm nay nhìn lại, có thể nói, những sáng tạo văn học ở tất cả các thể loại, trong 40 năm qua, là kết tinh những nghĩ suy trăn trở đầy tâm huyết, là trí tuệ, là mồ hôi của biết bao tấm lòng mến yêu đối với Thành phố, với sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa, văn học nơi miền đất này.
Trong vài ba năm đầu, thị trường sách dành cho công chúng ở đây chủ yếu vẫn là sách tái bản. Có những tác phẩm tuy là xuất bản lần đầu nhưng vẫn là những điều đã ấp ủ, viết từ những năm trước.
Cùng với những tác phẩm nói trên, còn một khối lượng lớn hơn, đó là nhiều tác phẩm có giá trị trong tiến trình lịch sử dân tộc, của văn học cách mạng và kháng chiến, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền nam - bắc. Những cuốn sách về đường lối văn hóa văn nghệ của các nhà lãnh đạo, các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình của những cây bút tên tuổi, từ hậu phương miền bắc, được chi viện tối đa nhằm lấp dần khoảng trống của thị trường sách văn học.
Mảng sách cho thiếu nhi, thông qua nhà xuất bản Kim Đồng, cũng nhanh chóng được đưa vào phục vụ cho đối tượng tuổi thơ.
Cũng phải kể thêm một lượng lớn sách dịch của các nước, đặc biệt là văn học Xô-viết và văn học Trung Quốc, được chi viện và xuất bản nhằm thỏa mãn các đối tượng bạn đọc yêu thích văn học nước ngoài.
Những tác phẩm yêu nước tiến bộ, hướng về cách mạng, được viết ngay trong lòng đô thị trước đây, chưa có điều kiện đến bạn đọc, hoặc in bất hợp pháp,do chính sách kiểm duyệt khắc nghiệt của chính quyền Sài Gòn, nay được in lại, xuất bản công khai.
Thị trường sách phong phú ấy đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và suy nghĩ của cư dân Sài Gòn và toàn miền nam, nhưng ở chiều ngược lại, chính đòi hỏi và thị hiếu của công chúng tại đô thị những năm đầu sau ngày giải phóng, đã tác động lớn đến sáng tác của những người cầm bút ở TP Hồ Chí Minh.
Hiểu được tính cấp thiết của lĩnh vực này, Thành phố nhanh chóng quy tụ các lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu của người đọc. Từ những cây bút từng hoạt động cách mạng và có thành tựu về văn chương trước Cách mạng Tháng Tám, như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, rồi đông đảo hơn cả là thế hệ cầm bút tham gia và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến những cây bút trẻ đam mê văn học đang hừng hực khát khao, ai cũng muốn đem tài năng của mình phục vụ dân tộc trong vận hội mới. Từ chiến khu về là những Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Trương Bỉnh Tòng, Giang Nam, Minh Khoa, Trang Thế Hy, Hoài Vũ, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Đinh Quang Nhã, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Lê Điệp, Vũ Ân Thy, Lam Giang, Hà Phương… đến những nhà văn lâu nay bị kềm kẹp trong chính thể cũ như Vũ Hạnh, Nguyễn Nguyên, Nguyễn Trọng Văn, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Phong Sơn, Minh Quân, Phương Đài, Thái Bạch, Thế Nguyên, Chinh Văn, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục… giờ được tự do bung ra sáng tạo. Một số nhà văn sau những năm tập kết ra công tác ở miền bắc, nay được điều động trở về như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Trần Thanh Đạm, Lê Đình Kỵ, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hải Trừng, Mai Văn Tạo, Trần Thanh Giao… và nhiều người khác từ nhiều nơi cũng chuyển về đây. Rồi cùng với thời gian, những thế hệ cầm bút nối tiếp nhau hình thành, trưởng thành, tất cả tạo nên một đội ngũ đông đảo, sáng tạo ra nhiều sáng tác mới, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa đọc vàgóp phần vào diện mạo văn học chung của cả nước.
Sức mạnh của tất cả đội ngũ này đã làm cho đời sống văn học Sài Gòn và nửa đất nước phía nam theo hướng mới phát triển mạnh mẽ, phong phú, sinh động. Cách viết so với thời chiến không bị gò bó mà cởi mở hơn. Cấu trúc, văn phong trong truyện ngắn, tiểu thuyết, do ảnh hưởng của các nền văn hóa, có điều kiện bổ sung cho nhau, tiếp thu từ nhiều nguồn và lan tỏa ra, không chỉ trong phương thức thể hiện, mà ở cả số phận, tâm trạng, ngôn ngữ nhân vật. Trong thơ cũng có nhiều đột phá tìm tòi thể nghiệm đáng trân trọng. Lĩnh vực lý luận phê bình cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và nhờ vậy đã có sự khởi sắc. Nhiều cây bút lý luận phê bình trong các cơ quan thông tin đại chúng, các viện nghiên cứu, các trường đại học, hoạt động sôi nổi, góp sức tích cực trong việc chuyển tải những vấn đề lý luận văn học mác-xít và đường lối văn học nghệ thuật của Đảng vào môi trường mới, đồng thời góp tiếng nói có trọng lượng trong việc khích lệ những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phê phán những mặt tiêu cực của văn học Sài Gòn dưới chế độ cũ, đặc biệt là các khuynh hướng văn học phản động và đồi trụy. Những khuynh hướng lý luận văn học của phương Tây cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn, khi thì góp thêm công cụ cho nhận thức, thẩm định, khi thì tạo các phản đề cho lý luận nghiên cứu phê bình.
Sự chuyển động của xã hội đã tác động mạnh đến đời sống văn học. Nhiều vấn đề bức xúc về cơ chế quản lý, về ứng xử xã hội, thậm chí tạo nguy cơ khủng hoảng chính trị - xã hội được đặt ra. Lớp nhà văn và người đọc mới, kể cả những người đọc trung thành của văn học cách mạng lâu nay, bắt đầu cảm thấy không bằng lòng với những tác phẩm chỉ thể hiện theo phương pháp quen thuộc, những suy nghĩ trong văn chương không theo kịp chuyển động của đời sống. Thực tiễn ấy đòi hỏi những tâm hồn nhạy cảm, cần có một tiếng nói mới góp vào đời sống của văn học có phần phẳng lặng. Và đây là lúc ra đời khá nhiều tác phẩm gắn bó với đời sống, nêu lên những vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm. Những tác phẩm này đã thực sự đã góp phần vào sự đổi mới văn học
Dần dần, một lớp cây bút mới xuất hiện, phần lớn họ sinh ra và trưởng thành cùng Thành phố trong buổi đầu xây dựng. Nổi bật trong số này là những trang viết từ phong trào thanh niên xung phong xây dựng thành phố, từ phong trào quân tình nguyện giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng...
Lãnh đạo thành phố cũng quan tâm, và tạo điều kiện cho sáng tác văn học và các lĩnh vực nghệ thuật khác tiếp tục phát triển. Đặc biệt từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng vào năm 1986, khi sự nghiệp Đổi mới được tiến hành đã mở ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật
Luồng gió mới ấy trong xã hội đã tạo ra sự đa dạng, phong phú trong sáng tác văn học. Nhiều vấn đề lý luận được nhìn nhận toàn diện, khoa học hơn. Nhiều vấn đề và hiện thực cuộc sống, trước đây nhà văn e ngại khi khai thác, nay đã trở nên bình thường khi tiếp cận và phản ánh.
Trên nền chung ấy, hiện thực đời sống kháng chiến khai thác trở lại dưới một cách nhìn mới, đa dạng và đa chiều hơn. Một số cây bút từng có trải nghiệm từ những năm chiến đấu, tiếp tục khai thác những đề tài chiến tranh cách mạng, đã có những bứt phá mới.
Về sáng tác, một số tác phẩm như Đứa con của đất, Người khách đến thăm vườn nhà tôi của Anh Đức, Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang của Nguyễn Quang Sáng, Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng), Một ngày và một đờiCon đường xuyên rừng của Lê Văn Thảo, Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng, Những người hào kiệt của Minh Khoa, Bão đen và sau là Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Đất thở của Thạch Cương, Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang... đã tạo được chú ý.
Cuộc sống hiện tại với những khúc mắc cần giải quyết, những đột phá trong quản lý kinh tế, trăn trở tìm hướng đi mới cho ý nghĩa cuộc sống cũng được các nhà văn hết sức quan tâm. Từ Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường (Trần Bạch Đằng), Giấy trắng của Triệu Xuân, Một thời dang dở của Trần Thanh Giao, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, và giai đoạn sau làCanh năm của Lê Thành Chơn, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương ... góp phần mở ra cách khai thác về đề tài này.
Trong thơ, ba tập Di cảo của Chế Lan Viên không chỉ tạo một đỉnh cao mới trong đời thơ của ông mà đã mang đến nhiều khám phá sâu sắc về tâm hồn con người, cuộc đời và trách nhiệm của thi ca. Thơ của các nhà thơ Viễn Phương, Thu Bồn, Chim Trắng, Nguyễn Duy, Văn Lê, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương... cũng nhiều trăn trở và có những thành công.
Nhiều cây bút lý luận vẫn sắc bén trên mặt trận của mình, giữ vững trận địa, tiếp tục khẳng định những nguyên lý khoa học của lý luận văn học cách mạng, đồng thời vận dụng cách nhìn toàn diện, đa chiều góp phần mang đến những thành tựu mới cho văn học. Những tên tuổi như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Lê Đình Kỵ, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Hoài Anh, Trần Trọng Đăng Đàn, Diệp Minh Tuyền, Lê Ngọc Trà, Dương Trọng Dật, Huỳnh Như Phương... mức độ có khác nhau, nhưng đều có những đóng góp tích cực cho công tác lý luận phê bình văn học của Thành phố này.
Khi công cuộc Đổi mới mở ra, các cuộc tranh luận chung quanh vấn đề đổi mới tư duy trong văn học cũng được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều vấn đề được đặt ra là đúng đắn, với nhận thức và phương pháp toàn diện và khoa học hơn, nhưng cũng có một vài ý kiến cực đoan, quá đà, xuất phát từ những nhận thức thiển cận, cố ý tách rời văn nghệ và chính trị, hạ thấp và phủ định giá trị cơ bản của văn nghệ cách mạng. Tuy TP Hồ Chí Minh không phải là địa bàn trọng điểm của những hiện tượng trên, nhưng cuộc đấu tranh chung quanh vấn đề này cũng sôi nổi, nhiều tiếng nói, bài viết của các cây bút của thành phố có giá trị rất quan trọng trong việc khẳng định đường lối văn nghệ của Đảng, khẳng định thành tựu của văn nghệ cách mạng, góp phần ổn định chính trị xã hội.
Vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, văn học tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Tính đa dạng, phong phú trong đề tài, sự thể nghiệm mới trong phong cách thể hiện có dấu hiệu khác biệt so với thời gian trước. Thành tựu ấy được hiện diện trong sáng tác của nhiều thế hệ, trong đó có một lớp cây bút mới không chỉ sử dụng những phương thức sáng tạo có nhiều mới mẻmà còn phát huy những phương thức công nghệ thông tin mới để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Cũng cần nhắc đến những đóng góp của mảng văn học các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố với sắc thái riêng đặc sắc. Những nhà hoạt động văn hoá như Nghị Đoàn, Hà Tăng, hoặc những nhà văn nhà thơ: Lý Lan, Lưu Thị Lương (người Hoa) hay Inrasara (Chăm), Trần Thanh Pôn (Khơme) Prêkimalamak (Châu Ro)... là những tác giả khá quen thuộc với bạn đọc Thành phố. Tuy số lượng tác gia không đông, trước tác không nhiều, nhưng những tác phẩm độc đáo của họ là đóng góp đáng quý vào vườn hoa chung nhiều hương sắc của Thành phố.
Trong bốn mươi năm qua, văn học ở địa bàn này đã tạo ra không ít những tác phẩm giá trị, đóng góp vào thành tựu chung của Thành phố, vào việc xây dựng nền văn học cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh ở giai đoạn Tổ quốc thống nhất, xây dựng, hội nhập quốc tế. Và đó là những điều rất đáng để chúng ta tự hào.
LÊ QUANG TRANG

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Xin được nói về Chí sĩ ái quốc 
Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu )

( Phát biểu trong Lễ khánh thành Nơi Lưu niệm Cụ tại Nhà thờ thân phụ của Cụ : Cụ Hành tẩu Nguyễn Đức Tân, ngày 19/4/2014)
------------

Được về dự lễ khánh thành Nơi Lưu niệm chí sỹ ái quốc Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu), qua nghe bài Diễn văn của bà Nguyễn Thị Minh Thâm - cháu nội Cụ - và phát biểu của quí vị, tôi cho rằng không còn lời nào nói hay hơn nữa.
 Phát biểu ở đây, tôi xin nói trên mấy khía cạnh.
 Thứ nhất, xin nói lại lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước : Cụ Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) không chỉ là người con của họ Nguyễn Đức, không phải chỉ là người con của quê hương Nghi Lộc, của xứ Nghệ, mà là chí sỹ ái quốc của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ý thứ hai khẳng định rằng: Sự nghiệp phong phú, sôi động, oanh liệt, văn võ song toàn và công lao của Cụ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) là rất to lớn. Hậu thế chúng ta - những người đương nhiệm và những người không còn đương nhiệm - chưa làm được gì nhiều để thể hiện sự đền đáp xứng đáng công lao của Hoàng Trọng Mậu với non sông đất nước. Cần có di tích lịch sử phần mộ chí và nhà thờ Cụ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu). Cần có những con đường ở thị xã Cửa Lò, ở thành phố Vinh, Hà Nội mang tên Hoàng Trọng Mậu. Cụ là tấm gương cho các thế hệ mai sau. Tiếc thay, đến bây giờ mọi thứ vẫn chỉ là dự án. Tôi nhất trí với ý kiến của đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch Nghệ An, đến bây giờ nhà thờ, lăng mộ của chi sỹ Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) chưa trở thành di tích lịch sử văn hóa thì quả thật là sự thiếu sót lớn, quả thật chưa tương xứng công lao của Hoàng Trọng Mậu.
Một cuộc đời hưởng dương chỉ 42 năm, nhưng qua văn thơ, qua thân thế sự nghiệp, qua các tài liệu lịch sử để lại, như Giáo sư Nguyễn Đình Chú trình bày, qua bài diễn văn của bà Nguyễn Thị Minh Thâm, qua các lời điếu, tôi cho rằng vĩ đại lắm. Nhiều người không thể bằng Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ) .” Ái quốc hà cô duy hữu tinh thần lưu bất tử / Xuất sư vị tiệp thả tương tâm sự thác lai sinh” ( Tạm dịch : Yêu nước tội gì, chỉ có tinh thân là sống mãi /  Xuất quân chưa thắng, xin phó thác sự nghiệp cho thế hệ mai sau ) là câu đối tuyệt mệnh của Cụ đọc trước 10 họng súng quân thù tại Trường bắn Bạch Mai năm 1916 - mấy ai làm được. 
         Trong thế hệ các nhà cách mạng đầu thế kỷ 20, Nguyễn Đức Công nổi lên như một nhân vật tài danh, là cánh tay chủ lực của Chí sĩ Phan Bội Châu. Cụ là sự kết hợp hài hòa giữa cốt cách tiết tháo, trung liệt của một nhà Nho với sự can trường, nghĩa hiệp của một chí sĩ yêu nước - một bậc anh hùng. Càng nghiên cứu, càng hiểu thêm về Nguyễn Đức Công ( Hoàng Trọng Mậu ), chúng ta - những người dân Nghi Lộc - càng thấy thật tự hào. 
         Năm 2013, khi được mời tham gia biên soạn sách Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có hỏi Giáo sư Nguyễn Đình Chú: “ Ông ơi, viết sách Tướng lĩnh Nghệ An từ cụ Lê Hồng Phong đến nay là 106 cụ, thì các cụ lớp trước thế nào?”. Cuối cùng, tôi nhất trí cao với ý kiến của thầy Chú là đưa vào Lời giới thiệu. 
       Theo quan niệm của tôi, trong lịch sử bằng văn của đất nước ta, ở huyện Nghi Lộc này, vị tướng lĩnh đầu tiên sáng danh trong lịch sử là Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, kế theo sau đó các con cháu của Cụ. Và cũng phải nói thêm có Hương cống Nguyễn Hữu Chỉnh. Còn trong sự nghiệp chống Pháp xâm lược, trên đất Nghi Lộc ta, có các nhân vật nổi danh là : Đinh Văn Chất, Hoàng Phan Thái ( Đầu xứ Thái ), Đặng Thái Thân, Nguyễn Đức Công ( Đầu xứ Công - Hoàng Trọng Mậu ), Nguyễn Thức Đường ( Trần Hữu Lực ), Long Sơn Nguyễn Đình Hồ và Nguyễn Thức Bao. Dù không phải người chuyên về sử học, chỉ là người ham đọc sách thôi, nhưng theo tôi, rõ ràng phải là như thế. Hình như các nhà nghiên cứu lịch sử - kể cả các nhà lãnh đạo nữa - với một chừng mực nào đó hơi thiên lệch, đánh giá chưa thật đầy đủ về công lao to lớn của các bậc tiên liệt trước ngày có Đảng Cộng sản.

                                                                                  NMĐ

Trò chơi 'Em Yêu Anh'

Thú thật lúc thanh niên với tôi câu "Anh yêu em" cực khó nói. Khi 30 tuổi với người vợ đầu tiên tôi cũng rất khó khăn khi nói với cô ấy ba từ ấy.
Rồi thời gian trôi đi, tôi cũng vẫn rất khó nói "Anh yêu em" mà ở tâm thức thẳm sâu lòng tôi có nó mà khó nói ra lời. Rất thi thoảng mới dám nói, thường chỉ là tin nhắn. Ở tuổi trẻ, thay vì nói ba từ thổ lộ ấy là tôi cầm tay, hôn hay xiết rất chặt.
Từ khi tôi lấy vợ lần ba, tôi cũng rất khó nói ba từ ấy. Chỉ khi nào chúng tôi cãi nhau, rồi giận nhau sau giông gió, thấy cần phải lý giải một trạng thái, tình huống cần thay đổi, xử lý của vợ chồng, trong câu chuyện với vợ tôi có nhắc từ "Anh yêu em" hoặc "Anh rất yêu em và con". Tôi và vợ chênh nhau như một thế hệ. Tôi nhận ra, sau câu chuyện có "Anh rất yêu em và con" ấy, vợ lại hạnh phúc ríu rít như con họa mi trong nhà với con trai gần hai tuổi.
Phải chăng văn hóa Việt Nam chúng ta khác Tây. Cái sự khác ở cái đáng thường xuyên công khai thì ta dìm đi; cái không đáng ta gọi ra công khai như sự tiểu bậy công khai và hôn nhau lén lút.
Tôi ở Tây bao nhiêu năm, cũng quen nhiều cặp uyên ương hay vợ chồng trẻ và rất lớn tuổi. Trên đầu nhà tôi có cặp vợ chồng rất già. Ông bà yêu nhau hơn 45 năm tóc trắng phơ mà họ vẫn hôn nhau và nói "Anh yêu em" hay "Em yêu anh" hằng ngày. Tôi chắc chắn rằng ở tin nhắn khi họ xa nhau đấy, ba từ ấy không thiếu.

Ba từ anh hay "em yêu anh" có cần không? Cần chứ, nó nếu xuất hiện thường xuyên trong cái ô nhắn khi xa nhau sẽ trở thành mồi lửa cho cái ngọn lửa gia đình; đúng lúc và đúng chỗ tạo ra một nguồn vui rất ấm, rất cần, rất đáng cháy lên thường xuyên.
Vài ngày nay, từ ai đó khởi lên trò chơi nhắn cho chồng Em Yêu Anh... bỗng chả phải chuyện đùa. Rất nhiều người thử và nhận lại một loạt các phản ứng của chồng rất tức cười. Có anh nhắn: "Em điên à?". Có bạn nhắn lại: "Thôi, con xin mẹ". Lại có cặp trêu nhau: "Lương chưa đến kỳ em ơi". Vợ tôi cũng thử nghiệm. Thay vì những câu nhắn trên cái ô nhỏ chữ nhật kia trong đời sống vợ chồng bấy nay chỉ toàn mệnh lệnh thức, vô hồn đại loại: "Em họp về muộn hay anh cắm cơm trước nhé", hoặc "Chồng cắm bơm nước chưa", thì hôm nay cô ấy nhắn ba từ: "Em yêu anh". Ba từ mà trước đó khi ta yêu nhau hầu như rất nhiều cặp uyên ương rắc đầy tin nhắn. Tất nhiên tôi cũng đùa lại, rằng lại muốn chồng trả nợ cái dây chuyền đã hẹn hả. Vợ tôi nhắn: “Không, em yêu anh, thật mà".
Trò chơi Em Yêu Anh cực hay do ai nghĩ ra trên mạng xã hội đã giúp nhiều cặp vợ chồng bứt ra khỏi cái cuộc sống căng thẳng, bận rộn, ngồi suy ngẫm, tự nhìn lại văn hóa ứng xử của chúng mình thường ngày hình như có khiếm khuyết. Hình như ta thiếu hụt so với văn hóa xứ người ta một điều rất nhỏ, phải thường xuyên bày tỏ hay vun đắp nhắc nhớ gìn giữ mái nhà gia đình để nó bền chặt? Chúng ta thiếu một nhu cầu cần có ở nam hay nữ giới khi đã nên vợ nên chồng để khi chợt nhận tin nhắn có ba từ ấm áp ấy, thương yêu vô vàn ấy, lại cảm thấy như bất thường, thậm chí dị thường như kẻ điên.
Có cần phải thay đổi một quan niệm sống trong ứng xử sinh hoạt vợ chồng không, để thoát khỏi tình trạng này, bởi chí ra khi nhận được ba từ ngắn gọn kia người chồng và người vợ chợt dừng tay nghĩ tới một thành tố vô cùng quan trọng trong đời mình mà giữ gìn cái ngọn lửa thương yêu, trách nhiệm mà đôi khi vì duyên cớ ngại lai nào đó bản thân ta chưa để ý, coi trọng mà hờ hững.
Sớm nay sau khi viết dòng này tôi sẽ viết ba từ "Anh yêu em" và gửi cho người vợ yêu thương của tôi. Thử xem...
Nguyễn Văn Thọ
Theo : VnExpress

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Chiến tranh không bao giờ là ngày hội

Từng tham chiến, những nhà văn như Chu Lai, Nguyễn Văn Thọ, Bảo Ninh và Lê Minh Khuê nhận thấy rõ sự trần trụi, khốc liệt của chiến tranh cùng những nỗi buồn hậu chiến.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Nguyên khí ngoài biên chế
Cao Tự Thanh

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. Ảnh: Trần Việt Đức

Ở Việt Nam tuyệt đại đa số những người nghiên cứu khoa học đều làm trong cơ quan nhà nước, quyền lợi lương bổng hưu trí đương nhiên là chuyện không cần bàn, lại được giáo dục tư tưởng, hướng dẫn chuyên môn, nâng cao trình độ, giao lưu quốc tế, cung cấp kinh phí vân vân, tóm lại có rất nhiều cái hay. Cho nên một số người chẳng nghiên cứu khoa học được nhưng may mắn chuột sa chĩnh gạo trở thành công chức, một số người nghiên cứu được nhưng cứ nghe tới đề tài công trình là hỏi ngay kinh phí bao nhiêu rất giống doanh nhân. Nhưng thôi cứ biết thế, ở đây chỉ nói tới những người làm khoa học (chủ yếu là khoa học xã hội) ngoài biên chế nhà nước.

Cần nói ngay rằng làm khoa học tất nhiên phải nghiên cứu, nhưng nghiên cứu chưa chắc đã là làm khoa học. Trong cuộc sống có rất nhiều điều cần nghiên cứu, cũng có rất nhiều người có thể dùng các thao tác nghiên cứu để tìm hiểu những điều ấy, nhưng đó chưa hẳn là khoa học. Khoa học chính qui chia thành những ngành ổn định, có đối tượng nghiên cứu xác định, có hệ thống phương pháp và thao tác nhất định. Một người làm khoa học chuyên nghiệp có thể hoạt động trong một hay vài ngành tùy theo năng lực, nhưng phải nắm vững phương pháp và thao tác nghiên cứu đồng thời theo đuổi một số đề tài có hệ thống và ở mức độ chuyên sâu với những kết quả sáng tạo đủ để có thể trở thành chuyên gia ít nhất trong một ngành. 
Từ cách hiểu nói trên mà nhìn thì những người làm khoa học ngoài biên chế nhà nước ở Việt Nam hiện nay không có nhiều, nhưng nếu đã được thừa nhận là người làm khoa học thì chắc chắn họ đã làm được một số công trình có tính hệ thống với phương pháp chuyên nghiệp, hàm lượng sáng tạo và chất lượng khoa học ít nhất không thua kém gì so với người nhà nước. Nhưng tính năng động, sự nhẫn nại, lòng tự trọng, đức liêm khiết, ý thức trách nhiệm và nhất là phẩm chất độc lập trong tư duy khoa học ở họ chắc chắn cao hơn rất nhiều người nghiên cứu khoa học trong biên chế, bằng chứng là họ không có những công trình, bài viết minh họa chủ trương, tô màu nghị quyết thường thấy trong giới khoa học quan phương. Chỉ là họ không có được những điều kiện làm việc mà những người kia có, cũng không có được sự khích lệ vật chất và tinh thần tương xứng, không lao động tiên tiến, không học hàm học vị, còn thu nhập thì dù có thâm niên làm khoa học ba bốn mươi năm cũng không thể đến hẹn lại lên để được tăng theo năm tháng, mà nếu không có chút ít tài sản thì còn phải phân tâm chia sức lo chuyện áo cơm. Và khác với nhiều công trình trong khu vực khoa học quốc doanh, công trình của họ chỉ có một người nghiệm thu duy nhất là người đọc tức người mua, nếu nó được xuất bản, và chúng phải chịu sự thẩm định của dư luận theo cách nếu có công thì thiên hạ có quyền lờ lớ lơ, nếu có tội hay bị coi là có tội thì thiên hạ tha hồ chê bai, vì ngoài việc tự bảo vệ của từng cá nhân thì không có cơ quan nghiên cứu và ngôn luận nào có trách nhiệm giữ công đạo cho họ cả. Chuyện tác quyền cũng thế, sách bị luộc ném lên mạng cũng đành bó tay. Mà danh gì lợi gì khi số người biết tới họ còn ít hơn số người biết tới một ca sĩ, một người mẫu loại trung bình, khi công trình làm cả năm nếu được xuất bản thì nhuận bút chỉ đủ sống vài tháng, mà vẫn phải đóng thuế thu nhập nữa? Có thể một số nhà khoa học nước ngoài quen biết họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể mời họ cộng tác. Có thể có một số quan chức trong chính quyền tin tưởng họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể giao cho họ những trách nhiệm khoa học tương xứng. Có thể một số người quen biết ủng hộ họ, nhưng trước nay chưa có ai trong số họ được cho phép lập một cái hội nghiên cứu nào đó. Vì họ không phải là người nhà nước, vậy thôi. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, sở dĩ Thân Nhân Trung vắn tắt được như thế vì thời bấy giờ quốc gia Đại Việt không chia hiền tài làm hai loại trong và ngoài biên chế. 
Có thể một số nhà khoa học nước ngoài quen biết họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể mời họ cộng tác. Có thể có một số quan chức trong chính quyền tin tưởng họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không thể giao cho họ những trách nhiệm khoa học tương xứng. Có thể một số người quen biết ủng hộ họ, nhưng trước nay chưa có ai trong số họ được cho phép lập một cái hội nghiên cứu nào đó. Vì họ không phải là người nhà nước, vậy thôi.
Vậy họ chịu thiệt thòi và chấp nhận sự thiệt thòi vì cái gì? Chỉ vì sự khát khao hiểu biết và lòng mong muốn được chủ động chia sẻ tri thức với cộng đồng. Nhưng xã hội đã làm gì cho họ trong trách nhiệm là xã hội, chính quyền đã làm gì cho họ trên cương vị là chính quyền, đồng nghiệp trong biên chế nhà nước đã làm gì cho họ với tư cách là đồng nghiệp? Theo chỗ họ và rất nhiều người khác biết, mấy vụ đó cho đến nay cơ bản vẫn chưa có gì. Cũng có thể có một số cá nhân hay tổ chức muốn giúp đỡ tạo điều kiện này khác, nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ lại không thể nhận lãnh những nghĩa cử ân tình ấy. Được giải thưởng thường mang tiếng thị phi, nhận tiền giúp dễ nếm mùi tủi nhục chỉ là một mặt, mặt kia của vấn đề là sau khi tiếp nhận nghĩa cử, thụ hưởng ân tình thì họ còn có thể tiếp tục độc lập trong tư duy và hoạt động khoa học hay không.
Cho nên trước mắt, họ cứ việc tự sinh tự diệt, còn nếu muốn tự sướng lúc chịu thiệt thòi, họ có thể tìm một tên gọi khác cho sự khát khao và lòng mong mỏi của mình, đừng nói mình muốn cống hiến, vì khoa học, cho tương lai gì gì. Những động cơ sang trọng ấy trong thực tế chủ yếu không phải dành cho họ.
Cứ gọi là Kiếm cơm.
Năm 1990, Cao Tự Thanh xin nghỉ việc nhà nước lúc đang là quyền Giám đốc Bảo tàng Long An, trở thành một người nghiên cứu ngoài biên chế. Hướng nghiên cứu chính của ông là lịch sử văn hóa Việt Nam và lịch sử xã hội – chính trị Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu chính gồm: Văn học Hán Nôm ở Gia Định (1988 và 1998), Quốc triều Hương khoa lục (1993), Thơ Trần Thiện Chánh (1995), Đại Nam Liệt truyện Tiền biên (1995), Nho giáo ở Gia Định (1996 và 2010), Văn học Đàng Trong (2007), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (2011 và 2012), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ (2013), Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca Chú thích (2014), I và Y trong chính tả tiếng Việt (2014). Ông còn là tổng chủ biên bộ 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (đã xuất bản hơn 20 quyển), chủ biên công trình Những thay đổi trong đời sống văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh từ 1985 đến nay (2012), tổng chủ biên bộ Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (đã xuất bản 2 tập).

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

                CẢM XÚC THÁNG 4/ 2015


 KỶ NIỆM 70 NĂM TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1

                      I

Bốn năm lưu lại đất Sơn Tây
Một chặng đời binh ở chốn này
Rộn rã quảng trường trong nắng mới
Người quen cảnh cũ dạ ngất ngây

                   II

Về  xứ Đoài
tìm lại một thời sôi nổi
đã qua
Giũ bụi thời gian
trang ký ức ập ùa
Đâu nhỉ dấu chân ta
những nẻo đường phận số
Lâng lâng lòng luyến nhớ
Dịu ngọt giọt heo may
Xốn xang trang nắng đong đầy...

                            Sơn Tây, 15/4/2015

ĐÀ NẴNG

Gặp mấy con phố sầm uất chưa kịp đặt tên
Và mấy con đường có tên chưa có người ở
Tên đường - vinh danh những danh nhân lịch sử
Thuở bình sinh họ đâu biết có tên đường ...

                                          Đà Nẵng, 16/4/2015

HUẾ

Chiến tranh chém phạt lên thân ta
 trọn đời thành thương tật
So với bao đồng đội cùng thời đã khuất
từng góc phố hàng cây
ta hạnh phúc bội phần...

Mấy mươi năm thể phách cát bụi đường trần
Hồn thiêng các anh có về đây từ cõi Phật.

Nắng vàng trời xanh giữa dòng người tất bật
Ta thả hồn phiêu diêu trở về ký ức hoa niên…

                                            Huế, 18/4/2015

QUẢNG TRỊ

Lại trở về nơi ấy miền Trung
cát bỏng gió Lào hầm hập
Những phận người
sống trên cát, chết vùi trong cát
Dẫu sự đời qua bao nỗi biến thiên...

Trở về đây tìm lại tuổi hoa niên
một nẻo đường trận mạc
Hiển hiện trong lòng
những gương mặt người đã khuất
ngước mắt cật vấn 
đâu dễ trả lời.

Nhân tình thế thái đa đoan
Dòng người tất bật mưu sinh
Bâng khuâng lãng đãng dõi tìm…

                       Quảng Trị, 20/4/2015





                           
                                   

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Bi hài vì dốt ngoại ngữ

(PetroTimes) - Khả năng tiếng Anh ấm ớ của không ít những người nổi tiếng hay những sự kiện đáng ra phải được truyền tải chính xác thể hiện rằng người Việt học hành không đến nơi đến chốn và không biết tới bao nhiêu năm nữa mặt bằng chung về ngôn ngữ này mới được thật sự khỏa lấp.
Thảm họa phát âm
Đã nhiều năm nay cách phát âm các tên doanh nghiệp, đơn vị, địa danh vẫn chưa được thống nhất. Ở mỗi nơi lại mỗi khác, chỗ này đọc tên ra thế này, chỗ kia đọc cũng tên đấy lại ra thế khác khiến người nghe đầu tiên là ngỡ ngàng vì nghe một cái tên lúc lạ lúc quen, sau nhiều người thấy rằng thật buồn cười khi thậm chí ngay cả trên truyền hình việc phát âm không chuẩn các tên này vẫn cứ diễn ra.
Không phải mới đây mà có lẽ đã cả một thời gian dài trước đây nhiều người Việt Nam có cách phát âm không chuẩn ngôn ngữ nước ngoài mà ở đây phổ thông nhất là tiếng Anh. Không dưới một lần tôi nghe tiếng người dẫn chương trình trên một vài kênh sóng của đài truyền hình địa phương phát âm tên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tên tiếng anh là Vietnam Electricity, viết tắt là EVN, phát âm chuẩn là “i-vi-en” nhưng cô MC ấy lại đọc là “e-vê-nờ”, có lần khác tôi cũng nghe tới cụm từ EVN đấy nhưng lại là “e-vi-en”; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tên gọi tắt là Petrovietnam, viết tắt là PVN, đọc là “pi-vi-en” nhưng có anh MC nọ cũng đọc giống cô MC trước, hồn nhiên đọc là “pê-vờ-nờ” hay “pi-vi-nờ”; tên giao dịch bằng tiếng Việt: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tên viết tắt bằng tiếng Việt: TKV còn tên viết tắt bằng tiếng Anh lại là VINACOMIN (Vietnam National Coal and Mineral industries holding corporation limited). Ở đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam lúc thì viết tắt dùng tiếng Việt, lúc dùng tiếng Anh. Như Tập đoàn Than - Khoáng sản gọi là TKV (tê-ca-vê) có lần tôi nghe một phát thanh viên đọc là “ti-ka-vi”, có người lại phát âm như tiếng anh “ti-kei-vi”. Mà Tập đoàn này đã có riêng tên giao dịch tiếng anh là Vinacomin (vi-na-cô-min) nhưng tên này cũng không được đọc chuẩn mà lại thành vi-na-co-min, nghe như đọc ngang từ tiếng Việt sang vậy.
Ảnh minh họa
Không chỉ các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng cũng không được đọc tên một cách chuẩn xác, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) sẽ được đọc là “vi-pi-banh” nhưng cũng có người đọc là “vê-pê-banh”…, OCEANBANK đọc chính xác là “âu-sừn-banh” thì lại có người đọc “o-sừn-banh” hay “o-sen-banh”…
Tên địa danh các nước nhiều khi cũng không có sự thống nhất, ngay cả thủ đô của nước Nga có người đọc là Moscow, Matx-cơ-va nhưng lại có người Việt phiên âm thành Mạc Tư Khoa. Không ngạc nhiên khi nhiều người Việt nghe Mạc Tư Khoa có thể hiểu là thủ đô của nước Nga bởi trước đây để người Việt nắm được tên thủ đô các nước mà không phát âm được chuẩn quốc tế, thì người Việt đã phiên âm bằng âm Hán Việt theo cách người Trung Quốc đã dịch cho nước họ. Ví như: Portugal là Bồ Đào Nha, Spain - Tây Ban Nha, Turkey - Thổ Nhĩ Kỳ, Australia là Úc…
Vấn đề đặt ra ở đây là đã có những quy chuẩn rồi nhưng không ít người lại không nắm được mấu chốt để làm sao phát âm cho đúng. Khi nào thì đọc tiếng Anh khi nào thì đọc tiếng Việt, mà nếu đã phát âm tiếng Anh thì phải tiếng Anh hết chứ có 3 từ mà một âm Anh, 2 âm Việt thì thật buồn cười. Hơn nữa đó lại là trên sóng truyền hình, dù đó là đài của địa phương hay một đơn vị nào đó thì vẫn gây cười và đôi khi là khó chịu cho người nghe. Vậy nên chăng thống nhất cách đọc những cái tên cơ bản này?
Như vậy, mấu chốt của vấn đề ở đây là người đọc thứ nhất không hiểu bản chất của từ mình được đọc, đó là viết tắt của tiếng Anh hay tiếng Việt. Hai là việc học và phát âm tiếng Anh của người Việt không đến nơi đến chốn. Bàn sang việc học tiếng Anh của người Việt. Chuyện này có lẽ cũng đã có từ rất lâu rồi, người Việt phát âm tiếng Anh không chuẩn đã trở thành “thảm họa” thế nào.
Dốt hay văng tiếng tây
Không ít các nghệ sĩ, diễn viên khi phải đụng tới tiếng Anh đã thể hiện sự lúng túng như gà mắc tóc. Nữ diễn viên Trang Trần đã bối rối và phải dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt từ tiếng Anh muốn nói trong chương trình “Cuộc đua kỳ thú”. Ca sĩ trẻ Hoàng Yến Chibi thì phát âm từ sai liên tiếp khi hát tiếng Anh, cô ca sĩ này bỏ hết âm cuối, trong khi đây là yêu cầu rất cơ bản trong việc nói tiếng Anh. Ngay cả cựu đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ - người được cho là vốn giao tiếp “năm châu bốn bể” cũng có cách phát âm chưa chuẩn trong một lần kiều nữ được phỏng vấn tại Nam Phi. Hoa hậu Nguyễn Thị Loan trong đoạn giới thiệu bản thân tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2014 nhận nhiều phản hồi không mấy tích cực về khả năng nói tiếng Anh của mình. Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương từng làm nhiều người chán nản khi viết sai danh hiệu của chính mình trên tấm pano cùng các hoa hậu khác. Cụm từ "Hoa hậu thế giới người Việt" tiếng Anh là Miss Vietnam World, nhưng Diễm Hương lại viết theo đúng trật tự... tiếng Việt là Miss World Vietnamese. Đáng ngại là khi cụm từ này được in trên tờ rơi, băng-rôn, áo đồng phục và nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông trong suốt cả năm trời, thể hiện bộ mặt của chủ nhà Việt Nam không mấy thiện cảm.
Hoa hậu Diễm Hương từng viết sai tên của mình khi tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế
Việc học dịch, phát âm hay nói chung là khả năng tiếng Anh của người Việt nhiều năm qua vẫn trở thành đề tài được đưa ra tranh luận. MC thì dịch sai, phát âm không chuẩn, diễn viên, ca sĩ phát âm cũng sai, hoa hậu ra xứ người thì lúng túng như gà mắc tóc vì có khi người ta nói 10 mình hiểu 1-2… Từ câu chuyện về phát âm những từ viết tắt đơn giản mới thấy rằng, khả năng tiếng Anh của người Việt vẫn còn chấp chới.
Thanh Huyền (theo Năng lượng Mới)

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

                 THỊ XÃ QUÊ HƯƠNG


Ở bên bờ biển vắng
Thị xã dáng đìu hiu
Qua cơn mưa đỏng đảnh
Trời hửng nắng ban chiều

Ngoài kia cơn sóng bạc
Mơn man bãi cát vàng
Sắc trời xanh xứ sở
Thả hồn ta lang thang

Đây bãi biển quê hương
Thuở thiếu thời thân thiết
Dòng thời gian mải miết
Theo ta mọi nẻo đường


                      Cửa Lò, 08/4/2015

                                N.M.Đ
TÌNH MẸ
            
                                 Tặng con nhân ngày sinh nhật

                              Nguyễn Thị Quy

Ngày mẹ sinh con
Trời mùa thu xanh ngắt
Mùa thu có màu vàng của lá
Có mơn man ngọn gió
Và có cả buồn vui
Trong hành trang của mẹ
Cùng con bước vào đời

Mẹ cho con tình thương
Bằng củ khoai nương rẫy
Bố cho con tình thương
Bằng đủ đầy chí hướng
Con lớn lên
vạm vỡ hình hài
đẹp như trong cổ tích
Hai lăm mùa thu trôi

Nỗi buồn xa xôi tình mẹ
Còn đâu những ngày thơ bé
Chân trời mải cánh chim bay
Mẹ thương những ngày đông
heo may
Cánh buồm ra khơi trong
chiều lặng gió
Và những hoàng hôn
buông đầy lối nhỏ
Tầm tan xuôi ngược con về

Trái tim bộn bề kỷ niệm
Nhớ con nước mắt bờ mi
Yêu con, mẹ yêu mùa thu
Mùa thu có màu vàng của lá
Có màu xanh dải lúa
Có tiếng chim hót bên cửa sổ
Có bầu trời ước mơ
Dẫu con còn ở nơi xa
Nhưng mùa thu rất gần mẹ

Tặng con cả một mùa thu con nhé
Mùa thu vàng và tình mẹ gửi cho con!

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

BÀI HỌC VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN

 HÓA VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

 QUA MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU 

CỦA GIÁO SƯ TRẦN ĐÌNH HƯỢU

  •   NGUYỄN HUY PHÒNG

Dù tên tuổi không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông hay trên một số ấn phẩn sách báo quảng cáo thời vụ nhưng với bản tính khiêm nhường, cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên bác, lối hành xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” của ông đồ xứ Nghệ, GS Trần Đình Hượu vẫn lặng lẽ cống hiến trọn đời mình cho sự phát triển của nền học thuật nước nhà trên phương diện nghiên cứu tư tưởng văn hóa, văn học truyền thống.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Đường số phận

                                                  Tuyết Nga

Lễ cưới không tình yêu

Tình yêu không lễ cưới

Cuộc đời vinh quang, cuộc đời lặng lẽ

Đường số phận ngả nào cũng những người đi.


 

Chưa kịp nhận ra lối rẽ đời mình

Thân đã bước trên cánh đồng nước trũng

Chim gì kêu xa ?

Bóng gì mặt nước ?

Nhánh lúa gầy giữa gió đứng xanh.


 

Cánh đồng ngoại vi thành phố

Đời mình

Chông chênh mây và miên man gió

Sông thời gian trôi qua lầm lũi

Bông cỏ vàng hạnh phúc cuối bờ đê.


 

Ai giờ nơi thành phố người đông

Hoa nhà hát, đèn ngã tư

Đại lộ

Dáng nét tân thời, điệu nhạc vang thành đạt

Chiếc li hồng bàn tiệc những vinh quang.


 

Ai về nơi miền nắng lá bay

Sỏi đá bạc dọc triền đồi đất đỏ

Hành trang mang theo không thể nào gỡ bỏ

Tình yêu gập ghềnh gõ móng lối thời gian.


 

Lễ cưới chẳng chờ mong

Tình yêu không định trước

Vinh quang tình cờ, vinh quang may mắn

Những đau buồn bất chợt rủi ro.


 

Ơi cánh đồng bốn mùa khuya sớm cuộc đời ta

Xin chấp nhận

Chẳng cần đánh đổi

Sẽ dầu dãi, sẽ quen dần nắng gió

Bông cỏ vàng hạnh phúc nở mùa thu.


 

11 – 1987