Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

         THIẾU BẢO ĐÔ ĐỐC HOẰNG QUẬN CÔNG 
            
                            NGUYỄN KẾ HƯNG



Thiếu bảo Đô đốc Hoằng Quận Công Nguyễn Kế Hưng sinh năm Giáp Ngọ (1534), là : con trai thứ của Đô chỉ huy sứ Vệ Kim Ngô Quỳnh Sơn Hầu Nguyễn Đình Báu, là cháu Tán trị công thần Đặc Tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc Nguyễn Đình Phú, là chắt Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài, là hậu duệ đời thứ 5 Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
 Năm 1533, được sự giúp đỡ của Nguyễn Kim - võ tướng triều Lê sơ - đưa Lê Trang Tông lên ngôi, niên hiệu Nguyên Hoàng, mở ra triều đại Lê Trung Hưng. Đây cũng là năm khởi đầu cuộc nội chiến Lê - Mạc (còn gọi là cuộc chiến tranh Nam Bắc triều). 12 năm sau, năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, Trịnh Kiểm - con rể Nguyễn Kim - lên thay giữ chức Tiết chế các đạo quân triều đình Lê Trung Hưng.

Năm 1957, Nguyễn Kế Hưng bước vào quan trường, đúng vào thời điểm cha ông là Quỳnh Sơn Hầu Nguyễn Đình Báu  bị tử trận trong cuộc giao chiến với quân nhà Mạc tại sông Giao Thủy (Nam Định). Nén đau thương, Nguyễn Kế Hưng nối gót cha hăng hái tham gia  cuộc chiến “Phò Lê diệt Mạc”. Tuy nhiên, về mặt triều chính, Nguyễn Kế Hưng vô cùng lo lắng khi thấy Trịnh Kiểm sau khi kế vị Nguyễn Kim ngày càng lộng hành, lấn át vua Lê, gây nên sự bất bình, phản kháng trong công thần triều đình. Trước tình thế ấy, Nguyễn Kế Hưng cùng các trung thần tìm cách can ngăn Trịnh Kiểm nhưng không có kết quả.
Năm 1569, Trịnh Kiểm bị bệnh nặng, vua Lê Anh Tông đưa Trịnh Cối con trai đầu Trịnh Kiểm lên thay cha giữ chức Thống lĩnh quân đội nhà Lê. Với việc làm này, vua Lê Anh Tông những tưởng đã trừ được tai họa. Không ngờ, khi Trịnh Kiểm qua đời (1570), vừa kết thức tang cha, anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng lập tức tranh giành quyền kế vị. Sau khi đánh dẹp được Trịnh Cối, Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông, rồi  đưa Lê Duy Điểm, con trai thứ 3 Lê Anh Tông lên ngôi vua, danh hiệu là Lê Thế Tông, đặt niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất, dọn đường cho việc thực hiện âm mưu sâu xa của mình.
Năm 1599, sau khi diệt được nhà Mạc, kết thức cuộc chiến tranh Nam Bắc triều, Trịnh Tùng nắm trọn binh quyền, sắp đặt quan chức, tận phong tước vương, tự xưng là Đô Nguyên soái, Tổng Quốc chính, Bình Vương an. Lập phủ Chúa riêng, tách ra ngoài triêu Lê Trung Hưng. Đến đây, vua Lê chỉ còn danh nghĩa, mất hết quyền bính trị vì đất nước, triều đình rối loạn, quần thần phân hóa, người ngả về phủ Chúa, người nổi loạn chống triều đình. Trong tình thế ấy, Nguyễn Kế Hưng cùng các công thần trung thành với nhà Lê chống lại sự phản bội của chúa Trịnh và những kẻ cơ hội “ đục nước béo cò”. Công tích này của Nguyễn Kế Hưng được triều đình vua Lê đánh giá rất cao. Sau này, trong bài văn chế vua ban cho Nguyễn Trọng Thưởng, con trai của ông, vua Lê Thần Tông có câu đành giá về Nguyễn Kế Hưng là : “ Ông là người trí dũng, là công thần trung hưng, sự nghiệp được khắc tên vào chuông, vạc”.
Nâm Kỷ Vị ( 1619), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất triều vua Lê Thần Tông, vâng mệnh Triều đình, Nguyễn Kế Hưng đi kiểm tra đê điều, đường sá ở 2 huyện Quỳnh Côi và Thủy Nguyên, tỉnh Thái Bình. Trong lúc Nguyễn Kế Hưng đang thừa hành công vụ, thì bọn nghịch thần nhà Lê là : Phạm Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê nổi loạn đem quân sát hại ông.
Khi sự việc xẩy ra, triều đình Lê Trung Hưng bàng hoàng và vô cùng thương tiếc công thần trí dũng Nguyễn Kế Hưng. Triều đình long trọng tổ chức lễ tang ông theo nghi thức quốc gia, với đông đủ văn võ bá quan.
Vua Lê Thần Tông ban sắc ca ngợi công đức của ông đối với đất nước như sau:
Phiên âm:
Sắc gia tặng Đô đốc Hoằng Quận Công. Thì kề kiện chí. Hoàn hoa dĩ mông. Nhị khắc gia tiến tiền sự nghiệp địch khôn. Tam cần sự khuông quốc huân cao. Tích thời kỷ biểu niên danh. Kim nhật tái gia hiến trật. Vị cải kỷ chính thủy ưng gia phong Thiếu bảo chức, khả gia phong Thiếu bảo Hoằng Quận Công.
Cố Sức Đức Long nguyên niên, ngũ nguyệt sơ lược thuật.
Dịch nghĩa:
Sắc gia tặng Đô Đốc Hoằng Quận Công. Ông là người mang chí lớn, gây dựng nên dòng họ vinh hiển. Nên nhiều đời nhận được sự ân thưởng của triều đình. Ông kế thừa sự nghiệp của tiền nhân, lại có công lớn giúp rập nước nhà. Công tích ngày trước đã làm rạng rỡ cho tên tuổi ngày nay. Nên nay gia tặng thêm phảm trật, nhân bắt đầu niên hiệu mới. Đáng được gia phong là : Thiếu bảo Hoằng Quận Công”. Cho nên ban sắc.
Niên hiệu Đức Long năm đầu (1629) ngày mồng 6 tháng 5.
Ông phò vua giúp nước trọn đời trung nghĩa với triều đại Lê Trung Hưng, được người đương thời ca ngợi là bậc danh tướng nổi tiếng.
Vợ ông là bà Hồ Thị Cẩm, quê ở xã Lan Hương, huyện Đông Thành, Nghệ An - con gái ngài Hồ Hoằng hiến sát thừa tuyên Quảng Nam. Ông bà sinh được 2 người con trai, cả hai đều là công thần triều Lê Trung Hưng, có công lớn, được vua vinh phong chức tước rất cao:
-  Con trưởng là Nguyễn Trọng Thưởng, hiệu là: “ Phụ quốc, Thần tín, Dương võ, Uy dũng, Tán trị công thần”. Chức là: “ Đặc tiến phụ Thượng tướng quân, Điện tiền Đô hiệu úy điểm ty, Trụ quốc Thượng trật Trinh Quân Công”;
-  Con thứ là Nguyễn Kế Đại, giữ chức : “ Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Kim ngô vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Hữu hiệu điểm, Hòa Thắng Hầu…”.
Nhà thờ Thái bảo Đô đốc Hoằng Quận Công Nguyễn Kế Hưng tại xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Cách nhà thờ Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài khoảng 500 mét về phía Tây Bắc. Cách nhà thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí khoảng 300 mét về phía Đông.


    Biên soạn theo tài liệu Tộc phổ danh thần Chi họ Nguyễn Đình tại làng Yên Lạc, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và Tộc phổ Đại chi 5 họ Nguyễn Công thần Thượng Xá. Biên niên Lịch sử cổ Trung Đại Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét